tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ẩn số Trung Quốc với chứng khoán Việt Nam 2016

  • Cập nhật : 08/01/2016

(Chung khoan)

Giảm điểm 3 sau 4 phiên giao dịch đầu năm với lý do chủ yếu là tâm lý lo ngại trước diễn biến tài chính Trung Quốc, chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ trải qua nhiều cơn "nóng - lạnh" trong năm nay bởi tác động từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Phiên giao dịch ngày 7/1 cho thấy rõ nhất tác động từ những diễn biến tại Trung Quốc lên chứng khoán Việt Nam: Sau tin thị trường này phải ngừng giao dịch lần thứ 2 từ đầu năm do chỉ số giảm quá sâu, chứng khoán Việt Nam cũng mất gần 9 điểm khi mở phiên trên sàn TP HCM. Đà giảm chững lại sau đó nhưng lại rơi tổng cộng 13,5 điểm vào đầu giờ chiều sau một số tin tức khác từ Trung Quốc. Chốt phiên, VN-Index giảm 9 điểm, xuống còn 565 điểm. Sắc đỏ bao trùm thị trường khi có tới 348 mã giảm điểm, trong khi chỉ có 88 mã tăng.

Trước đó trong phiên đầu năm 2016, VN-Index cũng giảm 4,6 điểm do tác động từ việc thị trường chứng khoán Trung Quốc ngừng giao dịch vì rơi trên 7%.

trung quoc la mot an so kho luong voi thi truong chung khoan viet nam nam 2016. anh: vir

Trung Quốc là một ẩn số khó lường với thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016. Ảnh: VIR

Ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường Công ty chứng khoán MBS cho biết tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư đã khiến chỉ số VN-Index giảm mạnh. Họ chủ động bán cổ phiếu do diễn biến xấu của chứng khoán nước này, các thị trường lớn khác như Mỹ, châu Âu, Nhật... cũng như những lo ngại Trung Quốc sẽ phá giá mạnh hơn đồng nhân dân tệ.

Trước đó trong sáng 7/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đã niêm yết tỷ giá ở mức 6,5646 nhân dân tệ đổi một USD, giảm 0,51% so với ngày trước đó. Đây là mức giảm lớn nhất theo ngày tính từ đợt phá giá liên tiếp hồi giữa tháng 8 năm ngoái.

Ngoài Trung Quốc, chứng khoán Việt Nam đỏ sàn những phiên gần đây cũng một phần do tác động từ giá dầu giảm kỷ lục. Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 2/2016 giảm thêm 6%, xuống 34,23 USD một thùng, thấp nhất kể từ tháng 6/2004. Giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 2/2015 giảm 5,6%, xuống 33,97 USD một thùng từ năm 2008.

Theo giới đầu tư, trong năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ phải chịu tác động lớn từ quyết định Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) có tăng lãi suất hay không, tỷ giá VND tăng, kinh tế thế giới suy giảm… Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là rủi ro lớn nhất với những diễn biến khó lường, không thể dự báo trước.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, kinh tế Trung Quốc đã bộc lộ những yếu điểm trong năm 2015 và dự báo năm 2016 những yếu điểm này sẽ bộc phát rõ nét. Chứng khoán Trung Quốc được cho là sẽ giảm 30% trong năm nay, mức phá giá đồng nhân dân tệ cũng dự báo ở mức cao hơn năm 2015. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ của toàn cầu, giá các nguyên liệu thô sẽ ở mức thấp. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, nếu kinh tế suy giảm, giá dầu trong ngắn hạn cũng khó tăng trở lại.

Cũng theo vị này, tỷ giá tiền đồng so với USD có thể tăng trên 5% nếu như Trung Quốc phá giá tiền mạnh tay hơn. Việc tăng tỷ giá sẽ khiến vốn ngoại rút khỏi các nhóm thị trường mới nổi. Trên thực tế, trước và sau khi Fed tăng lãi suất đồng đôla giữa tháng 12/2015, khối ngoại đã bán ròng ồ ạt và rút vốn. Tuy vậy, ông Sơn vẫn cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sáng sủa hơn một số nước trong khu vực, trong bối cảnh suy giảm kinh tế chung của toàn cầu và đặc biệt là Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng cho rằng ẩn số Trung Quốc đang là mối lo ngại lớn nhất của giới đầu tư toàn cầu.  "Trung Quốc phá giá tiền sẽ ảnh hưởng lớn đến giá cả hàng hóa và rất bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Mức phá giá năm 2016 của Trung Quốc vẫn là một ẩn số với cả thế giới. Một khi tỷ giá Việt Nam đồng tăng sẽ khiến khối ngoại bán ròng mạnh hơn", ông Minh lo ngại và cho rằng trong bối cảnh này, nhà đầu tư thường có xu hướng tìm đến kênh đầu tư trái phiếu, vàng, USD.

Tuy vậy, với nền tảng vĩ mô tốt, kinh tế tăng trưởng tốt của Việt Nam, việc chứng khoán Trung Quốc lao dốc cũng được ông Minh nhìn nhận là một cơ hội. So với các nước trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là một "ngôi sao" và được đánh giá có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Dòng tiền rút ra từ thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ có sự chuyển dịch sang nhóm các thị trường mới nổi, đặc biệt là các nước lân cận. Với những cải cách trong giao dịch: cho bán chứng khoán trong ngày, rút ngắn T+3 về T+2... Việt Nam được kỳ vọng có thể hấp thụ được dòng vốn dịch chuyển này.

(Theo Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục