tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Long An đầu tư hơn 63.000 tỷ đồng xây dựng thành phố Tân An

  • Cập nhật : 22/09/2017

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Long An quyết định đầu tư hơn 63.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố Tân An phát triển theo hướng bền vững và thân thiện môi trường và trở thành đô thị loại I, trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của tỉnh.

trung tam thanh pho tan an, thu phu cua tinh long an. anh: nguyen luan

Trung tâm thành phố Tân An, thủ phủ của tỉnh Long An. Ảnh: Nguyễn Luân

 

Với mục tiêu xây dựng thành phố Tân An trở thành thành phố thương mại - dịch vụ hành chính, sinh thái, phát triển bền vững, chất lượng cao, có kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng được nâng cao, thành phố Tân An phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm các thành phố đứng đầu trong vùng, tương xứng với vị trí trung tâm của tỉnh, phát huy vị trí đón đầu các dịch vụ phụ trợ và là cầu nối của đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh. 

Tỉnh Long An ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho hệ thống các công trình hạ tầng đô thị khu vực nội thành của thành phố Tân An được xây dựng hoàn chỉnh; hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc được chỉnh trang và từng bước ngầm hóa; mạng lưới công trình hạ tầng tại các điểm dân cư nông thôn được đầu tư xây dựng. 

Đến năm 2020, tỉnh hoàn thành các công trình trọng điểm của thành phố như: kè sông Bảo Định (từ đập Bảo Định tới đường Lò Lu), kè sông Vàm Cỏ Tây (khu vực phường 1, phường 2, phường 3, phường 6), kè kênh vành đai, đường vành đai và đường vòng tránh của thành phố Tân An có cầu nối qua sông Vàm Cỏ Tây (mở rộng, xây thêm cầu qua sông Vàm Cỏ Tây đoạn qua thành phố), tạo trục cảnh quan đường Hùng Vương và hai bờ sông Vàm Cỏ Tây đoạn qua thành phố Tân An. 

Tỉnh Long An cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn thành phố như: quốc lộ 1A, quốc lộ 62, đường Hùng Vương nối dài và kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án đường vành đai thành phố, các tuyến kết nối với đường các khu dân cư trên địa bàn... phấn đấu đạt mật độ đường giao thông theo tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020; 

Đồng thời, bổ sung một số tuyến vận tải công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân; khuyến khích phát triển dịch vụ vận tải thủy bộ trên địa bàn; cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, bảo đảm đến năm 2020 có 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. 

Tỉnh Long An thực hiện nhiều chính sách thu hút, khuyến khích nhà đầu tư thực sự có tiềm lực, giàu kinh nghiệm đầu tư kinh doanh siêu thị, chợ và các dịch vụ chất lượng cao như: tài chính, ngân hàng, vận tải, cho thuê tài sản, nhà văn phòng, kinh doanh tài sản, tư vấn, nhà hàng, các điểm vui chơi, giải trí,… 

Thành phố Tân An ưu tiên phát triển công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghiệp sạch nhằm thu hút lực lượng trí thức, lao động lành nghề và ít ảnh hưởng đến môi trường; đảm bảo 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng áp dụng công nghệ tiên tiến, ít gây ô nhiễm. 

Thành phố xây dựng các khu vực sản xuất chuyên canh nông nghiệp chất lượng cao, phát triển công nghệ sinh học và tạo giống cây trồng, vật nuôi; đồng thời, có giải pháp đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, kinh tế trang trại, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông nghiệp. 

Cùng đó, thành phố phát triển nông nghiệp ven đô, theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn và ứng dụng công nghệ tiên tiến, chú trọng phát triển rau an toàn; hoa cây, cá kiểng; kinh tế vườn, nông nghiệp sinh thái đô thị... Tỉnh đầu tư xây dựng Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học để khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn thành phố Tân An và cả tỉnh. 

Thành Phố Tân An phấn đấu trở thành đô thị loại II trước năm 2020 và trở thành đô thị loại I vào năm 2030. Được quy hoạch trên diện tích hơn 8.000ha, dự báo đến năm 2030, dân số đô thị của thành phố đạt khoảng 300 nghìn người; tỷ lệ đô thị hóa 80% – 90%; thu nhập hơn 80 triệu đồng/người/năm. 

Tỉnh Long An đẩy nhanh thực hiện các công trình quan trọng, nhất là các công trình có tính liên kết vùng để sớm đưa Tân An trở thành đô thị cấp vùng, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Long An  theo hướng văn minh – hiện đại.
 

Trần Hữu Hiếu (TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục