tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sau 5 năm, Sabeco đã tụt hậu quá xa so với Vinamilk

  • Cập nhật : 20/05/2016

(tin kinh te)

Một công ty có 45% vốn nhà nước, ban lãnh đạo ổn định. Công ty còn lại có 90% vốn nhà nước, ban lãnh đạo biến động.

Cùng thành lập vào những năm sau giải phóng, CTCP Sữa Việt Nam- Vinamilk (VNM) và Tổng CTCP Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống (F&B).

Theo số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường, dù đang chịu cạnh tranh mạnh từ các hãng sữa ngoại nhưng Vinamilk vẫn là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam, đặc biệt trong phân khúc sữa nước. Trong khi đó, Sabeco cũng là doanh nghiệp bia lớn nhất khi chiếm lĩnh tới 45% thị phần.

Mỗi năm, Vinamilk và Sabeco đều tạo ra doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp tạo ra doanh thu lớn hơn 2 "đại gia" ngành F&B này có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Vinamilk đẩy mạnh xuất khẩu, doanh thu ngày càng bỏ xa Sabeco

Trước năm 2011, doanh thu Sabeco thường cao hơn Vinamilk nhưng mức chênh lệch là không quá lớn. Tuy vậy, kể từ sau thời điểm này, Vinamilk đã bứt tốc, vượt qua doanh thu Sabeco và khoảng cách ngày càng được nới rộng.

Doanh thu của Sabeco tăng chậm một phần do sản lượng tiêu thụ hàng năm khá thấp, bên cạnh đó còn chịu tác động không nhỏ từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu như năm 2010, mức thuế TTĐB được áp 45% thì đến năm 2013 đã lên 50%. Bắt đầu từ năm 2016, mức thuế TTĐB sẽ tăng lên 55% và đến năm 2018 sẽ là 65%.

Theo báo cáo tài chính năm 2015 được công bố, doanh thu thuần Vinamilk đạt 40.808 tỷ đồng, bỏ xa con số 27.144 tỷ đồng của Sabeco.

Nếu tính cả thuế TTĐB, doanh thu năm 2015 của Sabeco sẽ lên tới 33.657 tỷ đồng, không thấp hơn quá nhiều so với Vinamilk.

Kết quả tích cực mà Vinamilk đạt được có sự đóng góp quan trọng của thị trường nước ngoài khi mang về doanh thu gần 8.000 tỷ đồng, tương đương 20% doanh thu toàn công ty. Hiện tại, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm ra 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và mục tiêu trong 5 năm tới, doanh thu thị trường quốc tế sẽ bằng 50% doanh thu nội địa.

Trong khi đó, Sabeco cũng đã tiến hành xuất khẩu bia sang khá nhiều quốc gia nhưng doanh thu từ các thị trường này vẫn khá khiêm tốn với chỉ 2 triệu USD trong năm 2015, tương đương hơn 40 tỷ đồng.

 

Với doanh thu tỷ đô đạt được, lợi nhuận mà các “ông lớn” này tạo ra cũng không hề nhỏ. Kết thúc năm 2015, “vua sữa” Vinamilk đạt 9.367 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong khi đó, lợi nhuận “vua bia” Sabeco chỉ là 4.470 tỷ đồng.

Cần lưu ý, lợi nhuận Vinamilk đã vượt Sabeco từ rất lâu, ngay cả trong giai đoạn trước năm 2011 khi mà doanh thu Vinamilk vẫn thấp hơn Sabeco.

 

Bạo chi cho hoạt động quảng cáo

Để tạo ra doanh thu khổng lồ, không thể không nhắc tới vai trò của hoạt động quảng cáo. Những năm gần đây, cả Vinamilk và Sabeco đều khá bạo chi cho hoạt động này.

Năm 2012, Vinamilk chi 587 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo, còn với Sabeco là 434 tỷ đồng. Đến năm 2015, số tiền mà 2 doanh nghiệp này dành cho quảng cáo đã tăng gấp 3 lần lên gần 1.777 tỷ đồng và 1.269 tỷ đồng, tương đương 4,5% doanh thu của mỗi doanh nghiệp.

Mặc dù chi nhiều cho hoạt động quảng cáo, nhưng dường như hiệu quả từ hoạt động này tới kết quả kinh doanh đang có phần giảm sút do áp lực cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành F&B. Cụ thể, năm 2012, mỗi đồng chi ra cho quảng cáo mang về cho Vinamilk 45,21 đồng, Sabeco là 50,21 đồng. Tuy nhiên, đến năm 2015, hiệu quả đã giảm hơn một nửa khi Vinamilk chỉ còn tạo ra 22,55 đồng doanh thu, còn với Sabeco là 21,39 đồng.

 

Vinamilk tinh gọn, Sabeco cồng kềnh

Cơ cấu hoạt động của Vinamilk nhìn chung khá đơn giản với 6 công ty con, 2 công ty liên kết, bao gồm các công ty đặt tại Campuchia, New Zealand, Mỹ, Ba Lan. Trong khi đó, bộ máy hoạt động của Sabeco khá cồng kềnh với 23 cty con, 22 cty liên kết.

Yếu tố này khiến chi phí quản lý doanh nghiệp của Sabeco thường ở mức khá cao, tương đương Vinamilk dù doanh thu thấp hơn khá nhiều. Tất nhiên, chi phí bán hàng Sabeco cao một phần đến từ việc dự phòng thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy vậy, cơ cấu bộ máy cồng kềnh vẫn là nguyên nhân then chốt khiến chi phí tăng cao.

Trong cơ cấu doanh thu của Sabeco, công ty mẹ chỉ tạo ra hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2015, tương đương 1/3 doanh thu hợp nhất. 2/3 doanh thu còn lại của Sabeco được ghi nhận từ các công ty liên doanh, liên kết.

 

Thoái vốn- Yếu tố nhà đầu tư đang chờ đợi

Trong con mắt nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài thì Vinamilk hay Sabeco chắc hẳn là những lựa chọn hàng đầu. Tuy vậy, để sở hữu cổ phần tại những doanh nghiệp này cũng không phải là điều dễ dàng với các tổ chức bởi room khối ngoại đã ở mức tối đa và tỷ lệ sở hữu của nhà nước vẫn còn quá lớn.

Sabeco dù đã IPO từ năm 2008, tuy nhiên hoạt động tại doanh nghiệp này vẫn khá giống với các doanh nghiệp nhà nước khi Bộ công thương vẫn nắm giữ tới 90% cổ phần. Theo kế hoạch, Bộ công thương sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Sabeco xuống 36% và đã có khá nhiều nhà đầu tư “ngỏ lời” như Heineken (Hà Lan), ThaiBev (Thái Lan), SAB Miler (Mỹ), Asahi (Nhật Bản)…

Trong năm 2015, ThaiBev từng “đánh tiếng” chi 1 tỷ USD để mua 40% cổ phần từ Bộ công thương. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có động thái cụ thể nào từ Bộ công thương về việc tiến hành thoái vốn.

 

Còn với Vinamilk, doanh nghiệp này đang là tâm điểm trên thị trường với những thông tin thoái vốn của SCIC. Hiện tại, SCIC đang nắm giữ 45% cổ phần, khối ngoại nắm giữ 49% cổ phần và chỉ còn khoảng 6% dành cho nhà đầu tư trong nước. Theo kế hoạch, SCIC sẽ tiến hành thoái toàn bộ vốn khỏi Vinamilk và khi điều này diễn ra chắc hẳn sẽ có cuộc “chạy đua” sở hữu cổ phần VNM.

Năm 2015, từng có thông tin tập đoàn đồ uống Singapore Fraser & Neave (F&N)- cổ đông lớn thứ 2 của Vinamilk sẵn sàng chi 4 tỷ USD để sở hữu 45% cổ phần từ SCIC. Mặc dù chỉ là tin đồn nhưng điều này phần nào đã cho thấy sức hấp dẫn của Vinamilk với giới đầu tư.

 




Hoàng Anh
Theo Trí thức trẻ/CafeF

Trở về

Bài cùng chuyên mục