tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Việt Nam chưa có nhiều tập đoàn thực phẩm lớn

  • Cập nhật : 12/06/2017

Nếu nhìn vào thị trường niêm yết hiện nay, những cổ phiếu có sự ổn định và tăng trưởng tốt đều rơi vào những doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, chứ không phải ngành bất động sản hay ngân hàng.

ong tran le nguyen, tong giam doc kido (kdc)

ông Trần Lệ Nguyên, tổng giám đốc Kido (KDC)

Đây là ngành thiết yếu, có quy mô thị trường lớn và đầy cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. “Nhưng nền tảng để Kido tham gia vào thị trường thực phẩm là thế mạnh kênh phân phối và chúng tôi muốn phát triển thêm nhiều ngành hàng để khai thác tốt lợi thế này”, ông Trần Lệ Nguyên, tổng giám đốc Kido (KDC), cho biết về chiến lược phát triển sắp tới. 

Phát triển sản phẩm mang thương hiệu KDC

CEO của KDC cho rằng tiếp quản mảng dầu ăn từ Tường An và Vocarimex là yếu tố để doanh nghiệp mạnh dạn dấn thân vào thị trường thực phẩm, bao gồm thực phẩm đông lạnh và chế biến. 

KDC sẽ tham gia mảng thực phẩm như thế nào?

Chúng tôi sẽ kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia để rút ngắn thời gian ra đời sản phẩm, nhanh chóng cung cấp cho thị trường những sản phẩm tốt, có thương hiệu. Năm 2016, Kido Foods đã đưa vào thử nghiệm sản phẩm bánh bao đông lạnh. Khoảng tháng 8, tháng 9 năm nay, chúng tôi sẽ liên doanh với một đối tác Thái Lan tung ra sản phẩm là tương ớt chất lượng cao, bước đầu tiên để phát triển mảng nước chấm, sau đó sẽ tiếp tục phát triển các dòng thực phẩm đông lạnh như xúc xích, chả giò, các sản phẩm viên (cá, bò, mực, tôm), những món ăn sẵn từ thịt gia cầm, thịt đông lạnh, thịt tươi.... 

Chúng tôi đã gần như hoàn tất M&A với công ty con của CTCP Tập đoàn Dabaco, một doanh nghiệp có quy mô trung bình trong ngành thực phẩm chế biến với các mặt hàng xúc xích, chả lụa, đồ hộp và có nhà máy giết mổ gà 25.000 con/ngày, tỷ lệ sở hữu bước đầu là 50% vốn. Với quan hệ này, KDC sẽ toàn quyền quyết định về sản phẩm, thương hiệu. Các sản phẩm mới này sẽ sử dụng hệ thống phân phối và đông lạnh của KDC. Khai thác mạnh lợi thế sẵn có, kết hợp những sản phẩm với mục tiêu.. chúng tôi tin rằng sẽ có những sản phẩm thuyết phục người tiêu dùng. 

Như vậy, từ đây đến cuối năm, có ít nhất 2 liên doanh mới ra đời. KDC hướng đến các đối tác ngoại để đa dạng sản phẩm, ngược lại, các nhà đầu tư quốc tế họ cũng muốn vào VN. Họ nhìn thấy tiềm năng béo bở của thị trường hơn 90 triệu dân cũng như mạng lưới hệ thống phân phối mạnh mà KDC đang có.

Chuyển từ mảng đang thành công rực rỡ để gia nhập vào một thị trường hoàn toàn mới là thực phẩm, ông có bị áp lực “lịch sử khó lặp lại”? 

Tôi tin mình sẽ làm tốt hơn nhiều, ngành bánh kẹo phụ thuộc vào yếu tố thời vụ rất nhiều như trung thu, hay lễ Tết. Nhưng với ngành thực phẩm, đó là mặt hàng thiết yếu, mình có thể “kiếm tiền” quanh năm suốt tháng, thị trường cũng khá chủ động. Như mặt hàng ngành dầu, vòng vốn quay nhanh hơn hẳn, số điểm bán dầu ăn cũng nhiều hơn điểm bán bánh kẹo, khoảng 400.000 điểm. Trong khi ngành đông lạnh KDC cũng sở hữu những nhà máy với thiết bị châu Âu tiên tiến, cho ra sản phẩm chất lượng đảm bảo, khẩu vị linh hoạt và đặc biệt là tận dụng tốt 70.000 điểm phân phối thực phẩm đông lạnh sẵn có. Mặt hàng chủng loại đa dạng sẽ khuyến khích được nhà phân phối tham gia, dễ dàng tăng nhiều điểm bán hơn. 

Còn cảm quan của người tiêu dùng?

Có hai yếu tố rất quan trọng chinh phục thị trường. Đầu tiên phải xây dựng giá và thứ hai là sản phẩm có chất lượng. Hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chu trình sản xuất an toàn, sản phẩm được sản xuất từ những nhà máy hiện đại, đạt chuẩn HACCP... những yếu tố này chúng tôi có hết, nên tôi tin người tiêu dùng sẽ ủng hộ vì người ta cảm thấy an tâm, ngon, hợp lý. Thị trường đang thiếu những sản phẩm có thương hiệu mà người tiêu dùng có thể tin cậy được. Chúng tôi nhìn thấy khoảng trống thị trường mảng này còn rất lớn. Nó không giống như ngành bánh kẹo là mặt hàng ăn chơi, đây là ngành tất yếu, phục vụ cho việc ăn ngon, ăn no hàng ngày. Trong cuộc đua đó, ai có hệ thống phân phối tốt sẽ là một lợi thế.

Trở thành tập đoàn thực phẩm

Ông có lo ngại những cản trở trong kế hoạch trở thành tập đoàn thực phẩm?

Từ khi nắm trong tay mảng dầu ăn, rất nhiều ngân hàng tìm đến chúng tôi vì tình hình tiền mặt quá tốt, ổn định. Kinh doanh sợ nhất không có đầu ra, không có doanh số. Giờ mình có thêm công ty mới, cơ hội phát triển sẽ nhiều hơn. Cạnh tranh trên thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải cung cấp những sản phẩm chất lượng hơn, bao bì đẹp hơn nhưng giá lại tương đương sản phẩm cùng loại. KDC hướng đến cung cấp toàn diện cho một bữa cơm của gia đình mọi nhà từ nước chấm, tương, đến gia vị chế biến... 

Chúng tôi nhìn thấy nhiều kinh nghiệm từ ngành mì. Tham gia thị trường đúng lúc ngành đang đi xuống, làm mình cảm thấy đầu tư nhiều nhưng thu lại không xứng đáng. Vậy là cho ngưng. Nhưng chúng tối đang trở lại với ngành mì, với một đối tác khác. 

Vậy yếu tố cạnh tranh từ nước ngoài? Gần đây trên thị trường thực phẩm đông lạnh, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng thâm nhập vào VN thông qua con đường M&A? 

Chúng tôi đã từng chú ý đến một số doanh nghiệp khác nhưng rồi thấy không ổn nên đã quyết định chọn Dabaco. Doanh nghiệp VN cạnh tranh trên sân nhà phải coi đó là lợi thế. Mình am hiểu văn hóa người tiêu dùng, biết cách tiếp cận người tiêu dùng. Khi thiết kế sản phẩm, bao giờ chúng tôi cũng lấy cột mốc thị trường làm chính, sau đó xây dựng ngược vào. Nghĩa là xây dựng giá sản phẩm rồi sau đó mới tính làm sao để có mức giá đó cho người tiêu dùng, cắt chi phí gì, dùng nguyên liệu gì... 

Trong 2 năm tới, KDC sẽ có thêm nhiều mặt hàng mới, phong phú hơn, đa đạng thị trường. Các nhà đầu tư khi vào VN chọn đối tác, họ cũng nghiên cứu kỹ. Thị trường VN quá nhiều tiềm năng mà chưa có những doanh nghiệp thực phẩm lớn. KDC phấn đấu mục tiêu tham gia vào nhóm doanh nghiệp thực phẩm lớn hàng đầu của VN trong vòng 2-3 năm tới.  Chúng tôi cũng muốn hướng đến tầm quy mô khu vực, đầu tư ra bên ngoài. Ở VN chưa có nhiều thương hiệu thực phẩm có doanh thu hơn chục ngàn tỉ đồng, so với quy mô thị trường VN 90 triệu dân đó là điều đáng tiếc.


Ông Trần Lệ Nguyên cho biết trong con đường phát triển lên doanh nghiệp tập đoàn thực phẩm, KDC dự kiến sẽ trình cổ động KDC nới room ngoại từ 49% lên 100% để dọn đường cho đối tác ngoại trong mảng thực phẩm gom cổ phiếu trên sàn. “Hiện có nhiều đối tác lớn từ nước ngoài hoạt động trong ngành thực phẩm ngỏ ý muốn mua cổ phiếu quỹ nhưng KDC không bán do số lượng cổ phiếu quỹ hiện có không nhiều (hơn 50 triệu cp, giá trị gần 2.000 tỷ đồng), mức giá bán cũng chưa đạt kỳ vọng. Chúng tôi không quá quan tâm đến tỷ lệ mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ nắm giữ, miễn là việc hợp tác của hai bên có lợi cho KDC”, ông Nguyên nói thêm. 

 

Hải Kim
Theo Tuoitre.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục