tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 29-10-2015

  • Cập nhật : 29/10/2015

Indonesia và Mỹ cùng phát triển hải quân, an ninh hàng hải

Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, ông Obama và ông Widodo trao đổi những vấn đề lớn như TPP, hợp tác an ninh hàng hải và chống biến đổi khí hậu.

tong thong my obama (phai) va tong thong indonesia, widodo, bat tay sau cuoc hop tai phong bau duc o nha trang tai washington - anh: reuters

Tổng thống Mỹ Obama (phải) và tổng thống Indonesia, Widodo, bắt tay sau cuộc họp tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng tại Washington - Ảnh: Reuters

Đài DW dẫn lời ông Widodo nói: “Indonesia là một nền kinh tế mở, với 250 triệu dân, chúng tôi là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Indonesia sẽ gia nhập TPP”.

Cũng tại cuộc gặp, hai vị nguyên thủ thống nhất trong vấn đề củng cố quan hệ hợp tác an ninh hàng hải giữa hai nước.

Đài NHK dẫn thông báo Nhà Trắng cho biết hai bên khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong việc phát triển trang thiết bị hải quân và cung cấp khí tài quân sự. Đài truyền hình của Nhật Bản cho rằng động cơ của sự hợp tác này là những hoạt động ngang ngược trên biển Đông của Trung Quốc thời gian qua.

Tuy không nhắc tới Trung Quốc trong cuộc họp báo sau cuộc gặp tổng thống Indonesia, nhưng ông Obama cho biết hai bên đã thảo luận về tầm quan trọng của việc thông qua các kênh như ASEAN để thúc đẩy việc củng cố những nguyên tắc kiểm soát hành xử của các nước trong lĩnh vực hàng hải.

Theo Reuters, một nội dung khác được nêu ra trong chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo là vấn đề chống biến đổi khí hậu trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc tại Paris tháng 12. Đáng chú ý hơn khi câu chuyện diễn ra trong bối cảnh tình trạng cháy rừng của Indonesia đang là vấn đề gây quan ngại lớn ở khu vực Đông Nam Á.

Tuyên bố chung hai nước cho biết Mỹ và Indonesia cam kết hợp tác chặt chẽ để triển khai những chính sách mạnh mẽ nhằm hạn chế lượng khí thải nhà kính và tăng ổn định khí hậu.

Mỹ nói sẽ hỗ trợ Indonesia 2,75 triệu USD để giải quyết vấn đề khói bụi do cháy rừng. Khoản tiền này bị công luận Mỹ chỉ trích là có "chút tình riêng" trong đó. Các tổ chức hoạt động môi trường cho rằng ông Widodo phải tìm cách giải quyết nguyên nhân của các vụ cháy hơn là dùng tiền đóng thuế của người dân để chống lại khi sự việc xảy ra.

Chuyến công du của ông Widodo tới Mỹ lần này là chuyến thăm Mỹ đầu tiên trong 10 năm qua của một tổng thống Indonesia. Sau cuộc gặp gỡ ông Obama, ông Widodo phải rút ngắn chuyến công tác, bỏ qua kế hoạch tới San Francisco để trở về giải quyết vấn đề cháy rừng gây khói bụi làm ô nhiễm nghiêm trọng không khí của Indonesia và các nước láng giềng.


Nhật trao đổi thông tin với Mỹ về Biển Đông

Nhật cho biết đang theo dõi chặt chẽ và trao đổi thông tin với đồng minh khi Mỹ bắt đầu tuần tra đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa.
chanh van phong noi cac nhat yoshihide suga. anh: bloomberg

Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga. Ảnh: Bloomberg

Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho hay chính phủ sẽ không bình luận về "mỗi chiến dịch" của quân đội Mỹ, nhưng nói thêm rằng hai đồng minh đang "trao đổi thông tin".

Các nguồn tin ngoại giao đầu tháng này cho biết Washington đã thông báo với các nước Đông Nam Á về cuộc tuần tra, và cũng đề cập với chính phủ Nhật về kế hoạch. 

Theo Japan Times, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani hôm nay khẳng định căng thẳng ở Biển Đông ảnh hưởng lớn đến an ninh Nhật, vì vậy Tokyo sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình trước khi quyết định phương thức hành động. 

"Đất nước chúng tôi tin rằng điều quan trọng là cộng đồng quốc tế hợp tác cùng nhau để bảo vệ vùng biển hòa bình, mở và tự do", ông Nakatani nói nhưng cũng từ chối bình luận về chiến dịch cụ thể của Mỹ. Nhật không phải nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. 

Mỹ sáng nay triển khai tàu khu trục tên lửa USS Lassen vào trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá ngầm Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo. Bắc Kinh cho biết đã theo sát tàu hải quân Mỹ và dọa sẽ kiên quyết đáp trả.


Trung Quốc dọa đáp trả tàu Mỹ ở Trường Sa

Bắc Kinh cho biết đã theo sát tàu hải quân Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các bãi đá mà Trung Quốc bồi đắp trái phép  ở quần đảo Trường Sa, và dọa sẽ "kiên quyết đáp trả".
tau khu truc uss lassen. anh: us navy.

Tàu khu trục USS Lassen. Ảnh: US Navy.

Hải quân Mỹ vừa điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông, giới chức Mỹ thông báo.

Đáp lại, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay cho biết "các nhà chức trách liên quan" đã giám sát, theo sau và cảnh báo USS Lassen bởi tàu Mỹ đi "trái phép" vào các vùng biển quanh "các bãi đá và đảo" ở quần đảo Trường Sa "mà chưa được Bắc Kinh đồng ý".

"Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả sự khiêu khích đơn phương của mọi quốc gia. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao trên các vùng biển và không phận liên quan, thực hiện mọi biện pháp cần thiết phù hợp với nhu cầu",Reuters dẫn thông báo của Trung Quốc.

Bắc Kinh còn "kêu gọi Mỹ xem xét lời phản đối nghiêm túc của Trung Quốc, lập tức sửa sai và không thực hiện các hành vi nguy hiểm hoặc khiêu khích đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh" của nước này.

Cũng hôm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu cho biết Bắc Kinh đang xác minh thông tin Mỹ điều tàu, và nếu điều này là thực, Trung Quốc "khuyên Mỹ nên suy nghĩ kỹ càng, không hành động mù quáng hoặc gây chuyện".

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Washington sẽ triển khai tuần tra thêm trong vài tuần tới và có thể thực hiện gần các thực thể mà Việt Nam và Philippines xây dựng trên quần đảo Trường Sa. "Đây sẽ là hoạt động thường xuyên, chứ không phải sự kiện chỉ xảy ra một lần", quan chức này nói.

Hồi tháng 9, tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung ở Washington, đứng bên cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ thực hiện tự do hàng hải và hàng không ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Washington yêu cầu Bắc Kinh ngừng việc bồi đắp và xây dựng các thực thể ở Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh ngang nhiên tiến hành cải tạo đất phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, động thái bị Việt Nam, Mỹ và các nước trong khu vực phản đối mạnh mẽ.


Philippines, Úc ủng hộ Mỹ tuần tra Biển Đông

Ngày 27-10, Chính phủ Philippines và Úc đã lên tiếng ủng hộ Mỹ bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông sau khi tàu khu trục USS Lassen của hải quân Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý quanh Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn.

tau khu truc uss lassen cua my - anh: reuters

Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, trong cuộc họp báo ở Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố: “Việc Mỹ đưa tàu đi qua vùng biển này nhằm khẳng định có các thông lệ về tự do hàng hải và sẽ không có chuyện thay đổi thực trạng (ở Biển Đông, dù Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép)”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho biết: “Điều quan trọng là cần phải công nhận rằng các nước có quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Úc rất ủng hộ các quyền này. Úc có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do thương mại, hàng hải và hàng không ở Biển Đông” - bà Payne nhấn mạnh.

Đưa tin về tuyên bố của bà Payne, Hãng News Corp Australia Network mô tả các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấn trên Biển Đông là “đảo cát bất hợp pháp” và viết rõ Trung Quốc “xây đảo cát và căn cứ không quân ở quần đảo Trường Sa nhằm hỗ trợ đòi hỏi chủ quyền bất hợp pháp của nước này”.

Mới đây, các quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định cuộc tuần tra của tàu khu trục USS Lassen trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi, nơi Trung Quốc xây đảo nhân tạo bất hợp pháp, sẽ không phải là “việc chỉ làm một lần duy nhất”.

Theo báo Wall Street Journal, một số quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hải quân nước này sẽ tiếp tục triển khai tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh. Các chiến dịch tuần tra mới sẽ diễn ra trong những tuần tới.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hùng hổ phản đối Mỹ “lợi dụng tự do hàng hải và hàng không để đe dọa chủ quyền và an ninh Trung Quốc”, đồng thời nhấn mạnh nước này “sẽ bảo vệ chủ quyền một cách mạnh mẽ”. Tân Hoa xã cũng đăng bài xã luận chỉ trích cuộc tuần tra của tàu USS Lassen là “hành vi khiêu khích không có cơ sở”.

Tuy nhiên AFP dẫn lời chuyên gia Rory Medcalf, giám đốc an ninh quốc tế Viện Lowy (Úc), nhận định phản ứng của Bắc Kinh là khá hạn chế so với những tuyên bố hiếu chiến trước đây như “sẽ đánh phủ đầu thế lực nước ngoài xâm phạm chủ quyền”. “Trung Quốc đã bị bắt thóp” - ông Medcalf nhấn mạnh.

Reuters dẫn lời học giả Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore đánh giá việc hải quân Mỹ triển khai một tàu khu trục hùng mạnh đến áp sát các đảo nhân tạo bất hợp pháp thay vì các tàu nhỏ hơn là thông điệp rất mạnh mẽ gửi tới Bắc Kinh.

“Điều quan trọng nữa là Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục tuần tra” - ông Storey nói.


​Tàu khu trục Mỹ hoàn tất tuần tra quanh Đá Xu Bi

 Các quan chức quốc phòng Mỹ thông báo tàu khu trục tên lửa USS Lassen đã hoàn tất tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi, nơi TQ xây đảo nhân tạo bất hợp pháp.

tau khu truc uss lassen cua hai quan my - anh: navy.mil

Tàu khu trục USS Lassen của hải quân Mỹ - Ảnh: Navy.mil

Trưa 27-10 (giờ VN), các quan chức quốc phòng Mỹ thông báo tàu khu trục tên lửa USS Lassen đã hoàn tất tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi, nơi Trung Quốc xây đảo nhân tạo bất hợp pháp.

Theo báo Washington Post, tàu khu trục USS Lassen được hai máy bay tuần tra của hải quân Mỹ hộ tống khi áp sát Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. “Sứ mệnh tuần tra đã hoàn tất một cách êm thấm” - một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Điều đáng nói là trước đó giới quân sự và truyền thông Trung Quốc từng nhiều lần hùng hổ đe dọa sẽ dùng sức mạnh để đáp trả các cuộc tuần tra của Mỹ.

Một đô đốc hải quân Trung Quốc hung hăng khẳng định quân đội nước này sẽ “đánh phủ đầu” bất kỳ lực lượng nước ngoài nào “xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc”.

Tuy nhiên tàu USS Lassen không vấp phải bất kỳ sự cản trở nào khi tiếp cận Đá Xu Bi. Trước đó có tin tàu USS Lassen còn tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Vành Khăn.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố tàu nước này “đã giám sát, theo dõi và cảnh cáo” tàu khu trục USS Lassen khi con tàu Mỹ đi vào gần Đá Xu Bi.

“Trung Quốc yêu cầu Mỹ sửa sai, không thực hiện hành vi nguy hiểm và khiêu khích xâm phạm chủ quyền và lợi ích an ninh của chúng tôi” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc hùng hổ.

Trước đó khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã dự báo dù lớn tiếng đe dọa dùng sức mạnh quân sự nhưng thực tế Trung Quốc hoàn toàn không dám manh động khi phải đối mặt với tàu chiến Mỹ.

“Theo dõi, cảnh cáo” chỉ là động thái hoàn toàn mang tính chất tuyên truyền của Bắc Kinh.

Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định lẽ ra hai quân Mỹ cần phải tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép từ lâu.

Bà nhận định dù tàu chiến Mỹ không thể ngăn cản Trung Quốc tiếp tục xây cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo, nhưng  cuộc tuần tra là lời khẳng định rằng luật pháp quốc tế có hiệu lực trên biển Đông và đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc là không có giá trị. (Tuổi Trẻ Online)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục