tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Người Việt thiệt hại 8.700 tỉ đồng vì virus máy tính năm 2015

  • Cập nhật : 11/01/2016

(Tin kinh te)

Ước tính kết thúc năm 2015, người dùng Việt Nam bị tổn thất 8.700 tỉ đồng do virus máy tính gây ra. Con số này tiếp tục tăng so với 8.500 tỉ đồng của năm 2014, theo Bkav.

Theo đó, mức thiệt hại do virus máy tính gây ra được tính dựa trên thu nhập của người sử dụng và thời gian công việc của họ bị gián đoạn do các trục trặc gây ra bởi virus máy tính. Bình quân mỗi người sử dụng máy tính tại Việt Nam bị thiệt hại 1,253 triệu đồng.

Mảng tối mang tên USB

Thống kê của Bkav cho thấy, USB vẫn là nguồn lây nhiễm virus nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay. Có đến 83% người tham gia chương trình đánh giá của Bkav cho biết, USB của họ bị nhiễm virus ít nhất một lần trong năm, giảm không đáng kể so với con số 85% của năm 2014. Hơn 9,1 triệu lượt máy tính đã được ghi nhận nhiễm các loại virus lây qua USB trong năm cho thấy bức tranh rõ nét về tình trạng sử dụng USB tại Việt Nam.
virus lay lan qua duong usb van la phuong thuc de thuc hien nhat - anh chup man hinh

Virus lây lan qua đường USB vẫn là phương thức dễ thực hiện nhất - Ảnh chụp màn hình

W32.UsbFakeDrive vẫn là dòng virus lây nhiễm qua USB nhiều nhất do có khả năng lây lan bùng phát chỉ với thao tác mở ổ đĩa USB của người dùng. Đã đến lúc người dùng Việt Nam cần thay đổi thói quen sử dụng USB tùy tiện để bảo vệ chính mình cũng như cộng đồng mạng.  

Mạng xã hội bị ô nhiễm nặng

93% người sử dụng Facebook tại Việt Nam cho biết thường xuyên gặp phiền toái với tin nhắn rác, nội dung đồi trụy hay liên kết giả mạo có cài mã độc trên Facebook. Theo các chuyên gia của Bkav, không chỉ quấy rối, “rác” trên mạng xã hội còn mang theo nguy cơ “móc túi” người dùng với các nội dung lừa đảo như trúng thưởng khủng, khuyến mãi hấp dẫn...

facebook hien la mang xa hoi lon nhat hien nay - anh: afp

Facebook hiện là mạng xã hội lớn nhất hiện nay - Ảnh: AFP

Thống kê từ hệ thống giám sát của Bkav cũng cho thấy, mỗi tháng lại có thêm hơn 1.000 trang giả mạo Facebook được lập ra nhằm đánh cắp tài khoản của người sử dụng. Sau đó tài khoản bị đánh cắp sẽ được sử dụng để tiếp tục phát tán mã độc hoặc để lừa đảo, phổ biến nhất là chat với bạn bè của nạn nhân lừa nạp thẻ điện thoại. 

Để phòng tránh, Bkav khuyến cáo khi tham gia mạng xã hội, người sử dụng cần chủ động xác minh lại các thông tin nhận được và không làm theo hướng dẫn trên các website chưa tin cậy.

Ứng dụng giả mạo trên di động: Vẫn còn những nỗi lo 

Trước cảnh báo của các chuyên gia an ninh mạng về những nguy hiểm từ các ứng dụng giả mạo cho di động, người sử dụng đã chuyên nghiệp hơn trong việc tải ứng dụng. Chương trình đánh giá của Bkav trong năm 2015 cho thấy, đã có 58% người sử dụng quan tâm đến thông tin nhà sản xuất khi quyết định tải một phần mềm. So với 13% của năm trước, con số này là sự cải thiện đáng kể.

co rat nhieu ung dung duoc chen san ma doc dang ton tai tren mang - anh: afp

Có rất nhiều ứng dụng được chèn sẵn mã độc đang tồn tại trên mạng - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, với hơn 40% người sử dụng chưa quan tâm đến thông tin nhà sản xuất thì nguy cơ lây nhiễm mã độc từ ứng dụng giả mạo vẫn còn hiện hữu. Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc (Anti Malware) của Bkav, cho biết: "Có hàng chục nghìn ứng dụng được tải lên internet mỗi ngày, vì thế thông tin về nhà sản xuất và số lượt tải về là những yếu tố quan trọng giúp người dùng phân biệt ứng dụng “xịn” và ứng dụng giả mạo". 
 

Thống kê tình hình virus và an ninh mạng năm 2015:

Trong năm 2015 đã có 62.863 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam. 61,7 triệu lượt máy tính đã bị lây nhiễm virus trong năm. Virus lây nhiều nhất là W32.Sality.PE, lây nhiễm trên 5,8 triệu lượt máy tính.

Trong năm, đã có 5.226 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 340 website của cơ quan chính phủ và tổ chức giáo dục.

 

Thành Luân
Theo Thanh Niên

Trở về

Bài cùng chuyên mục