tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 13-12-2017

  • Cập nhật : 13/12/2017

Tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ, ngân hàng nào hưởng lợi?

Tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ, ngân hàng nào hưởng lợi?

Ngân hàng Nhà nước có thể gia hạn quy định cho phép cho vay bằng ngoại tệ thêm 1 năm. Đây là thông tin tích cực cho rất nhiều ngân hàng cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu.

Gia hạn cho vay ngoại tệ trong năm 2018

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 8/12/2015 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo đó, Nhà điều hành cho biết, trên cơ sở đánh giá tình hình cho vay bằng ngoại tệ trong thời gian qua, tình hình kinh tế vĩ mô và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, NHNN nhận thấy hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn và trong thời gian tới cần tiếp tục được hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ.

Trong khi đó, doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ vay nên việc cho vay bằng ngoại tệ ảnh hưởng không lớn đến thanh khoản ngoại tệ của TCTD.

Cùng với đó, trong bối cảnh chênh lệch lãi suất cho vay bằng VND cao hơn lãi suất cho vay bằng ngoại tệ (khoảng 3%), việc cho vay bằng ngoại tệ với lãi suất thấp hơn giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí vay vốn, góp phần giảm giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Bên cạnh đó, việc cho vay bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng hoá xuất khẩu giúp các TCTD có cơ hội quản lý và thu hút được nguồn ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu, khách hàng không bị rủi ro về tỷ giá.

Theo đó, NHNN nhận thấy, cần duy trì việc cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất hàng xuất khẩu để hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí vay vốn, tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời tạo điều kiện cho các DN có thời gian tiếp cận dần với các sản phẩm phái sinh tỷ giá, lãi suất và giá cả hàng hóa để phòng ngừa rủi ro tỷ giá và rủi ro khác liên quan.

Chính vì vậy, NHNN đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 8/12/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú theo hướng gia hạn hoạt động cho vay ngoại tệ.

Ngân hàng nào hưởng lợi?

Đây là lần thứ 6 NHNN gia hạn quy định cho phép cho vay bằng ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng kể từ khi Thông tư đầu tiên quy định về cho vay bằng ngoại tệ là Thông tư 37/2012/TT-NHNN được ban hành vào ngày 28/12/2012.

Thông tư mới nhất quy định về vấn đề này là Thông tư 24/2015/TT-NHNN ban hành ngày 8/12/2015; theo đó cho phép 4 nhu cầu được vay vốn bằng ngoại tệ.

Thứ nhất, cho vay doanh nghiệp nhập khẩu để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi doanh nghiệp vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Thứ hai, cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu mặc dù những doanh nghiệp này không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Thứ ba, cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Tuy nhiên sau khi giải ngân vốn cho vay, doanh nghiệp đi vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD cho vay và mua lại tiền đồng; trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đi vay để thực hiện giao dịch thanh toán mà đồng tiền giao dịch là ngoại tệ.

Thứ tư, cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại công ty chứng khoán HSC, quyết định gia hạn cho vay ngoại tệ sẽ không dẫn đến bất kỳ rủi ro lớn nào.

Lý giải điều này, HSC cho rằng, hệ số dư nợ trên huy động vốn (LDR) ngoại tệ được kiểm soát khá tốt, là 96,31% vào tháng 9/2017 (LDR đối với tiền đồng là 92,49% và hệ số LDR thuần hợp nhất là 92,81%).

Trong khi đó tỷ trọng các khoản vay bằng USD là 8,9% tổng dư nợ toàn ngành tính đến cuối tháng 9/2017, tương đương 24,1 tỷ USD. Tỷ trọng này vào cuối năm 2016 là 8,7% và 19,6% vào cuối năm 2012, là thời điểm thông tư về thời hạn ngừng cho vay ngoại tệ bắt đầu áp dụng.

HSC ước tính cho vay bằng USD đã tăng 17,15% so với đầu năm lên 24,71 tỷ USD trong khi tiền gửi bằng USD cũng tăng 8,71% so với đầu năm lên 29,41 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2017.

Trong 5 năm dư nợ cho vay bằng USD đã giảm 14,03% từ 24,54 tỷ USD xuống 21,10 tỷ USD và tiền gửi bằng USD tăng 36% từ 19,89 tỷ USD lên 27,05 tỷ USD.

Cho vay bằng ngoại tệ tăng trở lại phần nào phản ánh quan điểm nới lỏng hơn từ phía Chính phủ trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đã được tái cấu trúc tốt hơn nhiều và tỷ giá cũng đang được duy trì ổn định.

Diễn biến này cũng phản ánh nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào và thực tế cho thấy hiện các doanh nghiệp cũng chưa áp dụng nhiều các hợp đồng kỳ hạn hoặc tương lai.

Theo HSC, việc gia hạn cho vay ngoại tệ sẽ là thông tin tốt đối với các ngân hàng như Vietcombank và Eximbank, là những ngân hàng thường có tỷ trọng cho vay bằng USD trong tổng dư nợ lớn hơn các ngân hàng khác.

Ngoài ra, đây cũng là tin tốt với những ngân hàng có hệ số LDR đối với USD tính đến cuối tháng 9/2017 cao, ví dụ như BIDV (176%), Vietinbank (205%), Sacombank (127%) và VIB (145%).(Bizlive)
--------------------------

Asean Deep Value Fund kiện, tòa án yêu cầu Apec Invest dừng nhiều nội dung trong nghị quyết ĐHCĐ

Đây là quyết định được đưa ra sau khi Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xem xét đơn yêu cầu của Asean Deep Value Fund.

Sau khi xem xét đơn của Asean Deep Value Fund yêu cầu “hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ” đối với người có nghĩa vụ liên quan đối với CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (Apec Investment – mã chứng khoán API), Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội nhận thấy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện 1 phần Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 là cần thiết để đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc và thuộc trường hợp không phải áp dụng biện pháp bảo đảm.

Do vậy, cùng ngày 29/11, Cục thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội đã quyết định thi hành án chủ động đối với CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (Apec Investment – mã chứng khoán API).

Theo đó quyết định buộc Apec Investments dừng thực hiện 1 phần Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 ngày 15/6/2017 cho đến khi có quyết định khác của Tòa án đối với vụ việc “Yêu cầu hủy Nghị quyết ĐHCĐ” nêu trên về các nội dung tạm dừng thực hiện như sau:

“Điều 2: Thông qua kết quả kinh doanh và phân phối lợi nhuận năm 2016, kế hoạch kinh doanh năm 2017;

Điều 3: Thông qua thù lao HĐQT và Ban kiểm soát;

Điều 5: Thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2017;

Điều 6: Thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2017;

Điều 7: Thông qua phương án thưởng cho Ban điều hành năm 2017;

Điều 8: Thông qua bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020.

Điều 9: Thông qua Ủy quyền cho HĐQT quyết định một số vấn đền thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông;

Điều 10: thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ năm 2017;

Điều 11: Thông qua miễn nhiệm Thành viên HĐQT theo đơn đề nghị của nhóm cổ đông về việc bổ sung nội dung ĐHCĐ thường niên năm 2017;

Như vậy trong 11 điều của Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, chỉ 2 điều được thực hiện. Những điều được thực hiện bao gồm:

Điều 1: Thông qua BCTC năm 2016 và BCTC hợp nhất năm 2016 đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C;

Điều 4: Thông qua lựa chọn đơn vị kiểm toán BCTC năm 2017.(NSKT)
-------------------------

Công bố 9 Nghị quyết của Quốc hội

9 Nghị quyết gồm:

1- Nghị quyết số 48/2017/QH14 ngày 10/11/2017 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Mục tiêu của Kế hoạch là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh; cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi; chủ động phòng, chống thiên tai; bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Các chỉ tiêu chủ yếu là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5%-6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7%-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33%-34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1%-3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%-60%; số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.

2- Nghị quyết số 49/2017/QH14 ngày 13/11/2017 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Nghị quyết thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 như sau: Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.319.200 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.523.200 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 204.000 tỷ đồng tương đương 3,7% GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 363.284 tỷ đồng.

3- Nghị quyết số 50/2017/QH14 ngày 14/11/2017 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Nghị quyết nêu rõ, tổng số thu ngân sách trung ương là 753.404 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng.

Tổng số chi ngân sách trung ương là 948.404 tỷ đồng. Trong đó, dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

4- Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo lộ trình mới, thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đảm bảo tuần tự trong từng cấp học, chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học phổ thông.

5- Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Quốc hội quyết nghị chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Địa điểm từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai) và Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long). Giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến đầu tư 654 km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 118.716 tỷ đồng.

6- Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về Báo cáo nghiên cứu khả thị Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nghị quyết đã thông qua một số chỉ tiêu của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư Dự án là 22.938 tỷ đồng. Diện tích đất thu hồi là 5.399,35 ha. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.

7- Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị quyết này quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Theo Nghị quyết, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.

Hội đồng nhân dân Thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách Thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

8- Nghị quyết số 55/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Nghị quyết yêu cầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, luật, nghị quyết của Quốc hội, tập trung thực hiện các cam kết, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những tồn tại, hại chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ nét trong chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp nói riêng, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

Nghị quyết cũng đưa ra các giải phải để đẩy mạnh 4 lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, lĩnh vực thuộc thẩm quyển của toàn án nhân dân.

9- Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nghị quyết yêu cầu việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị, có lộ trình cụ thể, gắn với cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Trong đó tập trung vào hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả; rà soát điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước; tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn với các tiêu chí cụ thể; từng bước thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm đúng tiêu chí quy định; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015...(Chinhphu)
---------------------

Tín dụng sẽ không dùng hết "room", cả năm có thể chỉ tăng trưởng 18 - 19%

Tín dụng sẽ không dùng hết "room", cả năm có thể chỉ tăng trưởng 18 - 19%

Có 3 nguyên nhân khiến cho tín dụng cả năm 2017 sẽ không dùng hết "room" mà chỉ đạt tương đương năm 2016.

Theo báo cáo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng của hệ thống ngân hàng đã được đẩy nhanh hơn đáng kể trong tháng vừa qua. Cụ thể, tính đến cuối tháng 11/2017, tổng tín dụng ước tăng 2,8% so với tháng 10, đồng thời tăng 15,3% so với thời điểm đầu năm. Con số này thấp hơn một chút so với tốc độ tăng 15,6% của cùng kỳ năm 2016.

Về cơ cấu, sự thay đổi tiếp tục diễn ra khi tỷ trọng cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống có xu hướng giảm nhẹ trong khi cho vay ngắn hạn ngược lại có xu hướng tăng. Cụ thể, tín dụng trung và dài hạn chiếm 53,8% tổng tín dụng (giảm so với mức 55,1% vào thời điểm cuối năm ngoái). Trong khi đó, tỷ trọng tín dụng ngắn hạn tăng lên mức 48,7% từ mức 44,9% vào cuối năm 2016.

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận xét, như vậy có thể thấy nhiều khả năng các NHTM đang thực hiện giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn theo đúng lộ trình tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN sửa đổi về giới hạn đảm bảo an toàn trong hoạt động của các TCTD. Dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2018 khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống chỉ còn 40% thay cho mức 50% trong năm 2017.

Với mức tăng tín dụng 11 tháng đạt 15,3% như trên, BVSC cho rằng nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng trong cả năm nay tối đa sẽ chỉ ở mức 18-19%, tức hệ thống ngân hàng sẽ không dùng hết “room” đã được nới thêm (khoảng 21-22%).

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, rất có thể sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp hiện tại là có hạn và nền kinh tế chỉ yêu cầu tín dụng tăng ở mức 15-18%/năm là vừa phải mà không gây quá nhiều rủi ro về nợ xấu tiềm tàng. Thứ hai, một số ngân hàng muốn tăng trưởng cho vay thêm nhưng ngay trong hai quý đầu năm đã gần sắp hết “quota” như VIB, ACB HDBank, MBB...

Thứ ba là các ngân hàng có quy mô vốn lớn nhất hệ thống như Vietcombank, BIDV, Vietinbank đang gặp khó khăn về tăng vốn, hệ số CAR của các ngân hàng này cũng đang tiệm cận dần về mức 9%. Do vậy, nếu không sớm tăng được vốn trong thời gian sắp tới, việc phát triển tín dụng của những ngân hàng này chắc chắn sẽ gặp khó khăn, ít nhất là không thể tăng trưởng mạnh được.

Với những lý do trên, BVSC một lần nữa dự báo rằng tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2017 nhiều khả năng sẽ đạt mức tương đương với năm 2016.(CafeF)
--------------------------

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục