tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lời giải cho bài toán nợ công

  • Cập nhật : 09/06/2016

Nợ công trong nước chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) và đa số do các NHTM nắm giữ. Nguyên nhân là do hệ thống tài chính hiện đang phụ thuộc khối NH, trong khi thị trường chứng khoán và trái phiếu chưa phát triển.

Do đó, yêu cầu trước mắt là tăng cường năng lực tài chính của các NHTM, sau đó phát triển đồng bộ và tiếp tục mở rộng quy mô các thị trường trong hệ thống tài chính… Đây là một trong những đề xuất của BIDV nhằm giải quyết vấn đề nợ công đang gia tăng nhanh.

Vay nợ nhiều, chi tiêu chưa hiệu quả

Trong giai đoạn 2011-2015, nợ công gia tăng nhanh chóng với mức 16,7%/năm. Đến cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội. Đáng lưu ý, theo nhiều chuyên gia, quy mô nợ công thực tế có thể đã cao hơn so với mức công bố do cách thức xác định nợ công của Việt Nam và một số tổ chức quốc tế uy tín có sự khác biệt.

Nếu tính nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế thì sẽ bằng nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam cộng với nợ của: NHNN, các DNNN, tổ chức bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội và một số địa phương. Căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều chuyên gia đưa ra ước tính và cho rằng tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã vượt mức 100%. Tỷ lệ nợ công của Việt Nam cao chủ yếu do khó khăn trong quản lý nợ công.

viet nam can xay dung va cong bo ke hoach tai khoa trung han nham cai thien cong tac quan ly no cong theo huong ben vung

Việt Nam cần xây dựng và công bố kế hoạch tài khóa trung hạn nhằm cải thiện công tác quản lý nợ công theo hướng bền vững

Trước đây, nợ công hầu hết là nợ nước ngoài hay vốn vay ODA với lãi suất từ 1% đến dưới 3%. Từ năm 2010, Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình nên nợ nước ngoài có mức độ ưu đãi giảm dần.

Vì vậy, nợ công dịch chuyển sang nguồn vay trong nước, tăng từ 40% năm 2011 lên 57,1% năm 2015. Đặc biệt các khoản vay trong nước chủ yếu qua phát hành TPCP với kỳ hạn ngắn (1-3 năm) chiếm khoảng 77% khối lượng phát hành hàng năm.

Hệ quả là, từ năm 2014, một lượng lớn TPCP đến hạn thanh toán và Chính phủ đang phải liên tục phát hành TPCP mới do NSNN không thể đáp ứng. Vay nợ nhiều nhưng chúng ta sử dụng nợ công còn bất cập, hiệu quả sử dụng không cao. Bên cạnh đó, một phần đáng kể của nợ công được sử dụng để trả nợ thay cho đầu tư phát triển.

Những bất cập trong quản lý và chi tiêu đã dẫn đến rủi ro liên quan đến nợ công hiện nay. Theo các tổ chức quốc tế và trong nước, khả năng vỡ nợ của Việt Nam là khá thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, nợ công vẫn đang là vấn đề cấp bách với những điểm đáng lo ngại: Chỉ tiêu nợ phải trả (nợ gốc và lãi) đã ở mức 22,3% có nguy cơ tiến sát vượt ngưỡng cảnh báo (25%).

Cùng với đó, nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh trong khi nguồn trả nợ công không bền vững. Và những bất cập từ quản lý nợ công đã dẫn đến tác động tiêu cực tới nền kinh tế: Các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lên cân bằng NSNN. Do đó, Chính phủ đang phải liên tục phát hành TPCP để bù đắp thâm hụt NSNN. Hệ quả là, quy mô nợ công tăng theo tần suất và quy mô phát hành TPCP…

Ai hưởng lợi, người đó trả nợ!

Để đạt được độ an toàn nợ công, theo khuyến nghị của WB và IMF, Việt Nam cần xây dựng và công bố kế hoạch tài khóa trung hạn nhằm cải thiện công tác quản lý ngân sách và nợ công theo hướng bền vững. Cụ thể: Đến năm 2018, tỷ lệ nợ công/GDP là dưới 63%, các chỉ tiêu nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài/GDP dưới ngưỡng kiểm soát 50%.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại)/thu NSNN; và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/ tổng giá trị xuất khẩu cùng dưới 25%. Dự trữ ngoại hối/tổng dư nợ nước ngoài đảm bảo theo khuyến nghị của WB là 200% hoặc tối thiểu 3 tháng kim ngạch nhập khẩu (theo khuyến nghị IMF).

Bội chi ngân sách đảm bảo dưới 5% GDP. Xây dựng định mức tiết kiệm chi phí thường xuyên, trong đó chi cho hành chính sự nghiệp từ ngân sách Trung ương tới địa phương tiết kiệm từ 8 - 10%/năm.

Đến năm 2020 cần giảm tiếp tỷ lệ nợ công, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; đồng thời tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Để đạt được những mục tiêu này, Trung tâm nghiên cứu của BIDV đề xuất bốn giải pháp, tập trung vào các vấn đề: Nâng cao năng lực quản lý nợ công; Nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công và đầu tư công; Tăng cường kỷ luật NSNN và phối hợp chính sách; và Phát triển nội lực của nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Để nâng cao năng lực quản lý nợ công, BIDV cho rằng Chính phủ nên xem xét thành lập Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công trực thuộc Quốc hội). Bộ Tài chính cần đưa ra văn bản hướng dẫn thi hành luật về nợ công, quản trị rõ ràng; Xây dựng hệ thống quốc gia về khai báo các khoản vay… Và để đổi mới, nâng cao hiệu quả trong quản lý vốn vay nước ngoài thì cần thông qua một đầu mối cho vay và quản lý vốn ODA.

Đầu mối này có thể là một định chế tài chính có kinh nghiệm trong việc quản lý các khoản vay nước ngoài, năng lực về tài chính để có thể chịu được rủi ro không ảnh hưởng đến NSNN.

Đặc biệt, để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng nợ công, BIDV cho rằng cần tiến tới áp dụng quy tắc “ai hưởng lợi, người đó trả nợ”. Tư nhân hóa các dự án công trên cơ sở đấu thầu công khai, cạnh tranh về giá cả, chất lượng và gắn với trách nhiệm cá nhân.

Chính phủ, các bộ ngành và DN cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu DNNN và đầu tư công; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu. Và chúng ta phải sớm giải quyết một thực trạng tồn tại đã lâu là sự mất cân bằng của hệ thống tài chính.

Cần nhanh chóng có biện pháp phát triển đồng bộ và tiếp tục mở rộng quy mô các thị trường trong hệ thống tài chính, tránh tình trạng gánh nặng tài trợ vốn đầu tư phát triển kinh tế vẫn chủ yếu ở trên vai NH và họ lại cũng đồng thời là những “nhà đầu tư” lớn của TPCP như hiện nay.


Thu Hương
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục