tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-08-2018

  • Cập nhật : 29/08/2018

Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trị giá hơn 58 tỷ USD

Tổng vốn đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là 58 tỷ USD, trong đó đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang sẽ được làm trước.

tau toc do cao duoc de xuat su dung cong nghe giong nhat ban. anh: d.l

Tàu tốc độ cao được đề xuất sử dụng công nghệ giống Nhật Bản. Ảnh: Đ.L

Sáng 28/8, Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS đã báo cáo nghiên cứu khả thi giữa kỳ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Theo đó, tư vấn đề xuất xây dựng tuyến đường sắt mới dài hơn 1.545 km, phân kỳ đầu tư các đoạn Hà Nội - Vinh dài 285 km; Vinh - Nha Trang 364 km; Nha Trang - TP HCM dài 896 km.

Tổng vốn đầu tư toàn dự án dự kiến là 58,710 tỷ USD, trong đó hai đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM được đầu tư trước, phân kỳ trong 10 năm (2020-2013) với tổng vốn hơn 24 tỷ USD.

Cũng theo vị tư vấn, các quãng đường dài thì thị phần giảm nếu tàu vận tốc thấp. Ví dụ, với vận tốc 200 km/h, thị phần hành khách đoạn Hà Nội – Nha Trang chỉ đạt 2,7%, còn khi đạt tốc độ 350 km/h thì có thể đạt thị phần 14%. Do đó, tư vấn cho rằng nếu khai thác tốc độ 350 km/h, đường sắt sẽ cạnh tranh được với việc lựa chọn đi bằng máy bay. 

Đề nghị đầu tư tốc độ cao để bảo đảm sức hấp dẫn của dự án, tuy nhiên đại diện tư vấn cho rằng, ở giai đoạn đầu sẽ khai thác vận tốc 160-200 km/h; sau khi thông toàn tuyến mới nâng lên tốc độ 350 km/h.

Các ga dự kiến trên tuyến đường sắt tốc độ cao.
Các ga dự kiến trên tuyến đường sắt tốc độ cao.

"Siêu dự án" chưa được phân tích rủi ro

Tuyến đường sắt tốc độ cao được xây dựng mới, khổ đường 1.435 mm, đường đôi, có 23 ga, 5 khu depot bảo dưỡng, sửa chữa tàu; trong đó 60% đi trên cầu đường bộ, 10% qua hầm, 30% đi trên mặt đất được rào chắn không giao cắt.

Đoạn đi trên mặt đất nằm gần với tuyến đường bộ cao tốc. Hiện Bộ Giao thông đã cùng với Tư vấn làm việc với tất cả 20 tỉnh, thành phố về hướng tuyến.

Liên danh tư vấn cũng đề xuất xu hướng lựa chọn công nghê theo nguyên tắc đồng bộ, tiên tiến, thuận lợi chuyển giao. Đoàn tàu áp dụng công nghệ động lực phân tán vì có nhiều ưu điểm trong giảm bớt chi phí hạ tầng, phù hợp xu hướng các nước trên thế giới. 

Tại cuộc làm việc, một số chuyên gia đề nghị làm rõ hiệu quả đầu tư của dự án. TS Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường, nhận định, đây là siêu dự án được nghiên cứu triển khai trong khi Nhà nước còn nhiều dự án khác như đường cao tốc phía Đông, phát triển hàng không. Vì vậy cần có dự báo vận tải để đưa ra đề xuất phù hợp. Việc chia các đoạn Vinh đến Nha Trang là quá lớn, nên có sự chia đoạn nhỏ hơn sẽ hợp lý trong phân kỳ đầu tư. 

"Việc đề xuất phương án tốc độ cần phân tích kỹ, lưu ý dù phương án nào thì việc đầu tư hạ tầng cũng cần theo tiêu chuẩn 350 km/h", ông Long nói...

Ông Vũ Hoài Nam, Trưởng bộ môn đường sắt đô thị giao thông, ĐH Xây dựng, cho rằng, dự án cần lượng vốn rất lớn nên cần phân tích rủi ro, trong khi đây là vấn đề mà tư vấn chưa đề cập.

"Nếu không phân tích kỹ khả năng hoàn vốn, giải phóng mặt bằng, tỷ giá thì rủi ro rất lớn. Ngoài ra, phát triển đường sắt cao tốc thì thị phần hàng không ảnh hưởng, dẫn đến áp lực chung với nền kinh tế", ông Nam nói. 

Theo chuyên gia Nguyễn Trọng Bách, trước kia dự án đường sắt cao tốc có nhiều điểm chưa được làm rõ, đơn cử như hiệu quả đầu tư nên Quốc hội đã bác bỏ. "Các vấn đề liên quan cần được giải đáp trong đợt này", ông Bách nói.(Vnexpress)
---------------------

Mỹ bù đắp thiệt hại cho nông dân liên quan đến trả đũa thuế quan

Mỹ sẽ thanh toán trực tiếp 4,7 tỷ USD cho người nông dân để giúp bù đắp những thiệt hại mà họ phải gánh chịu từ các biện pháp trả đũa thuế quan.

Kiểm tiền USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 27/8 cho biết chính phủ nước này sẽ thanh toán trực tiếp 4,7 tỷ USD cho người nông dân để giúp bù đắp những thiệt hại mà họ phải gánh chịu từ các biện pháp trả đũa thuế quan áp lên hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.

Đây là một phần trong gói hỗ trợ trị giá 12 tỷ USD của Washington được công bố hồi tháng Bảy vừa qua. 

Thứ trưởng phụ trách vấn đề sản xuất nông nghiệp và bảo tồn Bill Northey cho biết phần lớn trong khoản thanh toán trên, tương đương 3,6 tỷ USD, sẽ được dành cho cho những nông dân trồng đậu tương.

Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ hỗ trợ cho mỗi hộ nông dân khoảng 50% sản lượng dự kiến với giá khoảng 1,65 USD/bushel (1 bushel đậu tương = 27,2 kg). 

Trung Quốc vốn là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu cho đậu tương của Mỹ, với khoảng 60% lượng đậu tương của Mỹ được xuất sang thị trường này.

Song Trung Quốc đã dừng hầu hết hoạt động mua đậu tương Mỹ kể từ khi nền kinh tế lớn nhất châu Á thực hiện các biện pháp thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Mỹ nhằm trả đũa cho động thái áp thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ cũng sẽ bao gồm các khoản thanh toán cho nông dân trông lúa miến là 0,86 USD/bushel cho 50% sản lượng dự kiến, 0,01 USD cho mỗi bushel ngô, 0,14 USD cho mỗi bushel lúa mì (1 bushel ngô = 25,4 kg, 1 bushel lúa mỳ = 27,2 kg,) và 0,06 USD cho mỗi pound bông (1 pound = 0,45 kg). 

Trong khi đó, người nông dân chăn nuôi lợn sẽ được hỗ trợ 8 USD/con cho 50% sản lượng tính tới ngày 1/8, còn những người chăn nuôi bò sữa sẽ nhận được 0,12 USD cho mỗi ctw ( 1ctw = 45,36 kg) sản phẩm. 

Chương trình cũng sẽ bao gồm khoản chi 1,2 tỷ USD cho việc mua hàng hóa, bao gồm thịt lợn và các sản phẩm từ sữa, dự kiến sẽ được kéo dài trong nhiều tháng.

Thứ trưởng phụ trách hoạt động tiếp thị-quảng bá và quản lý của USDA, ông Greg Ibach cho biết cho biết các sản phẩm được thu mua là những mặt hàng bị ảnh hưởng từ các biện pháp trả đũa thuế quan do các quốc gia khác áp lên hàng hóa Mỹ. 

Ngoài ra, chương trình hỗ trợ này cũng dành riêng một khoản trị giá 200 triệu USD cho hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm và phát triển các thị trường mới cho nông sản của Mỹ. 

Việc đăng ký nhận chương trình hỗ trợ sẽ bắt đầu vào ngày 4/9, trùng với vụ thu hoạch năm 2018, và kết thúc vào tháng 1/2019. Người nông dân sẽ cần phải trình nộp các bản kê khai hoạt động sản xuất để được thanh toán. Các khoản thanh toán cũng được giới hạn ở mức 125.000 USD cho mỗi người. 

Chương trình nêu trên được xem là một “đòn bẩy” tạm thời cho người nông dân Mỹ trong bối cảnh nước này và Trung Quốc vấn đang tiến hành đàm phán về các vấn đề thương mại. Song nó vẫn đối mặt với sự chia rẽ từ nội bộ đảng Cộng hòa, những người thường phản đối các biện pháp hỗ trợ tương tự, cũng như sự hoài nghi từ người nông dân Mỹ - một nhóm cử tri quan trọng của Tổng thống Donald Trump. 

Trong một tuyên bố sau khi thông báo của USDA được đưa ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà Sản xuất đậu tương của tiểu bang Illinois, ông Doug Schroeder cho biết các gói hỗ trợ ngắn hạn không tạo ra sự ổn định lâu dài cho thị trường.

Theo ông, các nhà sản xuất muốn có được các hoạt động thương mại chứ không phải các gói hỗ trợ.(Bnews)
---------------------------

Dệt may Việt và cuộc “rượt đuổi” vào thị trường Hàn Quốc

Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp hàng dệt may lớn thứ 2 tại thị trường Hàn Quốc, chỉ đứng sau Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2018.

7 tháng và 1,5 tỷ USD

Theo Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Hàn Quốc đạt trên 10,2 tỷ USD, tăng 32,13% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính sản phẩm điện tử là ba nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm trên 40% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này.

Đặc biệt, mặt hàng dệt may đã có sự bứt phá mạnh mẽ tại thị trường Hàn Quốc trong những tháng đầu năm 2018.

Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hàn Quốc đạt 1,5 tỷ USD, tăng 24,88% so với cùng kỳ năm 2017. Còn tính riêng trong tháng 7/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 270,7 triệu USD, tăng 24,18% so với tháng 6/2018 và tăng 24,06% so với tháng 7/2017.

Hiện Trung Quốc và Việt Nam là hai nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc với thị phần chiếm lần lượt là 34,46% và 32,67%.

Nếu so sánh với thời điểm 3 năm trước, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường này đã có sự bứt tốc rất nhanh, với khoảng cách thị phần giữa Trung Quốc và Việt Nam từ mức 40,18% và 29,52% về mức gần như ngang bằng ở thời điểm hiện tại.

Mặt khác, cũng theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ 4 trong số các thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam và tiến sát với thị trường Nhật Bản, đạt kim ngạch lên tới gần 2,7 tỷ USD trong năm 2017.

Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho ngành dệt may Việt Nam, bởi Hàn Quốc là trung tâm thời trang lớn, đồng thời cũng là nơi trung chuyển hàng thời trang sang tiêu thụ tại các quốc gia khác. Mặt khác, hàng dệt may của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% thị phần tại Hàn Quốc, cho thấy vẫn còn nhiều dư địa cho dệt may Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường này.

Cần tận dụng cơ hội

Thực tế là từ năm 2015 tới nay, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng rất nhanh. Lý giải việc này, Bộ Công Thương cho rằng, chủ yếu do sức cạnh tranh cao của hàng may mặc Việt Nam và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng Hàn Quốc tăng. Bên cạnh đó, những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc, với 24 dòng sản phẩm trong nhóm mặt hàng này được hưởng ưu đãi về thuế thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN cũng giúp Việt Nam có nhiều dư địa xuất khẩu vào thị trường này.

Dự báo từ nay cho đến cuối năm, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc sẽ tăng khoảng 20% so với mức thực hiện của cùng kỳ năm 2017, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 đạt 3,2 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2017.

Tuy nhiên, theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, mặc dù còn nhiều tiềm năng song yêu cầu chất lượng của thị trường này là khá nghiêm ngặt. Cùng với đó, các nhà nhập khẩu dệt may vào thị trường Hàn Quốc cần chú ý thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết như được kiểm tra, giám định đối với từng mô hình sản phẩm bởi cơ quan kiểm nghiệm và thanh tra được chỉ định. Sau khi có chứng nhận sản phẩm đáp ứng tiêu chí an toàn, nhà nhập khẩu phải thông báo kết quả cho cơ quan chứng nhận an toàn.

Đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam nhấn mạnh, bất kỳ nhà nhập khẩu, nhà sản xuất nào muốn được chứng nhận an toàn cần nộp đơn cho từng sản phẩm lên cơ quan chứng nhận. Đơn xin chứng nhận cần được gửi kèm các tài liệu: photo giấy đăng ký kinh doanh, bản miêu tả sản phẩm, kết quả kiểm tra an toàn được cấp bởi cơ quan kiểm tra giám định sản phẩm.

Cùng với việc đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc, các cơ quan quản lý cũng cho biết đây là cơ hội để gia tăng dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào lĩnh vực dệt may. Ông Lê An Hải - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công thương thông tin, để đón cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, thời gian qua các doanh nghiệp Hàn Quốc đã nhanh chóng chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam.

Kết quả khảo sát của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc cho thấy, xu hướng doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trong lĩnh vực dệt may tại Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ trong 2-3 năm tới. Không những vậy, 62% doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc tại Việt Nam đang có mong muốn mở rộng quy mô từ sản xuất hàng may mặc cho đến nguyên phụ liệu như sợi, vải…

Ông Lê An Hải cũng khuyến nghị, doanh nghiệp Hàn Quốc nên ưu tiên đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực dệt nhuộm hoàn tất. Từ đó, sẽ giúp dệt may Việt Nam chuyển dần từ sản xuất gia công sang các hình thức sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, sử dụng nguyên liệu trong nước để tăng giá trị xuất khẩu, giảm dần nhập siêu từ Hàn Quốc.(DDDN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục