tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chủ tịch Nafoods Group Nguyễn Mạnh Hùng: “Ông trùm” chanh leo Việt Nam

  • Cập nhật : 26/04/2017

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafoods Group đang theo đuổi tham vọng biến chanh leo và gấc trở thành niềm tự hào của Việt Nam như vị trí của quả kiwi với đất nước New Zealand.

“Đốt” hơn 100 tỷ đồng vì cảm tính

Là người có máu kinh doanh từ nhỏ, ông Hùng kể, ngay hồi học cấp hai, ông đã mua đi, bán lại nhiều loại sản phẩm. Có thời điểm, cậu bé bán kem phải dùng cách lấy kem đổi lấy bất cứ thứ gì, từ chè xanh, đậu phộng, cau, trầu… trong những ngày trời đổ mưa. Loại nào không bán lại được, ông sẽ dùng để biếu, tặng mọi người. Cứ thế, ông có thể tự trang trải các khoản học phí.

Vì bản tính mê truyện trinh thám, nên đến lần thứ hai thi đại học, ông mới đỗ vào Đại học An Ninh. Dù vậy, sau một thời gian theo học, ông đành bỏ ngang vì phát hiện mình không phù hợp với ngành này. Đến khi 21 tuổi, ông mới bắt đầu học Đại học Kinh tế quốc dân chuyên ngành tài chính. Chỉ một năm sau đó, ông lập gia đình.

ong nguyen manh hung, chu tich nafoods group

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafoods Group

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đi buôn xi măng, khoai tây, gà, tỏi, hành…. từ Lào về Việt Nam. Lâu dần, ông chuyển sang kinh doanh gỗ, xe máy và tích cóp tiền để làm đại lý, xây dựng Nhà máy Nước giải khát Festi từ cuối năm 1990. Tuy nhiên, đến năm 2001, trước những chương trình ưu đãi cho các đại lý của Pepsi và Coca Cola, thương hiệu Festi dần “teo tóp”.

Ông Hùng quyết định chuyển hướng làm nông nghiệp với việc thành lập Công ty cổ phần Nafoods Group. Theo lời kể của ông, nguyên Bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển là người gợi ý cho ông chọn quả dứa làm hướng đi của Công ty, vì nhìn thấy tiềm năng tiêu thụ tại châu Âu. Tuy nhiên, bắt tay vào làm, ông không chủ động được vùng nguyên liệu, nên việc sản xuất rất bấp bênh.

Doanh thu của Nafoods đã tăng gấp 3 lần trong 4 năm qua, đạt khoảng 500 tỷ đồng năm 2016. Ông Hùng kỳ vọng sau tháng 10/2017, khi nhà máy vừa động thổ xây dựng ở Long An (vốn khoảng 350 tỷ đồng) đi vào hoạt động, doanh thu Công ty sẽ đạt tối thiểu 1.500 tỷ đồng. Hiện Nafoods Group có hơn 600 nhân viên, chưa tính đến số lượng nông dân liên kết. Năm vừa qua, Nafoods đã thành lập các công ty liên kết như Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc và nắm 35% cổ phần Công ty cổ phần Nafoods Pleiku, đơn vị bổ sung lợi thế đất đai và nguồn tài chính cho Công ty.

“Có lúc, nhà máy thiếu 70% nguyên liệu cho sản xuất. Nhưng có khi vào mùa thu hoạch, doanh nghiệp cung ứng lại mang đến 500 tấn, dù công suất nhà máy chỉ là 200 tấn/ngày. Chưa kể, những quả to, đẹp thì họ lại bán ra ngoài để lấy giá cao. Nafoods vừa phải trả tiền mua nguyên liệu, vừa phải đổ bỏ”, ông Hùng kể lại chuỗi ngày phụ thuộc vào doanh nghiệp thu mua nguyên liệu của nông dân.

Thêm vào đó, giá sản phẩm bán ra liên tục giảm, có khi giảm 50%. Cầm cự hết 8 năm, tốn khoảng 100 tỷ đồng thì Nafoods buộc phải chuyển hướng. “Đó là bài học kinh doanh lớn nhất cho đến lúc này của tôi về tầm quan trọng của nghiên cứu thị trường, chủ động vùng nguyên liệu và chọn một loại cây trái không có lợi thế cạnh tranh bằng Thái Lan, Philippines… từ giống đến quy mô sản xuất”, ông Hùng nói.

“Ông trùm” chanh leo cô đặc

Sau bài học trăm tỷ từ quả dứa, ông Hùng nhận thấy, muốn làm nông nghiệp hiệu quả, phải chọn được một loại cây có lợi thế cạnh tranh. Chanh leo tím đáp ứng yêu cầu này. Trước kia, chanh leo chỉ được trồng ở Nam Mỹ, nhưng thuộc loại chanh leo vàng. Đài Loan đã nghiên cứu ra giống chanh leo tím tự thụ phấn, quả ngọt hơn, cây khỏe hơn và cho năng suất gấp đôi so với chanh leo vàng, nên Nafoods đã nhập giống này về trồng. 

Ông Hùng gọi chanh leo tím là “cây tiền mặt” do có nhiều lợi thế khác biệt. Dù thuộc loại cây công nghiệp, nhưng chanh leo tím chỉ mất 3 tháng trồng là có thể thu hoạch liên tục. Nếu trồng đúng kỹ thuật, nông dân có thể thu về 1,5 tỷ đồng/ha với năng suất từ 70 đến 100 tấn. Đến nay, Nafoods đã có vườn ươm 2,2 triệu cây giống hàng năm, vừa phục vụ khoảng 5.000 ha vùng nguyên liệu của Công ty, vừa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước với doanh thu khoảng  64 tỷ đồng.

“Sản phẩm chanh leo cô đặc của Nafoods hiện chiếm 8% thị phần trên toàn thế giới và đứng đầu châu Á. Nafoods là đơn vị đầu tiên và dẫn đầu trong việc đưa sản phẩm chanh leo tím cô đặc vào châu Âu. Đây cũng là thị trường chính của Công ty với doanh thu khoảng 250 tỷ đồng/năm”, Chủ tịch Nafoods Group chia sẻ và khẳng định, chanh leo chính là cứu tinh của Festi cũng như cuộc đời ông.

Sau khi niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM từ năm 2015 với mã NAF, Nafoods được không ít nhà đầu tư “dòm ngó”. Ông chia sẻ, bản thân ông đang nắm 65% cổ phần Công ty, bên cạnh Quỹ Vietnam Holding (8,41% cổ phần). Nafoods luôn sẵn sàng “mở cửa” đối với các nhà đầu tư có lợi thế về quỹ đất cũng như tiềm lực tài chính.

Dẫn đầu về gấc

Sau chanh leo, Chủ tịch NaFoods đang đặt kỳ vọng rất nhiều vào gấc, một loại cây đáp ứng các tiêu chuẩn “khác biệt” và “cạnh tranh” như cây chanh leo tím mà Nafoods đang dẫn đầu thị trường. Gấc có hàm lượng lycopenee, β-carotene gấp 70 lần so với cà chua. Đặc biệt, loại quả này chỉ được trồng ở một vài quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Thái Lan. Hiện Nafoods trồng khoảng 150 ha tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An và sẽ mở rộng thêm 55 ha trong năm nay.

Ông Hùng cho biết, từ năm 2009, Nafoods đã tiên phong hợp tác xuất khẩu puree gấc (thịt gấc) độc quyền đến Công ty Nuskin (Mỹ) để nghiên cứu sản xuất loại thực phẩm chức năng G3 có giá 80 USD/chai 750 ml. Không dừng lại ở đó, Nafoods đang hợp tác với một đối tác tại Tây Ban Nha sản xuất nước uống bổ dưỡng - Gac Day (Gấc sử dụng mỗi ngày) bán thử nghiệm tại Việt Nam.

“Hiện chúng tôi có 150 ha trồng gấc hợp tác với các hộ nông dân ở Hưng Yên, Thái Bình… và xuất khẩu 3.000 tấn quả/năm, đứng đầu Việt Nam và cũng là đứng đầu thế giới. Đến một thời điểm phù hợp, chắc chắn Nafoods sẽ thực hiện được mắt xích cuối của chuỗi là đưa sản phẩm như G3 đến người tiêu dùng. Đó mới là cách để đưa thương hiệu Nafoods phát triển bền vững”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Nhìn lại quãng đường 15 năm gắn với các sản phẩm nông nghiệp, ông Hùng cho rằng, ngành nông nghiệp phải làm theo chuỗi từ giống - vùng nguyên liệu - nhà máy - xuất khẩu - tiêu dùng và phải đạt đến trình chuyên môn hóa cao nhất. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là giống có lợi thế cạnh tranh. Có như vậy, nhà sản xuất mới không “đứt gánh giữa đường”.

“Chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục để thành lập chi nhánh của Công ty tại TP.HCM. Đội ngũ này sẽ đảm nhiệm việc nghiên cứu thị trường để khoảng 2-3 năm nữa, sản phẩm của Nafoods sẽ phục vụ thị trường nội địa nhiều hơn. Dù vậy, xuất khẩu vẫn là hướng đi chính. Dứa là bài học nhớ đời để chúng tôi luôn đặt kế hoạch thận trọng cho Công ty”, ông Hùng cho biết.

Trao đổi cùng Chủ tịch Nafoods Group

Ông có nghĩ Nafoods là công ty số 1 thị trường về chanh leo cô đặc?

Chúng tôi chỉ là người dẫn đầu.

Nafoods hiện có bao nhiêu đối tác?

Chúng tôi hiện có 5 đối tác, trong 5 năm tới sẽ có thêm 15 đối tác lớn. Hiện các đối tác chủ yếu là các doanh nghiệp mua nguyên liệu của Nafoods rồi chế biến hoặc cung cấp cho đơn vị khác sản xuất, nghĩa là thương hiệu của chúng tôi chỉ có họ mới biết. Mục tiêu của chúng tôi là Nafoods phải đi đến mắt xích cuối cùng của chuỗi là cung ứng sản phẩm.

Các thành viên trong gia đình ông có tham gia các công việc tại Nafoods? 

Vợ tôi làm trái ngành với tôi. Con trai lớn sinh năm 1991 đang học quản trị kinh doanh tại New Zealand và cũng là trợ lý của tôi khi phụ trách dự án phát triển sản phẩm cuối cùng của Nafoods tại Australia. Con gái sinh năm 1996 đang học về tài chính. Tôi muốn các con mình được va chạm ở bên ngoài vài năm sau khi tốt nghiệp, rồi mới quay lại làm việc tại Công ty.

Vì sao ông đặt tên Công ty là Nafoods? 

Nafoods là viết tắt của Nghệ An foods.

Còn logo thương hiệu của Nafoods thì sao, thưa ông?

Biểu tượng này giống lá chanh leo và lá gấc. Tôi mời tác giả tạo nên logo này đến thăm trang trại Nafoods tại Nghệ An trong 10 ngày. Chúng tôi cùng hát, đọc thơ và trao đổi về ý tưởng. 

Vật dụng nào gắn bó với ông lâu nhất?

Mọi người bảo tôi giản dị. Tôi vẫn sử dụng điện thoại Nokia này hơn 10 năm rồi.

Điểm yếu của ông là gì?

Tôi từng là học sinh chuyên Văn, nên khá cảm tính, đó là điểm yếu của người doanh nhân. Nhưng đôi khi, điểm yếu này lại thành điểm mạnh, giúp tôi làm thơ, ca hát để giảm áp lực trong cuộc sống.


Hồng Phúc
Theo baodautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục