tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh sáng 18-07-2016

  • Cập nhật : 18/07/2016

Philippines và các nước nên kiện đòi Trung Quốc 177 tỉ USD

Cơ sở việc kiện này bởi Trung Quốc nợ Philippines và các nước khác hơn 177 tỉ USD “tiền thuê ” vì chiếm giữ, phá hoại và xây dựng trái phép trên Biển Đông.

nguoi dan philippines bieu tinh phan doi trung quoc o manila - anh: reuters

Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc ở Manila - Ảnh: Reuters

Chuyên gia tình báo quân sự Anders Corr thuộc công ty phân tích rủi ro chính trị Corr Analytics cho rằng nếu Bắc Kinh không chịu trả tiền, Manila có thể khởi kiện lên các tòa án tại Mỹ và những nước mà Trung Quốc có tài sản.

Theo lập luận của ông Corr trên tờ Forbes, Tòa trọng tài thường trực (PCA) The Hague trong phán quyết ngày 12-7 đã khẳng định một số bãi đá trên Biển Đông là thực thể chìm và thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nhưng khu vực này bị Bắc Kinh chiếm giữ từ 1995 và bồi đắp thành đảo nhân tạo.  

Cộng thêm việc xây dựng trái phép ở nhiều khu vực khác, Trung Quốc nợ Philippines và các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông hơn 177 tỉ USD.

Theo ông Corr, điều này đã từng có tiền lệ. Điển hình nhất về việc bồi thường môi trường là vụ Mỹ đền 1,97 triệu USD cho Philippines năm 2015 cho chiếc tàu USS Guardian của Washington mắc cạn và phá hủy hơn nửa hecta san hô của Manila.

Năm 1988, Philippines từng đòi Mỹ hơn 1,2 tỉ USD tiền thuê sáu căn cứ quân sự mỗi năm.

Dựa trên những tiền lệ trên, Philippines có quyền kiện đòi Trung Quốc 4,6 tỉ USD tiền bồi thường thiệt hại môi trường và thêm 7,8 tỉ USD tiền thuê.

Nếu Trung Quốc phớt lờ, Manila có thể dễ dàng kiện lên các tòa dân sự ở nước ngoài để tịch biên các tài sản ở nước ngoài của Bắc Kinh.

Nhưng số tiền phải bồi thường của Trung Quốc còn nhiều hơn do Bắc Kinh đã chiếm sáu thực thể nằm trong vùng tuyên bố chủ quyền của Philippines từ năm 1988 và mới đây là Bãi Scarborough năm 2012.

Dựa trên số tiền thuê của Mỹ trả cho Philippines năm 1988, với mỗi thực thể chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, Trung Quốc phải trả 10,3 tỉ USD cho 29 năm sử dụng. Trong khi đó tiền thuê bãi Scarborough trong 5 năm khoảng 1,8 tỉ USD.

Ông Corr tính ra rằng số tiền Bắc Kinh phải trả cho Philippines là 71,6 tỉ USD.

Ngoài ra, phán quyết của PCA cũng kết luận rằng các hoạt động xây dựng và nạo vét của Trung Quốc đã phá hoại hơn 124,3 km2 môi trường ở Biển Đông.

Từ số tiền 1,97 triệu USD Mỹ bồi thường cho nửa hecta san sô của Philippines năm ngoái, một tòa án quốc tế hoàn toàn có quyền phạt Trung Quốc hơn 105 tỉ USD cho hành động phá hoại môi trường.

Manila và các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông có thể khởi kiện Bắc Kinh tại các tòa dân sự ở Mỹ và những nơi Trung Quốc có tài sản.

Như vậy, theo ông Corr, tổng cộng số tiền Trung Quốc phải bồi thường lên đến 177 tỉ USD.

Tuy nhiên số tiền này chưa bao gồm tiền thuê mà Bắc Kinh phải trả cho các nước khác ngoài Philippines. Ông Corr nhấn mạnh cho đến khi Trung Quốc trả tiền phạt, tiền thuê và tiền bồi thường cho những người bị giết chết trên Biển Đông thì công lý mới được thực thi.(TT)


Hé lộ chi tiết bị lược trong cuộc gặp Lý Khắc Cường - Hun Sen

Một cam kết viện trợ quan trọng mà Thủ tướng Trung Quốc đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp Campuchia, nhưng sau đó không được truyền thông chính thống Trung Quốc đưa vào bản tin liên quan, theo RFI.

thu tuong campuchia hun sen (trai) va thu tuong trung quoc ly khac cuong

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

Sáng vào chiều 15/7, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 11 (ASEM 11) ở Mông Cổ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc gặp với 3 người đồng cấp của Lào, Campuchia và Nhật Bản.

Theo Tân Hoa xã, trong cuộc gặp với ông Hun Sen, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chủ động nói về vấn đề Biển Đông, cho rằng việc Campuchia có lập trường công bằng khách quan, trượng nghĩa trong vấn đề trọng tài Biển Đông góp phần bảo vệ luật pháp quốc tế thực sự và trật tự khu vực, phát huy vai trò không thể thay thế trong việc giữ gìn đại cục quan hệ Trung Quốc-ASEAN và hòa bình ổn định khu vực…

Tuy nhiên, truyền thông bằng tiếng Hoa ở Campuchia cho biết thêm trong cuộc gặp, hai thủ tướng đã trao đổi trực tiếp và thẳng thắn hơn về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là viện trợ tài chính.

Đây chính là chi tiết mà truyền thông chính thống của Trung Quốc đã không đề cập tới trong bản tin liên quan.

Đài RFI của Pháp dẫn lại thông tin đăng tải trên truyền thông bằng tiếng Hoa ở Campuchia cho biết vào sáng 15/7 theo giờ địa phương, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại thủ đô Mông Cổ và nhận được “đại lễ”.

Phía Trung Quốc quyết định viện trợ không hoàn lại thêm cho Campuchia 600 triệu USD. Thủ tướng Trung Quốc còn tán thưởng hành động trượng nghĩa của Campuchia trong vấn đề Biển Đông, ngầm ám chỉ khoản viện trợ này có liên quan tới lập trường Biển Đông của Campuchia.

Sau khi kết thúc cuộc gặp, RFI cho biết thêm Thủ tướng Campuchia đã viết lên facebook cá nhân rằng tại cuộc gặp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố trong 3 năm từ 2016-2018, phía Trung Quốc sẽ viện trợ không hoàn lại cho Campuchia 3,6 tỉ nhân dân tệ (khoảng 600 triệu USD).

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.  Cùng ngày, Nhà Trắng tuyên bố phán quyết của PCA rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử đối với các vùng biển ở Biển Đông cần được coi là cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý. Nhiều nước cũng lên tiếng yêu cầu tôn trọng phán quyết của PCA.(TTXVN)


Thổ Nhĩ Kỳ: Thanh trừng sau đảo chính

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi Mỹ dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen bị cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành

Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag ngày 17-7 cho biết cho tới nay, nước này đã bắt giữ tổng cộng 6.000 người liên quan tới vụ đảo chínhbất thành 2 ngày trước đó.

“Chiến dịch dọn dẹp”

Vị bộ trưởng tuyên bố “chiến dịch dọn dẹp” đang tiếp diễn và số người bị bắt sẽ còn tăng. Giới chức Ankara đã bắt đầu vây bắt hàng chục tướng lĩnh cũng như các thẩm phán và công tố viên cấp cao bị cáo buộc ủng hộ cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.Theo đài BBC, hơn 50 tướng lĩnh cấp cao bị bắt giữ tại tỉnh Denizli, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 17-7. Trong số này, sĩ quan cấp cao nhất “sa lưới” là tướng Adem Huduti - tư lệnh quân đoàn bộ binh số 2, phụ trách bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ kỳ với Syria, Iraq và Iran. Một nhân vật cấp cao đáng chú ý khác cũng bị bắt là tướng Erdal Ozturk, tư lệnh quân đoàn bộ binh số 3.

Sau khi Tổng thống Erdogan khẳng định rằng cuộc đảo chính này như “một cơ hội trời cho để thanh lọc quân đội”, hàng loạt cuộc đột kích vào các căn cứ quân sự diễn ra trên khắp đất nước nhằm tìm kiếm những đối tượng bị nghi trợ giúp cuộc đảo chính. Trong cuộc đột kích rạng sáng 17-7 tại đơn vị đồn trú ở thị trấn Denizli, phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ huy đơn vị - ông Ozhan Ozbakir - cùng 51 binh sĩ bị tóm gọn, theo hãng thông tấn Anatolia.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã bắt giữ gần 3.000 binh sĩ nghi dính líu tới cuộc nổi dậy khiến ít nhất 265 người thiệt mạng này. Theo đài RT, một số binh sĩ bị thẩm vấn sau đó đã khẳng định rằng ban đầu họ không biết mình đang tham gia đảo chính mà chỉ nghĩ rằng đây là một cuộc diễn tập quân sự. “Chỉ khi người dân bắt đầu trèo lên xe tăng, chúng tôi mới hiểu ra mọi chuyện” - báo Hurriyet dẫn lời các binh sĩ đảo chính.

Trong khi đó, hiện chưa rõ con số cụ thể những người bị bắt giữ trong lĩnh vực tư pháp. Tuy nhiên, theo hãng tin tư nhân Dogan, 44 thẩm phán và công tố viên bị bắt giữ trong đêm tại thành phố miền Trung Konya và 92 người khác bị bắt ở thành phố phía Đông Nam Gaziantep. Trước đó, giới chức tư pháp nước này cho biết khoảng 2.745 thẩm phán khắp cả nước bị sa thải sau vụ đảo chính bất thành.

nguoi than tien dua nan nhan thiet mang trong vu dao chinh tai tp istanbul hom 17-7 anh: reuters

Người thân tiễn đưa nạn nhân thiệt mạng trong vụ đảo chính tại TP Istanbul hôm 17-7 Ảnh: REUTERS

Mỹ - Thổ căng thẳng

Ngoài chiến dịch “thanh trừng” nói trên, ông Erdogan ngày 17-7 lên tiếng kêu gọi Mỹ dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen sau khi cáo buộc nhân vật này là kẻ giật dây vụ đảo chính “hụt”. “Nếu chúng ta là đồng minh chiến lược thì Mỹ nên thực hiện yêu cầu của chúng tôi” - ông Erdogan tuyên bố.

Phản ứng trước lời kêu gọi trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần trưng ra bằng chứng thì phía Mỹ mới có thể xem xét lời kêu gọi dẫn độ và có quyết định thích hợp. Đồng thời, ông Kerry cũng lên tiếng cảnh báo về những lời bóng gió công khai sự dính líu của Mỹ với vụ đảo chính bất thành và khẳng định những lời lẽ đó hoàn toàn sai trái, có thể hủy hoại quan hệ song phương. Cảnh báo này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu hôm 16-7 bất ngờ ám chỉ Mỹ đứng đằng sau vụ đảo chính.

Căng thẳng giữa Washington và Ankara còn gia tăng bởi các máy bay Mỹ tham gia chiến dịch không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)phải “chôn chân” tại căn cứ không quân Incirlik thuộc tỉnh Adana, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính. Đài Fox News ngày 16-7 dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết Ankara đã cắt điện căn cứ không quân sát biên giới Syria này và đóng cửa không phận với các máy bay quân sự.

Báo Hurriyet đưa tin giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ Thiếu tướng Không quân Bekir Ercan Van và hàng chục sĩ quan khác bị cáo buộc ủng hộ cuộc đảo chính tại căn cứ Incirlik. Theo một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara nghi ngờ Incirlik được dùng làm điểm tiếp nhiên liệu cho các máy bay quân sự bị quân đảo chính chiếm dụng. Hiện Lầu Năm Góc cho biết họ đang nỗ lực để tái khởi động lại chiến dịch không kích từ căn cứ không quân chủ chốt trong chiến dịch chống IS này.(NLĐ)


Cố vấn quân sự của Tổng thống Erdogan bị bắt giữ

Cố vấn quân sự số 1 của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Ali Yazici, đã bị bắt giữ do liên quan đến âm mưu đảo chính bất thành.

tong thong tho nhi ky recep tayyip erdogan phat bieu tai istanbul ngay 16/7. anh: epa/ttxvn

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Istanbul ngày 16/7. Ảnh: EPA/TTXVN

Kênh CNN tiếng Thổ đưa thông tin trên. Theo Reuters, ngày 17/7, Đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn tuyên bố của quân đội nước này nêu rõ cuộc đảo chính hòng lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị vô hiệu hóa và quân đội hiện nằm dưới quyền lãnh đạo của nhà nước và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.
 

Theo tuyên bố trên, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò lớn nhất trong việc ngăn chặn cuộc đảo chính đêm 15/7 vừa qua.

Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ vừa cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được “những lời bóng gió công khai” về sự dính líu của Mỹ đến cuộc đảo chính thất bại vừa qua.

Chính thức lên tiếng sau khi Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ gợi ý Mỹ đứng đằng sau vụ đảo chính, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo những phát ngôn như thế “hoàn toàn sai lệch và tổn hại” đến quan hệ 2 nước.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen. Ông này bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính nhưng đã lên tiếng phủ nhận, đồng thời tố người chính Tổng thống Erdogan mới là người dàn dựng vụ đảo chính.

Ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ chưa từng từ chối yêu cầu dẫn độ “nhữngkẻ khủng bố” của Mỹ. “Nếu chúng ta là đồng minh chiến lược thì Mỹ nên thực hiện yêu cầu của chúng tôi” – ông Erdogan phát biểu trên truyền hình ngày 16-7.

Đáp lại, ông Kerry nói Mỹ không bất ngờ trước việc “sẽ có những câu hỏi về ông Gulen” sau vụ đảo chính. Tuy nhiên, ông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên “trưng ra bằng chứng hợp lệ và Mỹ sẽ xem xét và đưa ra quyết định thích hợp”.

 Phe ủng hộ chính phủ ăn mừng sau khi cuộc đảo chính thất bại. Ảnh: AP

Phe ủng hộ chính phủ ăn mừng sau khi cuộc đảo chính thất bại. Ảnh: AP

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ còn căng thẳng sau khi Ankara quyết định ngưng các chuyến bay quân sự cất cánh tử căn cứ không quân Incirlik, khiến sứ mệnh tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq bị ảnh hưởng.

Lầu Năm Góc hôm 16-7 thông báo chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quyết định đóng cửa không phận dành cho máy bay quân sự sau vụ đảo chính, khiến máy bay Mỹ không thể cất cánh từ đó để không kích IS.

“Mọi hoạt động ở căn cứ không quân Incirlik phải tạm ngừng trong thời điểm này. Quan chức Mỹ đang làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để nối lại các chiến dịch càng sớm càng tốt” – thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook thông báo.

Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ đang điều chỉnh các hoạt động bay trong chiến dịch chống IS để giảm thiểu bất kỳ tác động nào, ông Cook nói thêm.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục