tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-05-2017

  • Cập nhật : 02/05/2017

Giá vàng tăng hơn 1% trong tháng 4

Kết thúc tháng 4, giá vàng trong nước tăng 0,93% so với đầu tháng với mức 340.000 đồng/lượng.

gia vang tang hon 1% trong thang 4

Giá vàng tăng hơn 1% trong tháng 4

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vàng miếng SJC với giá 36,63 triệu đồng/lượng, giá bán ở mức 36,88 - 36,9 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên trong tháng 4 giá vàng SJC có lúc tăng 860.000 đồng/lượng sau khi đạt mức cao 37,4 triệu đồng/lượng, tương đương 2,3%. Giá vàng trong nước tăng chậm hơn so với giá thế giới. Vàng thế giới tăng 14,3 USD/ounce, tương đương 1,1% khi giá phiên giao dịch cuối tháng ở mức giá 1.268 USD/ounce, dù rằng trong tháng có lúc tăng lên đến 1.289 USD/ounce (tăng 35 USD/ounce, tương đương 2,8%).

Sự căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như những thông tin kinh tế Mỹ đã dẫn dắt giá vàng tăng giảm thời gian gần đây. Thị trường vàng cũng mua bán sôi động hơn. Quỹ đầu tư tín thác SPDR đã liên tục mua bán vàng trong tháng gồm 4 lần bán ra với khối lượng 13,53 tấn nhưng mua vào 6 lần khối lượng 30,15 tấn, lượng vàng nắm giữ hiện ở mức 853,36 tấn. Ngược lại, các nhà đầu tư vàng trong nước giao dịch thận trọng, không khí trầm lắng hơn. Chính vì sự biến động không đều giữa giá vàng trong và ngoài nước dẫn đến mức giá vàng trong nước từ mức cao hơn 2,3 triệu đồng/lượng rút ngắn xuống mức thấp nhất 1,6 triệu đồng/lượng và tăng lên 2 triệu đồng/lượng trong những ngày qua. (TN)
----------------------------------

Kinh tế Mỹ nặng gánh vì núi nợ của người trẻ

Nợ tiêu dùng Mỹ đang đạt đến mức kỷ lục 20% GDP và hầu hết số nợ này là của những người trẻ thuộc thế hệ millennial, tức những người sinh từ đầu thập niên 1980 đến gần đầu thập niên 2000.

nhung nguoi bieu tinh phan doi no sinh vien tang len tai thanh pho new york (my) anh: reuters

Những người biểu tình phản đối nợ sinh viên tăng lên tại thành phố New York (Mỹ) ẢNH: REUTERS

Business Insider trích báo cáo của UBS cho hay giới trẻ Mỹ trong độ tuổi từ 21 đến 34 đang nắm khoảng 1.100 tỉ USD trong tổng số 3.600 tỉ USD nợ tiêu dùng trong bối cảnh số sinh viên và các khoản vay mua ô tô tăng vượt các khoản vay thế chấp vốn đang giảm.

Núi nợ tăng cũng kéo cao nguy cơ vỡ nợ. Một cuộc khảo sát của UBS cho thấy 52% trong số những người lo lắng về việc họ sẽ vỡ nợ trong 12 tháng tới là người trẻ từ 21 đến 34 tuổi. Đây không phải là tin tốt vì những người trẻ cũng thường là nguồn chi tiêu cho các khoản mua sắm lớn, chẳng hạn như nhà ở và ô tô trong năm sau.

Theo chuyên gia Lindsay Drucker Mann thuộc Goldman Sachs Research, người trẻ là nhóm khách hàng sẵn sàng tìm kiếm mức giá rẻ nhất, hoặc kiên nhẫn chờ cho đến khi mức giá hời của một sản phẩm xuất hiện. “Chúng tôi thấy những khu vực mà người trẻ sẵn sàng chi tiêu song nhìn chung, họ không dốc sức để tiền của họ đi xa hơn. Họ thông minh hơn nhiều và bảo thủ hơn nhiều khi nhắc đến chuyện tiền bạc”, ông Drucker Mann nhận định.

Lo ngại về các khoản vay của sinh viên từng là vấn đề được quan tâm. Đầu tháng 4, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại New York, William Dudley cho biết: “Chi phí học tăng và gánh nặng nợ có thể kiềm chế khả năng làm động lực cho việc tăng trưởng thu nhập của bậc giáo dục đại học”.

Khi nhiều sinh viên có đi vay chọn trả nợ sinh viên trước khi trả nợ mua ô tô, những ứng viên có điểm tín dụng thấp sẽ gặp khó trong việc vay tiền mua xe. Nếu điều này xảy ra, các hãng ô tô có thể chịu tổn thất. Nếu các khoản mua sắm lớn chậm lại, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể phải chịu sự điều chỉnh.(Thanhnien)
----------------------------------

TP.HCM thu hút vốn FDI tăng 43%

Đó là thông tin được ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết tại cuộc họp về kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, TP.HCM đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 212 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đầu tư 213 triệu USD; có 64 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 215,65 triệu USD. Ngoài ra, Thành phố cũng chấp thuận cho 600 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp Thành phố với tổng vốn góp đăng ký đạt 467,12 triệu USD.

Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, trong 4 tháng đầu năm, TP.HCM thu hút được 895,74 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, các dự án FDI mới được cấp phép phân theo ngành nghề/lĩnh vực hoạt động: Hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có vốn đầu tư nhiều nhất (36,2%) với 77,02 triệu USD; tiếp theo là Thông tin và truyền thông chiếm 24,8% với 52,84 triệu USD; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 22,9% với 48,86 triệu USD; Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ chiếm 5,4% với 11,5 triệu USD.

Trong khi đó, các dự án FDI mới cấp phép, phân theo quốc tịch nhà đầu tư thì Malaysia có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (21,1%) với 44,92 triệu USD; tiếp theo là Đài Loan chiếm 16,6% với 35,38 triệu USD; Nhật Bản chiếm 16% với 34,04 triệu USD…

Tuy thu hút vốn FDI có khởi sắc so với cùng kỳ năm trước nhưng theo tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì trong 4 tháng đầu năm, TP.HCM không có mặt trong top 3 địa phương có số vốn FDI cao nhất cả nước. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, Bắc Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký là 2,7 tỷ USD, chiếm 25,51% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký  là 1,53 tỷ USD, chiếm 14,48% tổng vốn đầu tư. Kiên Giang đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký gần 1,28 tỷ USD chiếm 8,77% tổng vốn đầu tư.(Baodautu)
---------------------------

Gần 40.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm

Theo số liệu mới được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, có gần 40.000 doanh nghiệp mới được "khai sinh" trong 4 tháng đầu năm 2017.

Theo đó, tính chung 4 tháng đầu năm nay cả nước có 39.580 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 369.600 nghìn tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Số vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 30,6%. Nếu tính cả 455.700 tỷ đồng của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2017 là 825.300 tỷ đồng.

Cũng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong tháng 4/2017 đã có 11.545 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay lên hơn 51.000 doanh nghiệp.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng là 424.000 người, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước.

Các ngành, lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký trong 4 tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước là Thông tin và truyền thông (tăng 237,2% về số doanh nghiệp và tăng 44,9% về số vốn đăng ký); Kinh doanh bất động sản (tăng 66% về số doanh nghiệp và tăng 49,9% về số vốn đăng ký); Giáo dục và đào tạo (tăng 30,4% về số doanh nghiệp và tăng 84,2% về số vốn đăng ký); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 18,2% về số doanh nghiệp và tăng 145% về số vốn đăng ký); Khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 16,2% về số doanh nghiệp và tăng 21,5% về số vốn đăng ký); Xây dựng (tăng 15,7% về số doanh nghiệp và tăng 54,7% về số vốn đăng ký); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 14,9% về số doanh nghiệp và tăng 106,1% về số vốn đăng ký)...

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 39.580 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 369.600 nghìn tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Một số ngành, lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ năm ngoái  là Sản xuất và phân phối điện, nước, gas (tăng 34,4% về số doanh nghiệp nhưng số vốn đăng ký giảm 3,2%); nông, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 21,8% về số doanh nghiệp nhưng số vốn đăng ký giảm 12,9%); hoạt động dịch vụ khác (tăng 19,9% về số doanh nghiệp nhưng số vốn đăng ký giảm 12,4%). Riêng ngành vận tải kho bãi số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký cùng sụt giảm so với cùng kỳ (giảm 0,2% về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký giảm 13,5%.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại các vùng miền đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 1.724 doanh nghiệp (tăng 29,9% về số lượng) và vốn đăng ký đạt 20.305 tỷ đồng (tăng 22,6% về giá trị); Đồng bằng sông Hồng 12.028 doanh nghiệp (tăng 18,9% về số lượng) và vốn đăng ký 92.018 tỷ đồng (tăng 26,3% về giá trị); Tây Nguyên 1.021 doanh nghiệp (tăng 14% về số lượng) và vốn đăng ký 9.881 tỷ đồng, (tăng 87,3% về giá trị); Đồng bằng Sông Cửu Long 2.888 doanh nghiệp (tăng 12,2% về số lượng và vốn đăng ký 24.080 tỷ đồng (tăng 35,2% về giá trị); Đông Nam Bộ 16.546 doanh nghiệp (tăng 11,9% về số lượng) và vốn đăng ký 170.049 tỷ đồng (tăng 52,9% về giá trị; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 5.373 doanh nghiệp (tăng 7,1% về số lượng) và vốn đăng ký là 53.302 tỷ đồng (tăng 117,4% về giá trị).(BĐT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục