tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vay lớn, đổ nợ lớn

  • Cập nhật : 08/09/2016

(Tai chinh)

Thời gian gần đây, hàng loạt khoản nợ nần với mức khủng lộ diện ngày càng nhiều và chủ yếu xuất phát từ các doanh nghiệp (DN) lớn. Phía NHNN cũng đã đưa ra nhiều cảnh báo trong việc cấp vốn tín dụng vì lo NHTM không cẩn trọng khi cấp tín dụng cho các DN lớn sẽ bị đổ nợ.

Những khoản nợ khủng

Đầu tháng 4-2016, ông Phan Bá Tòng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã, hoạt động tại khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) đã bị Cục Cảnh sát kinh tế bắt giữ để điều tra về hành vi sai phạm kinh tế liên quan đến các khoản vay tại một số NH.

Theo thông tin ban đầu, DN này vay vốn ngắn hạn nhưng đầu tư trung hạn, kinh doanh gặp khó khăn, lợi nhuận thu về không trả được lãi NH nên ông Tòng đã lập thêm một DN mới và lập hồ sơ khống để vay đáo hạn. Tính đến ngày 30-7-2016, tổng số nợ của Công ty Thiên Mã gần 1.000 tỷ đồng, trong đó nợ của các TCTD 680 tỷ đồng, trong khi tài sản còn lại của công ty theo định giá của NH chỉ khoảng 110 tỷ đồng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ NH năm 2016 tại TPHCM hồi đầu năm, đại diện NHNN cho biết đã nhận được đơn khẩn cấp của một số DN nhà nước và DN tư nhân lớn kêu cứu, yêu cầu giảm lãi, cơ cấu nếu không sẽ dẫn đến phá sản. NHNN cho biết sẽ yêu cầu các NHTM báo cáo tình hình cho vay khách hàng DN vì nếu NH nào không biết thông tin, tiếp tục chào mời vay vốn có thể đổ nợ.

Trước đó hồi tháng 6, NH Xây dựng công khai đòi nợ CTCP Đầu tư Phương Trang, sau nhiều tranh cãi, số nợ được xác nhận 3.436 tỷ đồng, đây là số tiền của 47 khoản vay và một khoản mua bán trái phiếu của Phương Trang.

Thống kê đến cuối tháng 6, tổng nợ vay NH của Hoàng Anh Gia Lai là 26.684 tỷ đồng, trong đó khoản vay ngắn hạn là 10.212 tỷ đồng, tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm, vay dài hạn của Hoàng Anh Gia Lai giảm hơn 2.300 tỷ đồng xuống còn 16.472 tỷ đồng và các chủ nợ phải họp lại bàn cách chia sẻ, giải cứu DN.

Tại CTCP Mai Linh, tính đến cuối năm 2015, tổng các khoản nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2015 cũng gần 5.200 tỷ đồng (nợ ngắn hạn 2.900 tỷ đồng) trên tổng tài sản 5.800 tỷ đồng.

Hàng loạt khoản nợ lớn được công bố cho thấy các NH đã rất tin tưởng các DN lớn có uy tín và áp dụng hạn mức cấp tín dụng cao và điều này đã đẩy không ít NH vào thế khó. Trước tình hình này, NHNN đã ban hành công văn yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, NHNN chi nhánh tỉnh, thành và cơ quan thanh tra, giám sát NH kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn, cấp tín dụng đối với khách hàng có dư nợ lớn.

DN nhỏ khát vốn

Còn nhớ năm 2013, trong cơn sốt đầu tư sang Myanmar, tổng giám đốc một NHTMCP có trụ sở tại TPHCM đã hồ hởi thông báo về việc ký kết hỗ trợ một khoản vay lớn cho một DN lớn để đầu tư vào ngành khách sạn tại thị trường Myanmar. Theo lời vị tổng giám đốc này, mối quan hệ của DN và NH lâu nay rất tốt và cho rằng DN sẽ có được lợi nhuận khủng khi dự án này đi vào hoạt động. Song thực tế không như mong đợi, khi DN đầu tư đa ngành và thua lỗ, doanh thu của dự án cũng không khả quan và DN này lại trở thành khách hàng có nợ khó đòi của NH với số tiền hàng ngàn tỷ đồng cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Điều này cho thấy cho DN lớn vay chưa hẳn sẽ luôn thuận lợi.

Ở các nước phát triển, NH phân bổ vốn theo cơ chế thị trường, DN tốt được huy động vốn với lãi suất rẻ, DN kém hiệu quả hơn huy động vốn với lãi suất cao hoặc không được cấp vốn để hoạt động tín dụng đạt được hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên ở Việt Nam, dòng vốn thường ưu ái các DN lớn, mặc dù chính sách vẫn kêu gọi NH hỗ trợ các DNNVV. Khi các DN lớn gặp rủi ro, thua lỗ, thay vì để phá sản, NH giãn nợ hoặc tiếp tục bơm vốn với hy vọng vực dậy DN. Nhưng thực tế sau khi khủng hoảng, DN rất khó lấy lại phong độ, doanh thu giảm, lợi nhuận giảm cùng với khoản nợ ngày càng tăng và tài sản đảm bảo ngày càng mất giá khiến nợ càng khó thu hồi hơn.

Trong khi đó, tại các chương trình hội thảo bàn về các DNNVV những năm qua, Hiệp hội DNNVV Việt Nam không ngừng nhắc đi nhắc lại khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng của các DNNVV và có rất nhiều DN cảm thấy quá mệt mỏi, phải tìm vốn từ bạn bè, người thân, thậm chí là tín dụng đen thay vì gõ cửa NH do không thể theo được các tiêu chuẩn NH đưa ra. Đây không phải là chuyện mới, nhưng khi đặt bên cạnh thông tin những DN lớn có uy tín với các khoản nợ khó đòi từ hàng trăm tỷ đến hàng chục ngàn tỷ đồng, có DN gian dối lập hồ sơ khống vẫn được cấp vốn vay khiến cộng đồng DNNVV không khỏi cảm thấy thiệt thòi.

Kế toán trưởng của một DN xây dựng trần tình, do khó vay vốn nên DN buộc phải sử dụng “chiêu” giảm lợi nhuận trước thuế và mua hàng không có hóa đơn để chi phí nộp thuế giảm xuống. Dù biết điều này sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận vốn NH, nhưng nếu số liệu minh bạch vẫn còn nhiều yêu cầu khác như dự án phải khả thi, chứng minh khả năng trả nợ, hơn nữa, lợi nhuận của DNNVV không cao nhưng lãi suất cho vay so với các DN lớn lại cao hơn. Do đó, họ đành chấp nhận lợi ích trước mắt bằng việc né thuế. Trong khi đó, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Việt Nam, cho rằng NH e ngại DNNVV trong khi thực tế nợ xấu của nhóm DN này rất thấp và đa phần nợ xấu xuất phát từ các DN lớn.

Các DN lớn đang nợ NH hàng ngàn tỷ đồng, nếu nguồn vốn này phân bổ cho các DNNVV sẽ giúp được rất nhiều DN phát triển, vì có rất nhiều dự án có nhu cầu vốn từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng nhưng không vay được vốn để thực hiện. Nếu NH xây dựng các tổ chuyên môn thẩm định các DN có nhu cầu vốn vay dưới 1 tỷ đồng để hỗ trợ chuyên sâu và theo dõi tình hình kinh doanh của DN sẽ hạn chế được rủi ro khi cho vay, từ đó nuôi dưỡng sản xuất và giúp DNNVV tháo gỡ những vướng mắc nội tại.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục