tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kiến nghị sử dụng hộ chiếu, thẻ căn cước chứng minh đúng "Việt kiều"

  • Cập nhật : 14/08/2015

(Tin kinh te)

HoREA đề nghị sử dụng thông tin trên giấy căn cước (ID), hộ chiếu (passport) của nước sở tại cấp cho người Việt Nam ở nước ngoài có ghi rõ nơi sinh là Việt Nam thì nên coi đây là cơ sở pháp lý theo công pháp quốc tế để xác định nguồn gốc người Việt.

Ngày 10/8/2015, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014.

kien nghi su dung ho chieu, the can cuoc chung minh dung "viet kieu"

Kiến nghị sử dụng hộ chiếu, thẻ căn cước chứng minh đúng "Việt kiều"


Cụ thể, về quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở như người trong nước, các vấn đề làm rõ nguồn gốc người Việt ở nước ngoài đang còn rất nhiều vướng mắc.

Theo phân tích của HoREA, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người, trong đó có hơn 2 triệu người cư ngụ tại Mỹ.

Do hoàn cảnh lịch sử, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài không còn giữ được những chứng thư hộ tịch của bản thân như khai sinh, hộ chiếu cũ, tờ khai gia đình, sổ hộ khẩu, căn cước, chứng minh nhân dân..., nhiều trường hợp cơ quan Nhà nước hiện nay cũng không còn lưu giữ hồ sơ hộ tịch gốc của họ. 

Vì thế, HoREA đề nghị trong trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài không có khai sinh hoặc giấy tờ tùy thân khác để chứng minh nguồn gốc người Việt, thì sử dụng thông tin trên giấy căn cước (ID), hộ chiếu (passport) của nước sở tại cấp cho người Việt Nam ở nước ngoài có ghi rõ nơi sinh là Việt Nam thì nên coi đây là cơ sở pháp lý theo công pháp quốc tế để xác định nguồn gốc người Việt.

HoREA lấy ví dụ, hộ chiếu của Mỹ cấp cho người Việt Nam ở nước ngoài sinh tại Việt Nam thì đã được ghi rõ: "Nơi sinh: Việt Nam" (Place of Birth: Vietnam). Phương thức này thì sẽ làm đơn giản hóa thủ tục xác định nguồn gốc người Việt của người Việt Nam ở nước ngoài. 

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị Luật Dân sự sửa đổi cũng cần có những thay đổi để phù hợp với các vấn đề liên quan đến luật Nhà ở để tạo tính đồng bộ cho luật pháp, tránh khe hở.

Hiệp hội cũng chỉ ra một điều đáng ngạc nhiên khi Giấy chứng nhận nguồn gốc người Việt (do cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp cho người Việt Nam ở nước ngoài) chi có giá trị trong 5 năm. HoREA kiến nghị giấy chứng nhận nguồn gốc này phải có giá trị vĩnh viễn bởi đó là điều không thể thay đổi.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị cho người Việt Nam ở nước ngoài được miễn thị thực visa khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Trong công văn mà Hiệp hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành hữu trách cũng đề đạt nội dung liên quan tới số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu.

HoREA kiến nghị không nên giới hạn một số lượng cụ thể ở các địa phương, mà cần linh động giao quyền cho UBND cấp tỉnh xem xét quyết định cho phù hợp với thực tiễn tình hình của địa phương, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, nhất là các đô thị tập trung đông người nước ngoài như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hải Phòng...

Khoản 3, khoản 4 điều 76 dự thảo Nghị định quy định người nước ngoài được sở hữu không quá 30% căn hộ trong 01 tòa nhà chung cư, không quá 250 căn nhà trong 01 đơn vị hành chính tương đương cấp phường, đối với dự án nhà ở riêng lẻ thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không vượt quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ của mỗi dự án; trường hợp trong một dự án hoặc trên một địa bàn có số dân tương đương cấp phường có nhiều dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ tương đương bằng 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không vượt quá 250 căn. 

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục