tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ba xu thế sẽ tác động mạnh tới tương lai của Liên minh châu Âu

  • Cập nhật : 01/01/2016

(Kinh te)

Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với những khó khăn lớn và toàn diện chưa từng có trong lịch sử kể từ ngày thành lập, đe dọa sự tồn tại của một EU thống nhất với một đường biên giới chung, một đồng tiền chung và sự ổn định về thành viên.

anh minh hoa. (nguon: aliexpress.com)

Ảnh minh họa. (Nguồn: aliexpress.com)

Trong số những khó khăn phải kể đến cuộc khủng hoảng di cư và những thách thức trong việc duy trì một đường biên giới chung, điều được xem là giá trị cốt lõi của một liên minh thống nhất; cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đang đe dọa khả năng duy trì một đồng tiền chung và những vấn đề nội bộ cũng đang trở nên cấp bách hơn khi Anh sẽ sớm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc ở lại hay rời khỏi liên minh này.

Giới nghiên cứu chính trị ở Đức dự báo tương lai của khu vực EU có thể theo 3 xu thế. Trước hết, EU càng phát triển thì trong nội bộ EU lại xuất hiện nhiều hơn các xu hướng đòi tự trị của một số khu vực. Điều này dẫn tới việc trong tương lại, EU sẽ phải chứng kiến sự gia tăng của chủ nghĩa địa phương hóa, khu vực hóa, và các nước trong EU có xu hướng tự quyết thay vì trông chờ vào EU.

Tương lai của EU sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều vào Đức và nước này ngày càng có vai trò chi phối dẫn dắt trong EU.

Trong khi đó, ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế của Pháp và Italy ngày càng bị suy giảm. Việc Anh lưỡng lự giữa việc đi hay ở lại EU cũng sẽ góp phần đặt Đức vào vai trò và vị thế vượt trội trong EU, trở thành trung tâm của liên minh này và các chính sách của EU sẽ xoay quanh trục là Đức.

Hiện rõ ràng là Đức có vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập trong khối, cung cấp và đảm bảo các nguồn lực, nhất là ngân sách cho EU cũng như giải quyết những vấn đề khó khăn của các nước thành viên khác.

Mặc dù vậy, xu hướng trên cũng là nguyên nhân thúc đẩy sự chia rẽ trong EU sâu sắc hơn khi nhiều quốc gia phản đối việc Đức chi phối các vấn đề của khối, cũng như lo ngại sự ổn định của EU sẽ phải phụ thuộc quá nhiều vào quốc gia này.

EU cũng sẽ chứng kiến những thay đổi lớn trong tương lai do thách thức từ sự già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), lực lượng dân số trong độ tuổi lao động ở châu Âu sẽ giảm thêm 7,5 triệu người từ năm 2013 đến năm 2020. Trong khi đó, EU cũng đang phải đối mặt với thách thức từ làn sóng di cư không thể kiểm soát từ Trung Đông và châu Phi. Có đến 16 triệu trong 81 triệu người Đức là người nước ngoài hoặc có nguồn gốc nước ngoài. Anh là nước có tỷ lệ người nước ngoài cao thứ hai ở châu Âu sau Đức.

Châu Âu sẽ ngày càng giống nước Mỹ hơn khi dòng người nhập cư là không thể tránh được, không thể ngăn cản được (về mặt địa chính trị) trong khi cũng lại cần thiết (về mặt dân số và kinh tế). Xu hướng này được xem là sẽ hỗ trợ cho quá trình hội nhập của EU trong khi bản sắc quốc gia, bản sắc dân tộc sẽ bị phai nhạt dần./.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục