tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-03-2016

  • Cập nhật : 31/03/2016

Mỹ - Hong Kong phá vụ buôn lậu thời trang "khủng" từ Trung Quốc

Giới chức Mỹ - Hong Kong đã phá vỡ đường dây buôn lậu hàng thời trang từ Trung Quốc, được cho là lớn nhất từ trước đến nay ở Bờ tây nước Mỹ với giá trị hơn 600 triệu USD. 

gioi chuc my - hong kong pha vo duong day buon lau hang thoi trang tu trung quoc vao my tri gia hon 600 trieu usd - anh: afp

Giới chức Mỹ - Hong Kong phá vỡ đường dây buôn lậu hàng thời trang từ Trung Quốc vào Mỹ trị giá hơn 600 triệu USD - Ảnh: AFP

Hãng tin AFP cho biết số hàng hóa thời trang được nhập lậu vào Mỹ theo phương thức đội lốt hàng hóa gửi đến các công ty ở Mexico. Song, kỳ thực chúng được gửi cho những đầu nậu trên khắp nước Mỹ.

Vụ việc đã được giới chức Mỹ và Hong Kong tiến hành điều tra từ năm 2000. Kết quả điều tra đến nay cho thấy có hơn 7.000 container hàng hóa thời trang đi bằng đường biển nhập khẩu vào Mỹ.

Tất cả số hàng này đều là hàng nhập lậu, đường dây hoạt động có chân rết ở Hong Kong, Trung Quốc và Mỹ.

Cảnh sát Mỹ đã bắt giữ và buộc tội 5 người có liên quan trong hoạt động buôn lậu qui mô lớn này, trong đó có Armando Salcedo, 53 tuổi, chủ một công ty vận tải ở Los Angeles.

Salcedo là chủ công ty vận tải Friends Global, đã nhận tội buôn lậu, giả mạo chứng từ hải quan và đã bị tuyên án 18 tháng tù giam. Bốn nghi can còn lại đã trốn thoát và vẫn còn ngoài vòng pháp luật.

Giới chức Mỹ cho biết đường dây buôn lậu đa quốc gia này hoạt động tinh vi nhằm ttrốn thuế nhập khẩu cũng như hạn ngạch hàng hóa do phía Mỹ đặt ra.

Cơ quan thực thi hải quan và nhập cảnh Mỹ ngày 29-3 cho biết hoạt động buôn lậu này đã khiến cơ quan hải quan Mỹ thất thu khoảng 60 triệu USD.

“Buôn lậu thương mại là ngành công nghiệp hàng tỉ USD trên toàn cầu. Nó đã làm nhiều nước thất thu ngân sách rất lớn và là xói mòn nền kinh tế của Mỹ” - đặc vụ thuộc văn phòng điều tra an ninh nội địa Mỹ ờ Los Angeles, ông Joseph Macias nhấn mạnh.


Cá ngừ đại dương: Hàng chục tấn chỉ xuất khẩu... vài trăm ký!

Dù cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định đánh bắt được bán tại Nhật Bản giá cao hơn sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực nhưng do chi phí vận chuyển đắt đỏ nên hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.

Sáng 30-3, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết lô hàng cá ngừ đại dương do ngư dân địa phương đánh bắt vừa được đấu giá khá thành công tại TP Sa Kai, tỉnh Osaka, Nhật Bản. Đây là lô hàng cá ngừ đại dương thứ 2 của đề án Tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi của tỉnh Bình Định, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ, được đưa sang bán đấu giá tại Nhật Bản.

Cụ thể, 5 con cá ngừ đại dương với tổng trọng lượng khoảng 300 kg xuất sang Nhật vào ngày 22-3 được đấu giá thành công với giá bình quân 1.380 yên/kg (khoảng hơn 270.000 đồng/kg), trong đó con cá có giá cao nhất là 1.600 yên/kg (khoảng 305.000 đồng/kg); cao hơn so với giá sản phẩm cùng loại của của nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (450 yên/kg), Indonesia (1.350 yên/kg)...

So với 8 con với tổng trọng lượng 387 kg được xuất sang Nhật Bản đợt đầu vào giữa tháng 1, lô cá đợt này được bán đấu giá cao hơn khoảng 40.000 đồng/kg. Theo nhận định của các chuyên gia thủy sản Nhật Bản, sở dĩ cá bán được giá cao như vậy là vì màu sắc cá đợt này có màu đỏ tươi khá đẹp, chất lượng thịt của con cá cao.

nhan vien bidifisco dua ca ngu len xe de van chuyen ra san bay cho chuyen sang nhat ban

Nhân viên Bidifisco đưa cá ngừ lên xe để vận chuyển ra sân bay chờ chuyển sang Nhật Bản

Thông tin với báo chí, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng cho biết thành công trong đợt bán đấu giá cá ngừ đại dương lần này tại Nhật Bản là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ ngư dân tỉnh Bình Định đã thực hiện đúng quy trình đánh bắt mà phía Nhật Bản chuyển giao công nghệ.

“Thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục khuyến khích, động viên các ngư dân đánh bắt cá ngừ xuất khẩu thực hiện đúng quy trình đánh bắt, bảo quản nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cá ngừ đại dương để tham gia bán đấu giá tại Nhật Bản trong những đợt tới” – ông Tùng nói.

Mặc dù cá xuất khẩu đợt này được bán với giá khá cao như vậy (gấp 3,5 lần giá thu mua tại Bình Định) nhưng theo đơn vị xuất khẩu là Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) thì hiệu quả kinh doanh vẫn chưa đạt như mong đợi.

Theo tính toán của Bidifisco, các khoản tiền chi phí từ lúc mua cá của ngư dân ở cảng cá cho đến vận chuyển bằng đường bộ rồi máy bay sang đến chợ bên Nhật Bản đã hơn 160.000 đồng/kg cá (chưa tính giá thu mua khoảng 120.000 đồng/kg). Trong đó chủ yếu là chi phí vận chuyển cá bằng máy bay từ Bình Định - TP HCM và TP HCM - Nhật Bản. Như vậy, dù kết quả bán đấu giá đợt này đạt khá cao nhưng Bidifisco vẫn bị lỗ.

Trả lời câu hỏi vì sao mỗi đợt 25 tàu đánh bắt theo kiểu Nhật mang về đất liền hàng chục tấn cá nhưng chỉ xuất khẩu vài trăm ký, bà Cao Thị Kim Lan – giám đốc Bidifisco, cho biết: “Trước mắt, doanh nghiệp chỉ chọn những con cá có chất lượng tốt nhất xuất khẩu để làm quen với thị trường Nhật Bản chứ chưa phải vì mục đích kinh doanh. Đến khi nào chất lượng cá đồng đều, giá tốt lên nữa thì công ty mới xuất số nhiều được. Hiện giờ do giá vận chuyển bằng máy bay cao quá nên nếu xuất khẩu càng nhiều thì càng lỗ thôi”.


4 nhóm đối tượng vẫn được vay ngoại tệ

Chính sách lãi suất tiền gửi USD và cách thức điều hành tỉ giá gắn với biến động của thị trường trong nước và quốc tế hằng ngày đã làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 29-3, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NNHN), cho biết Thông tư 24/2015 của NHNN - yêu cầu các NH thương mại chấm dứt cho vay ngoại tệ, trừ doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xăng dầu, từ ngày 31-3-2016 - vẫn giữ nguyên 4 nhóm đối tượng được xem xét cho vay ngoại tệ như quy định tại Thông tư 43/2014. Với DN xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ và có nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất hàng xuất khẩu, việc vay vốn bằng ngoại tệ kết thúc vào ngày 31-3.

thong tu 24/2015 cua ngan hang nha nuoc van giu nguyen 4 nhom doi tuong duoc xem xet cho vay ngoai te nhu quy dinh tai thong tu 43 nam 2014 anh: tan thanh

Thông tư 24/2015 của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên 4 nhóm đối tượng được xem xét cho vay ngoại tệ như quy định tại Thông tư 43 năm 2014 Ảnh: TẤN THẠNH

Trước đây, NHNN cho phép tổ chức tín dụng xem xét cho vay ngoại tệ đối với nhu cầu này nhằm giúp DN giảm chi phí vay vốn, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, kinh tế trong nước đã từng bước hồi phục. Vì vậy, để hỗ trợ ổn định tỉ giá, thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, các hoạt động cho vay ngoại tệ cần được hạn chế từng bước, phù hợp với định hướng chuyển dần quan hệ huy động, cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua, bán ngoại tệ.

Diễn biến thực tế thời gian qua cho thấy các chính sách đồng bộ về giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ các nhu cầu cho vay đã mang lại các kết quả tích cực. Thị trường ngoại tệ và tỉ giá ổn định, nguồn cung dồi dào, các nhu cầu hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Về việc một số NH đã và đang tiến hành vay USD từ các tổ chức nước ngoài thời gian gần đây, ông Bùi Quốc Dũng cho rằng đó chỉ là nghiệp vụ kinh doanh bình thường, được pháp luật cho phép. Các DN, tổ chức kinh tế thành lập và hoạt động theo luật pháp hiện hành của Việt Nam được trực tiếp ký vay với người cho vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ hoặc vay thông qua phát hành trái phiếu ra nước ngoài hay thuê mua tài chính với nước ngoài.

Hiện nay, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu hơn kinh tế thế giới, nhu cầu vốn ngoại tệ cho mục đích đầu tư phát triển ngày càng cao, đặc biệt là nguồn vốn trung, dài hạn. Trong khi đó, đặc thù nguồn ngoại tệ  huy động trong nước từ trước đến nay chủ yếu là ngắn hạn. Vì vậy, để bảo đảm cân đối ngoại tệ cho vay với những dự án có nhu cầu vốn trung, dài hạn quy mô lớn, việc các tổ chức tín dụng chủ động tìm kiếm các nguồn vay ngoại tệ từ nước ngoài là cần thiết. Thông qua vay vốn từ nước ngoài, các tổ chức tín dụng có thể chủ động huy động được lượng vốn với kỳ hạn đủ dài để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Đánh giá về chính sách điều hành ngoại hối 3 tháng đầu năm 2016, ông Bùi Quốc Dũng cho biết sau khi NHNN áp dụng đồng bộ các biện pháp điều hành tỉ giá và lãi suất từ cuối năm 2015 đến nay, tỉ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh, sau đó khá ổn định quanh mức giá mua được NHNN niêm yết (22.300 VNĐ/USD) ngay cả khi thị trường tài chính thế giới biến động mạnh vào đầu năm. Các tổ chức tín dụng mua ròng được ngoại tệ khá lớn từ khách hàng và bán cho NHNN để tăng quy mô dự trữ ngoại hối. Lượng ngoại tệ NHNN mua được lớn hơn nhiều số xuất siêu trong 2 tháng đầu năm 2016.

Diễn biến này cho thấy chính sách lãi suất tiền gửi USD và cách thức điều hành tỉ giá gắn với biến động của thị trường trong nước và quốc tế hằng ngày đã làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Đồng thời, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ lấy VNĐ để hưởng lợi tức lớn hơn, giúp giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua.

Số liệu thống kê cũng cho thấy tính đến ngày 23-3, huy động ngoại tệ giảm gần 3% so với cuối năm 2015. Nhờ đó, mức độ đô la hóa thể hiện qua tỉ lệ giữa huy động ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán liên tục giảm trong những tháng gần đây.


VN có thể thành trung tâm sản xuất dệt may thế giới

 Đó là khẳng định của ông Lê Tiến Trường, tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN, trước thực tế năm 2015 VN đã xuất khẩu được tới 27,3 tỉ USD hàng dệt may, sử dụng trên 2,5 triệu lao động, tạo 1/5 số việc làm mới trên cả nước.

san xuat hang det may xuat khau sang thi truong nhat tai cong ty cp may binh minh - anh: t.v.n.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Nhật tại Công ty CP may Bình Minh - Ảnh: T.V.N.

Theo ông Lê Tiến Trường, VN đang có ngành dệt may quy mô lớn thứ 4 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. Tuy nhiên, VN là quốc gia duy nhất duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số đã chứng tỏ năng lực cạnh tranh của ngành trên thị trường thế giới là khá tốt và có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất dệt may của thế giới.

Theo ông Trường, để thành trung tâm sản xuất dệt may của thế giới, một ngành công nghiệp cần có khả năng cung ứng 10% trở lên nhu cầu của thế giới, có khả năng phát triển bền vững trong 20-30 năm, có chuỗi cung ứng và khả năng cung cấp nội tại 50-60% lượng nguyên phụ liệu, có thị trường trong nước quy mô đủ lớn, có hệ thống cảng biển thuận lợi cho xuất khẩu, cạnh tranh về thời gian giao hàng…

Đối chiếu với các điều kiện trên, ông Lê Tiến Trường khẳng định VN đã đủ các điều kiện để phát triển thành trung tâm dệt may của thế giới, do: việc ngành dệt may sẽ thu dụng thêm 5 triệu lao động trong 10-15 năm tới là khả thi; chuỗi cung ứng trong nước đã cung cấp được 35% nguyên liệu cho ngành dệt may và đủ khả năng tăng lên mức 50% trong 5 năm tới; VN cũng có thị trường quy mô 100 triệu dân, đặc biệt là thuận lợi cho xuất khẩu đường biển…

Tuy nhiên, để thành trung tâm dệt may thế giới, ông Lê Tiến Trường kiến nghị VN cần nâng cao năng suất lao động, tăng tỉ lệ nội địa hóa đến năm 2020 đạt 60%, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư và thu hút đầu tư để VN có 10-15 trung tâm sản xuất nguyên liệu cũng như thiết kế, cung ứng cho các doanh nghiệp dệt may phân tán đến cấp huyện trên cả nước…

Ngoài ra, ông Lê Tiến Trường cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu, thuế, hải quan…


Lạm phát cao, một công dân Nga kiện Bộ Tài chính và Quốc hội

kinh te kho khan, dong ruble nga mat gia manh so voi ngoai te khien lam phat tang cao - anh: reuters

Kinh tế khó khăn, đồng ruble Nga mất giá mạnh so với ngoại tệ khiến lạm phát tăng cao - Ảnh: Reuters

Một cư dân vùng Leningrad đã đệ đơn kiện Bộ Tài chính và Duma Quốc gia Nga vì không giữ đúng lời hứa kiềm chế lạm phát, khiến ông bị thiệt hại về tài chính, theo RIA Novosti ngày 29.3.

"Thân chủ của tôi, công dân Roman Pak đã đệ đơn lên Tòa án cấp quận của St. Petersburg kiện Bộ Tài chính và Duma Quốc gia Nga, đòi bồi thường cho các tổn thất phát sinh do sự khác biệt nghiêm trọng giữa tỉ lệ lạm phát trong giai đoạn 2014 - 2016 như nhà nước đã hứa, với tỉ lệ thực tế. Theo Điều luật N 349-FZ của Liên bang Nga "về ngân sách liên bang cho năm 2014 và giai đoạn năm 2015 - 2016", lạm phát được cố định ở mức 5%, nhưng trên thực tế, theo tính toán của Roman Pak, mức tăng lạm phát đã vượt quá 70%", RIA dẫn lời nữ luật sư Tatyana Mynka.

Nguyên đơn khiếu nại rằng trong tháng 7.2014, ông lên kế hoạch để dành 32.000 rúp từ đó đến năm 2016 để mua trang thiết bị, vật liệu cho việc sơn sửa và lợp lại mái nhà mình. "Số tiền này đã được tính đến mức trượt giá cao nhất có thể mà điều luật trên đã quy định", ông Pak viết trong đơn kiện.

Tuy nhiên, trong tháng 3.2016, khi đến các cửa hàng bán hàng công nghệ, Pak được biết rằng giá của những mặt hàng mà ông dự định mua bằng 32.000 rúp theo như dự toán trước đây đã lên tới 56.200 rúp. "Như vậy, trên thực tế, Nhà nước đã không thực hiện đúng nghĩa vụ (giữ lời hứa) với tôi và vì thế tôi đã không thể mua được hàng hóa. Tôi đã bị thiệt hại tới hơn 24 nghìn rúp", ông Pak trình bày trong đơn kiện.

Ông Pak đã yêu cầu tòa án buộc bị đơn phải bồi thường cho ông thiệt hại này.

"Yêu cầu của ông Roman Pak không chỉ đơn thuần giới hạn trong việc bồi thường vật chất. Đơn kiện này độc đáo ở chỗ nó đặt ra câu hỏi mang tính toàn diện về việc tuân thủ các điều kiện của hợp đồng dân sự giữa xã hội và nhà nước. Nếu một công dân vi phạm các quy định của pháp luật (như trốn thuế, không thanh toán đúng hạn các khoản vay, không đóng tiền phạt…), người đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước công lý. Thân chủ của tôi chỉ ra rằng các cơ quan công quyền - Quốc hội Nga, khối kinh tế của chính phủ Nga - cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với công dân", luật sư Mynka cho biết.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-04-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-04-2016

    Bộ Tài chính cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư Hoa Kỳ
    Vì sao dệt may Trung Quốc thành công?
    Bãi bỏ 22 thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế
    Thổ Nhĩ Kỳ thẩm tra tại chỗ vụ việc thuế chống bán phá giá gỗ dán
    Cấp chứng thư cho thủy sản XK theo NSW: Nước đến chân vẫn chưa muốn nhảy...

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-04-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-04-2016

    Đồng tiền tệ nhất châu Á “cất cánh” ngoạn mục
    “Tam đại gia” dầu lửa Trung Quốc ồ ạt cắt giảm đầu tư
    Ấn Độ sẽ nhập khẩu dầu thô sản xuất dư của OPEC
    Cuối cùng Sharp cũng đã “được mua” với giá rẻ hơn tới 1 tỷ USD
    Việc Google chuyển mình thành Alphabet: Dấu hiệu xấu đầu tiên đã bộc lộ

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-04-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-04-2016

    Bloomberg: Việt Nam là “ông hoàng” hút vốn IPO của Đông Nam Á
    3 phiên, Trung Quốc giảm 0,95% tỷ giá đồng nhân dân tệ
    Petro Vietnam đau đầu vì hai dự án trăm triệu USD thua lỗ
    Đổ xô săn đất ngoại ô Sài Gòn chờ tăng giá
    Vì sao Đức và ECB hay “đụng độ” nhau?

  • Tin kinh tế đọc nhanh 01-04-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh 01-04-2016

    Tôm tăng giá kỷ lục: Người mừng, kẻ lo
    Những nhà đầu tư nào đang dòm ngó cơ hội ở Triều Tiên?
    Thiệt hại chục ngàn tỷ do cấm xuất khẩu quặng sắt
    Hồng Kông muốn nhập từ Việt Nam 1.500 con heo/ngày
    100% gà Trung Quốc nhập vào Việt Nam là trái phép

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 31-03-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 31-03-2016

    ADB cảnh báo làn sóng đầu cơ mới đối với các dự án bất động sản rủi ro cao
    Dòng vốn chảy vào thị trường mới nổi cao nhất trong 21 tháng
    Singapore chi số tiền kỉ lục để cải tổ nền kinh tế
    Không phải Mỹ, Châu Á mới là nơi tốt nhất để đạt được... 'giấc mơ Mỹ'
    Bức tranh u ám của kinh tế thế giới nhìn từ những con tàu chở hàng trên biển

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-03-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-03-2016

    Kinh tế Thái Lan được dự báo tăng trưởng nhẹ
    Nông nghiệp Úc nóng lên vì tiền từ Trung Quốc
    Ả Rập Xê Út thất thế tại nhiều thị trường dầu mỏ chính
    Myanmar mở cửa ngành cao su, hạt giống
    Nga trở thành nước mua vàng nhiều nhất

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 31-03-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 31-03-2016

    Petrolimex thu gần 4.000 tỷ nhờ bán vốn cho đối tác Nhật
    Xuất khẩu thủy sản sang Thổ Nhĩ Kỳ có thể suy giảm
    Trường học dạy thất bại của ông chủ Alibaba
    Boeing cắt giảm hơn 4.500 lao động
    Thương lái Trung Quốc âm thầm mở xưởng thu gom thanh long

  • Tin kinh tế đọc nhanh 31-03-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh 31-03-2016

    ADB: Kinh tế Việt Nam duy trì sự ổn định
    Giảm thiểu tác động môi trường tới DN đầu tư trực tiếp nước ngoài
    Bảo Việt: Lợi nhuận trước thuế đạt 1.469 tỷ đồng
    ADB dự kiến cắt giảm ưu đãi ODA cho Việt Nam từ năm 2019
    Vốn từ quỹ ngoại sẽ chảy mạnh vào khu vực tư nhân

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 30-03-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 30-03-2016

    Ngân hàng Nga tranh thủ vơ vét vàng trên thế giới
    Lãi suất ODA tăng, doanh nghiệp cũng sẽ khốn khó theo?
    Samsung đóng cửa nhà máy cũ ở TP.HCM
    Đầu tư gần 27.840 tỷ đồng xây cao tốc Nha Trang – Phan Thiết
    Fed hoàn toàn có thể tăng lãi suất trong tháng 4

  • Tin kinh tế đọc nhanh 30-03-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh 30-03-2016

    Sau Aeon, Lotte,... các “đại gia” bán lẻ Châu Âu, Trung Đông sắp đổ tiền vào Việt Nam
    Bác đề xuất hưởng thuế suất 0% của vàng Bồng Miêu
    Trung Quốc - Thiên đường rửa tiền
    Doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt sa thải công nhân
    Gay cấn cuộc đua thâu tóm thương hiệu Sheraton