tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 28-03-2016

  • Cập nhật : 28/03/2016

Hơn 4 triệu người Trung Quốc mắc ung thư trong năm 2015

Một nghiên cứu mới đây đã công bố tỷ lệ gia tăng đáng báo động các trường hợp ung thư tại Trung Quốc. Nghiên cứu này đã cho thấy rằng lượng hơi khói bụi khổng lồ tại quốc gia này không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới vóc dáng, mà còn đặc biệt có hại cho sức khỏe.

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi chuyên san American Cancer Journal of Clinicians, trong năm vừa qua​, Trung Quốc đã có tới 4 triệu người bị chẩn đoán mắc ung thư, trong số đó có tới gần 3 triệu người đã tử vong.

Số liệu tại các tỉnh thành thuộc vành đai công nghiệp của Trung Quốc là kém lạc quan nhất - tại những tỉnh này, tỷ lệ ung thư phổi đã tăng cao gấp 4.​

Kể từ năm 2010, ung thư đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Trung Quốc, trong đó ung thư phổi chiếm số lượng các ca tử vong cao nhất. Những nhà nghiên cứu cho rằng ô nhiễm, viêm nhiễm mãn tính và hút thuốc lá là những yếu tố chính dẫn tới dịch bệnh thầm lặng này.​

Theo ABC News, các bệnh viện ở Bắc Kinh hiện đang phải chống chọi với tình trạng quá tải bệnh nhân đến từ khắp nơi nhằm tìm kiếm cơ hội chữa trị. Bệnh nhân thường phải chờ đợi nhiều tháng ròng để gặp được bác sỹ, nhưng tới lúc đó thì có thể đã là quá muộn.

Một người đàn ông nói về nguyên nhân khiến vợ mình ung thư phổi: “Lý do là vì môi trường làm việc và ô nhiễm không khí, bà ấy chẳng có thứ gì bảo vệ.”

Hai vợ chồng này đến từ tỉnh Sơn Tây, nơi có ngành sản xuất than. Người đàn ông cho biết vợ ông đã phải tiếp xúc với ô nhiễm không khí kéo dài khi làm việc trên các tuyến đường sắt khu vực.

“Vào ban đêm, nếu dùng đèn pin, bạn sẽ nhìn thấy rõ nhất rằng không khí chứa đầy những hạt bụi nhỏ, nếu làm việc trong nhà, nguy cơ ung thư sẽ cao hơn,” ông cho biết.

Trong khi truyền thông Trung Quốc vẫn tràn đầy những câu chuyện cảm động về những cá nhân rơi vào đường cùng để cố gắng chi trả viện phí điều trị ung thư cho người thân, hay những bệnh nhân ung thư tổ chức lễ cưới ngay tại giường bệnh, thì chính phủ Trung Quốc lại không có động thái nào đáng kể để tuyên truyền về vấn đề này hay tiến hành những chiến dịch giáo dục cho người dân về các yếu tố nguy cơ.

Trung Quốc chính là nơi sản xuất cũng như tiêu thụ thuốc lá lớn nhất thế giới. Một nghiên cứu gây chấn động vào năm ngoái đã tìm ra rằng cứ mỗi 3 người đàn ông Trung Quốc thì sẽ có một người tử vong vì thói quen hút thuốc.

Ngay từ năm 2008, tỷ lệ tử vong vì ung thư của Trung Quốc được phát hiện đã tăng tới 80% trong vòng 30 năm qua. Năm 2012 đã chứng kiến 670.000 ca tử vong có liên quan tới khói bụi tại Trung Quốc, và số liệu dự kiến của Bộ Y tế Trung Quốc cũng đã chỉ ra rằng có tới 22% các ca ung thư mới xảy ra ở Trung Quốc, cùng với đó là 27% các ca tử vong, trong khi đó Trung Quốc chỉ là nơi sinh sống của 20% dân số thế giới.​

Bất chấp những số liệu đáng báo động này, vào đầu tháng này, một quan chức cấp cao ngành thuốc lá đã phát biểu tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc rằng những cảnh báo về sức khỏe in trên bao thuốc lá do WHO khuyến nghị sẽ gây suy yếu “truyền thống văn hóa của Trung Quốc.”

Cũng vào đầu tháng này, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng tuyên bố rằng Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu giảm thiểu từ 2 đến 3% mức độ ô nhiễm không khí trong năm nay./


Nga dựng “bức tường” quân sự từ châu Âu tới Trung Quốc

Nga sẽ dựng một "bức tường quân sự của ý chí" suốt từ biên giới của nước này với châu Âu sang tới Trung Quốc để trả đũa phương Tây, Express đưa tin.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Giới chức quốc phòng Nga cho hay, kế hoạch trên sẽ rất tốn kém dù kinh tế Nga đang suy thoái do giá dầu thấp và trừng phạt của phương Tây đang đè nặng lên Moscow vì khủng hoảng ở Ukraina.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói, việc NATO triển khai quân gần biên giới Nga đã khiến Moscow lo ngại. Theo quan chức này, các đơn vị mới ở quân khu phía tây, gồm cả hai sư đoàn mới, sẽ được thành lập.

Ngoài ra, các lực lượng quân sự ở phía Tây của Nga sẽ nhận được 1.100 hệ thống vũ khí mới, gồm cả chiến đấu cơ, trực thăng, xe tăng và các xe bọc sắt khác.

Ở vùng viễn đông của Nga, quân đội sẽ triển khai hệ thống tên lửa chống hạm hiện đại Bal và Bastion, các máy bay không người lái mới tới nam Kuril - nhóm đảo mà Nhật gọi là lãnh thổ phía bắc của nước này và đã tuyên bố chủ quyền. Tranh chấp về nhóm đảo này đã ngăn Nga và Nhật ký hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt các hành động thù địch với nhau.

Hệ thống tên lửa chống hạm sẽ được triển khai tới các đảo tranh chấp có thể bắn trúng các mục tiêu cách hơn 300km.

Bộ trưởng Shoigu nói, Nga cũng đang cân nhắc khả năng thiết lập một căn cứ hải quân trên các đảo này. Và rằng, các tàu thuộc hạm đội phương bắc của Nga sẽ tới khu vực trên vào mùa hè tới để nghiên cứu các địa điểm có thể lập căn cứ.

Theo ông Shoigu, quân đội Nga cũng sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện ở vùng Bắc Cực.

Như một phần trong nỗ lực xây dựng các trung tâm quân sự trên đảo Wrangel và Mũi Schmidt, Bộ Quốc phòng Nga đã chuyển 9.500 tấn thiết bị và vật liệu tới khu vực trên vào năm ngoái.

Kremlin trước đó tuyên bố, mở rộng sự hiện diện của quân Nga là nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia tại Bắc Cực, đây cũng là ưu tiên hàng đầu của nước này trong bối cảnh quốc tế ngày càng quan tâm tới khu vực giàu dầu mỏ này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga còn cho hay, ở Siberia, quân đội sẽ triển khai các hệ thống phòng không hiện đại nhất để bảo vệ khu vực này.


Indonesia “khóa chặt” đà bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông

Quốc hội Indonesia đánh giá việc Trung Quốc cướp tàu đánh cá của nước này bị Hải quân Indonesia bắt giữ, là hành động cực kỳ nguy hiểm.
quan dao natuna cua indenesia.

Quần đảo Natuna của Indenesia.

Để điều này không trở thành tiền lệ xấu, cơ quan lập pháp Indonesia yêu cầu chính phủ xây dựng một căn cứ quân sự mới trên quần đảo Natuna. Cơ sở này sẽ là một bức "tường thành" chặn đứng sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 24/3, Mahfud Siddiq, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Ngoại giao của Hạ viện Indonesia cho rằng: “Việc tăng cường một căn cứ quân sự trên đảo Natuna là một yếu tố quan trọng đối với hệ thống phòng thủ khu vực miền trung Indonesia, nơi có đường biên giới với nhiều quốc gia ở Biển Đông”.
Ông Siddiq còn nói thêm rằng từ năm 2015, ông đã yêu cầu chính quyền Jakarta nhanh chóng thực hiện kế hoạch trên.
Việc Siddiq nhắc lại lời kêu gọi tăng cường sự hiện diện quân sự của Indonesia tại vùng Natuna được đưa ra vài hôm sau sự cố ngày 19/3, khi một tàu tuần tra của Indonesia đã cố bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc bị cho là đã hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna, nhưng đã bị tàu tuần duyên Trung Quốc đâm vào cản trở, và đánh tháo cho tàu cá Trung Quốc.
Dù không tranh chấp chủ quyền quần đảo Natuna với Indonesia, nhưng Trung Quốc lại thường xuyên xua tàu đánh cá tới vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna để đánh bắt.
Từ năm 2014, Jakarta đã hành động cương quyết hơn, bắt các ngư phủ vi phạm lãnh hải của họ và đánh chìm tàu đánh cá bất hợp pháp.
Sau khi đắc cử trong một cuộc bỏ phiếu gay go, Tổng thống Joko Widodo đi thăm Nhật Bản, đã chính thức lên tiếng phủ nhận giá trị của đường chín đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trong vùng Biển Ðông. Trên bản đồ, khu vực đường chín đoạn này không đụng chạm vào hải phận Indonesia kể cả quần đảo Natuna mà Trung Quốc phải chính thức xác nhận, sau khi Indonesia dọa sẽ đưa ra tòa nếu Trung Quốc không rút lại yêu sách về chủ quyền đối với các đảo này.
Năm 2015, Tổng thống Widodo còn ra lệnh tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng Natuna khi ông cho triển khai máy bay chiến đấu và máy bay do thám trên biển P3-C Orion trong khu vực. Lực lượng đồn trú tại chỗ cũng được tăng cường về mặt quân số cũng như vũ khí, với loại trực thăng tấn công Apache do Mỹ cung cấp được bố trí tại chỗ.

Ít nhất 65 người thiệt mạng vì đánh bom tự sát ở Pakistan

Nhà chức trách Pakistan nói rằng một vụ đánh bom tự sát tại một công viên đông đúc ở thành phố Lahore ở miền đông tối Chủ nhật đã giết chết ít nhất 65 người và làm bị thương ít nhất 300 người khác.
hai nguoi phu nu an ui nhau khi hay tin mot nguoi than trong gia dinh thiet mang trong vu danh bom, tai benh vien dia phuong o lahore, pakistan, ngay 27 thang 3, 2016.

Hai người phụ nữ an ủi nhau khi hay tin một người thân trong gia đình thiệt mạng trong vụ đánh bom, tại bệnh viện địa phương ở Lahore, Pakistan, ngày 27 tháng 3, 2016.

Nhà chức trách Pakistan nói rằng một vụ đánh bom tự sát tại một công viên đông đúc ở thành phố Lahore ở miền đông tối Chủ nhật đã giết chết ít nhất 65 người và làm bị thương ít nhất 300 người khác, VOA đưa tin.
Có phụ nữ và trẻ em trong số những nạn nhân, theo lời ông Salman Rafiq, một cố vấn y tế cho chính phủ tỉnh Punjab. Ông cho biết có những người bị thương nặng trong số những người được đưa tới những bệnh viện địa phương.
Những người chứng kiến nói rằng nhiều gia đình theo Thiên Chúa giáo mừng lễ Phục sinh cũng có mặt tại công viên Gulshan Iqbal khi vụ nổ xảy ra.
Một người phát ngôn của một nhóm ly khai Taliban ở Pakistan (Jamaatul Aurar) nhận trách nhiệm về vụ đánh bom và nói rằng họ đặc biệt nhắm mục tiêu tấn công người Thiên Chúa giáo.
Mỹ lên án "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất" vụ tấn công ở Lahore, gọi đây là "hành động hèn nhát ở một nơi mà từ lâu là một công viên cảnh đẹp và thanh bình," một thông cáo từ phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Ned Price nói.
Biểu tình ở Islamabad
Trong khi đó ở Islamabad, hàng ngàn người Pakistan tuần hành trên đường phố thủ đô hôm Chủ nhật để phản đối vụ treo cổ một người đàn ông vào tháng trước bị buộc tội giết chết một tỉnh trưởng.
Những người biểu tình, chủ yếu là những nhà hoạt động thuộc các đảng có chủ trương Hồi giáo, phản đối vụ hành quyết Mumtaz Qadri, người bắn chết tỉnh trưởng Punjab, Salman Taseer, vào năm 2011 vì chính trị gia này kêu gọi những cải cách trong luật Hồi giáo của đất nước đối với tội báng bổ.
Cảnh sát dùng rào chắn và bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông nhưng bất thành, và người biểu tình tìm cách tiến tới tòa nhà quốc hội. Một số nhân viên an ninh được báo cáo bị thương trong những vụ đụng độ với người biểu tình.
Những người biểu tình phóng hỏa một số chiếc xe, container và những bến xe buýt công cộng  nối liền Islamabad với thành phố Rawalpindi kế cận. Những người chứng kiến nói rằng cảnh sát dùng hết hơi cay và đạn cao su trong nỗ lực giải tán những đám đông, khiến chính phủ phải điều động quân đội vào cuối Chủ nhật để giúp kiểm soát tình hình.
Phát ngôn viên quân đội Trung tướng Asim Bajwa cho biết quân đội cũng đã được triển khai để bảo vệ Khu vực Đỏ ở Islamabad, nơi mà quốc hội, tòa án tối cao và những tòa nhà chính phủ quan trọng khác cũng như những cơ sở ngoại giao tọa lạc.

Tàu Trung Quốc đến Biển Đông tập trận

Tàu Trung Quốc rời Thanh Đảo để chuẩn bị tham gia tập trận ngoài khơi Indonesia trong khuôn khổ cuộc thao diễn đa phương MNEK, được tổ chức hai năm một lần.
anh chup man hinh youtube. dot tap tran hai quan chung da phuong nam 2014 - dr.

Ảnh chụp màn hình Youtube. Đợt tập trận hải quân chung đa phương năm 2014 - DR.

Ngày 26/3/2016, tàu Trung Quốc rời Thanh Đảo để chuẩn bị tham gia tập trận ngoài khơi Indonesia trong khuôn khổ cuộc thao diễn đa phương MNEK, được tổ chức hai năm một lần.
Đợt tập trận lần này được dự trù diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15/04/2016 ở ngoài khơi Indonesia trong bối cảnh Jakarta và Bắc Kinh căng thẳng sau vụ tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập hải phận Indonesia, RFI đưa tin.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo tàu hộ vệ Duy Phường và tàu cứu hộ Trường Hưng đã rời cảng Thanh Đảo để tham gia chiến dịch tập trận chung do Indonesia điều phối. Hai năm một lần Jakarta chủ trì cuộc tập trận đa phương Multilateral Naval Exercice Komodo.
Chủ đề của năm nay là "sẵn sàng và hợp tác vì hòa bình". Theo lời lãnh đạo Hải quân Indonesia, chương trình Komodo 2016 được thực hiện tại Padang, ngoài khơi Indonesia chủ yếu xoáy vào vế "an ninh và ngoại giao biển". Có khoảng 50 tàu đủ loại của Hải quân nhiều nước tham dự. Ngoài Trung Quốc và Indonesia, còn có Mỹ, Nga, Úc, Pháp cùng tham gia chiến dịch Komodo 2016.
Điều đáng chú ý là chiến dịch tập trận chung trên biển ở ngoài khơi Indonesia lần này diễn ra trong bối cảnh Jakarta phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Indonesia hôm 19/3/2016 trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Để đáp trả hành vi của Trung Quốc trong tuần, Hạ viện Indonesia kêu gọi chính quyền của tổng thống Joko Widodo xây dựng căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna để làm "một bức tường thành" chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở vùng biển mà Bắc Kinh đã khẳng định chủ quyền với gần 90 % diện tích.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục