tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường ngoại hối chịu áp lực lớn trước khả năng Fed tăng lãi suất

  • Cập nhật : 27/11/2015

(Tai chinh)

Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa đưa ra Báo cáo đánh giá khả năng tăng lãi suất của Fed trong tháng 12 này.

anh minh hoa. (nguon: ttxvn)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

 

Theo đó, nhóm chuyên gia của BIDV cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong tháng 12/2015 với biên độ khoảng 0,25%.

Theo dự kiến của các chuyên gia BIDV, việc Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối trong nước.

Tỷ giá tăng vượt mức 23.000 đồng

Thị trường ngoại hối trong nước tiếp tục cho thấy biến động khá phức tạp và đặc biệt là sự liên thông tương đối chặt chẽ với thị trường ngoại hối quốc tế.

Kể từ cuối tháng Mười đến nay, mặc dù cán cân thanh toán tổng thể chuyển biến khá tích cực, nhập siêu giảm mạnh và thậm chí cán cân thương mại thặng dư 500 triệu USD trong tháng 10/2015, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh 170-180 điểm lên 22.470-22.480 đồng/USD (quanh tỷ giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước).

Diễn biến này chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo ngại liên quan đến đà tăng của USD trên thị trường quốc tế, kỳ vọng vào khả năng nâng lãi suất cơ bản của Fed trong tháng 12 và những vấn đề bất ổn của kinh tế thế giới.

Do vậy, với dự báo USD tiếp tục tăng giá trên thị trường quốc tế trong tháng 12 cộng với các yếu tố mùa vụ về mặt nhập siêu, nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng thì thị trường ngoại hối dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khá căng thẳng. "Chủ trương nhất quán và các giải pháp can thiệp từ phía Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp tỷ giá tiếp tục duy trì trong biên độ cho phép nhưng nhìn chung giao dịch ở mặt bằng cao, dự kiến chủ yếu quanh khoảng 22.450-22.500 đồng/USD từ nay đến cuối năm," các chuyên gia BIDV nhận định.

Các chuyên gia BIDV cũng đưa ra dự báo, năm 2016, thị trường ngoại hối Việt Nam sẽ tiếp tục biến động khá phức tạp. Trong đó, yếu tố rủi ro lớn nhất tiếp tục đến từ diễn biến của USD cũng như đồng Nhân dân tệ (CNY) trên thị trường quốc tế. VND có thể giảm giá thêm khoảng 3-4% so với USD và tỷ giá USD/VND tăng vượt qua mức 23.000 đồng/USD.  Cũng theo BIDV, thị trường tiền tệ liên ngân hàng USD dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong giai đoạn cuối năm 2015.

Mặc dù lãi suất trên thị trường quốc tế trên đà đi lên nhưng nhìn chung mức tăng khá yếu, đồng thời trong nước, nguồn cung dồi dào nhưng nhu cầu hạn chế nên lãi suất thị trường trong nước có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ khoảng 0,1%, giao dịch trong khoảng 0,3-0,4% kỳ hạn 1 tuần. Đây cũng sẽ là đặc điểm cơ bản của thị trường trong năm 2016.

Còn thị trường tiền tệ liên ngân hàng VND nhìn chung vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ và chịu tác động tâm lý khá lớn từ diễn biến trên thị trường ngoại hối. Vì vậy, bước sang tháng 12, mặc dù thanh khoản tiếp tục được đảm bảo tốt và không xuất hiện tình trạng căng thẳng nhưng mặt bằng lãi suất giao dịch có thể tăng thêm khoảng 0,5-1% lên 3-4% kỳ hạn 1 tuần.

Dòng vốn FDI và FII duy trì lạc quan

Các chuyên gia của BIDV dự báo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam sẽ duy trì lạc quan trong năm 2016 với mức giải ngân ước tính có thể đạt 15-16 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2015 và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Với đặc thù của dòng vốn FDI là hoạt động đầu tư mang tính chất trung dài hạn nên những biến động về chi phí vốn (mặt bằng lãi suất trên thị trường quốc tế) không phải là một yếu tố tác động lớn đối với quyết định của chủ đầu tư.

Yếu tố cốt lõi thuộc về các đặc điểm, điều kiện của nước tiếp nhận đầu tư. Môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện nay đang được đánh giá là có sức hấp dẫn lớn đối với dòng vốn FDI bao gồm: chi phí lao động ở mức thấp và nguồn cung lao động dồi dào, môi trường kinh doanh có sự cải thiện cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực với nhiều hiệp định tự do thương mại đã và đang được ký kết. Tình hình kinh tế không thuận lợi của nhiều nước thuộc khu vực mới nổi trong giai đoạn hiện nay cũng được xem là yếu tố hỗ trợ cho dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam.

 
mot doanh nghiep fdi cua nhat ban tai viet nam. (nguon: ttxvn)

Một doanh nghiệp FDI của Nhật Bản tại Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

 

Đối với đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) thì theo thống kê của các cơ quan quản lý, khối ngoại bán ròng 584 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu Chính phủ và mua ròng 4.357 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu trong 10 tháng qua.

Những con số này đã phản ánh phần nào sự lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam khi đặt trong bức tranh chung của thị trường tài chính các quốc gia mới nổi. Mặc dù khác với FDI, diễn biến của lãi suất quốc tế sẽ có ảnh hưởng khá quan trọng trong hoạt động đầu tư gián tiếp FII, tuy nhiên, dự báo FII vào Việt Nam trong năm tới có thể tăng cao hơn so với năm 2016 và tập trung chủ yếu vào thị trường cổ phiếu.

Điều này chủ yếu được hỗ trợ bởi triển vọng chung của kinh tế Việt Nam, chủ trương cổ phẩn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ, nhu cầu tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của khối doanh nghiệp trong nước cũng như xu hướng mở rộng tỷ trọng nắm giữ cho nhà đầu tư ngoại tại các doanh nghiệp. FII 2016 có thể đạt mức dương ròng khoảng 1 tỷ USD.

Xây dựng kịch bản để ứng phó với thị trường

Các phân tích nêu trên cho thấy Fed có khả năng cao sẽ thực hiện tăng lãi suất trong tháng 12, nhưng nhìn chung mức tăng khá yếu, đồng thời cũng chưa có nhiều tác động đáng kể đối với thị trường trong nước trong ngắn hạn. Tuy nhiên, có thể thấy thị trường trong nước sau một thời gian tích tụ thì hiện tại đã chuyển sang giai đoạn giằng co, kháng cự, chứa đựng nhiều rủi ro đảo chiều và diễn biến này sẽ kéo dài trong năm 2016.

Ở một khía cạnh khác, không thể phủ nhận Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn khi tiếp tục tham gia sâu hơn vào hội nhập kinh tế quốc tế. Với điều kiện thị trường như vậy, các chuyên gia của BIDV đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bộ ngành để xây dựng các kịch bản diễn biến thị trường, để có thể phối hợp đồng bộ, ứng phó kịp thời và hiệu quả trước các diễn biến thị trường, bao gồm trong năm 2016 cũng như trong trung-dài hạn.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sớm thực hiện xây dựng kịch bản thị trường và giải pháp ứng xử cho năm 2016 và đưa ra các thông điệp cụ thể định hướng thị trường về lãi suất cũng như tỷ giá cho năm tới.  Đề xuất trên đặc biệt lưu ý đến vấn đề tâm lý của thị trường và cần có các thông điệp cũng như hành động cụ thể, kịp thời để tránh thị trường bị cộng hưởng tạo ra các biến động vượt ngoài tầm kiểm soát; Bộ Tài chính lựa chọn thời điểm phù hợp, xem xét đẩy nhanh quá trình phát hành trái phiếu Chính phủ quốc tế vào đầu năm 2016 để tận dụng thời điểm thị trường thuận lợi với chi phí vốn hợp lý.

Đối với biện pháp dài hạn, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình chống đô la hóa nền kinh tế để giúp chính sách tiền tệ trở nên chủ động hơn, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực từ các biến động trên thị trường tài chính quốc tế; nghiên cứu và xem xét việc thay đổi cơ chế điều chỉnh tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn, thị trường hơn, gia tăng mức độ liên thông với thị trường quốc tế cũng như diễn biến cung-cầu thực tế trên thị trường./.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục