tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Những đại gia gốc Hoa giàu nhất Việt Nam là ai?

  • Cập nhật : 04/08/2017

Danh sách này chưa phản ánh hết được tầm ảnh hưởng của nhóm doanh nhân gốc Hoa bởi họ còn sở hữu cổ phần tại các DN chưa niêm yết. Ngoài ra còn có những “ông trùm” chưa lộ diện như: Vưu Khải Thành (Biti’s), Lý Ngọc Minh (gốm sứ Minh Long),...

Theo thống kê tốp 100 người giàu nhất sàn chứng khoán tính đến thời điểm hiện tại có tới 11 doanh nhân là người gốc Hoa. Họ là những doanh nhân có nhiều năm lăn lộn trên thương trường với đủ mọi lĩnh vực khác nhau, trong đó có những tập đoàn mang tính gia đình trị.

Dẫn đầu trong nhóm người gốc Hoa giàu nhất sàn chứng khoán là doanh nhân Trần Lệ Nguyên, ông vua của lĩnh vực thực phẩm, chứng khoán đầu tư, văn phòng phẩm. Ông Trần Lệ Nguyên được xếp hàng thứ 22 trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam, ông được biết đến với vai trò: Phó Chủ tịch thường trực kiêm TGĐ Tập đoàn Kinh Đô (KDC); Thành viên HĐQT Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOC); Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS); Thành viên HĐQT Tập đoàn Thiên Long (TLG); Thành viên HĐQT CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC); Thành viên HĐQT CTCP Bất động sản Eximland; Thành viên HĐQT CTCP Địa ốc Kinh Đô.

Với 2 mã cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường chứng khoán là KDC và VDS, tài sản của ông tính đến thời điểm hiện tại là 1.434 tỷ đồng. Cụ thể, ông Nguyên nắm giữ 25.930.867 cổ phiếu KDC và 24.500.000 cổ phiếu VDS (35%).

Giàu thứ hai trong danh sách này là ông Trầm Trọng Ngân, con trai cả của ông trùm tài chính ngân hàng Trầm Bê. Ông Trầm Trọng Ngân xếp thứ 28 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán với tổng tài sản tại Sacombank và Chứng khoán Phương Nam là 1.142 tỷ đồng.

Đứng thứ 3 trong danh sách này và đứng thứ 35 những người giàu nhất sàn chứng khoán là doanh nhân Trần Kim Thành (anh trai ông Trần Lệ Nguyên). Ông Thành nổi lên trong lĩnh vực thực phẩm và văn phòng phẩm với khối lượng cổ phiếu KDC lên đến 959 tỷ đồng.

Ông Trần Kim Thành được biết đến với các vai trò: Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long; Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO; Chủ tịch HĐQT CTCP Địa Ốc KIDO; Chủ tịch HĐQT TCT Công Nghiệp Dầu Thực Vật Việt Nam (Vocarimex); Tổng Giám đốc Cty TNHH Đầu tư KIDO; Chủ tịch HĐQT CTCP Thực Phẩm Đông Lạnh KIDO; Chủ tịch Công ty TNHH MTV PPK.

Tại Kido, một loạt các nhân vật chủ chốt đều là những người gốc Hoa, trong đó có vợ chồng ông Trần Kim Thành và vợ chồng ông Trần Lệ Nguyên với các vị trí: Chủ tịch, TGĐ và các Phó TGĐ.

Tiếp đó là “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My, bà My đứng thứ 55 trong số những người giàu nhất sàn chứng khoán. Bà là con gái của “ông vua mía đường” Đặng Văn Thành. Với việc sáp nhập thành công Mía đường Tây Tây Ninh với Đường Biên Hòa, gia đình họ Đặng đang chi phối 30% thị phần ngành đường nội địa của Việt Nam, chiếm 16% diện tích trồng mía của cả nước, sản lượng mía bằng 22% tổng sản lượng mía cả nước, 8 nhà máy chế biến đường công suất ép 30.000 tấn mía/ngày.

Bà Đặng Huỳnh Ức My là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thành Thành Công, Thành viên HĐQT CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh. Ngoài mía đường, bà Đặng Huỳnh Ức My còn được biết đến trong lĩnh vực chứng khoán và đầu tư. Hiện tổng tài sản từ cổ phiếu của bà là 628 tỷ đồng. Trong đó, 13.786.002 cổ phiếu Đường Biên Hòa (BHS), 5.400.000 cổ phiếu Đường Ninh Hòa (NHS), 6.944.368 cổ phiếu Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), 65.625 cổ phiếu Sacomreal (SCR).

Gia đình họ Đặng trước đây là cổ đông sáng lập ngân hàng Sacombank trước khi bị thâu tóm bởi nhóm cổ đông ngân hàng Phương Nam do ông Trầm Bê đứng đầu. Trong danh sách này, ông Trầm Bê đứng sau bà Đặng Huỳnh Ức My với khối tài sản tại Sacombank và CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) là 431 tỷ đồng. 

Ngày 01/08/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê về hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.Ông Trầm Bê được cho là người đứng đầu nhóm cổ đông thâu tóm Sacombank, tiến tới việc sáp nhập SouthernBank vào Sacombank vào năm 2015. Ngày 24/2/2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của cha con ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank. Ông Trầm Bê và người có liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại tại Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành.

tu tren xuong duoi: ong co gia tho, ba dang huynh uc my va ong tran le nguyen.

Từ trên xuống dưới: Ông Cô Gia Thọ, bà Đặng Huỳnh Ức My và ông Trần Lệ Nguyên.

Ông Trầm Bê và các thành viên trong gia đình từng sở hữu gần 180 triệu cổ phần của Sacombank, tương đương với 9,512% vốn cổ phần của ngân hàng này. Tuy nhiên, năm 2016 Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo về việc chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và người có liên quan tại Sacombank, đồng thời cá nhân ông Trầm Bê cũng ủy quyền cho NHNN đối với số cổ phiếu của mình tại Sacombank và Southern Bank.

Hiện tại, ông Trầm Bê là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam; thành viên HĐQT CTCP Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An.  

Con trai ông là Trầm Khả Hòa xếp sau ông trong danh sách những doanh nhân gốc Hoa và đứng thứ 75 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán. Ông Trầm Khả Hòa từng là thành viên HĐQT Sacombank và đã từ nhiệm hồi tháng 2/2017. Hiện ông Hòa đang nắm giữ 33,348 triệu cổ phiếu Sacombank với giá trị hơn 400 tỷ đồng.

Một doanh nhân gốc Hoa khác là ông Đặng Hồng Anh (con trai ông Đặng Văn Thành và là anh trai bà Đặng Huỳnh Ức My). Ông Hồng Anh đã từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của Sacombank và Sacomreal nhưng vẫn nắm giữ cổ phần tại hai tổ chức này với giá trị 398 tỷ đồng. Ông Đặng Hồng Anh đứng thứ 81 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán và đứng thứ 7 trong số những người gốc Hoa.

Xếp sau ông Hồng Anh là bà Trần Uyển Nhàn, bà Nhàn đứng thứ 87 trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán với tổng tài sản 383 tỷ đồng thông qua việc sở hữu 11.836.140 cổ phần tại CTCP Thép Nam Kim (NKG) và 700 cổ phiếu tại CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA).

Bà Trần Uyển Nhàn sinh năm 1976 tại Trung Quốc, bà là thành viên độc lập HĐQT CTCP Thép Nam Kim, đại diện phần vốn của Công ty THHH Thép Trường Giang. Tuy nhiên, Thép Trường Giang chỉ sở hữu 1,8 triệu cổ phiếu NKG (01,8%). Chồng của bà Nhàn là ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT NKG, cũng đang sở hữu 13,44 triệu cổ phiếu NKG, trị giá 426 tỷ đồng. Ngoài ra, anh/em trai và bố của bà Nhàn cũng là những cổ đông tại CTCP Hữu Liên Á Châu và CTCP Minh Hữu Liên (MHL).

Tiếp theo, đứng sau bà Trần Uỷ Nhàn là bà Trầm Thuyết Kiều, con gái ông Trầm Bê, đứng thứ 91 trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán. Bà Trầm Thuyết Kiều từng làm Phó Tổng GĐ Ngân hàng Phương Nam với khối tài sản 346 tỷ đồng gồm: 27 triệu cổ phiếu Sacombank, 29,420 triệu cổ phiếu Southern Bank (trước khi sáp nhập vào Sacombank) và 4,950 triệu cổ phiếu CTCP Thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam.

Đứng thứ 10 trong danh sách những doanh nhân gốc Hoa giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam là ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG). Ông Thọ sở hữu 3,2 triệu cổ phiếu TLG, giá trị 344 tỷ đồng và là người đứng ở vị trí số 92 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Người Hoa đứng cuối cùng trong danh sách 100 người giàu nhất sàn (vị trí thứ 97) là doanh nhân Liu Cheng Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Công nghiệp Tung Kuang (TKU). Ông Liu Cheng Minh sở hữu 23.381.054 cổ phiếu TKU, trị giá khoảng 327 tỷ đồng.

Ông Liu Cheng Minh sinh năm 1947 tại Đài Loan. Ngoài ông Liu Cheng Minh, toàn bộ 8 thành viên HĐQT khác của TKU đều là người Đài Loan.

Ngoài 11 doanh nhân kể trên, danh sách 200 người giàu nhất sàn chứng khoán có bộ đôi anh em trai David Cam Hao Ong và Yung Cam Meng của CTCP Siêu Thanh (ST8).

Ông Yung Cam Meng sinh năm 1955 tại Hồng Kông, là Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP Siêu Thanh. Ông sở hữu 6,1 triệu cổ phiếu ST8, tương đương giá trị 165 tỷ đồng và đứng thứ 175 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán. Xếp trên ông là ông David Cam Hao Ong (171), Phó Chủ tịch kiêm Phó TGĐ CTCP Siêu Thanh với 6,421 triệu cổ phiếu ST8, tương đương 173 tỷ đồng.

Tuy nhiên, danh sách trên chưa phản ánh hết được tầm ảnh hưởng của nhóm doanh nhân gốc Hoa bởi họ còn sở hữu nhiều cổ phần tại các DN chưa niêm yết. Ngoài ra còn có các DN gốc Hoa ở những DN chưa niêm yết như: Vưu Khải Thành (Biti’s), Lý Ngọc Minh (gốm sứ Minh Long),… 


Ngân Giang
Theo Infonet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục