tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 07-04-2016

  • Cập nhật : 07/04/2016

Trung Quốc chặn các website nhắc đến “Hồ sơ Panama”

Cơ quan giám sát Internet Trung Quốc đã cấm phát tán các thông tin liên quan đến vụ rò rỉ dữ liệu của một công ty luật tại Panama, trong đó có đề cập đến các nhà lãnh đạo Trung Quốc và người thân của họ.
trung quoc kiem duyet nhieu tu khoa lien quan den panama tren mang internet cua nuoc nay.

Trung Quốc kiểm duyệt nhiều từ khóa liên quan đến Panama trên mạng Internet của nước này.

Theo TheGuardian, truyền thông và mạng xã hội tại Trung Quốc được yêu cầu không nhắc đến mọi thông tin trong vụ "Hồ sơ Panama", đồng thời sẽ có những trừng phạt thích đáng nếu các tài liệu này bị phát tán.
Chỉ thị kiểm duyệt Internet đưa ra với các lời lẽ cứng rắn: "Tìm và xóa mọi bài viết về Hồ sơ Panama. Cấm mọi thông tin có liên quan đến vụ này, không có trường hợp ngoại lệ. Nếu các tài liệu này, với mục tiêu tấn công Trung Quốc, được tìm thấy trên bất kỳ website nào thì website đó sẽ bị xử lý nghiêm". Thông báo còn nhấn mạnh: "Hãy hành động ngay lập tức".
Weibo, mạng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc, đã chặn tìm kiếm với các từ khóa như "Panama + ngoại quốc", "ngoại quốc + tài chính", "Panama + Deng Jiagui", "Panama + Li Xiaolin".
Trung Quốc từ lâu được biết đến là quốc gia kiểm soát gắt gao các nội dung trên Internet. Chính phủ nước này đã xây dựng hệ thống tường lửa mạnh mẽ, được ví như Vạn Lý Trường Thành trên mạng. Nhiều dịch vụ vốn phổ biến trên thế giới lại bị cấm tại Trung Quốc như Facebook, Google, Twitter...
Theo Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), trong số 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ có nhắc đến 8 vị lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và người thân của họ. 

Mục tiêu Trung Đông của Thủ tướng Ấn Độ

Trang mạng "eurasiareview" mới đây có bài phân tích về mục đích chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Saudi Arabia.

thu tuong an do narendra modi va quoc vuong saudi arabia salman bin abdulaziz al saud

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud

Theo bài viết, khu vực Trung Đông và đặc biệt là Saudi Arabia không nằm trong số các nước láng giềng của Ấn Độ nhưng khu vực này đóng một vai trò rất lớn trong lĩnh vực kinh tế cũng như trong mối quan hệ với quốc gia láng giềng Pakistan đầy xung khắc của nước này. Vì vậy, Thủ thướng Modi và Chính phủ của ông đã chú trọng vun đắp các mối quan hệ bằng những chuyến công du tới khu vực Trung Đông.

Quan hệ giữa Ấn Độ với Saudi Arabia đã phát triển trong hai thập kỷ qua dựa trên các mối hợp tác về năng lượng vẫn đang bùng nổ và cộng đồng người Ấn Độ hiện là nhóm lao động người nước ngoài lớn nhất tại Vương quốc này. Ông Modi đã hai lần gặp gỡ Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud  của Saudi Arabia và sự giúp đỡ của nước này trong việc di tản các công dân Ấn Độ ra khỏi vùng chiến sự ở Yemen là rất quan trọng. Năm 2012, Saudi Arabia quyết định trục xuất Sayed Zabiuddin, một nghi phạm trong vụ tấn công khủng bố ở Mumbai năm 2008 báo hiệu một sự thay đổi lớn trong ưu tiên chống chủ nghĩa khủng bố của quốc gia vùng Vịnh này.

Đối với Ấn Độ, bất cứ đồng minh nào có thể hành động như một đối trọng với Pakistan trong thế giới Hồi giáo đều là hữu ích. Saudi Arabia cũng làm như vậy đối với Iran. Hai quốc gia này từ lâu luôn tranh giành quyền lực và ảnh hưởng trong vùng Vịnh. New Delhi từ lâu đã cố gắng vun đắp quan hệ với Tehran nhưng các nỗ lực đó đã gặp trở ngại khi Iran có quan điểm chống phương Tây ngày càng tăng. Tham vọng hạt nhân của Iran đã giúp New Delhi và Riyadh xích lại gần nhau hơn. Riyadh đồng ý tăng gấp đôi xuất khẩu dầu thô cho Ấn Độ, giúp nước này giảm bớt sự phụ thuộc vào Iran. Đến nay, trong bối cảnh Saudi Arabia đang mất đi thị phần tại Trung Quốc và Mỹ thì nước này lại thay thế Iraq để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ và trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của cường quốc Nam Á này.

Chuyến thăm chính thức của ông Modi tới Saudia Arabia chứng tỏ vai trò của Ấn Độ trong một khu vực có nhiều biến động và thể hiện mong muốn của nước này đối với sự cân bằng quyền lực ổn định. Tuy nhiên, việc New Delhi vẫn chưa sẵn sàng làm cầu nối hoà giải giữa Riyadh và Tehran khiến mục tiêu của Thủ tướng Modi nhằm xác lập được vị thế của Ấn Độ tại Trung Đông trong mối tương quan với các cường quốc khác là một thử thách đối với chính sách ngoại giao của nước này.


“Vòng kim cô" của bà Aung San Suu Kyi

Tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đã tuyên thệ nhậm chức. Nhưng trong lần chuyển giao quyền lực thực chất nhất trong suốt hơn nửa thế kỷ qua của Myanmar này, “vai chính” vẫn là “nữ thần dân chủ” Aung San Suu Kyi.

ba aung san suu kyi.

Bà Aung San Suu Kyi.

Trong chính quyền mới của Myanmar, bà San Suu Kyi vừa “sai khiến Tổng thống” vừa chủ quản bốn cơ quan quan trọng, trong đó có cả Bộ Ngoại giao, gánh vác sứ mệnh thúc đẩy cải cách, dẫn dắt Myanmar xóa bỏ bộ mặt đói nghèo và đóng cửa, thay bằng diện mạo mới.

Nhìn lại lịch sử, tháng 3-2011, khi ông Thein Sein nhậm chức Tổng thống, về danh nghĩa dù Myanmar đã kết thúc thể chế quân quyền kéo dài nửa thế kỷ nhưng ông Thein Sein là tướng quân đội nghỉ hưu và vốn là nhân vật quan trọng của quân đội, do vậy vẫn không thể gạt bỏ được cảm nhận là “quân đội làm Thái Thượng Hoàng, Tổng thống dân cử chỉ là người làm thuê”. Lần này, ông Htin Kyaw lên làm Tổng thống hoàn toàn không có bối cảnh quân đội. Htin Kyaw là người của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), từng nhiều năm là đảng đối lập, thậm chí từng có thời bị cấm hoạt động. Rất nhiều thành viên của đảng này, trong đó có bà San Suu Kyi, hoặc bị giam lỏng hoặc bị ngồi tù. Một chính đảng đối lập trước đây, ngày nay đã vươn dậy trở thành đảng cầm quyền.

Mặc dù vậy, thay đổi quyền lực tại Myanmar không phải là thay đổi hoàn toàn, quân đội vẫn có quyền lực mạnh nhất. Hiến pháp nước này quy định quân đội đương nhiên có ¼ số ghế tại Quốc hội, mà bất cứ dự luật nào đều phải nhận được sự ủng hộ của ¾ số phiếu của các đại biểu Quốc hội mới được thông qua. Nói cách khác, quân đội Myanmar vẫn nắm rất chắc trong tay quyền phủ quyết, đồng thời nắm các bộ quan trọng và nhạy cảm như Bộ Nội chính, Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Biên giới. Cuối cùng quân đội vẫn còn một thứ vũ khí khác, đó là một khi quân đội cho rằng đất nước xuất hiện nguy cơ, chính quyền dân cử sẽ bị chính quyền quân đội tiếp quản. Có thể thấy quân đội Myanmar đã có những tính toán riêng, bảo đảm lợi ích của mình không bị tổn hại.

Trước khi chính quyền mới lên nắm quyền, Myanmar đã tổ chức duyệt binh, lãnh đạo quân đội đã rất nhanh chóng thay đổi tác phong “khiêm nhường” trước đó, mạnh mẽ vươn lên tuyến trước vũ đài chính trị Myanmar với tư thế đủ để bên ngoài nhận thấy tại Myanmar quyền lực quân đội là không thể thay thế. Rõ ràng thách thức lớn nhất của bà San Suu Kyi và Tổng thống Htin Kyaw do bà chỉ huy chính là “vòng kim cô” do quân đội niệm chú. Bà và Tổng thống Htin Kyaw chỉ còn cách tỉnh táo thể hiện tài năng mới có thể thúc đẩy được Myanmar cải cách mà không bị quân đội niệm thần chú.

Aung San Suu Kyi là linh hồn của NLD thắng cử, “ngai vàng” tổng thống lẽ ra thuộc về bà. Nhưng vì hiến pháp Myanmar quy định người thân trực hệ của tổng thống không được mang quốc tịch nước ngoài, bà Aung San Suu Kyi buộc phải “nhường ngôi”. Trước đó, bà từng tuyên bố, Tổng thống Myanmar khóa này chỉ có thể là chấp hành mệnh lệnh của bà. Ông Htin Kyaw là “chiến hữu” của bà trong nhiều năm qua, sự phối hợp giữa hai người luôn “nhịp nhàng” không kẽ hở. Chính quyền mới “theo khuôn phép cũ”, quân đội sẽ không lên tiếng. Nhưng nếu bà Aung San Suu Kyi vi phạm Hiến pháp, sai khiến Tổng thống, chắc chắn sẽ trở thành cái cớ để quân đội khiêu khích.

Bà San Suu Kyi là “lãnh tụ tối cao” của chính quyền Htin Kyaw, giữ các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Ngoại giao và Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Tổng thống, đối mặt với một Myanmar “hoang tàn đổ nát”, bao gồm đời sống nhân dân khó khăn, tham nhũng tràn lan và cơ sở hạ tầng thấp kém, cộng thêm xung đột sắc tộc và tôn giáo. Trong bối cảnh như vậy, nếu bà Aung San Suu Kyi giải quyết được các vấn đề một cách hiệu quả, quân đội hoan nghênh, ngược lại, xảy ra bất cứ vấn đề gì thì đó chính là sai lầm của riêng bà San Suu Kyi.


Nhiều quốc gia vào cuộc điều tra rửa tiền sau vụ hồ sơ Panama vỡ lở

Sau khi các tài liệu điều tra Panama Papers phát giác một hệ thống trốn thuế rộng lớn liên quan đến rất đông chính khách của nhiều nước được phổ biến rộng rãi trên truyền thông thế giới, nhiều nước đã thông báo mở điều tra về rửa tiền
hang ngan nguoi iceland bieu tinh ngay 4/4/2016 keu goi thu tuong sigmundur gunnlaugsson tu chuc vi bi neu ra trong vu panama papers - reuters.

Hàng ngàn người Iceland biểu tình ngày 4/4/2016 kêu gọi thủ tướng Sigmundur Gunnlaugsson từ chức vì bị nêu ra trong vụ Panama Papers - REUTERS.

Sau khi các tài liệu điều tra Panama Papers phát giác một hệ thống trốn thuế rộng lớn liên quan đến rất đông chính khách của nhiều nước được phổ biến rộng rãi trên truyền thông thế giới, nhiều nước đã thông báo mở điều tra về rửa tiền, RFI đưa tin.
Địa chấn ở chính trị tại lceland, Pháp, Tây Ban Nha, Úc, lần lượt tuyên bố mở điều tra và. Đó là những hiệu ứng đầu tiên của việc hàng trăm tờ báo trên thế giới phổ biến những tài liệu từ công ty luật Panama Mossack Fonseca.
Thủ tướng Iceland, Sigmindur David Gunnlaugsson bị chỉ đích danh đã mở một công ty tại đảo Virgin thuộc Anh Quốc, một thiên đường trốn thuế, để cất giấu hàng triệu đô la. Hàng nghìn người tối qua đã biểu tình ở thủ đô Reykjavik đòi ông từ chức. Đối lập đã trình kiến nghị bất tín nhiệm thủ tướng lên Quốc hội. Tin mới nhất cho biết, Thủ tướng Iceland đã xin từ chức.
Mặc dù việc mở các công ty bình phong ở các thiên đường thuế tại hải ngoại không phải là việc là trái pháp luật. Nhưng nhiều chính phủ cho biết đang chuẩn bị các thủ tục điều tra từ những thông tin của Panama Papers.
Tại Pháp, tư pháp đã thông báo mở điều tra về tội "rửa tiền gian lận thuế nghiêm trọng" liên quan đến những người phải chịu thuế tại Pháp.
Tại Tây Ban Nha, tư pháp và cơ quan thuế vụ cùng lúc mở các điều tra riêng biệt. Tương tự sở thuế Hà Lan hứa sẽ tìm các trường hợp trốn thuế trong các phát giác của báo chí. Còn Canberra cũng mở điều tra về 800 khách hàng của công ty luật Mossack Fonseca.

Tổng thống Ukraine phủ nhận cáo buộc trốn thuế trong Hồ sơ Panama

Tổng thống Ukraine bác bỏ thông tin ông gửi tài sản vào quỹ ủy thác ở nước ngoài để giảm thiểu thuế, sau khi cục thuế nước này tuyên bố xem xét tài liệu liên quan đến tài sản nước ngoài của ông trong Hồ sơ Panama.
tong thong ukraine petro poroshenko. anh rianovosti

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh RIANovosti

Reuters dẫn lời Tổng thống Petro Poroshenko hôm nay cho biết ông có quỹ ở nước ngoài, lập ra nhằm tách biệt lợi ích kinh tế và chính trị, sau khi ông trở thành tổng thống và sự sắp xếp được tiến hành một cách minh bạch tối đa.  

Cục thuế nhà nước Ukraine sẽ kiểm tra tài liệu liên quan đến tài sản của ông Poroshenko ở nước ngoài, Roman Nasirov, lãnh đạo cục, hôm qua nói. 

Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), tổ chức công bố các tài liệu mật của công ty luật Mossack Fonseca, cho biết vào tháng 8/2014, khi cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine nổ ra, ông Poroshenko là cổ đông duy nhất của công ty Prime Asset Partners Limited do Mossack Fonseca lập ra ở quần đảo Virgin thuộc Anh.

Một hãng luật ở Cyprus (đảo Síp) mô tả công ty mới thành lập này là "công ty mẹ của các công ty Cyprus và Ukraine thuộc Tập đoàn Roshen, một trong những nhà sản xuất bánh kẹo lớn nhất châu Âu".

Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson hôm qua từ chức, trở thành chị trị gia đầu tiên "ngã ngựa" do những tài liệu bị rò rỉ của công ty luật Panama. Các tài liệu hé lộ tài sản ở nước ngoài của các chính trị gia, những người của công chúng nổi tiếng khắp thế giới.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục