tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chăn nuôi Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào giống ngoại

  • Cập nhật : 12/09/2015

(Tin kinh te)

Ngành chăn nuôi của Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, đa phần là hình thức chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc vào phần lớn vào việc nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh tật còn phổ biến, ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém.

 

Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo tác động của Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ACE) đến ngành chăn nuôi Việt Nam. Hôi thảo do Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 9/9.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR khẳng định: Ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của nhà cung cấp nước ngoài khi thuế nhập khẩu và các biện pháp phi thuế quan được cắt giảm và dỡ bỏ. Bởi ngành chăn nuôi của Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, đa phần là hình thức chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc vào phần lớn vào việc nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh tật còn phổ biến, ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém.

Sản xuất trong nước cũng có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước TPP, đặc biệt đối với các ngành thịt. "Xét tổng thể ngành chăn nuôi, thông qua việc gia nhập TPP và AEC, người tiêu dùng và nhà nhập khẩu sẽ được lợi, trong khi người sản xuất, nhà xuất khẩu phần lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài"- Ông Thành phân tích.

Để tận dụng được lợi ích tối đa do TPP và AEC đem lại, theo các chuyên gia của VEPR, ngoài việc cải cách các yếu tố thương mại, phi thương mại cũng cần phải cải cách về điều kiện kỹ thuật. Trong khía cạnh ngành chăn nuôi, cần cụ thể hóa và đẩy nhanh quá trình thực hiện các đề án tái cấu trúc, các kế hoạch hành động. 

Bên cạnh đó, nhà nước nên có định hướng rõ ràng hơn về thuế phí, đặc biệt trong khuyến khích áp dụng công nghệ cao, hợp tác xã kiểu mớ;  ưu tiên vào các phân ngành không phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại nhập (thịt tươi hơn thịt đông lạnh, sữa tươi, trứng, gà thả đồi, lợn mán, lợn cắp nách,...)

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôiViệt Nam, cần đặt ngành chăn nuôi trong thế hội nhập để có chính sách đúng đắn. Cụ thể, theo ông Lịch cần có cơ chế tín dụng ưu đãi thật sự cho chăn nuôi. Đồng thời nâng cao hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước.

"Một vấn đề khác là thủ tục hành chính còn rườm rà gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành. Do đó, nếu giảm được thủ tục, có cơ chế ưu đãi ngành thì chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh"- Ông Lịch nêu vấn đề.

Đại diện nhóm nghiên cứu VEPR cho rằng, để nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước, cần chú trọng khuyến khích đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, đi cùng với hệ thống giết mổ tập trung và phân phối - bán lẻ có làm lạnh. Chăn nuôi ở quy mô nông hộ không nên được khuyến khích quá đà, các hỗ trợ cho nông hộ nên tập trung chủ yếu vào chuyển đổi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn hoặc chuyển đổi sang các ngành nghề khác.

Ngoài ra, các giải pháp phát triển thị trường của doanh nghiệp cần được gắn liền với các chương trình quốc gia về khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, đặc biệt là những mặt hàng chất lượng và an toàn. 

"Vấn đề thiếu minh bạch thông tin thị trường cũng là một trong những cản trở lớn với các doanh nghiệp. Do vậy cần đề xuất lập quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm ngành chăn nuôi, cho phép truy xuất được các thành phần, ngày sản xuất, vùng nuôi, trại giống… qua các giai đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối"- VEPR khuyến nghị.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục