tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 29-03-2016

  • Cập nhật : 29/03/2016

Lực lượng pháo binh Triều Tiên ra tối hậu thư đe dọa Hàn Quốc

Ban chỉ huy trọng pháo tầm xa của CHDCND Triều Tiên bố trí trong khu vực dải phân cách đã đưa ra tối hậu thư cho chính quyền Hàn Quốc.
nha lanh dao trieu tien tham mot co so quan su.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm một cơ sở quân sự.

Ban chỉ huy trọng pháo tầm xa của CHDCND Triều Tiên bố trí trong khu vực dải phân cách đã đưa ra tối hậu thư cho chính quyền Hàn Quốc. Điều này nêu trong thông cáo của KCNA.
Theo tối hậu thư, chính quyền Hàn Quốc phải chính thức xin lỗi toàn thể dân tộc Triều Tiên vì đã có hành động "xúc phạm phẩm giá của ban lãnh đạo tối cao CHDCND Triều Tiên". Ngoài ra, như nêu trong tối hậu thư này, "Park Geun-hye và trợ lý của bà ta phải bị trừng phạt nghiêm khắc vì đã láo xược hoạch định chiến dịch quân sự, dự kiến giáng đòn vào ban lãnh đạo CHDCND Triều Tiên".
"Nếu lời cảnh cáo cuối cùng của chúng tôi bị bỏ qua, pháo binh tầm xa của chúng tôi sẽ lập tức chuyển sang  hành động quân sự không thương tiếc", tối hậu thư của pháo binh Bắc Triều Tiên nhấn mạnh.
"Đừng quên rằng hỏa lực tấn công khủng khiếp từ trọng pháo của chúng ta sẽ nhấn chìm trong biển lửa cả Cheongwadae (dinh thự của Tổng thống Hàn Quốc ở Seoul) và toàn bộ cơ quan của thứ chính quyền phản động", Ban chỉ huy pháo binh Bắc Triều Tiên đe dọa.

IS âm mưu tấn công người Nga và người Israel ở 9 nước

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) có kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào người Nga và người Israel trên lãnh thổ 9 quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.
ap photo/

AP Photo/

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) có kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào người Ngavà người Israel trên lãnh thổ 9 quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, cổng thông tin Haberturk viết về điều này hôm thứ Bảy, 26/3.
Theo nguồn tin của Haberturk trong ngành tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, thông tin này thu được từ cuộc hỏi cung các chiến binh IS bị bắt ở Gaziantep. Haberturk khẳng định như tin được biết, có 30 chiến binh đã được huấn luyện tấn công sử dụng vật liệu nổ.
Mục tiêu khủng bố là các đám cưới Do Thái, những tổ chức có liên quan đến Nga. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang xúc tiến biện pháp tăng cường bảo vệ, cổng thông tin này viết.
Trước đấy, theo tin được cho là từ đại diện tình báo các nước châu Âu và Iran, IS đã huấn luyện và đưa vào châu Âu không dưới 400 chiến binh trải qua đào tạo tại các trại đặc biệt ở Iraq, Syria, hoặc các nước thuộc không gian hậu Xô viết. Các phương tiện truyền thông còn nói rằng, chiến binh đã xác định một số mục tiêu tấn công ở châu Âu, Sputnik cho biết.

Lực lượng an ninh Ukraine công bố danh sách kẻ phản quốc chạy sang Nga

Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã công bố danh sách các nhân viên cũ của mình "chạy sang phía kẻ thù".
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã công bố danh sách các nhân viên cũ của mình "chạy sang phía kẻ thù", Sputnik đưa tin.
Tổng cộng có 1391 người trong bản danh sách này.
"Danh sách gồm các cựu nhân viên của Cơ quan An ninh Ukraine đã thay đổi lời thề và chạy sang phía đối phương. Chúng tôi nhớ mặt những kẻ phản bội", báo cáo SBU công bố trên trang web chính thức của cơ quan cho biết.
Theo số liệu được công bố, gần như tất cả những kẻ phản bội là nhân viên SBU tiếp tục làm việc trên lãnh thổ Crimea sát nhập với Nga.
Trong danh sách những kẻ phản bội có cả các nhân viên khu nghỉ mát trên bán đảo, lái xe và thư ký của các phòng ban SBU, từ cấp bậc hạ sĩ cho đến thiếu tướng.

Nga găng với Nhật, gián tiếp giúp Bắc Kinh nhẹ gánh ở Biển Đông?

Bộ Quốc phòng Nga đã tiết lộ hai kế hoạch: Bố trí tên lửa hiện đại và xây dựng một căn cứ Hải Quân tại vùng quần đảo Kuril đang có tranh chấp với Nhật Bản, RFI đưa tin.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Vào lúc Nhật Bản có dấu hiệu dồn lực lượng xuống phía Nam để đối phó với việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, vào hôm 25/3/2016, bộ Quốc phòng Nga đã tiết lộ hai kế hoạch: Bố trí tên lửa hiện đại và xây dựng một căn cứ Hải Quân tại vùng quần đảo Kuril đang có tranh chấp với Nhật Bản, RFI đưa tin.
Động thái này của Moscow được cho là sẽ buộc Tokyo quan tâm trở lại với mặt trận phía Bắc, qua đó giảm bớt nguồn lực giành cho phía Nam, nhất là khu vực Biển Đông, nơi mà Nhật Bản không có lợi ích trực tiếp. Trung Quốc được cho là sẽ hưởng lợi nhờ động thái của Nga.
Chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự của Nga trong khu vực quần đảo Kuril đã được chính bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu thông báo. Theo truyền thông Nga, chiến lược này bao gồm hai vế, vế thứ nhất là triển khai các hệ thống tên lửa phòng thủ ven biển Bal và Bastion trên các đảo Kuril.
Bastion là một hệ thống phòng thủ lưu động, bao gồm hai tên lửa chống hạm, tầm bắn 300km, trong lúc tên lửa chống hạm Bal cũng có tầm bắn tương tự. Hệ thống chống hạm này sẽ tăng cường cho hệ thống tên lửa phòng không Tor đã được triển khai vào năm ngoái. Bên cạnh đó, các máy bay không người lái thế hệ mới Eleron-3 cũng sẽ được đưa đến quần đảo Kuril.
Vế thứ hai của chiến lược này là dự án thiết lập một căn cứ Hải Quân cho Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga tại vùng quần đảo Kuril. Tàu của Hạm Đội này sẽ đến khu vực này ngay vào tháng Tư tới đây để nghiên cứu khả thi trong vòng ba tháng.
Tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Kuril là một cái gai luôn khuấy động quan hệ Nga-Nhật. Vào năm 1945, sau khi Nhật Bản bị thua trong cuộc Đệ Nhị Thế Chiến, Liên Xô đã chiếm lấy 4 hòn đảo Etorofu, Kunashiri, Shikotan và nhóm đảo nhỏ Habomai thuộc quần đảo Kuril.
Nhật đã đòi lại, nhưng trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô luôn bác bỏ, không công nhận là hai bên có tranh chấp lãnh thổ. Phải chờ đến năm 1993, nhân chuyến công du Tokyo của tổng thống Nga thời đó là Boris Eltsine thì vấn đề tranh chấp mới được chính thức thừa nhận.
Cho dù vậy, hai bên vẫn không giải quyết được hồ sơ Kuril, và chính vì vậy mà cho đến nay, giữa Nga và Nhật vẫn chưa chính thức có hòa ước kết thúc chiến tranh.
Có những lúc quan hệ Nga-Nhật có dấu hiệu được cải thiện khiến giới quan sát cho là vấn đề tranh chấp Kuril sẽ được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên từ sau khi Nga can thiệp vào Ukraine và bị phương Tây trừng phạt, Nhật Bản cũng đã phải đi theo các đồng minh, khiến cho quan hệ giữa Tokyo và Moscow tương đối căng thẳng trở lại.
Cho dù vậy, Nhật Bản không còn xem Nga là mối đe dọa quân sự ở phía Bắc, cho nên đã dần dần chuyển hướng chiến lược, chú ý nhiều hơn đến phía Nam, nơi Tokyo phải đối phó với thái độ càng lúc càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.
Chiến lược mới của Nhật Bản là còn can thiệp theo cách mình vào Biển Đông, đặc biệt là giúp đỡ các nước Đông Nam Á đang bị Trung Quốc chèn ép trên biển. Sự can thiệp của Nhật Bản được xem là một yếu tố mà Bắc Kinh cũng phải quan tâm nhất định.
Vấn đề đặt ra hiện nay là với động thái của Nga tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực nằm ở miền Bắc nước Nhật, liệu Tokyo có thể tiếp tục đà chuyển hướng chiến lược, đã bắt đầu từ những năm gần đây hay không?
Trong thời gian tới đây, với chuyến công du Nga của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự trù vào tháng Năm, người ta sẽ rõ thêm. Tuy nhiên động thái của Nga tại vùng Kuril được cho là sẽ buộc Nhật Bản phải chú ý, do đó vấn đề lưu tâm đến Biển Đông có thể bị giảm sút.

Đài Loan bắt tàu cá của Trung Quốc hoạt động trái phép

Một tàu cá của Trung Quốc bị tuần duyên Đài Loan bắt giữ với cáo buộc khai thác trái phép san hô và săn trộm rùa quý hiếm. Vụ việc xảy ra ngày 23-3, nhưng mới được phía Đài Loan tiết lộ ngày 27-3.

chiec tau cua trung quoc cung toan bo 41 thanh vien bi tuan duyen dai loan bat giu ngay 23-3 vi khai thac san ho trai phep va san trom rua bien - anh: cuc tuan duyen dai loan

Chiếc tàu của Trung Quốc cùng toàn bộ 41 thành viên bị tuần duyên Đài Loan bắt giữ ngày 23-3 vì khai thác san hô trái phép và săn trộm rùa biển - Ảnh: Cục Tuần duyên Đài Loan

Tờ Straitstimes của Singapore ngày 28-3 dẫn lời Cục Tuần duyên Đài Loan (CGA) ngày 27-3 xác nhận thông tin trên.

Theo đó, địa điểm xảy ra vụ việc nằm ở quần đảo Đông Sa, phía bắc Biển Đông. Khu vực này là nơi tranh chấp giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục nhưng hiện do vùng lãnh thổ này kiểm soát.

Tàu Trung Quốc bị phát hiện ở khu vực 7,5 hải lý gần đảo Đông Sa ngày 23-3. Sau khi khống chế và kiểm soát con tàu, phía Đài Loan đã phát hiện 15 tấn san hô thuộc 21 loài khác nhau, 400kg động vật có vỏ và ba cá thể rùa xanh quý hiếm trên tàu.

Điều đáng nói, trên chiếc tàu Trung Quốc, các nhân viên của CGA còn phát hiện gần 40kg hóa chất độc hại dùng để giết cá.

Toàn bộ 41 người trên tàu đã bị Đài Loan đưa về thành phố Cao Hùng để tiếp tục thẩm vấn. Theo CGA, những người này sẽ bị kết tội và chịu hình phạt ở Đài Loan.

Cũng trong thời gian này, các tàu tuần tra của CGA đã tiến hành xua đuổi 11 tàu cá Trung Quốc và bắt giữ thêm hai tàu nữa.

Theo CGA, hoạt động khai thác san hô theo kiểu nhắm vào từng loài cụ thể hay màu sắc của các tàu Trung Quốc đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng với hệ sinh thái trong khu vực. Cơ quan này nhấn mạnh sẽ tiếp tục cứng rắn với các tàu Trung Quốc nếu chúng tiếp tục đi vào vùng biển này.

Thứ ba tuần trước (22-3), CGA đã triển khai một tàu cỡ lớn 3.000 tấn và ba tàu nhỏ 100 tấn tới khu vực quần đảo Đông Sa làm nhiệm vụ tuần tra khu vực.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục