tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kinh tế Việt Nam: Đi tìm lời giải cho tăng trưởng năm 2018

  • Cập nhật : 02/01/2019

Năm 2018, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,08%, đây là mức tăng cao nhất từ năm 2008, và là tiền đề quan trọng để kinh tế Việt Nam có thể bứt phá trong năm 2019 và các giai đoạn phát triển sau.

 

day chuyen han khung xe o to tai cong ty o to toyota viet nam, von dau tu cua nhat ban, tai vinh phuc. anh: danh lam – ttxvn

Dây chuyền hàn khung xe ô tô tại Công ty ô tô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản, tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Để tìm hiểu rõ hơn về động lực và các nhân tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2018 cũng như nhìn nhận về triển vọng kinh tế năm 2019, TTXVN xin giới thiệu chùm bài viết của TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

*Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế 2018?

Năm 2018, kinh tế thế giới tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt nhờ sự tăng tốc của kinh tế Mỹ; sự ổn định của các nền kinh tế chủ chốt như châu Âu, Nhật Bản. Tuy nhiên, những rủi ro do chủ nghĩa dân túy, tăng cường bảo hộ và xung đột thương mại và thắt chặt chính sách tiền tệ tại một số nền kinh tế lớn cũng ảnh hưởng nhất định làm cản trở đà tăng trưởng thương mại và kinh tế thế giới.

Tiếp đà tăng trưởng của năm 2017, kinh tế Việt Nam bước sang năm 2018 tiếp tục được cải thiện nhờ hàng loạt yếu tố hỗ trợ như: giá hàng hoá thế giới sau giai đoạn tăng cao vào các tháng đầu năm đã chuyển sang xu hướng giảm, lực đẩy từ hoạt động của các doanh nghiệp FDI và nhu cầu tăng cao từ các thị trường xuất khẩu chính, cùng với những cải cách tích cực về thể chế và môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó là sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn từ phía chính phủ với các giải pháp thực thi hiệu quả trong thúc đẩy tăng trưởng. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm lại đây.

Đánh giá chung, nếu nhìn từ phía các ngành sản xuất, có thể thấy động lực chính cho tăng trưởng trong năm 2018 là do sự tăng trưởng ổn định của khu vực công nghiệp xây dựng (8,79%) và dịch vụ (7,03%), trong đó phải kể đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của công nghiệp chế biến chế tạo (với mức tăng gần 13%).

Lĩnh vực này tiếp tục trở thành bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế chung. Nếu xét theo thành phần kinh tế, thì khu vực FDI và khu vực tư nhân trong nước là hai khu vực nòng cốt thúc đẩy và đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế. Trong đó, mức độ ảnh hưởng của khu vực FDI ngày càng được thể hiện rõ nét.

Còn nhìn từ phía cầu, tiêu dùng cuối cùng được xem là nhân tố dẫn dắt tăng trưởng kinh tế với mức tăng 7,17% do các yếu tố (i) việc làm và thu nhập của người dân được cải thiện; (ii) niềm tin tiêu dùng được củng cố từ những kết quảcủa chính sách ổn định vĩ mô của Chính phủ trong một thời gian dài; (iii) lãi suất được giữ ổn định ở mức thấp làmgiảm tỷ lệ tiết kiệm và tăng tiêu dùng vào các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch.

Xét về ổn định vĩ mô, với mức tăng CPI năm 2018 ở mức 3,54%, có thể nhận thấy trong 5 năm gần đây tốc độ tăng của chỉ số CPI luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP, điều đó cho thấy những chính sách về ưu tiên ổn định vĩ mô của chính phủ đã được phát huy tác dụng tốt trong thời kỳ này.

Với mức tăng tín dụng và cung tiền tương đối ổn định trong 5 năm gần đây (tín dụng tăng khoảng 17-18%/năm; cung tiền tăng khoảng 18%/năm) thì biến động của chỉ số CPI trong 5 năm gần đây chủ yếu là do giá cả của các nhóm hàng hoá do nhà nước quản lý như nhóm giá thuốc và dịch vu y tế, nhóm giáo dục tăng theo lộ trình, nhóm giao thông do biến động của giá xăng dầu thế giới, nhóm lương thực, thực phẩm do biến động của thời tiết. 

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017.

Sự phát triển mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp gia nhập thị trường trong 3 năm trở lại đây, bên cạnh triển vọng kinh doanh khả quan, còn cho thấy niềm tin cộng đồng doanh nghiệp được cải thiện mạnh mẽ kể từ thời điểm Chính phủ thực hiện các cam kết liêm chính, kiến tạo, hành động và đồng hành cùng doanh nghiệp.

*Chất lượng tăng trưởng còn hạn chế

 

day chuyen san xuat hang may mac xuat khau tai cong ty tnhh mtv panko vina, von dau tu cua han quoc, tai khu cong nghiep tam thang, tinh quang nam. anh: danh lam – ttxvn

Dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Panko Vina, vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại khu công nghiệp Tam Thăng, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Mặc dù tăng trưởng GDP đạt mức ấn tượng nhưng những yếu kém nội tại trong nền kinh tế vẫn còn hiện hữu rõ nét. Tăng trưởng kinh tế vẫn còn dựa chủ yếu vào vốn, năng suất lao động thấp trong khi hiệu quả đầu tư còn cải thiện chậm. Hoạt động xuất nhập khẩu và diễn biến tỷ giá còn chịu nhiều áp lực và có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các chính sách bảo hộ thương mại quốc tế ngày càng gia tăng. 

Năm 2018, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn nhiều hạn chế, thể hiện ở các điểm sau: 

Thứ nhất, tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư (vốn đầu tư năm 2018 tăng 11,2% và bằng 33,5% GDP), trong khi hiệu quả còn hạn chế (hệ số sử dụng vốn (ICOR) vẫn ở mức cao, gần 6). 

Thứ hai, công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là động lực cho tăng trưởng nhưng vẫn chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, năng suất lao động thấp; khả năng liên kết với doanh nghiệp nước ngoài yếu. 

Thứ ba, năng suất lao động tăng chủ yếu do tăng cường độ vốn và ở mức thấp so với các nước trong khu vực, đẩy Việt Nam đứng trước nguy cơ nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực và thế giới. 

Thứ tư, sự dịch chuyển cơ cấu tăng trưởng theo ngành, từ khai thác tài nguyên chuyển sang phát triển công nghiệp chế tạo, dịch vụ mặc dù đã diễn ra, song vẫn chưa đậm nét và chưa đạt được nhiều thành tựu.

Ngoài ra, năm 2018 kinh tế Việt Nam vẫn còn một số điểm tắc nghẽn. Tăng trưởng của một số lĩnh vực có dấu hiệu chậm lại, còn thiếu động lực để duy trì tăng trưởng bền vững khi tốc độ tăng GDP lại giảm sút qua các quý.

Tăng trưởng giữa các ngành, lĩnh vực chưa thực sự đồng đều. Thành tích xuất nhập khẩu vẫn chủ yếu là từ khu vực FDI, mặt hàng xuất khẩu chủ lực còn có tính thời vụ. Hiệu quả đầu tư còn chậm cải thiện, vốn giải ngân còn chậm.

Nhìn chung, kinh tế Việt Nam 2018 đã đạt được những thành tựu quan trọng về cả tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô. Kết quả đạt được là nhờ những tác động tích cực của các yếu tố bên ngoài và nội tại của nền kinh tế. Yếu tố ngoại lực quan trọng phải kể đến là sự phục hồi tích cực của kinh tế thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp).

TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục