tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

CIEM: Không điều chỉnh tỷ giá lúc này

  • Cập nhật : 24/07/2018

Khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất, CIEM nói không nên giảm giá VND thời điểm này.

Nâng dự báo tăng trưởng lên 6,71%

Cùng kiến nghị “không giảm giá đồng tiền vào thời điểm này”, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tăng dự báo tăng tưởng kinh tế Việt Nam lên 6,71% thay vì mức 6,67% đưa ra hồi tháng 4.2018.

Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, cho rằng, điều hành tỷ giá, trên thực tế hiện nay, chỉ là một phần trong kết hợp chính sách tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cần điều hành chính sách tiền tệ “thận trọng và linh hoạt”.

Trước những đề nghị giảm giá VND để hỗ trợ xuất khẩu gần đây, ông Nguyễn Anh Dương cho đó là những “kiến nghị vội vàng và thiếu cơ sở”. Với tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại, ông nói: “Chúng ta không nên dùng giải pháp tiền tệ để xử lý các vấn đề về xuất khẩu”

CIEM cho rằng, Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế thực, Chính phủ cần đưa ra những giải pháp thực, theo hướng hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp, kiểm soát được lạm phát, thị trường tài chính và tín dụng vào bất động sản. 

Trong bối cảnh hiện nay, nên hạn chế tăng chi phí cho doanh nghiệp, như điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá theo hướng minh bạch hơn, tránh áp lực điều chỉnh giá vào cuối năm.

Chính phủ cũng nên cân nhắc không bổ sung hoặc tăng các loại thuế và phí đối với xăng dầu để tạo thêm lợi ích và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực tư nhân, cũng như cân nhắc chưa đưa ra quyết định tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Theo CIEM, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% trong 6 tháng đầu năm, mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ 2011. Lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp, trung bình tăng 1,35% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp, trung bình tăng 1,35% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Dù vậy, diễn biến chu kỳ tăng trưởng và sự khó lường của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, đang là những quan ngại, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM cho rằng, nó có thể làm suy giảm kinh tế.

Khi đồng Nhân dân tệ yếu đi

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm 19.7 đã điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm qua. Giá đồng Nhân dân tệ trên thị trường quốc tế lập tức rơi xuống, đến mức 6,83 Nhân dân tệ đổi 1 USD. 

Đợt ấn định tỷ giá này như một cách để Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc làm yếu đồng Nhân dân tệ, qua đó bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc khỏi thiệt hại do Mỹ áp đặt thuế quan.

CIEM: Khong dieu chinh ty gia luc nay

 

Tại Việt Nam, đã có những lo ngại cuộc chiến thương mại này sẽ tác động rất lớn đến thị trường thế giới và Việt Nam cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng do Mỹ là nước nhập khẩu chính, trong khi Trung Quốc là quốc gia Việt Nam chịu nhập siêu.

 

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, hôm 12.7, đã “gợi ý” một chính sách giảm giá đồng VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của đồng Nhân dân tệ so với USD.

Theo VEPR, tính tới cuối quý II năm 2018, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm khoảng 30 tỷ USD so với quý I. VEPR quan ngại điều này có thể phản ánh thế bị động của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong sự kiện đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD.

Cho đến nay, Viện trưởng VEPR vẫn tin rằng, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ khiến các nhà nhập khẩu nguyên phụ liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc và các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu sang nước Mỹ.


Hải Vân
Theo Nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục