Philippines: Phán quyết của PCA là cơ sở để đàm phán với Trung Quốc
Triều Tiên bị nghi thả tờ rơi trên sông Hán, dọa tấn công miền nam
Nga mỉa mai chính trị gia Mỹ 'tưởng tượng chuyện kinh dị'
Chuyên gia Mỹ: Nga có thể chiếm trọn Ba Lan trong một đêm
Thiết giáp mới Nga lần đầu xuất hiện trong tập trận
Tin thế giới đọc nhanh chiều 26-07-2016
- Cập nhật : 26/07/2016
Mỹ: Chủ tịch đảng Dân chủ từ chức trước thềm đại hội
Đại hội đảng Dân chủ sẽ khai mạc vào tối 25-7 (giờ địa phương) trong bối cảnh hết sức bấn loạn sau vụ việc Chủ tịch đảng Dân chủ Debbie Wasserman Schultz từ chức chỉ một ngày trước đó (24-7).
Theo Washington Post (Mỹ), bà Wasserman Schultz bị buộc phải từ chức liên quan đến việc khoảng 19.000 thư điện tử bị rò rỉ trong một số thành viên cấp cao đảng Dân chủ cho thấy có sự phối hợp giúp ứng viên Hillary Clinton trong việc làm mất uy tín các đối thủ trong các vòng bầu cử sơ bộ. Số thư điện tử này do trang web Wikileaks công bố vài ngày trước.
Điều này mâu thuẫn với các tuyên bố trước đó của đảng Dân chủ và đội ngũ tranh cử của bà Clinton là tiến trình vận động tranh cử trong các vòng bầu cử sơ bộ là minh bạch và công bằng với đối thủ hàng đầu của bà Clinton là thượng nghị sĩ Bernie Sanders.
Chủ tịch đảng Dân chủ Debbie Wasserman Schultz từ chức ngày 24-7 liên quan 19.000 email trong nội bộ đảng ưu ái bà Clinton. Ảnh: SAINTPETERSBLOG
Ban đầu bà Wasserman Schultz không phải chịu áp lực đến mức phải từ chức nhưng bà quyết định làm thế sau khi tham vấn với Tổng thống Barack Obama.
Ông Berbie Sanders cho biết ông không ngạc nhiên về nội dung các email tiết lộ. Theo ông, các email này đã khẳng định nghi ngờ lâu nay của ông rằng các thành viên Dân chủ ưu ái bà Clinton hơn ông.
Tuy nhiên, ông Sanders vẫn khẳng định sẽ ủng hộ bà Clinton đến cùng trong cuộc đua vào Nhà Trắng với ông Trump: “Tôi sẽ làm tất cả có thể để đánh bại ông Trump, để bà Clinton thắng cử và tập trung vào các vấn đề người Mỹ đang thật sự đối mặt”. Theo lịch thì ông sẽ có bài phát biểu tại đêm khai mạc đại hội đảng Dân chủ.
Người ủng hộ ông Bernie Sanders xuống đường ở Philadelphia với biểu ngữ yêu cầu Chủ tịch đảng Dân chủ Debbie Wasserman Schultz từ chức. Ảnh: AP
Sự cố xảy ra vào đúng thời điểm chính trị rất quan trọng với bà Clinton, khi các đại biểu đảng Dân chủ đang lần lượt kéo về TP Philadelphia chuẩn bị tham dự đại hội.
Sự cố này cũng đã tổn hại đến hình ảnh một đảng Dân chủ thống nhất và là đảng tốt nhất, đủ năng lực đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo một đất nước đang nhiều chia rẽ và bất an mà bà Clinton nỗ lực xây dựng. Việc này cũng đe dọa đến khả năng thắng cử tổng thống của bà Clinton trước ông Donald Trump bên đảng Cộng hòa.(PLO)
Triều Tiên bị nghi bí mật xây căn cứ tàu ngầm mới
Triều Tiên được cho là đang trong quá trình xây dựng một căn cứ hải quân mới ở bờ biển phía đông để phục vụ các tàu ngầm có thể phóng tên lửa đạn đạo.
Hình ảnh được cho là căn cứ hải quân mới được xây dựng ở bờ biển phía đông Triều Tiên. Ảnh: IHSJane's
Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's Defence Weekly của Anh, Triều Tiên đang xây dựng cơ sở quân sự mới, nằm cách xưởng đóng tàu Sinpo, tỉnh Nam Hamgyong hơn hai km. Xưởng Sinpo là cảng nhà của chương trình tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Xưởng đóng tàu hiện tại chứa các tàu ngầm lớp Sinpo 2.000 tấn, được Triều Tiên sử dụng để phóng thử tên lửa đạn đạo. Mục đích của căn cứ hải quân mới được cho là chứa các tàu ngầm lớn hơn tàu lớp Sinpo. Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng bắt đầu từ giai đoạn giữa tháng 8/2009 và tháng 11/2012.
Các nguồn tin trước đó cho biết Bình Nhưỡng được cho là đang phát triển tàu ngầm 3.000 tấn, có thể chứa được hơn ba tên lửa đạn đạo. Tàu ngầm lớp Sinpo hiện nay chỉ có thể chứa một tên lửa mỗi lần.
Theo Yonhap, một quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết nước này đang theo dõi hoạt động xây dựng và cố gắng tìm hiểu thông tin chi tiết về dự án.
Thổ Nhĩ Kỳ phát lệnh bắt 42 nhà báo
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25-7 đưa tin nhà chức trách nước này vừa phát lệnh bắt 42 nhà báo bị nghi có liên quan đến cuộc đảo chính bất thành vừa qua, trong đó có nhiều nhà báo nổi tiếng.
Động thái này diễn ra sau khi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ Halis Hanci - cố vấn quan trọng của giáo sĩ Fethullah Gulen - người bị Ankara cáo buộc chủ mưu cuộc đảo chính, và Mohammet Sait Gulen - cháu trai ông Gulen.
Theo RT, từ sau đảo chính đến nay đã có 60.000 người bị bắt hoặc nằm trong diện bị điều tra. Còn theo thông tin chính thức từ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, tính đến ngày 24-7, họ đã bắt giữ tổng cộng 13.165 người có liên quan đến đảo chính.
Trong số này, có 8.838 binh sĩ, 2.101 thẩm phán và công tố viên, 1.485 cảnh sát, 52 quan chức chính quyền địa phương và 689 dân thường.
Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát lệnh bắt hơn 300 thành viên lực lượng Vệ binh Tổng thống nghi ngờ có liên quan đảo chính, sau đó thông báo giải tán luôn lực lượng này.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen - hiện đang sống ở Mỹ, dàn dựng cuộc đảo chính, và đòi dẫn độ ông này. Phía Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp bằng chứng mới cho dẫn độ.
Tàu chở 62 người lật úp trên biển Malaysia, 8 người chết
Vào lúc bị lật, chiếc tàu chở theo 62 người Indonesia và được cho là người di cư bất hợp pháp. Cơ quan chức năng cho biết đã vớt được 8 thi thể, trong khi 20 người khác mất tích.
Tai nạn xảy ra trên vùng biển ngoài khơi bang Johor, miền nam Malaysia, giữa lúc gió to sóng lớn. Truyền thông địa phương đưa tin vào lúc đó trên tàu có 62 người, toàn bộ là người Indonesia và được cho là nhập cư trái phép vào Malaysia.
34 người may mắn được cứu thoát. Hiện các đội cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm những người mất tích.
"Mọi thứ xảy đến như một cơn ác mộng khủng khiếp", một người sống sót nói. "Tôi không thể cứu được vợ tôi dù lúc đó cô ấy đang ngồi trong lòng tôi".
AFP đưa tin những được cứu đã được bàn giao cho Cơ quan nhập cư bang Johor. Một quan chức nói những người không có giấy tờ hợp lệ sẽ bị trục xuất và các trường hợp khác sẽ bị điều tra.
Khoảng 2 triệu người Indonesia hiện đang sống ở Malaysia - nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á. Nhiều người trong số này là lao động bất hợp pháp, thường làm các công việc chân tay nặng nhọc.