tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 01-11-2015

  • Cập nhật : 01/11/2015

Chạy đua vào Nhà trắng 2016: Cuộc chiến tiền bạc

Không chỉ là những tranh luận trước công chúng, cuộc đua vào Nhà trắng của các ứng viên Tổng thống Mỹ còn cuộc chiến về tiền bạc.

Vòng tranh luận đầu tiên của Đảng Dân chủ chính thức bắt đầu. Những phát ngôn liên quan tới các chính sách kinh tế đã nhanh chóng được đưa ra. Nổi bật là vấn đề giải quyết thu nhập cho tầng lớp trung lưu Mỹ. Ngoài ra, bà Hillary Clinton cũng bị chỉ trích vì quan điểm phản đối Hiêp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi cho rằng, Hiệp định này sẽ không giúp tăng thu nhập cho người lao động Mỹ.

Trái lập với cuộc tranh luận ôn hòa của Đảng Dân chủ, ngày 28/10, Đảng Cộng hòa đã có vòng tranh luận thứ ba nảy lửa giữa các ứng viên. Ngay từ đầu, Thống đốc bang Ohio - John Kasich đã chỉ trích tỷ phú Donald Trump và ông Ben Carson, thành viên chưa từng nắm giữ chức vụ nào trong Chính phủ, vì đã đưa ra những đề nghị mà ông cho là thiếu thực tế. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hết lần này đễn lần khác ngần ngại tăng lãi suất cơ bản cũng được đề cập đến.

Vòng tranh luận này cho thấy, các ứng cử viên của Đảng Cộng hòa vẫn bất đồng về nhiều vấn đề kinh tế quan trọng như: Chính sách thuế, chi tiêu liên bang, các chương trình an sinh xã hội và tăng trưởng việc làm.

Tuy nhiên, các ứng viên lại tập trung phần lớn thời gian công kích lẫn nhau hơn là các vấn đề kinh tế của nước Mỹ. Việc công kích nhằm thể hiện sự nổi trội của mình để tìm kiếm thêm sự ủng hộ của các cử tri và để kêu gọi các nhà tài trợ tiếp tục bơm tiền cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Không chỉ là những tranh luận trước công chúng, cuộc đua vào Nhà trắng còn cuộc chiến về tiền bạc. Theo dự báo của giới chuyên gia, cuộc bầu cử năm tới sẽ phá kỷ lục về chi phí tranh cử khi tiêu tốn tới 11 tỷ USD. Như vậy, các ứng viên Tổng thống Mỹ hiện đang thể hiện hết mình trên sân khấu, không chỉ để thắng trong cuộc tranh luận mà còn để làm hài lòng các nhà tài trợ và thu hút những món tiền ủng hộ của cử tri.


Nga kêu gọi khôi phục phòng thủ dân sự kiểu Chiến tranh lạnh

Nhà chức trách Nga nên khôi phục thông lệ đào tạo công dân trong cách ứng phó với trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn, một quan chức chính phủ phát biểu vào hôm 30-10.
Phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga được chủ trì bởi Tổng thống Vladimir Putin, Dmitry Rogozin - Phó Thủ tướng phụ trách công nghiệp quốc phòng, cho biết Mỹ đã làm xáo trộn sự cân bằng hạt nhân bằng cách phát triển nhiều hệ thống vũ khí mới. Nga không có cách nào khác ngoài phản ứng lại trước các hành động hiếu chiến của Mỹ.

Rogozin phát biểu thêm: “Các biện pháp chống lại kẻ thù xâm lược có thể bao gồm khả năng hạt nhân chiến lược của Nga. Đó mới chỉ là các biện pháp đối ứng, không ai có thể biết được ý tưởng điên rồ nào nảy ra trong đầu họ (Mỹ - PV). Phòng thủ dân sự cần được phục hồi”.


 Một học sinh đeo mặt nạ khí và đồ bảo vệ tham gia cuộc thi về phòng thủ dân sự giữa các trường học địa phương tại TP Stravropol, miền nam nước Nga vào 2-2-2011

Trong suốt thời Chiến tranh lạnh, chính quyền Soviet đã xây dựng hệ thống hầm trú bom đề phòng tấn công hạt nhân. Tại trường học, trẻ em được huấn luyện cách mang các mặt nạ bảo vệ. Các áp phích hướng dẫn được treo dày đặc tại các trường học và nơi làm việc.
Dưới thời Putin, mối quan hệ giữa Washington và Moscow xấu đi, với những bất đồng trong cuộc xung đột Ukraine, khủng hoảng Syria và nhiều vấn đề khác. Nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần lên tiếng về việc Mỹ và các đồng minh “lấn sân” sang đông Âu, đe dọa an ninh quốc gia của Nga.
Tại một diễn đàn ở Sochi đầu tháng này, Rogozin cho biết kế hoạch lá chắn tên lửa của quân đội Mỹ là một mối đe dọa trực tiếp đến khả năng hạt nhân của Nga.

Lầu Năm Góc lần đầu bổ nhiệm người nước ngoài làm lãnh đạo

Cơ quan tình báo đầu não của Lầu Năm Góc lần đầu có kế hoạch bổ nhiệm một quan chức của lực lượng không quân Anh làm phó giám đốc cho cơ quan, phụ trách việc nâng cao “sự tích hợp” giữa các đơn vị tình báo Mỹ với cơ quan tình báo của các quốc gia không nói tiếng Anh.

Cơ quan tình báo Mỹ từ lâu đã có quan hệ mật thiết với cơ quan tương nhiệm Anh nhưng các quan chức tình báo Mỹ hiện giờ và trước kia cho hay đây là lần đầu họ biết về chuyện có một người nước ngoài giữ vị trí điều hành cấp cao trong nội bộ cơ quan tình báo Mỹ.


 Lầu Năm Góc, trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ. (en.wikipedia.org)

Trong một tuyên bố chính thức, Lầu Năm Góc cho hay Cơ quan tình báo quốc phòng (DIA) đã chọn Phó Thống chế không quân Sean Corbett của lực lượng hoàng gia Anh (RAF) làm “phó giám đốc về hòa nhập Khối thịnh vượng chung Anh”.

Lầu Năm Góc cho biết ông Corbett hiện là nhân viên tình báo cấp cao của RAF, sẽ là cố vấn hàng đầu cho Giám đốc DIA - Trung tướng Vincent Stewart về vấn đề phòng vệ và tình báo liên quan tới liên minh các quốc gia nói tiếng Anh được biết đến với tên “Five Eyes".

Mark Lowenthal, một cựu quan chức cấp cao của Cơ quan tình báo trung ương (CIA), nói rằng chuyện này đánh dấu cho lần bổ nhiệm người nước ngoài đầu tiên nhưng điều đó “không có gì khác thường. Hãy nghĩ về ông như một nhân viên liên lạc cấp cao”.

Five Eyes là một liên minh tình báo bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand. Mối quan hệ giữa cơ quan tình báo của những quốc gia này luôn bền chặt nhưng Lầu Năm Góc cho rằng trong hơn 10 năm qua, Mỹ đã nỗ lực tìm cách cải thiện cơ chế trao đổi thông tin tình báo và hợp tác chặt chẽ hơn nữa.


Trung Quốc thông báo về việc thay đổi một số nhân sự cấp cao

Ngày 30/10, Quốc vụ viện (tức Chính phủ) Trung Quốc đã thông báo một số thay đổi nhân sự.
ong ong manh dung. (nguon: globaltimes.cn)

Ông Ông Mạnh Dũng. (Nguồn: globaltimes.cn)


Theo quyết định mới, ông Chu Học Văn sẽ được bổ nhiệm thay bà Thái Kỳ Hoa giữ chức Thứ trưởng Bộ Nguồn nước; ông Phương Tinh Hải sẽ trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc; ông Trần Vũ Lộ được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc; ông Dương Hoán Ninh - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an - được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Quản lý an toàn lao động quốc gia.

Trong lần cải tổ này, Chính phủ Trung Quốc cũng bổ nhiệm ông Vũ Xuân Hiếu làm Phó Cục trưởng Tổng Cục Quản lý đường sắt quốc gia; ông Nhạc Trung Minh làm Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ sông Hoàng Hà. 

Trong khi đó, ông Ông Mạnh Dũng bị cách chức Thứ trưởng Bộ Giao thông và ông Tôn Chí Cương bị cách chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình quốc gia.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Đại hội nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc đã khai mạc phiên họp định kỳ nhằm phê chuẩn Thỏa thuận thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cũng như thảo luận nhiều dự luật khác.

Tính đến ngày 27/10, thỏa thuận thành lập AIIB đã được 54 trong tổng số 57 quốc gia sáng lập phê chuẩn. 

Theo các điều khoản thành lập, Trung Quốc sẽ đóng góp gần 30 tỷ USD trong 100 tỷ USD vốn cơ bản của AIIB, do vậy Bắc Kinh sẽ trở thành cổ đông lớn nhất và giành được 25-30% quyền biểu quyết.

Ngân hàng đặt trụ sở tại Bắc Kinh, cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực. Theo kế hoạch, AIIB chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm nay.

Theo chương trình nghị sự trong 5 ngày họp, Ủy ban Thường vụ Đại hội nhân dân toàn quốc cũng sẽ thảo luận dự luật thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh, dự luật về công tác từ thiện và dự luật đầu tiên về hoạt động khai thác tài nguyên dưới đáy biển. 
 

Cũng trong kỳ họp này, các đại biểu sẽ cân nhắc thay thế và bổ nhiệm mới một số vị trí trong cơ quan nhà nước./.


Trung Quốc không công nhận phán quyết trong vụ kiện của Philippines

Ngày 30/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố cho biết Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) về việc tòa án này có đủ thẩm quyền xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới các tranh chấp ở Biển Đông.
anh bai da chu thap (fiery cross reef) chup thang 8/2015 cho thay trung quoc dang rao riet boi dap trai phep va quan su hoa. (nguon: the guadian)

Ảnh bãi đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) chụp tháng 8/2015 cho thấy Trung Quốc đang ráo riết bồi đắp trái phép và quân sự hóa. (Nguồn: The Guadian)


Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân khẳng định phán quyết trên của PCA "vô nghĩa" và không có tác động gì đối với Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc sẽ "không chấp nhận" và "không tham gia" tiến trình xét xử của tòa này.

Trước đó, PCA, có trụ sở tại La Haye (Hà Lan), cho biết qua xem xét đơn kiện của Philippines, tòa án đã bác bỏ luận cứ của Trung Quốc cho rằng vụ tranh chấp trên thực tế không thuộc quyền tài phán của PCA.

Theo PCA, vụ kiện phản ánh "tranh chấp giữa hai nước liên quan tới việc diễn giải và áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982," và vấn đề này thuộc thẩm quyền của PCA.

Hồi cuối tháng Bảy, Trung Quốc đã kêu gọi Philippines rút hồ sơ vụ kiện trên và quay trở lại đàm phán song phương.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục