tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thu hút FDI: Vì sao Formosa ở lại, Nhật Bản “ra đi”?

  • Cập nhật : 30/04/2016

(Tin kinh te)

Mặc dù đến thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa hoạt động của Formosa và các nhà máy với hiện tượng cá chết hàng loạt, song nhìn rộng ra, câu chuyện này có liên hệ mật thiết với vấn đề chọn nhà đầu tư nước ngoài, định hướng chất lượng vốn ngoại để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa việc “chọn cá hay chọn thép”.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Đặc biệt, khi liên hệ sự việc này với diện mạo bức tranh thu hút FDI hiện nay, đã đến lúc cần đưa ra lời cảnh báo về chất lượng dòng vốn.

Lý lịch xấu cần xếp vào “danh sách đen”
TS. Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, sự việc trên là một bài học về quản lý nhà nước trong thu hút FDI gắn với bảo vệ môi trường. Theo ông Thắng, các cơ quan quản lý nhà nước không bao giờ làm theo cách mà đại diện Formosa nêu là phải “chọn 1 trong 2 – có ngành thép hay có cá”. Bởi thu hút đầu tư nước ngoài cần nhìn thấy trước các hệ lụy xấu tiềm ẩn trong dự án trước mắt và lâu dài. Trong các tình huống như vậy, vấn đề trật tự an toàn xã hội - an ninh quốc gia phải đặt lên hàng đầu chứ không phải vốn và công nghệ. Những vấn đề về dân sinh luôn phải được tính đến. 
Ông Thắng phân tích thêm, việc xem xét cấp phép cho bất cứ dự án nào luôn được xử lý theo qui định của pháp luật về đầu tư: phù hợp với qui hoạch ngành, vùng; có vốn và công nghệ; có giải pháp bảo vệ môi trường; không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng; bảo đảm dân sinh… Nói tóm lại việc cấp phép cho 1 dự án FDI, nhất là các dự án có qui mô lớn như Formosa, về nguyên tắc đã được xử lý trên góc độ tổng hợp các yếu tố liên quan để đảm bảo việc thực hiện dự án có hiệu quả, không chỉ đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư mà con của người dân và đất nước.
Là người làm công tác quản lý và nghiên cứu về FDI lâu năm, ông Thắng lưu ý về “lý lịch” không mấy sáng sủa của Formosa liên quan tới các vụ xả thải ra môi trường. “Formosa trong quá trình đầu tư ở tại chính Đài Loan, tại nước ngoài như ở Campuchia,... đã xử lý các chất thải độc hại ra môi trường, gây phản ứng dữ dội trong cộng đồng dân cư tại đó nói riêng và xã hội nói chung”, ông Thắng cho biết. Với những lý do này, theo ông Thắng đã đủ để cân nhắc xếp Formosa vào “danh sách đen” các nhà đầu tư nước ngoài cần giám sát, vì có thể gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và đời sống xã hội Việt Nam. 

Kẻ ở người đi
Cùng lúc những dự án FDI gây tác động xấu tới môi trường ngày càng gia tăng, thì một diễn biến đáng chú ý khác là nhà đầu tư tốt dường như ngày càng kém mặn mà với Việt Nam. 
Điển hình là Nhật Bản. Cách đây khoảng 3 năm, Nhật Bản liên tục là quốc gia đứng đầu về số vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Nhưng trong 3 năm trở lại đây thì số vốn đầu tư ngày càng sụt giảm, khiến Nhật Bản dần tụt hạng trong bảng xếp hạng các quốc gia rót vốn mạnh nhất vào Việt Nam. Cho tới cuối năm 2014, Nhật Bản vẫn dẫn đầu trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, xếp sau đó là Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên chỉ sau 1 năm, cục diện đã thay đổi. Liên tục trong năm 2015 tới nay, vốn Nhật chỉ xếp ở vị trí thứ 3 hoặc thứ 4. Ngược lại với Nhật Bản thì các dự án của Đài Loan lại tăng cao trong một vài năm trở lại đây. 
Số liệu mới về thu hút FDI vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cũng cho thấy, trong 4 tháng vừa qua Đài Loan đã vượt lên Nhật Bản, đứng vị trí thứ 3 trên tống số 101 quốc gia đầu tư vào Việt Nam. 
Xét theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Đài Loan tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó chủ yếu là gang thép, nhựa, hóa dầu. Các dự án của Đài Loan chủ yếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Hà Tĩnh là tỉnh đứng đầu thu hút vốn đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam, bởi có nhà máy gang thép lớn nhất là Formosa. 
Sự vắng bóng dần của vốn Nhật đã làm dấy lên lo ngại: liệu có phải môi trường đầu tư của nước ta đang dần trở nên kém hấp dẫn với những nhà đầu tư có chất lượng? Liệu có phải Nhật Bản đang lo ngại hoặc không còn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam? Bài toán đặt ra là làm sao để giữ lại những nhà đầu tư tốt?
Để trả lời cho câu hỏi trên, ông Thắng cho biết: “Những lo ngại trên là không cần thiết. Vì vị trí thứ 4 không phải là thấp. Cũng có một số năm Nhật Bản chỉ đứng thứ tư. Nhưng đầu tư của Nhật Bản luôn dẫn đầu về vốn thực hiện.”
“Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài làm ăn nghiêm túc nhất tại Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại”, ông Thắng nhấn mạnh. Ông cho biết thêm: Nhật Bản có thể đàm phán rất lâu, nhưng khi đã được cấp phép thì họ sẽ thực hiện nghiêm túc. 
Tuy nhiên, rõ ràng là số vốn của Nhật Bản vào Việt Nam có phần giảm sút trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt vào đầu năm 2016. Điều này đặt ra một thách thức với môi trường đầu tư Việt Nam. Làm sao để giữ lại được những nhà đầu tư có chất lượng và giảm bớt hoặc loại bỏ dần những nhà đầu tư yếu kém? Đây là việc làm cần thiết cho môi trường đầu tư của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường và kinh tế, xã hội phát triển đúng hướng. 
“Để làm được những điều trên, chúng ta cần một hệ thống luật pháp chặt chẽ, phù hợp và có định hướng rõ ràng trong việc tiếp tục mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Vấn đề đặt ra là công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài cần sớm nhận ra các lỗ hổng trong quản lý, trong hệ thống pháp luật… để khắc phục”. Ông Thắng nhấn mạnh. 
Sự việc không thực hiện cam kết về đảm bảo an toàn môi trường tự nhiên mới đây của Formosa đã làm cho chúng ta phải đặt lại vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Chúng ta không thể bằng mọi giá, mọi cách để thu hút đầu tư nước ngoài. Mà vấn đề quan trọng hơn là tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo về những hệ lụy về sau.
 

NGUYỄN THOAN
Theo Bizlive

Trở về

Bài cùng chuyên mục