tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh sáng 31-03-2016

  • Cập nhật : 31/03/2016

Malaysia tố tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền

Cơ quan hàng hải Malaysia hôm qua cho rằng hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống khoảng 100 tàu cá vào vùng biển Malaysia gần bãi cạn Luconia ở Biển Đông. 
mot tau hai canh cua trung quoc. anh: ap

Một tàu hải cảnh của Trung Quốc. Ảnh: AP

"Đây là sự kiện chưa có tiền lệ. Đây là lần đầu tiên", Kyodo dẫn lời ông Ahmad Puzi Ab Kahar, Tổng giám đốc Cơ quan thực thi luật biển Malaysia (MMEA), hôm qua nói, đề cập đến một lượng lớn tàu cá cơ quan này đối mặt tuần trước. "Đó là lý do chúng tôi đang có cách tiếp cận cẩn trọng". 

Đây là lần đầu tiên MMEA công bố chi tiết về vụ 100 tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển Malaysia, sau khi  ông Shahidan Kassim, Bộ trưởng phụ trách an ninh quốc gia, công bố về vụ việc này hôm 24/3.

Ông Puzi đưa ra bản đồ cho thấy tàu Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và họ bị phát hiện hoạt động từ ngày 25 đến 27/3 với số tàu trong khoảng 40-100. Các tàu nằm rải rác trong khu vực có diện tích 1.931 km2. Ông nói các tàu cá không có cờ hay số đăng ký, nhưng họ phát hiện một tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống chúng trong khi một tàu khác neo đậu gần bãi cạn Luconia.

vi tri bai can luconia. do hoa: wikipedia

Vị trí bãi cạn Luconia. Đồ họa: Wikipedia

MMEA đã cố liên lạc với tàu nước ngoài nhưng không được đáp lại. Tuy nhiên, họ theo các tàu này khi chúng di chuyển về phía tây. Đến hôm nay, "những vị khách không mời", như lời ông Puzi, không còn được thấy nữa. Ông cho biết họ không thể lên bất cứ tàu nào để kiểm tra do biển động, nhưng kịp chụp ảnh làm bằng chứng.

Cáo buộc xâm phạm vùng biển của Malaysia được đưa ra sau khi Indonesia chặn một tàu cá Trung Quốc hồi tuần trước ngoài khơi đảo Natuna, khu vực sâu xuống phía nam Biển Đông.

Trước đây, có những trường hợp tàu hải quân Trung Quốc và tàu cá xâm phạm vùng biển của Malaysia ở Biển Đông, nhưng Malaysia có cách tiếp cận không ồn ào thông qua kênh ngoại giao với đối tác thương mại lớn của nước này.


IS âm mưu gieo rắc 'ác mộng hạt nhân' toàn thế giới

Một nhà nghiên cứu thuộc ĐH Harvard cho biết có thể IS đang âm mưu thực hiện một cuộc khủng bố hạt nhân.

Vụ giết nhân viên bảo vệ tại một cơ sở hạt nhân Bỉ chỉ hai ngày sau cuộc tấn công ở Brussels cùng với bằng chứng gián điệp IS đã theo dõi các nhà nghiên cứu hạt nhân ở đó, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng bố hạt nhân tàn khốc.

Theo Matthew Bunn - điều tra viên chính của dự án Quản lý Nguyên tử tại ĐH Harvard, mối đe dọa về một thảm họa hạt nhân đang hiện hữu trước mắt. Bỉ đã chứng kiến nhiều sự kiện đáng ngờ liên quan đến vật liệu và cơ sở hạt nhân.

Vào tháng 8-2014, một nhân viên tại lò phản ứng Doel-4 đã mở một van và xả hết nước trong tua-bin đựng chất bôi trơn. Hành động này làm tổn thất ít nhất 100-200 triệu USD. Sau đó, các nhà chức trách Bỉ phát hiện ra một người đàn ông tên Ilyass Boughalab đã bỏ việc tại lò phản ứng Doel-4 để đến Syria tham gia Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

khung bo duong nhu tung co y dinh tan cong nha may hat nhan trong vu khung bo gan day brussels. (anh minh hoa)

Khủng bố dường như từng có ý định tấn công nhà máy hạt nhân trong vụ khủng bố gần đây Brussels. (Ảnh minh họa)

Tháng 11, ngay sau khi cuộc tấn công Paris xảy ra, nhà chức trách Bỉ đã bắt giữ một người đàn ông tên Mohammed Bakkali và phát hiện các đoạn video theo dõi một chuyên gia thuộc cơ sở nghiên cứu hạt nhân SCK-CEN ở Mol (Bỉ). Theo điều tra, các cảnh quay được thực hiện bởi Ibrahim và Khalid el-Bakraoui, hai trong số các tên ném bom tự sát trong cuộc tấn công gần đây ở Brussels.

Ngày 24-3, một nhân viên bảo vệ được tìm thấy bị bắn chết tại Viện Nguyên tố phóng xạ quốc gia Bỉ ở Fleurus. Tuy nhiên, công tố viên Bỉ tuyên bố cái chết không liên quan đến khủng bố và bác bỏ thông tin rằng mạng lưới an ninh đã bị phá hủy.

Những trường hợp trên là bằng chứng rõ rệt cho thấy IS đang âm mưu tạo ra một “thành phố ma” như Fukushima ngay giữa châu Âu. Dù là bằng cách tấn công một cơ sở hạt nhân, kích nổ bom thông thường với các vật liệu phóng xạ, hay thậm chí là tự chế tạo một quả bom phân hạch chứa uranium.

Nhưng để làm được điều này, chúng sẽ cần rất nhiều chuyên gia để phá vỡ lớp bảo mật và các biện pháp bảo vệ của nhà máy. Ngay trước cuộc tấn công Brussels, SCK-CEN đã triển khai quân đội vũ trang đến bốn cơ sở hạt nhân của Bỉ.

Bom “lậu”

thu nghiem mo phong khung bo kich no bom phong xa o portland (my) vao thang 10-2007

Thử nghiệm mô phỏng khủng bố kích nổ bom phóng xạ ở Portland (Mỹ) vào tháng 10-2007

Nhưng tăng cường an ninh tại các cơ sở hạt nhân vẫn chưa đủ. “Chất liệu phóng xạ có sẵn ở nhiều địa điểm. Chúng có thể dễ dàng được ăn cắp trong các bệnh viện, khu công nghiệp,... thay vì tại trung tâm SCK-CEN” - ông Bunn viết.

Những vật liệu hạt nhân có thể cho phép kẻ khủng bố biến một vụ nổ thông thường thành một thảm họa khiến cả khu vực bị nhiễm độc phóng xạ. Điều này làm tăng đáng kể chi phí dọn dẹp và nguy cơ lâu dài về sau. Năm 1987, bốn người đã chết ở TP Goiânia (Brazil) sau khi tiếp xúc với muối Cesium từ rác thải y tế.

Ông Bunn lưu ý rằng các vật liệu chế tạo bom lậu tồn tại trong “hàng chục ngàn các nguồn phóng xạ ở hơn 100 quốc gia trên thế giới”. Theo ước tính của Trung tâm Hạn chế vũ khí hủy diệt hành loạt James Martin, trong năm 2013 và 2014, đã có 325 sự cố các chất phóng xạ bị mất hoặc đánh cắp.

Thành phần quan trọng nhất của một quả bom hạt nhân là uranium được làm giàu. Đối với nhiều chuyên gia, việc đánh cắp uranium đã làm giàu từ SCK-CEN sẽ là một mục tiêu rất khó khăn và “dường như xa vời” với IS.

Tuy nhiên, theo các báo cáo gần đây của chính phủ, việc này có khả năng sẽ xảy ra. Sau vụ bắt cóc chuyên gia hạt nhân Bỉ, mưu đồ chế tạo bom hạt nhân của IS đang thể hiện ngày càng rõ rệt. 


Trung Quốc “cần tuân thủ” phán quyết PCA

Những gì Trung Quốc đang làm ở biển Đông rõ ràng là “vượt xa” những gì các bên còn lại đã thực hiện trong vài thập kỷ qua

Mặc dù các bên có tuyên bố chủ quyền khác ở biển Đông đưa lực lượng quân sự, vũ khí tới các tiền đồn của mình nhưng không bên nào có thể so được với quy mô hoạt động quân sự ráo riết của Trung Quốc tại khu vực này trong 2 năm qua.

Đó là nhận định của phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Colin Willett tại cuộc họp báo qua điện thoại từ thủ đô Washington với báo giới khu vực Đông Nam Á, trong đó có phóng viên Báo Người Lao Động, hôm 29-3 (giờ Việt Nam). “Những gì Trung Quốc đang làm (ở biển Đông) rõ ràng là vượt xa những gì các bên còn lại đã thực hiện trong vài thập kỷ qua. Lập luận của Trung Quốc rằng những tiền đồn quân sự của họ là công trình dân sự không đủ sức thuyết phục” - bà Willett nhận định tại cuộc họp báo tập trung vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ và an ninh hàng hải ở biển Đông.

Nhà ngoại giao cũng chỉ rõ những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông đã lấn án tất cả các bên liên quan. Ngoài ra, Bắc Kinh không cần những hành động quân sự hóa quyết liệt như triển khai tên lửa và chiến đấu cơ để “bảo vệ dân thường, hỗ trợ ngư dân gặp nạn hoặc giám sát thời tiết” như họ tuyên bố.

“Đường băng Trung Quốc xây dựng vốn được thiết kế cho máy bay ném bom chiến lược chứ không phải máy bay vận tải phục vụ cứu trợ nhân đạo hoặc thảm họa” - bà Willett chỉ trích khi đề cập các đường băng trái phép của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và một số đảo nhân tạo (quần đảo Trường Sa, đều thuộc chủ quyền Việt Nam).

giao su peter dutton tai buoi trao doi voi cac phong vien viet nam anh: phuong vo

Giáo sư Peter Dutton tại buổi trao đổi với các phóng viên Việt Nam Ảnh: Phương Võ

Về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), bà Willett khuyên Bắc Kinh không nên phớt lờ phán quyết cuối cùng của tòa này bởi làm vậy sẽ càng gia tăng đối đầu với các nước láng giềng. “Theo quan điểm của chúng tôi, nên xem phán quyết là cơ hội cho một giải pháp ngoại giao thực sự, không phải mối đe dọa” - bà nhận định.

Quan điểm trên cũng được giáo sư nghiên cứu chiến lược Peter Dutton, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, chia sẻ tại buổi trao đổi trực tuyến với các phóng viên tại TP HCM về Luật Biển, mối quan hệ của luật này đến biển Đông và các vấn đề liên quan diễn ra cùng ngày 29-3. Theo ông Dutton, điều cần rút ra từ phán quyết của PCA không phải là chuyện ai thắng ai thua. Quan trọng hơn, việc tìm đến sự phân xử của PCA mang lại cơ hội tốt để các bên liên quan tăng cường đối thoại nhằm thu hẹp khoảng cách.

Giáo sư Dutton đánh giá chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ trên biển Đông nhằm bảo vệ tự do thương mại, duy trì một trật tự hàng hải toàn cầu mở, tăng cường gắn kết với các đồng minh và đối tác trong khu vực, cũng như ngăn chặn việc sử dụng vũ lực để cản trở sự tiếp cận tại đó. Trước những lo ngại rằng chiến dịch này không hiệu quả trong việc buộc Trung Quốc chấm dứt hành động đơn phương sai trái ở biển Đông, ông Dutton cho rằng đó không nhất thiết phải là mục tiêu Mỹ theo đuổi. Thay vào đó, Washington cần chứng tỏ nước này sẽ không lùi bước trước sự lấn tới của Bắc Kinh ở đó, cũng như tiếp tục cho tàu, máy bay hoạt động tại những nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm biển Đông.

Mặt khác, chuyên gia này nhấn mạnh vai trò của Mỹ ở biển Đông là ngăn chặn căng thẳng leo thang thành xung đột vũ trang, cũng như giúp các nước phát triển lực lượng bảo vệ bờ biển của riêng mình, tăng cường năng lực bảo vệ an ninh hàng hải, chia sẻ thông tin...


Hàn Quốc phát triển tên lửa đánh chặn đối phó Triều Tiên

Hàn Quốc có kế hoạch phát triển tên lửa đánh chặn để đối phó hệ thống tên lửa của Triều Tiên.
gian phong rocket k-136 cua han quoc khai hoa trong cuoc tap tran nam 2010. anh: business times

Giàn phóng rocket K-136 của Hàn Quốc khai hỏa trong cuộc tập trận năm 2010. Ảnh: Business Times

Trong kế hoạch 5 năm 2017-2021, Hàn Quốc sẽ phát triển các loại pháo đất đối đất, tầm bắn 120 km để phá hủy giàn phóng tên lửa Triều Tiên cùng pháo binh và các loại tên lửa tầm xa, theo Yonhap. Quân đội Hàn Quốc dự kiến kết thúc thử nghiệm loại pháo này vào năm 2018 và cho hoạt động chính thức từ năm 2019. 

Hệ thống giàn phóng tên lửa (MLRSS) của Triều Tiên được coi là mối đe dọa mới mà Hàn Quốc phải đối mặt. Đầu tháng 3, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công MLRSS với tầm bắn 200-300 km, tốt hơn những hệ thống cũ và đủ sức đặt một nửa lãnh thổ Hàn Quốc trong tầm hỏa lực. Tính riêng trong tháng 3, Bình Nhưỡng đã ba lần phóng thử tên lửa loại này. 

Trong kế hoạch 5 năm quân đội Hàn Quốc cũng xây dựng hệ thống radar cảnh báo sớm đối phó tên lửa Triều Tiên bắn từ tàu ngầm. Seoul còn phát triển bom sợi carbon để phá hủy hệ thống cung cấp điện của Bình Nhưỡng. 

Hàn Quốc khẳng định 5 năm tới là thời điểm quan trọng xây dựng lực lượng quân đội trong bối cảnh Triều Tiên hiện đại hóa tên lửa và sức mạnh hạt nhân. Đây là giai đoạn Hàn Quốc tiếp cận cách quản lý quân đội thời chiến từ đồng minh Mỹ.

Căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay sau các vụ thử tên lửa, bom nhiệt hạch của Bình Nhưỡng. Hai bên đều tuyên bố sẽ phản ứng cứng rắn trước hành động khiêu khích từ đối phương.


Đau đầu trước tham nhũng, LHQ tăng cường giám sát tài chính

Các chủ tịch đại hội đồng cần phải báo cáo minh bạch tài chính trước khi bắt đầu và khi kết thúc nhiệm kỳ.

Báo cáo của một lực lượng đặc biệt thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố ngày 29-3 đề nghị LHQ phải ban hành các nguyên tắc về đạo đức và minh bạch tài chính đối với Ban Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, theo hãng tin Reuters (Mỹ).

Các chủ tịch đại hội đồng phải báo cáo minh bạch tài chính trước khi bắt đầu và khi kết thúc nhiệm kỳ.

Sở dĩ có động thái này vì vừa xảy ra một vụ bê bối nhận hối lộ liên quan đến một cựu chủ tịch Đại hội đồng LHQ.

Cuộc điều tra của Mỹ vào Ban Chủ tịch Đại hội đồng LHQ dẫn tới kết quả truy tố bảy người cáo buộc tham gia vào một đường dây nhận hối lộ hơn 1,3 triệu USD.

Trong số này có ông John Ashe, cựu đại sứ Antigua và Barbuda tại LHQ và là chủ tịch Đại hội đồng LHQ nhiệm kỳ 2013-2014. Ông John Ashe bị cáo buộc nhận lối lộ từ một số doanh nhân Trung Quốc, trong đó có doanh nhân Ng Lap Seng ở Macau làm trong ngành bất động sản. Cả hai ông John Ashe và Ng Lap Seng không nhận tội.

chu tich dai hoi dong lhq nhiem ky 2013-2014 john ashe bi cao buoc nhan hoi lo tu mot so doanh nhan trung quoc. anh: un.org

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ nhiệm kỳ 2013-2014 John Ashe bị cáo buộc nhận hối lộ từ một số doanh nhân Trung Quốc. Ảnh: UN.ORG

Đầu tháng 3, một người bị Mỹ truy tố là ông Francis Lorenzo, từng là phó đại sứ Cộng hòa Dominica tại LHQ nhưng đã bị ngưng chức, đã nhận tội và hứa hợp tác điều tra. Ba người khác bị truy tố cũng đã nhận tội.

Vì vụ này, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lập một lực lượng đặc biệt với nhiệm vụ cải thiện sự trong sạch của văn phòng Ban Chủ tịch Đại hội đồng LHQ. Ông cũng chỉ đạo thực hiện kiểm toán ở văn phòng này, kết quả chưa được công bố.

Theo báo cáo, chi phí hoạt động của văn phòng ban chủ tịch không tăng từ năm 1998 đến nay. Một phần lớn nguồn thu của văn phòng đến từ các khoản đóng góp tự nguyện từ các nhà từ thiện ở các nước thành viên, các cơ quan khác của LHQ, các quỹ từ thiện và các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên trước nay không có một hệ thống giám sát việc đóng góp này.

Đương kim Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Mogens Lykketoft (Đan Mạch) cho biết một ủy ban được lập từ 193 nước sẽ thảo luận về báo cáo của lực lượng đặc biệt vào ngày 7-4.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục