tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 07-11-2015

  • Cập nhật : 07/11/2015

Cựu thủ tướng Malaysia bị cảnh sát thẩm vấn

Ngày 6-11, cảnh sát Malaysia đã tiến hành thẩm vấn cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, người đang bị điều tra sau khi yêu cầu thủ tướng đương nhiệm từ chức vì một vụ bê bối tài chính.
Ông Mahathir, vị lãnh đạo nắm quyền lâu nhất của Malaysia, hiện vẫn là một nhân vật rất được tôn trọng và có tầm ảnh hưởng tại quốc gia Đông Nam Á này. Ông là người gay gắt nhất chỉ trích thủ tướng đương nhiệm Najib Razak về một vụ bê bối tiêu cực liên quan đến Quỹ Phát triển Malaysia 1 (1MDB) của nhà nước.
Tháng 7 năm nay, tờ tạp chí Phố Wall đưa tin các điều tra viên khi kiểm tra đơn vị đang mắc nợ này đã phát hiện ra gần 700 triệu đô la đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng của Thủ tướng Najib.

Thủ tướng Malaysia đương nhiệm đã phủ nhận mình có hành vi sai trái hay là chiếm đoạt tiền vì lợi ích cá nhân. Cơ quan chống tham nhũng quốc gia xác nhận khoản tiền đó là một khoản ủng hộ chính trị gửi từ một mạnh thường quân chưa rõ danh tính ở Trung Đông. Tuy nhiên, từng đấy chưa đủ để dập tắt những lời chỉ trích.


 Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã bị cảnh sát nước này thẩm vấn liên quan đến cuộc biểu tình chống chính phủ hồi tháng 8-2015 (ảnh: Reuters)

Vào cuối tháng 8, cựu Thủ tướng Mahathir đã bất ngờ xuất hiện trong một cuộc biểu tình chống chính phủ được tổ chức tại Kuala Lumpur và kêu gọi tiến hành một phong trào “quyền lực của nhân dân” để lật đổ ông Najib.

Ngay sau đó, tư lệnh cảnh sát quốc gia Malaysia Khalid Abu Bakar tuyên bố cảnh sát sẽ lấy lời khai của ông Mahathir về những phát ngôn của mình. Ngày 6-11, cảnh sát đã đến văn phòng của cựu thủ tướng để thẩm vấn đúng như tuyên bố. Việc này được Phó Tư lệnh Sufi Yusof xác nhận nhưng ông từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc gặp hay những nội dung chính được trao đổi.

Thủ tướng Najib, hiện là chủ tịch Ban Tham vấn của 1MDB, đã đáp trả lại những người chống đối trong đảng và chính phủ. Ông đã sa thải phó thủ tướng và các bộ trưởng đã công khai nghi ngờ mình và cũng đã thay thế vị trí của tổng chưởng lý, người đang điều tra 1MDB. 

Cùng với đó, nhà chức trách Malaysia đã đình chỉ hai tờ báo và ngắt kết nối đến một trang web có đưa tin về 1MDB. Một số chính trị gia và nhà hoạt động đối lập cũng đã bị xử lý theo quy định pháp luật.


Pháp điều tàu sân bay hạt nhân chống IS

Pháp hôm nay thông báo sẽ triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle để tăng cường hoạt động chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.
tau san bay hat nhan charles de gaulle. anh: china daily

Tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle. Ảnh: China Daily

Charles de Gaulle, tàu sân bay hạt nhân hàng đầu của hải quân Pháp, sẽ được bổ sung vào lực lượng chống IS của nước này bao gồm 6 máy bay Rafale ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và 6 máy bay Mirages ở Jordan.

Theo AFP, tàu sân bay này đã lưu lại hai tháng ở vùng Vịnh hồi tháng hai, nơi nó tiến hành các cuộc tấn công chống lại nhóm cực đoan ở Iraq, trước quay về căn cứ ở cảng Toulon.

Trong thời gian đó, khoảng 20 máy bay đã thực hiện 10-15 đợt xuất kích mỗi ngày.

Pháp bắt đầu tiến hành không kích IS ở Syria vào tháng trước, sau một năm đánh bom lực lượng phiến quân ở Iraq. Paris tuyên bố đây là hành động tự vệ nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố tiếp cận Pháp.

Pháp từng trở thành mục tiêu của một vụ tấn công cực đoan hồi tháng một, làm 17 người thiệt mạng, và đã đập tan nhiều âm mưu tấn công khác.

Pháp lo ngại rằng hàng trăm công dân nước này đang tham chiến cho IS ở Iraq và Syria sẽ hồi hương để tiến hành các vụ khủng bố.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch ở Iraq, các chiến đấu cơ Pháp đã thực hiện 1.285 nhiệm vụ trên không, tiến hành hơn 270 cuộc không kích và phá hủy 459 mục tiêu. Chỉ có hai cuộc không kích được ghi nhận ở Syria.


Thái Lan mở chiến dịch truy quét mafia

Chính phủ Thái Lan bắt đầu mở chiến dịch trên toàn quốc trấn áp các băng đảng kiểu mafia nhằm đảm bảo an ninh, trật tự.

thai lan muon truy quet mafia de lap lai trat tu - anh: afp

Thái Lan muốn truy quét mafia để lập lại trật tự - Ảnh: AFP

Trong chiến dịch bắt đầu hôm 5-11 này, một ủy ban tình báo mới được thiết lập để thu thập tin tức từ các băng đảng. 

Ủy ban này do Phó thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng Prawit Wongsuwon đứng đầu và bao gồm qua chức từ nhiều cơ quan nhà nước. Ủy ban này sẽ điều tra các nghi can trước khi chính phủ có hành động xử lý các băng đảng. 

Bangkok Post dẫn lời ông Prawit cho hay ủy ban này chỉ tập trung vào các thông tin tình báo. 

Để hỗ trợ chiến dịch này, Cục trấn áp tội phạm Thái Lan đang chuẩn bị một danh sách các nhân vật có ảnh hưởng và bản đồ tội phạm của các khu vực dành cho việc trấn áp sau này. 

Các đối tượng trong chiến dịch trấn áp mafia lần này bao gồm cả các doanh nhân, quan chức nhà nước, sĩ quan cảnh sát và quân đội, các chính trị gia.

Theo Bangkok Post, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tỏ ra lo lắng về tình trạng tội phạm gia tăng, đặc biệt là tội phạm liên quan đến mafia và vũ khí quân dụng. 

Hôm 5-11, cảnh sát cũng đã bắt giữ 58 nghi can vì “gây rối du khách” tại 2 địa điểm thu hút khách du lịch ở Bangkok là quảng trường Sanam Luang và chùa Phật Ngọc. 

Trong số này bao gồm 5 hướng dẫn viên không giấy phép, 13 tài xế taxi từ chối chở khách, 35 tài xế xe ôm đậu xe ở những khu vực bị cấm và 5 người khác mồi chài du khách đến các địa điểm tham quan rồi đòi tiền cò.


Mỹ tố Nga không kích kém hiệu quả

Tối thiểu 120.000 người Syria phải tản cư trong nước từ khi Nga mở chiến dịch không kích ở Syria vào cuối tháng 9. Ngày 4-11 (giờ địa phương), hai nhà ngoại giao Mỹ đã tố khổ Nga như trên.
Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, bà Anne Patterson, trợ lý ngoại trưởng phụ trách Trung Đông, khẳng định được máy bay Nga yểm trợ, quân đội Syria đã tổ chức phản công ở các TP Hama, Aleppo và Idlib, từ đó người dân mới bỏ nhà tản cư. Số liệu này do LHQ công bố hồi tuần trước nhưng LHQ không quy trách nhiệm cho Nga. Nay Mỹ sử dụng lại số liệu này với mục đích lên án Nga.

Tại cuộc điều trần, bà Victoria Nuland, trợ lý ngoại trưởng phụ trách châu Âu, nhấn mạnh: “Từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu ở Syria, Hy Lạp ghi nhận số người di cư hằng tuần tăng cao nhất trong năm 2015 với khoảng 48.000 người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp”. Tiếp đó, bà Anne Patterson đánh giá máy bay Nga chỉ tập trung không kích quân nổi dậy ôn hòa Syria bởi các khu vực bị không kích không có quân Nhà nước Hồi giáo.


 

Trong khi đó, Reuters dẫn nguồn tin từ ba nhà ngoại giao Mỹ có tham khảo báo cáo tình báo Mỹ nhận định Nga đã triển khai gần 4.000 quân ở Syria và mở chiến dịch không kích (ảnh) nhưng quân đội Syria vẫn chưa đạt được thắng lợi đáng kể trên chiến trường, trừ ở phía nam Aleppo. Lý do: Quân nổi dậy đã sử dụng tên lửa cầm tay TOW do Mỹ sản xuất tập trung nhắm bắn xe tăng và xe bọc thép của quân chính phủ.

Song song với bài xích Nga, hôm 4-11, Lầu Năm Góc đã khen ngợi liên quân gồm “Các lực lượng dân chủ Syria” và “Liên minh Ả Rập ở Syria” (được Mỹ ủng hộ) đã đánh chiếm 255 km2 từ quân Nhà nước Hồi giáo ở al-Hol (Syria). Mỹnhận định đây là bước tiến nhỏ nhưng chứng minh chương trình ủng hộ “Liên minh Ả Rập ở Syria” có hiệu quả.

Tuy nhiên, báo New York Times ngày 3-11 đã công bố kết quả điều tra cho thấy trong “Các lực lượng dân chủ Syria” chỉ toàn dân quân người Kurd chứ không phải các nhóm Ả Rập và tổ chức được gọi là “Liên minh Ả Rập ở Syria” thực sự không tồn tại.


Brazil: Vỡ đập kinh hoàng, "biển bùn" giết người hàng loạt

Con đập chứa nước thải từ một mỏ quặng sắt tại Brazil hôm 5-11 bị vỡ gây lở đất, tàn phá một thị trấn gần đó và hàng chục người được cho là đã thiệt mạng.

Công ty khai thác mỏ Samarco, liên doanh giữa Tập đoàn khai thác quặng sắt hàng đầu Brazil Vale và Công ty BHP Billiton của Úc, hiện vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân vỡ đập cũng như mức độ thiệt hại tại mỏ Germano gần thị trấn Mariana, bang Minas Gerais.

Chất thải tràn ngập ra khu vực dân cư xung quanh. Ảnh: Guardian
Chất thải tràn ngập ra khu vực dân cư xung quanh. Ảnh: Guardian

Hình ảnh cho thấy lũ bùn đỏ bao trùm cả khu vực, nhấn chìm mọi thứ. Giới chức trách tại Mariana đã sơ tán 600 người dân ở làng Bento Rodrigues đến vùng cao. Hàng chục ngôi nhà bị phá hủy do sạt lở. Nước thải từ con đập đã tràn đến Paracatú de Baixo, một ngôi làng khác ở dưới đồi núi, khiến nhiều người dân phải di dời.

Truyền thông địa phương đưa tin khoảng 15-16 người thiệt mạng và 45 người khác mất tích. Trái lại, cơ quan bảo vệ dân sự cho hay chưa thể xác định số thương vong. Trong khi đó, một quan chức bang Minas Gerais khẳng định 1 người chết, 16 người bị thương và hàng chục người mất tích.

Theo đài BBC, giới chức trách cảnh báo nguồn nước có thể bị nhiễm độc do hòa lẫn chất thải. Hoạt động cứu hộ bị cản trở do lo ngại sạt lở. Một số người dân bị mắc kẹt đã được trực thăng đưa đến nơi an toàn. Đội cứu hộ đang tìm kiếm các nạn nhân.

Con đập chứa chất thải mạt kim loại và hóa chất nằm gần sông Gualaxo do Norte càng làm tăng lo ngại nước sông có nguy cơ bị ô nhiễm.

Công ty Samarco sản xuất khoảng 30 triệu tấn quặng sắt/ năm, chiếm gần 10% tổng sản lượng quặng sắt ở Brazil. Số quặng được chuyển từ mỏ Germano đến Espirito Santo, nơi chúng được chế biến thành quặng sắt vê viên.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục