tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 02-02-2016

  • Cập nhật : 02/02/2016

Đảng NLD chính thức nắm quyền ở Myanmar

Ngày 1-2 sẽ đi vào lịch sử Myanmar khi đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi chính thức nắm quyền sau hơn 2 thập kỷ chờ đợi.

truoc cuoc bau cu nam 2015, ba suu kyi noi, neu dang nld chien thang, ba se con giu cuong vi “cao hon ca tong thong” - anh: afp

Trước cuộc bầu cử năm 2015, bà Suu Kyi nói, nếu đảng NLD chiến thắng, bà sẽ còn giữ cương vị “cao hơn cả tổng thống” - Ảnh: AFP

Theo CNN, rốt cuộc thì chủ nhân giải Nobel hòa bình kiêm chủ tịch đảng NLD cũng sẽ tiếp quản vị trí đứng đầu chính phủ Myanmar khi quốc hội mới bắt đầu làm việc ngày thứ hai, 1-2.

Ngày lịch sử này đến sau 26 năm kể từ lần bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử quốc hội năm 1990 nhưng sau đó kết quả này không được công nhận, và sau 2 tháng kể từ chiến thắng vang dội của NLD trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra năm ngoái tại Myanmar.

Thứ sáu tuần trước, 29-1, theo một thông báo trên trang web của tổng thống vừa bãi nhiệm Thein Sein, ông Thein Sein cam kết các thành viên trong chính phủ cũ sẽ “hợp tác với chính phủ mới để mang lại hòa bình và phát triển cho đất nước”.

Vị cựu tư lệnh quân đội nói: “Bất cứ điều gì đã được thực hiện trong vòng năm năm qua đều nhằm mục tiêu khôi phục hòa bình và ổn định (cho đất nước)”.

Mặc dù là chủ tịch của đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhưng bà Suu Kyi lại không thể trở thành tổng thống.

Hiến pháp Myanmar (được cho là do quân đội soạn thảo và đã tính tới trường hợp bà Suu Kyi) cấm những người có con cái là công dân nước ngoài không được làm tổng thống. Cả hai con trai lớn của bà Suu Kyi đều là công dân Anh.

Trước cuộc bầu cử năm 2015, bà Suu Kyi nói, nếu đảng NLD chiến thắng, bà sẽ còn giữ cương vị “cao hơn cả tổng thống”.

Hiện chưa rõ đảng NLD sẽ đề cử ai giữ cương vị tổng thống Myanmar.

Mặc dù đảng NLD chiếm đa số ghế ở cả hai viện quốc hội, nhưng phía quân đội vẫn nắm giữ tới 25% ghế, do đó sẽ gây khó khăn nếu đảng cầm quyền muốn sửa đổi hiến pháp.

Những người ủng hộ bà Suu Kyi và đảng NLD của bà hy vọng, trong bối cảnh những chính sách hà khắc còn lại của luật pháp quân đội, đảng NLD sẽ giải quyết thành công vấn đề nhân quyền tại Myanmar.

Tuy nhiên vẫn còn những ngờ vực về lập trường của bà Suu Kyi trong việc giải quyết vấn đề của tộc người thiểu số Rohingya.

Myanmar không công nhận họ là công dân nước này và cản trở họ tiếp cận với cơ hội việc làm, đi lại, dịch vụ y tế, giáo dục. Nhiều người Rohingya đã phải liều mình vượt biên trên những con thuyền ọp ẹp của các nhóm buôn người.


Hàng ngàn người Ấn Độ biểu tình, đốt đồn cảnh sát đòi việc làm

 Người biểu tình đã phóng hỏa đốt 4 toa tàu, 1 đồn cảnh sát và hàng chục chiếc xe. Họ cũng dùng gạch đá tấn công làm ít nhất 15 cảnh sát bị thương.

cac toa tau bi nguoi bieu tinh phong hoa - anh: pti

Các toa tàu bị người biểu tình phóng hỏa - Ảnh: PTI

Biểu tình nổ ra tại bang Andhra Pradesh ngày 31-1, với sự tham gia của hàng ngàn người thuộc cộng đồng Kapu - một cộng đồng thuộc đẳng cấp thấp hơn ở Ấn Độ, để yêu cầu chính quyền phải dành một số công việc của chính quyền bang cho người Kapu.

Quan chức cấp cao Chandrababu Nadu xác nhận người biểu tình đã đốt cháy một số toa tàu, 1 đồn cảnh sát và hàng chục chiếc xe ô tô và xe máy. 

"Người biểu tình đã chặn đoàn tàu Ratnachal Express, bắt các hành khách xuống xe và châm lửa đốt 4 toa tàu", cảnh sát cho biết.

Người biểu tình còn chặn một tuyến quốc lộ và làm gián đoạn dịch vụ đường sắt bằng cách ngồi trên đường ray. Họ cũng dùng gạch đá tấn công cảnh sát ở gần thị trấn Tuni khiến ít nhất 15 cảnh sát bị thương.

Ông Naidu cho biết cảnh sát tiếp viện sau đó đã được cử đến khu vực để chấm dứt cuộc biểu tình.

Theo AP, bạo lực bắt đầu bùng phát trong một mít tinh quy mô lớn do cộng đồng Kapu tổ chức.

Họ cáo buộc Đảng Telugu Desam cầm quyền ở địa phương không thực hiện cam kết đưa ra trong cuộc bầu cử lập pháp bang năm 2014, theo đó dành một số công việc chính quyền bang cho các thành viên cộng đồng Kapu - chiếm 26% dân số bang.


Thủ lĩnh tuyển quân cao cấp của IS thiệt mạng

Hôm 31-1, truyền thông Úc đưa tin kẻ tuyển quân cao cấp nhất cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại nước này đã bị tiêu diệt.

Neil Prakash, hay còn được biết đến với tên gọi Abu Khaled al-Cambodi, trước đó có liên quan tới âm mưu khủng bố vào lễ kỷ niệm Ngày Anzac, dịp Úc tưởng nhớ những quân nhân đã chết.

Thông tin về cái chết của Neil Prakash được đăng tải trên Telegram, trích lời một thành viên IS. “Thông tin đó được đăng trên Telegram. Tôi không biết anh ta, nhưng theo những gì tôi nghe được thì là thế” - tay súng giấu tên này trả lời tờ Herald Sun. Theo đó, vẫn chưa có thông tin nào về việc tên Prakash bị giết lúc nào, ở đâu và như thế nào.

neil prakash, con duoc biet den voi ten abu khaled al-cambodi. anh: the guardian

Neil Prakash, còn được biết đến với tên Abu Khaled al-Cambodi. Ảnh: The Guardian

Tổng chưởng lý Úc, ông George Brandis, nói chính phủ “vẫn chưa thể xác nhận các thông tin quanh cái chết của Neil Prakash vào thời điểm này vì tình trạng an ninh nghiêm trọng tại Syria và Iraq”.

Canberra đã nâng mức đe dọa khủng bố lên cấp độ cao vào năm 2014 và tiến hành nhiều cuộc tấn công chống khủng bố, đồng thời ban hành luật an ninh quốc gia mới vì lo ngại chủ nghĩa cực đoan.

Chính phủ cũng đã cảnh báo những công dân có ý định đi du lịch ở những khu vực có diễn biến phức tạp, bao gồm cả Syria và Iraq.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 31-1 cảnh báo các tay súng IS có thể trà trộn vào dòng người tị nạn từ Libya tới Ý và đe dọa châu Âu nghiêm trọng.

Đảo Lampedusa của Ý chỉ cách Libya hơn 300 km. Hòn đảo này là điểm đến của hàng ngàn người di cư và tị nạn từ Libya.


Hơn 45.000 dân Syria lại bị quân đội chính phủ bao vây

 Thị trấn Mouadamiya của Syria vừa rơi vào tình cảnh bị các quân chính phủ bao vây khiến hơn 45.000 người dân không được cứu trợ lương thực, y tế.

cuoc song cua nguoi dan syria tiep tuc chim vao nhung tham canh khi cac cuoc xung dot bao luc chua yen tai quoc gia nay - anh: cbc

Cuộc sống của người dân Syria tiếp tục chìm vào những thảm cảnh khi các cuộc xung đột bạo lực chưa yên tại quốc gia này - Ảnh: CBC

Theo Reuters, Liên hợp quốc đưa ra thông tin cảnh báo này hôm chủ nhật, 31-1. Sự việc diễn ra trong bối cảnh chính quyền của tổng thống Syria, Bashar al-Assad đang đối mặt với yêu cầu từ phía Hội đồng bảo an LHQ về việc phải tạo điều kiện hơn cho công tác cứu trợ nhân đạo tại nước này.

Đó cũng là một phần nội dung trong các cuộc đàm phán hòa bình do LHQ đứng ra làm trung gian giữa các lực lượng đối lập và các bên liên quan tại Geneva.

Trước đó dư luận quốc tế đã chỉ trích mạnh mẽ về thảm cảnh tại Madaya khi hàng chục người dân chết đói vì bị bao vây, phong tỏa trong các khu vực chiến sự.

 Thị trấn Mouadamiya nằm ở vùng ven phía tây nam thủ đô Damascus, thuộc quyền kiểm soát của các nhóm vũ trang nổi dậy từ giữa năm 2012.

Quân đội chính phủ Syria bao vây thị trấn này từ năm 2013 nhưng bắt đầu cho phép hoạt động cứu trợ tại đây từ giữa năm 2014 theo một thỏa thuận ở khu vực.

Tuy nhiên ngày 26-12 năm ngoái, quân đội Syria đã chặn nốt lối vào duy nhất của thị trấn, sau đó chỉ cho phép khoảng 50-100 nhân viên chính phủ rời khỏi khu vực. Theo LHQ, những người dân khác không được cảnh báo về việc phong tỏa.

Trong thông cáo của LHQ ghi rõ, do tình trạng phong tỏa tăng cường tại thị trấn Mouadamiya nên LHQ xác định kể từ ngày 27-1-2016, khu vực này đã rơi vào tình trạng bị bao vây.

Điều kiện sinh hoạt của người dân nơi đây vốn đã tồi tệ, nay lại càng thảm khốc hơn khi việc phong tỏa đã gây ra tình trạng thiếu thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác trầm trọng.

Từ tháng 11-2012, thị trấn này không có điện, hầu hết người dân phải sử dụng nước chưa qua xử lý múc từ các giếng đào. Đợt cứu trợ lương thực gần đây nhất là ngày 24-1.

Kể từ đó tới nay LHQ đã hai lần gửi đề nghị đưa xe chở đồ cứu trợ vào đây. Một yêu cầu được chấp nhận nhưng chỉ cho phép cứu trợ bên ngoài thị trấn. LHQ vẫn đang tiếp tục đàm phán để đưa hàng cứu trợ vào trong.

Theo LHQ, đã có 486.700 người đang sống trong tình trạng bị bao vây ở Syria. Họ sống tại các khu vực thuộc kiểm soát của quân chính phủ, Nhà nước Hồi giáo tự xưng và các nhóm nổi dậy khác.

Đây là những người nằm trong tổng số 4,6 triệu dân Syria hiện rất khó tiếp cập với hàng cứu trợ nhân đạo.


Béo phì ở trẻ em trở thành vấn nạn toàn cầu

Ủy ban Chấm dứt nạn béo phì trẻ em (ECHO) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo trẻ em ngày nay đang lớn lên trong một môi trường dễ mắc bệnh béo phì. 

Đây là một thách thức chung cho cả thế giới chứ không riêng những nước giàu.

Báo cáo cho biết thế giới có 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị béo phì. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng bởi con số đang tăng mạnh, đe dọa các thế hệ tương lai của chúng ta.

Hai năm nghiên cứu của ECHO cho thấy tỉ lệ béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng từ 4,8% năm 1990 lên 6,1% năm 2014.

Điều đáng lo ngại trong báo cáo là nạn béo phì không còn là “đặc sản” của những nước giàu. Số trẻ béo phì ở nhóm nước thu nhập thấp và trung bình tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Năm 2014, một nửa số trẻ dưới 5 tuổi bị béo phì trên thế giới sống ở châu Á, 1/4 tại châu Phi.

“Sự gia tăng nạn béo phì ở những nước thu nhập thấp và trung bình khắp châu Phi và châu Á thật sự đáng báo động, đe dọa kéo lùi sự gia tăng tuổi thọ đạt được trong thập kỷ qua và góp phần làm gia tăng số tử vong, bệnh tật và làm giảm chất lượng cuộc sống của những người bị ảnh hưởng” - báo cáo viết.

Theo ECHO, sự toàn cầu hóa và đô thị hóa đang tạo ra một môi trường không lành mạnh cho trẻ em ở các nước đang phát triển, trong đó việc quảng cáo các loại thức ăn, nước uống không tốt cho sức khỏe là một vấn nạn chính.

Theo lãnh đạo ECHO, trẻ bị béo phì gặp rất nhiều rào cản về thể chất, tâm lý, khả năng học tập... và sẽ tạo ra những hậu quả lớn khi trưởng thành 
và cho cả gia đình và xã hội.

“Chúng ta cần sự cam kết chính trị mạnh hơn để đối phó với thách thức toàn cầu là nạn béo phì và thừa cân.

WHO cần làm việc với các chính phủ để áp dụng các biện pháp giải quyết những nguyên nhân gây béo phì từ môi trường sống và giúp trẻ em có một khởi đầu cuộc sống lành mạnh mà các em đáng được có” - lãnh đạo Peter Gluckman của ECHO phân tích.

Báo cáo đề xuất triển khai nhiều chương trình khuyến khích sử dụng thực phẩm lành mạnh và hạn chế những loại không lành mạnh, chẳng hạn đánh thuế mạnh những loại nước uống có đường và thu hẹp thị trường thức ăn không có lợi cho sức khỏe.

ECHO cũng kêu gọi chính phủ các nước thúc đẩy trẻ em vận động, tránh ngồi quá nhiều. Cuối cùng và quan trọng nhất là nâng cao kỹ năng và kiến thức dinh dưỡng cho các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ em, và đưa các chương trình giáo dục về sức khỏe, dinh dưỡng vào nhà trường.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục