Các năm 1979, 1989, 1999 hay gần đây nhất là 2009 khủng hoảng đều xuất hiện ở nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, đối với năm nay, giới chuyên gia đang tỏ ra lo ngại trục trặc vĩ mô có thể xuất hiện.
Top 50: Dấu ấn đậm nét của kinh tế tư nhân Việt Nam
- Cập nhật : 13/06/2018
Danh sách top 50 năm 2017 phản ánh sự trở lại của khối ngân hàng, bất động sản, xây dựng và nhóm hàng tiêu dùng.
2017 là năm để lại nhiều dấu ấn đậm nét như nền kinh tế tăng trưởng ở mức cao nhất trong 10 năm, lạm phát được kiểm soát tốt, dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục, bất động sản tiếp tục đà thăng tiến. Quan trọng nhất là sức khỏe của hệ thống ngân hàng, trụ cột cung cấp vốn cho nền kinh tế, được cải thiện đáng kể, hứa hẹn mang tới những tác động tích cực hơn nữa đến tăng trưởng trong các năm tới.
Với viễn cảnh lạc quan như thế, không gì ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán có một năm “hưng phấn cao độ” khi chỉ số VN-Index tiệm cận cột mốc 1.000 điểm lần đầu tiên kể từ năm 2008, đưa Việt Nam lọt vào danh sách các thị trường tăng trưởng ấn tượng nhất thế giới, cũng như dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt các doanh nghiệp và doanh nhân tỉ USD, ghi danh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên bản đồ kinh doanh quốc tế.
NGÂN HÀNG TRỞ LẠI
Bảng xếp hạng Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất năm 2017 của NCĐT phản ánh khá rõ những diễn biến của nền kinh tế nói chung và thực trạng phân hóa rõ ràng giữa các nhóm ngành nói riêng. Trong đó, nổi bật nhất là sức mạnh vượt trội của nhóm ngành tài chính - ngân hàng - bất động sản khi có đến 19 đại diện được vinh danh.
Việc quay trở lại của các “cổ phiếu vua” cũng giúp câu lạc bộ “tỉ đô vốn hóa” có thêm một loạt các gương mặt mới như cổ phiếu VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, HDB của Ngân hàng Phát triển TP.HCM, bên cạnh các tên tuổi quen thuộc như VCB của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, MBB của Ngân hàng Quân Đội hay ACB của Ngân hàng Á Châu. “Sau hơn 5 năm tái cấu trúc quyết liệt, đặc biệt là xử lý nợ xấu, một số ngân hàng đã dần dần đưa trạng thái bảng cân đối về mức an toàn”, Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) nhận định.
Bên cạnh nỗ lực tự thân vận động của các ngân hàng thì các chính sách mới của Nhà nước được xem là liều thuốc bổ trợ hiệu quả cho nền tài chính Việt Nam. Điển hình là Nghị Quyết 42 về xử lý nợ xấu đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng chưa từng có, cho phép các ngân hàng đẩy nhanh được tốc độ xử lý nợ xấu thông qua việc trao cho ngân hàng nhiều quyền hơn. Hơn thế nữa, một số ngân hàng có thể sử dụng lợi nhuận giữ lại để mua lại các khoản nợ từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) hay tăng vốn khả dụng để nâng tỉ lệ an toàn vốn (CAR) phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới mục tiêu đáp ứng Basel II vào năm 2020.
Cuộc chơi trong lĩnh vực ngân hàng hiện đã thay đổi căn bản. Theo TVS, các ngân hàng như VCB, MBB và ACB thành công trong năm qua nhờ theo đuổi chiến lược ưu tiên đặt quản trị rủi ro trước mục tiêu lợi nhuận. Các ngân hàng này theo đuổi triết lý kinh doanh “thận trọng tài chính” (financial prudence) khi thiết kế các điều kiện quản trị rủi ro hướng theo chuẩn mực của quốc tế. Hoặc như VPB và HDB là những ngân hàng lại có hướng đi riêng khi tập trung phục vụ đại đa số người tiêu dùng thông qua các công ty con như FE Credit và HD Saison.
Bên cạnh ăn theo dòng vốn tài trợ thương mại hay tiêu dùng, ngân hàng cũng được hưởng lợi nhờ thị trường bất động sản tiếp tục ấm lên trong năm qua. Các công ty bất động sản đã tận dụng tốt xu thế này để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Nhìn chung, việc phục hồi và tiếp tục đà tăng trưởng bền vững của thị trường bất động sản được đánh giá cao, bởi chúng sẽ mang tới tác động tích cực, hỗ trợ giải quyết hai bài toán lớn cho nền kinh tế là tăng trưởng và nợ xấu. Các gương mặt bất động sản tiêu biểu được vinh danh Top 50 lần này là Tập đoàn Vingroup, Địa ốc Đất Xanh, Novaland, Phát Đạt, Nhà Khang Điền, CEO.
Nhóm ngành hàng tiêu dùng và dược phẩm vẫn có những dại diện quen thuộc có thương hiệu lớn như Thế Giới Di Động, Traphaco, Dược Hậu Giang, PNJ, Masan, Vinamilk hay Sabeco. Nhóm ngành này vẫn đang được hưởng lợi từ xu thế gia tăng kinh tế tiêu dùng ở Việt Nam và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018 khi các sản phẩm, dịch vụ cung cấp đang đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của từng hộ gia đình Việt Nam, bất chấp áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ khi các thương hiệu ngoại đổ bộ ngày càng nhiều.
Mỗi năm, bảng xếp hạng Top 50 đều chứng kiến những thương vụ soán ngôi ấn tượng. Nếu như trong bảng xếp hạng 2016, vị trí dẫn đầu thuộc về một gương mặt của ngành hàng bán lẻ, thì năm nay, là một doanh nghiệp mới nổi trong lĩnh vực vận tải: Vietjet Air (VJC). “Với thị phần sở hữu 43%, ROE trung bình 3 năm duy trì ở mức khó tin 70,3%, đi cùng tỉ suất sinh lợi cho cổ đông lên tới 204%, có lẽ không ai xứng đáng hơn Vietjet Air khi trở thành ngôi sao sáng nhất trong cộng đồng doanh nghiệp năm 2017”, TVS nhận định.
Bên cạnh nhóm ngành tài chính, lĩnh vực công nghiệp để lại dấu ấn đáng kể khi có số lượng đại diện nhiều thứ hai trong Top 50 (18 công ty). Theo TVS, ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu về hàng hóa tiếp tục tăng như xây dựng cơ sở hạ tầng, nhu cầu vận tải và nhu cầu tiếp vận. Năm qua, tín dụng đổ vào nhóm ngành này tăng tới 22,38%, tức cao hơn so với trung bình 18,24% của toàn nền kinh tế.
Nhu cầu cao và tín dụng mạnh đã giúp ngành tăng trưởng 36% về doanh thu và 22% về lợi nhuận. Các gương mặt thể hiện màn trình diễn vượt trội trong năm có thể kể đến là Phú Tài, Thép Hòa Phát, Nhựa Bình Minh, Cường Thuận Idico, Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, Dịch vụ hàng hóa Nội Bài, Cảng Đình Vũ hay Công ty Vận tải biển Gemadept.
Bên cạnh sự xuất hiện của một số “hiện tượng”, thị trường tiếp tục chứng kiến cơn khủng hoảng của một số tên đuổi đình đám một thời, điển hình như nhóm ngành dầu khí. Giống như năm 2016, năm nay vẫn không có gương mặt nào của họ dầu khí lọt vào Top 50.
Điều đó cho thấy ngành dầu khí Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi giá dầu vẫn xoay quanh mốc 52-55 USD/thùng. Là một trong những trụ cột sản xuất cơ bản của nền kinh tế bấy lâu nay, sự khó khăn của ngành dầu khí sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách quốc gia trong năm nay.
Điều phấn khởi trong bảng xếp hạng năm nay là số lượng các gương mặt tỉ USD ngày càng nhiều, mang đến cơ hội tốt cho các nhà đầu tư sở hữu được các tài sản có giá trị, ở vị trí dẫn dắt nền kinh tế. Cụ thể, bảng xếp hạng Top 50 năm nay chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về chỉ tiêu vốn hóa thị trường với 2.207.432 tỉ đồng chiếm khoảng 63% toàn thị trường năm 2017, cải thiện đáng kể so với giá trị 1.043.120 tỉ đồng và tỉ lệ 56% của năm trước đó.
Xét về hoạt động kinh doanh, Top 50 năm 2017 có sự vượt trội cả về doanh thu lẫn lợi nhuận ròng. Nhóm công ty này đã tạo ra hơn 880.663 tỉ đồng doanh thu (tăng 57,38%) và 92,885 tỉ đồng lợi nhuận ròng (tăng 52,60%).
Theo thống kê, năm 2016 chỉ có 9 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỉ USD. Đến năm 2017, con số này lên đến 16 - mức tăng tuyệt đối cao nhất kể từ khi thị trường chứng khoán thành lập. Các doanh nghiệp ghi tên vào “câu lạc bộ tỉ USD” đa phần là các công ty tư nhân lớn. Sự vươn lên mạnh mẽ của các công ty tư nhân cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào quá trình chuyển đổi của Việt Nam khi Chính phủ xác định rằng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn tới.
Chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư nóng bỏng nhất năm 2018. Mặc dù thị trường trải qua giai đọan điều chỉnh khá mạnh vào tháng 4 nhưng viễn cảnh phần còn lại của năm là khá sáng sủa, đi cùng với sự sôi động của nền kinh tế có quy mô 100 triệu dân, cùng sự đổ bộ của ngày càng nhiều các định chế tài chính hàng đầu nước ngoài.
“Chứng khoán Việt Nam đã trưởng thành mạnh mẽ. Cách đây 10 năm, quy mô thị trường rất nhỏ, chỉ khoảng 300-400 triệu USD. Hiện nay, mức vốn hóa lên đến 180 tỉ USD và khối lượng giao dịch hằng ngày đã vượt qua các thị trường Philippines, Malaysia và cả Argentina. Chất lượng quản trị doanh nghiệp nhờ đó cũng cải thiện hơn”, ông Bill Stoops, Giám đốc Đầu tư của Quỹ Dragon Capital, nhận định.
NHỮNG NGÔI SAO MỚI
Sự kiện Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2017 đã vinh danh những doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho kinh tế, xã hội Việt Nam. Giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận những cống hiến của doanh nghiệp, mà còn là sự tri ân của thị trường dành cho họ vì đã kiến tạo nhiều giá trị kinh tế cho xã hội, nâng cao giá trị sống của người tiêu dùng và đóng góp đáng kể cho kinh tế Việt Nam trong hội nhập.
Đây sẽ là động lực cho các doanh nghiệp chưa có trong danh sách Top 50 phấn đấu cho những năm tiếp theo. Ngoài các gương mặt “tân binh”, nhiều khả năng các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng năm 2017 sẽ có những bước chuyển mình bất ngờ trong năm nay. Một số “hiện tượng” mới nổi như Dược Hậu Giang, Nhà Khang Điền và Vicostone nhiều khả năng sẽ tạo ra những đột biến lớn về kết quả kinh doanh.
Năm 2018 sẽ tiếp nối thành công từ năm bản lề 2017 đối với doanh nghiệp Việt. Nội lực và yếu tố bên ngoài đã tạo đà để kinh tế Việt Nam phát triển hơn nữa. Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo tăng lên 7,1%...
(Danh sách Top 50 năm 2017 - http://top50.nhipcaudautu.vn/top50.aspx)
“Được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế sẽ bứt phá trong năm 2018, Việt Nam sẽ trở thành 1 trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào FDI cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp”, ông Eric Sidgwick nhận định.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, 2018 sẽ là năm chủ lưu của nhóm cổ phiếu các ngành như ngân hàng, bất động sản và ngành vật liệu cơ bản xây dựng. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, hoạt động của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hiệu quả, kéo theo diễn biến tích cực về mặt doanh thu. Nhận định trên là có cơ sở khi ngành ngân hàng sẽ có sự thay đổi cả về chất lẫn về lượng. Năm 2018 sẽ chứng kiến làn sóng niêm yết của một loạt ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như Techcombank, OCB, HDBank,TPBank, Maritime Bank, SeABank, OCB, ABBank…
Đó là về lượng, sự thay đổi về chất bao gồm quá trình xử lý nợ xấu đang diễn ra rất khả quan và tiềm năng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức tiệm cận 17-19%. Ngoài ra, hấp dẫn thị trường, nhất là biên lợi nhuận ngành nhiều khả năng sẽ tăng khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN về việc nới rộng tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ năm 2018 từ mức 40% lên mức 45%.
Dù chưa lọt vào Top 50 năm 2017 nhưng thị trường đã chứng kiến sự nổi lên của các “tân binh” ngân hàng. Tiêu biểu nhất có lẽ là Techcombank - ngân hàng vừa được niêm yết vào ngày 4.6. Ngân hàng trở thành hiện tượng khi doanh thu tăng trưởng rất ấn tượng, sở hữu bảng cân đối kế toán an toàn và có sự góp mặt của các định chế tài chính quốc tế chuyên nghiệp trong khâu quản trị điều hành.
Tính đến năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Techcombank là 6.445 tỉ đồng (tăng 205% so với năm trước đó), tổng giá trị tài sản chạm mốc 269.000 tỉ đồng, với tỉ lệ nợ xấu 1,6%. Techcombank tiến rất gần tới mục tiêu sở hữu vị trí cao trong bảng xếp hạng Top 50 tương lai.
Một cái tên triển vọng khác là TPBank, một ngân hàng chuẩn mực cho doanh thu vượt trội (lợi nhuận năm 2017 đạt 1.200 tỉ đồng, tăng trưởng 70%), chủ động áp dụng công nghệ tiên phong thời 4.0 với các cổ đông công nghệ như FPT và MobiFone; cũng như việc hợp tác với các định chế quốc tế tầm cỡ như Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và PYN Elite (quỹ đầu tư Hà Lan).
Tổng tài sản ước đoán của TPBank hiện đạt trên 124.000 tỉ đồng, tín dụng vượt 73.000 tỉ đồng, nợ xấu 3 năm liền dưới 1%, cùng hệ sinh thái khách hàng hơn 2 triệu khách hàng. Ngành bất động sản và vật liệu xây dựng cơ bản cũng giúp bức tranh kinh tế Việt Nam 2018 có thêm nhiều màu sắc lạc quan. Dòng tiền FDI và sự nới lỏng định lượng của Ngân hàng Nhà nước được dự đoán sẽ tạo thêm nguồn lực cho vay trung, dài hạn cho các dự án bất động sản, qua đó tạo thêm động lực tăng trưởng cho thị trường xây dựng và bất động sản. Xu hướng tăng của giá đất cơ sở được dự đoán sẽ không thể đảo chiều trong thời gian ngắn. Ước tính đến năm 2018, số lượng căn hộ bàn giao sẽ tăng khoảng 27,9% so với năm 2017.
Ngoài ra, do tình hình khả quan của thị trường hàng hóa thế giới, giá bán của rổ hàng hóa cơ bản như dầu khí, thép và cao su cơ bản sẽ tăng và giữ ổn định trong thời gian dài. Nhóm cổ phiếu PV Oil, PLX nhiều khả năng sẽ hưởng lợi khi gần đây khối OPEC và 11 nước ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác xuống 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1.2017.
Danh sách Top 50 là một danh sách chuyên môn và tổng quát thị trường chuyên sâu theo chuẩn đo lường và sự cố vấn chuyên sâu của nhiều chuyên gia đến từ các quỹ đầu tư, trong đó có không ít học giả đến từ Đại học Harvard. Định tính của tập hợp 50 công ty hàng đầu này có biên độ vốn hóa từ 67 triệu USD đến 14,2 tỉ USD, phân bổ bao quát các nhóm ngành hàng không - vận chuyển, tiêu dùng, công nghiệp nhẹ, cao su và các ngành khác.
Trong tiêu chí công ty có vốn hóa trên tỉ đô, thị trường chứng kiến những tên tuổi lớn trong ngành hàng không như Vietjet, tiêu dùng như Vinamilk hay công nghiệp như Hòa Phát. Tuy nhiên, khi xem xét giá trị cận biên 1 tỉ USD, chúng ta sẽ được truyền cảm hứng mạnh mẽ với doanh nghiệp sắp tiệm cận vốn hóa 1 tỉ USD là Vicostone (928 triệu USD).
Vicostone được thành lập năm 2002 và là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất đá thạch anh và sản phẩm khoáng chất phi kim. Vicostone có thể tự hào là doanh nghiệp sản xuất khoáng chất phi kim xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng Top 50 năm 2017. Doanh thu năm 2017 của Vicostone là 4.352 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.121 tỉ đồng. Sau Vicostone, Dược Hậu Giang và Nhà Khang Điền được dự đoán sẽ là những doanh nghiệp đầy tiềm năng bứt phá khi họ định hướng được lợi thế chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường vĩ mô thuận lợi.
Cụ thể hơn, Dược Hậu Giang hiện là doanh nghiệp sản xuất dược phẩm lớn nhất thị trường nội địa với doanh thu năm 2017 đạt 4.062 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 642.4 tỉ đồng. Doanh nghiệp này đang tiên phong trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, một phân khúc đầy tiềm năng nhưng chưa được khai phá - theo nhiều chuyên gia, biên lãi gộp phân khúc này thường qua ngưỡng 50%.
Doanh thu phân khúc này của Dược Hậu Giang năm 2017 là 379 tỉ đồng, trung bình mỗi ngày, Công ty thu về hơn 1 tỉ đồng từ bán thực phẩm chức năng. Ngoài ra, ý thức được tầm quan trọng của mạng lưới phân phối, Dược Hậu Giang đã ký kết hợp tác chiến lược với Vinamilk, một doanh nghiệp có thế mạnh đặc thù là mạng lưới phân phối mạnh mẽ về chiều sâu lẫn bề rộng.
Về phân khúc bất động sản, Nhà Khang Điền được dự đoán sẽ được hỗ trợ nhiều từ tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi. Cụ thể là đòn bẩy đến từ chính sách nới lỏng định lượng và sự tăng trưởng về tín dụng tiêu dùng của thị trường tư nhân. Doanh thu năm 2017 của Công ty là 3.054 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 502 tỉ đồng.
Nguyễn Sơn - Liên Quang
Theo Nhipcaudautu.vn