tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 15-06-2016

  • Cập nhật : 15/06/2016

4 tàu chiến Canada tham gia tập trận RIMPAC

4 tàu chiến của Canada đã rời cảng Esquimalt để đi tham gia cuộc tập trận mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2016 do Mỹ đăng cai.

 
tau khu truc hmcs calgary.

Tàu khu trục HMCS Calgary.

Bộ Quốc phòng Canada cho biết ngày 13/6 hai tàu chiến của nước này đã rời cảng Esquimalt để đi tham gia cuộc tập trận mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2016 do Mỹ đăng cai. Sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 30/6-4/8 ở trong và xung quanh quần đảo Hawaii cũng như Nam California.

Hai tàu nói trên là các tàu khu trục HMCS Calgary và HMCS Vancouver lớp Halifax. Cùng tham gia sự kiện này sẽ có 2 tàu bảo vệ bờ biển lớp Kingston là HMCS Saskatoon và HMCS Yellowknife. Hai tàu này sẽ rời đi trong tuần tới để tới vùng biển ngoài khơi Nam California.

Nhân dịp này, các tàu khu trục HMCS Calgary và HMCS Vancouver sẽ thử nghiệm các hệ thống vũ khí mới và nâng cấp thiết bị của tàu. Dự kiến, sẽ có 27 quốc gia tham gia cuộc tập trận trên biển lớn nhất thế giới nêu trên.


NATO tung 4.000 quân, các nước Baltic vẫn lo không đủ sức ngăn Nga

Lãnh đạo các nước Baltic và Ba Lan đang lo lắng lực lượng mà NATO định triển khai đến lãnh thổ của họ quá ít để chống lại một cuộc tấn công từ Nga.

Trong tuần này, họ sẽ thúc giục các bộ trưởng của liên minh quân sựphương Tây giúp họ xây dựng hệ thống phòng không ứng phó máy bay và tên lửa Nga. Tuy nhiên, động thái đó sẽ là một bước đi nhạy cảm, nhiều khả năng bị Moscowc chỉ trích và cáo buộc ngược rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đang tìm cách đưa quân áp sát biên giới nước này.

nguoi linh lithuania quan sat khu vuc xay dung quan su o tp pabrade. anh: reuters

Người lính Lithuania quan sát khu vực xây dựng quân sự ở TP Pabrade. Ảnh: REUTERS

Khi được hỏi về khả năng xâm chiếm của Nga ở vùng Baltic, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania, ông Juozas Olekas, trả lời: “Chúng tôi không thể loại trừ chuyện đó. Những cuộc tập trận của họ ở biên giới có thể biến thành một cuộc tấn công xâm lược chỉ trong vài giờ. Chúng tôi cần ngăn những đợt tấn công bằng đường không và đang thảo luận nhằm xây dựng một hệ thống phòng không chung với Latvia, Estonia và Ba Lan”.

Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania nêu vấn đề này với các thành viên NATO tại cuộc họp của các bộ trưởng vào ngày 14 và ngày 15-6 tại Brussels – Bỉ. Tư lệnh quân đội Estonia, Trung tướng Riho Terras cho rằng “việc trước tiên và quan trọng nhất là bảo vệ không phận”. “Chúng tôi không nói riêng về quốc phòng của Lithuania mà về sự tin cậy của toàn bộ liên minh” – Ngoại trưởng Linas Linkevicius của Lithuania nhấn mạnh.

luc luong my gan bien gioi lithuania – latvia anh: reuters

Lực lượng Mỹ gần biên giới Lithuania – Latvia Ảnh: REUTERS

Lithuania, Latvia và Estonia cho rằng họ nằm ở chiến tuyến đối đầu tiềm năng với Moscow nên luôn đặt quân đội ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Các nước này mong muốn máy bay NATO tuần tra trong không phận của mình cũng như đang tìm cách mua các hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ và Na Uy để tự vệ.

Các bộ trưởng quốc phòng của NATO đã đồng ý triển khai một lực lượng 4.000 quân đến các nước vùng Baltic và Ba Lan, trong đó có sự đóng góp của Mỹ, Anh, Đức và Canada. Trong khi các nước vùng Baltic hoan nghênh việc triển khai này và họ nói rằng diễn biến có thể bị đẩy đi xa hơn xa hơn nữa.

Phản ứng của Moscow có thể bao gồm việc lập vùng cấm bay ở Kaliningrad, khu vực nằm giữa Lithuania và Ba Lan, bằng cách triển khai nhiều loại tên lửa và tàu ngầm đến khu vực này để ngăn NATO đưa quân tiếp viện vào vùng Baltic.

Thế nhưng trước đây, Nga từng khẳng định nước này không gây ra mối đe dọa cho các nước thuộc Liên Xô cũ.


Iraq bắt hơn 450 tay súng IS bỏ trốn khỏi Fallujah

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Iraq hôm 12-6 cho biết hơn 450 tay súng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị bắt khi quân chính phủ áp sát TP Fallujah từ nhiều mặt trận khác nhau.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Iraq Nassir Noori thông báo: “Lực lượng an ninh Iraq nắm được tên và số lượng của các thành viên IS, đồng thời tiến hành các vụ bắt giữ khi chúng tìm cách bỏ trốn khỏi Fallujah cùng với những người tị nạn”.

Trước đó, Baghdad mở hành lang cho dân thường sơ tán khỏi thành phố để tránh thương vong. Các tay súng IS lợi dụng cơ hội này để trà trộn vào đám đông nhưng không qua mắt được lực lượng an ninh.

Tướng Yahya Rasool, người phát ngôn Bộ chỉ huy quân sự phối hợp của quân đội Iraq, tiết lộ hành lang được mở về phía Tây Nam Fallujah. “Có lối thoát hiểm khác nhưng lối này đảm bảo an ninh cũng như an toàn hơn” – tướng Rasool cho biết.

luc luong iraq phuc kich o phia tay nam fallujah. anh: upi

Lực lượng Iraq phục kích ở phía Tây Nam Fallujah. Ảnh: UPI

Theo Hội đồng Tị nạn Na Uy (NRC), khoảng 4.000 cư dân Fallujah đã chạy trốn khỏi thành phố thông qua hành lang do quân chính phủ thiết lập. Tuy nhiên, vẫn còn tới 50.000 người bị mắc kẹt. Tổng cộng 27.580 người đã rời thành phố sau khi quân chính phủ mở chiến dịch tái chiếm Fallujah hồi cuối tháng 5 vừa qua.

“Nhiều gia đình đang kêu gọi sự giúp đỡ. Chúng tôi chỉ muốn rời khỏi thành phố” – một người dân tên Um Ahmed nói với NRC qua điện thoại.

Những người may mắn trốn được khỏi Fallujah – cách thủ đô Baghdad khoảng 65 km về phía Tây - đang đi bộ dọc hành lang và tìm cách vượt qua sông Euphrates. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi vừa ra lệnh cho quân đội giải phóng Fallujah tiến chậm lại trong một nỗ lực đảm bảo an toàn về phía dân thường.

Trong khi đó, các quan chức Sunni và các nhóm nhân quyền địa phương đang cáo buộc lực lượng dân quân người Shiite bắt giữ, tra tấn và giết người Sunni khi họ tìm đường bỏ trốn khỏi Fallujah và khu vực ngoại ô.

Tỉnh trưởng tỉnh Anbar tại cuộc họp báo hôm 12-6 đã xác nhận 49 dân thường thiệt mạng và 643 người khác mất tích những ngày gần đây.

Tuần trước, một quan chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói rằng có “báo cáo đáng tin cậy” cho thấy nhiều người Iraq chạy trốn khỏi Fallujah phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng thể chất.

Cũng trong ngày 12-6, lực lượng Iraq đã tái chiếm một ngôi làng phía Nam TP Mosul - thành trì quan trọng bậc nhất của IS tại miền Bắc Iraq kể từ khi chúng chiếm được vào mùa hè năm 2014.


Đảng cầm quyền Venezuela kiện phe đối lập gian lận chữ ký

Ngày 13/6, đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (PSUV) đã gửi đơn kiện liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) lên Tòa án Tối cao (TSJ) của nước này vì những gian lận trong việc thu thập chữ ký đòi tổ chức trưng cầu ý dân nhằm phế truất Tổng thống Nicolas Maduro.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (thứ ba, phải) tại lễ tuyên thệ nhậm chức của nhóm các chính trị gia Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền ở Caracas ngày 19/5. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, người đứng đầu Ủy ban kiểm định chữ ký Jorge Rodríguez tố cáo trong danh sách hơn 1,9 triệu chữ ký mà liên minh đối lập đưa ra hồi đầu tháng 5 vừa qua có tới 605.000 chữ ký giả mạo bao gồm của cả người đã chết, tù nhân và trẻ em. Phát biểu trong buổi họp báo ở thủ đô Caracas, ông Rodríguez khẳng định sẽ kiện MUD vì những hành động vi hiến này.

Trước đó, ngày 10/6, Chủ tịch Ủy ban bầu cử quốc gia (CNE) Tibisay Lucena cho biết khi tiến hành xác minh chữ ký mà MUD nộp ngày 2/5 nhằm mở đường cho một cuộc trưng cầu ý dân phế truất người đứng đầu nhà nước, cơ quan này đã phát hiện ra nhiều bất thường. 

Theo CNE, trong số các chữ ký của MUD có chữ ký của 11.000 người đã chết, 9.000 số thẻ căn cước không tồn tại, 3.000 trẻ em và hơn 1.300 tù nhân, những người không đủ điều kiện để ký vào danh sách.

Bà Lucena khẳng định sẽ chỉ có hơn 1,3 triệu chữ ký được xác minh trong vòng kiểm định lần hai. Theo quy định, sau khi CNE đồng ý chứng thực các chữ ký do MUD thu thập, ít nhất 200.000 người ký tên sẽ phải trực tiếp xác nhận quyết định của mình và phải chứng minh nhân dạng bằng cách quét dấu vân tay. 

Sau đó, phe đối lập phải thu thập được 4 triệu chữ ký mới có thể mở đường cho một cuộc trưng cầu ý dân lấy phiếu tín nhiệm Tổng thống.

Hiến pháp Venezuela cũng quy định nếu trưng cầu ý dân được tiến hành trong năm nay khi mà ông Maduro chưa đủ 4 năm cầm quyền thì sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử sớm, trong trường hợp cuộc trưng cầu tổ chức vào năm tới mà ông Maduro không đủ tín nhiệm của cử tri thì Phó Tổng thống sẽ lên thay thế.

Ngày 11/6 vừa qua, Tổng thống Maduro tuyên bố việc trưng cầu ý dân lấy phiếu tín nhiệm chỉ có thể diễn ra vào năm tới trong trường hợp phe đối lập tập hợp đầy đủ điều kiện như luật pháp quy định.


Lỗ hổng chống khủng bố

Vụ xả súng mang dấu ấn của một vụ tấn công kiểu “sói đơn độc” hơn là chiến dịch do IS đứng sau

Chân dung Omar Mir Seddique Mateen, 29 tuổi, kẻ gây ra vụ xả súng gây chết chóc nhất lịch sử Mỹ hôm 12-6, dần hé lộ với những thông tin khiến dư luận thêm lo ngại về mối đe dọa đến từ khủng bố “cây nhà lá vườn”.

Bạo lực, tâm thần bất ổn

Cô Sitora Yusufiy, vợ cũ của Mateen, nói y có khuynh hướng bạo lực, cảm xúc và tâm thần bất ổn nhưng vẫn muốn làm cảnh sát. Họ kết hôn năm 2009 nhưng chỉ sống chung 4 tháng trước khi Yusufiy được người thân “giải cứu” sau khi họ biết Mateen thường xuyên đánh đập vợ và “bộc lộ sự căm ghét mọi thứ” trong những lần nổi giận.

hien truong vu xa sung nhin tu tren cao anh: reuters

Hiện trường vụ xả súng nhìn từ trên cao Ảnh: REUTERS

Dù vậy, dường như Mateen đã che giấu được tính khí này trong 9 năm làm việc cho Công ty An ninh toàn cầu G4S (Anh) tại bang Florida. Theo công ty, tên này đã vượt qua cả 2 lần kiểm tra lý lịch năm 2007 và 2013. Ngay đến Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng để “sổng” Mateen dù từng thẩm vấn hắn vào năm 2013 do có những lời lẽ bị xem là ủng hộ các nhóm cực đoan. Đến năm 2014, Mateen lại bị FBI “hỏi thăm” về mối liên hệ với Moner Mohammad Abu-Salha, một công dân Mỹ từng sống tại bang Florida trước khi trở thành kẻ đánh bom tự sát ở Syria năm đó.

Trang Bloomberg nhận định việc không ngăn chặn được Mateen ngay từ đầu đã phơi bày lỗ hổng không nhỏ trong cuộc chiến chống khủng bốcủa Mỹ. Ngay cả khi một nghi can khủng bố tiềm tàng như Mateen lọt vào tầm ngắm của lực lượng thực thi pháp luật Mỹ, họ vẫn có thể không có đủ bằng chứng, nguồn lực hoặc sự điều phối để tiếp tục cuộc điều tra. “Đối tượng tình nghi quá nhiều còn nguồn lực của FBI lại hạn chế nên họ không thể theo dõi mọi người cùng lúc” - ông Shawn Henry, cựu trợ lý giám đốc FBI, nhận định. Hạ nghị sĩ Peter King của Đảng Cộng hòa cho rằng một trong những vấn đề cần tìm hiểu là liệu FBI có chia sẻ thông tin về Mateen với cảnh sát địa phương để họ chú ý tên này hay không.

IS ăn theo?

Một lỗ hổng khác đến từ sự tiết lộ hung thủ vào tuần rồi đã mua 2 khẩu súng một cách hợp pháp để sử dụng trong vụ thảm sát bất chấp việc bị lực lượng thực thi pháp luật để mắt đến trong vài năm qua. Điều này có nghĩa là y đã vượt qua cuộc kiểm tra lý lịch cần thiết bên cạnh việc không bị cấm mua súng do không có tiền án tiền sự. Vì thế, vụ xả súng mới nhất này chắc chắn khơi dậy cuộc tranh luận về chuyện sở hữu súng và vấn đề an ninh nội địa trong những ngày tới dù không có nhiều hy vọng về những thay đổi mạnh mẽ.

Trước mắt, nhà chức trách đang tập trung điều tra động cơ của Mateen trong vụ xả súng giết chết 50 người (bao gồm nghi phạm) và làm 53 người bị thương bên trong hộp đêm Pulse dành cho người đồng tính ở trung tâm TP Orlando, bang Florida rạng sáng 12-6 (giờ địa phương). Theo giới chức FBI, tên này đã gọi điện đến tổng đài 911 để tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trước khi ra tay. IS sau đó cũng lên tiếng nhận trách nhiệm và nói Mateen là một tay súng của chúng. Dù vậy, nhà chức trách Mỹ nhấn mạnh vẫn chưa có bằng chứng cho thấy nghi phạm có liên hệ với IS. Một số nhà phân tích cho rằng vụ xả súng mang dấu ấn của một vụ tấn công kiểu “sói đơn độc” hơn là chiến dịch do IS đứng đằng sau.

Một giả thuyết nữa là hung thủ căm ghét người đồng tính, nhất là sau khi ông Seddique Mateen, cha hung thủ, nhắc lại chuyện con mình nổi giận khi thấy 2 người đàn ông hôn nhau cách đây vài tháng. Ngoài ra, ông khẳng định Mateen “con” không bị cực đoan hóa nhưng tờ The Washington Post tiết lộ chính Mateen “bố” lại ủng hộ nhóm Taliban ở Afghanistan.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục