tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-09-2017

  • Cập nhật : 19/09/2017

Sửa luật để cứu dự án thua lỗ?

Tồn kho, thua lỗ

Theo báo cáo của Bộ Công thương, 4 nhà máy phân bón nằm trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ kéo dài của ngành là đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP số 1 (Hải Phòng) và DAP số 2 (Lào Cai) thì hầu hết đã quay trở lại hoạt động ổn định với phụ tải trung bình đạt từ 75 - 90%. Nhờ các giải pháp “thắt lưng buộc bụng” nên kết quả kinh doanh các nhà máy này đã cải thiện.

Tuy nhiên, trong thực tế, ngoại trừ Nhà máy DAP số 1 Hải Phòng đã có lợi nhuận không đáng kể (khoảng 4 tỉ đồng trong tháng 8) thì các nhà máy còn lại vẫn lỗ nặng, tồn kho lớn. Nhiều nhất là đạm Ninh Bình lỗ 68 tỉ đồng, hàng tồn kho còn khoảng gần 33.000 tấn; đạm Hà Bắc lỗ 35 tỉ đồng và hàng tồn kho là 8.500 tấn. DAP số 2 Lào Cai dù tồn kho chưa tới 7.500 tấn nhưng cũng lỗ đến 50 tỉ đồng.

Liên quan đến xử lý các dự án thua lỗ ngành phân bón, Văn phòng Chính phủ giữa tuần qua đã phát đi thông tin cho biết, tại cuộc họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém và thua lỗ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo, đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi luật Thuế số 71. Có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, luật Thuế số 71 quy định mặt hàng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Điều này đồng nghĩa với việc các nguyên vật liệu và chi phí đầu vào để sản xuất sẽ không được khấu trừ VAT đầu vào, khiến chi phí đội lên hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Vì thế, giá thành sản phẩm tăng lên đáng kể, ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của nhà máy, nhất là trong bối cảnh thua lỗ đang kéo dài.

Đề xuất sửa đổi luật thuế trên bắt nguồn từ kiến nghị của Bộ Công thương về việc bảo vệ cho sản xuất phân bón VN nói chung và nỗ lực giải quyết các khó khăn, tồn tại của 4 dự án trên.

Vì 4 dự án hay vì ngành phân bón ?

Nhận định xung quanh nội dung này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Việc ban hành chính sách giảm thu trong bối cảnh phải đi xử lý các yếu kém của các dự án hàng nghìn tỉ đồng do các doanh nghiệp (DN) nhà nước gây ra mà lại bàn chuyện tăng VAT để gián tiếp mọi người dân phải gánh chịu là điều không nên”.

Theo ông Bùi Kiến Thành, những dự án của các DN nhà nước thường đã có nhiều chính sách ưu đãi, giờ lâm vào khó khăn mà tiếp tục tạo ra ưu đãi nữa thì càng không có lợi cho nền kinh tế về lâu dài. “Không nên có chính sách đặc biệt cho DN nhà nước, trừ khi đó là đơn vị phục vụ công ích. Còn DN sản xuất kinh doanh thì hãy đặt họ vào môi trường cạnh tranh sòng phẳng”, ông Thành nói.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đặt vấn đề nếu cả ngành phân bón gồm 20 - 30 DN gặp khó thì chính sách này ra đời cũng là điều dễ hiểu, nhưng nếu ngành phân bón chỉ có 5 DN lớn mà giờ vì 4 “ông” này khó khăn mới ban hành chính sách giảm thuế thì đây là điều cần xem xét. Nguyên tắc bao trùm là làm sao để nhà nước đỡ thiệt hại nhất. Nếu để 4 nhà máy này chết thì dễ nhưng điều đó cũng chẳng giúp nhà nước thu thêm được thuế. Vậy, nếu có chính sách thuế giảm cho họ lúc này mà để họ đỡ chết, vừa giải quyết được việc làm và nhiều mục tiêu khác thì cần giảm có lộ trình nhất định. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Nếu Chính phủ nói vì cứu mấy ông thua lỗ này mà phải giảm thuế cho ngành phân bón thì khi đó mới đáng nói. Còn nếu chính sách giảm thuế hướng đến cả ngành vì nó đang khó cả, thì Chính phủ nên minh bạch, thông tin để người dân chia sẻ”.

Trong tháng 8, Bộ Công thương cũng đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với một số mặt hàng phân bón, bắt nguồn đầu tiên từ yêu cầu của hai công ty phân bón lỗ nặng thuộc Tập đoàn Vinachem. Cụ thể, trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ của vụ việc, ngày 4.8, Bộ Công thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP. Căn cứ theo quyết định này, mức thuế tự vệ tạm thời là 1,85 triệu đồng/tấn và bắt đầu có hiệu lực chính thức từ ngày 19.8, kéo dài không quá 200 ngày. Biện pháp tự vệ tạm thời sẽ chấm dứt hiệu lực sau ngày 6.3.2018 hoặc trong trường hợp Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.(Thanhnien)
-----------------

Mạng lưới và cơ hội của ngành ngân hàng

Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động thanh toán qua ngân hàng trong khi Việt Nam có tỷ lệ bao phủ hệ thống ngân hàng thấp. Vì vậy, việc mở rộng mạng lưới hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các ngân hàng nội.

Thời gian qua, không ít băn khoăn được đưa ra về việc số lượng phòng giao dịch và chi nhánh ngân hàng hiện diện quá nhiều ở các đô thị tại Việt Nam dẫn đến mức độ cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, số liệu so sánh với các nước trong khu vực lại phản ánh một bức tranh đáng quan tâm. Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới (World Bank) cập nhập mới nhất thì đến hết năm 2015, trung bình ở Việt Nam có 3,8 chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng phục vụ 100.000 người dân trưởng thành. Trong khi đó, con số này ở Indonesia là 17,8; Thái Lan là 12,6; Singapore là 9,3; Malaysia là 10,7; Campuchia là 6,1… Như vậy, tỷ lệ bao phủ của ngân hàng Việt Nam tính trên dân số còn khá thấp so với các nước trong khu vực.

Tương tự, tỷ lệ bao phủ của máy rút tiền tự động (ATM) tại Việt Nam cũng thấp hơn nhiều nước ở Đông Nam Á. Vẫn theo số liệu do World Bank, số lượng ATM trung bình trên 100.000 người dân trưởng thành của Việt Nam là 24,1 còn của Thái Lan là 113,54 hay Singapore là 59,98 và Malaysia là 51,12…

Trong khi đó, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình giao dịch không dùng tiền mặt nhằm tăng cường minh bạch xã hội để phát triển bền vững. Đến nay, Chính phủ cũng đã cho phép người từ 15 tuổi có thể mở tài khoản thanh toán và trẻ em trên 6 tuổi có thể được dùng thẻ ghi nợ để thanh toán (dùng thẻ phụ và không rút tiền mặt).

Từ những thực tế trên, các ngân hàng Việt Nam vẫn đang cần mở rộng mạng lưới để có thể khai thác tiềm năng thị trường cả nước. Tuy nhiên, những năm qua, nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong việc mở rộng hệ thống bởi khó đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà Thông tư 21 đưa ra nhằm siết chặt việc ngân hàng phát triển thêm chi nhánh và điểm giao dịch. Chính vì thế, dù tiềm năng còn lớn nhưng không có nhiều ngân hàng có thể đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới.

Trong bối cảnh đó, dù gặp không ít thách thức sau khi sáp nhập Southern Bank, nhưng Sacombank lại hưởng lợi không ít từ thương vụ này để phát triển hệ thống. Trước sáp nhập, Sacombank có 428 điểm giao dịch, nên sau sáp nhập thì Sacombank đã có thêm hệ thống của Southern Bank giúp mạng lưới tăng lên 564 điểm giao dịch, đứng thứ 5 trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, chỉ thua 4 ngân hàng có vốn Nhà nước. Tất nhiên, trong số đó, nhiều chi nhánh, phòng giao dịch khá gần nhau bởi Southern Bank chủ yếu tập trung ở TP.HCM và các tỉnh Tây Nam Bộ.

Để giải quyết sự trùng lắp này, Sacombank đã tái bố trí mạng lưới bằng cách nâng cấp toàn bộ các Quỹ tiết kiệm lên mô hình Phòng giao dịch để mở rộng các sản phẩm dịch vụ, đồng thời chuyển quyền quản lý các điểm giao dịch có địa bàn chồng chéo, đổi tên, di dời các điểm giao dịch có vị trí gần nhau đến các địa bàn tiềm năng hơn để mở rộng thị trường. Tính đến cuối tháng 6/2017, Sacombank đã tái bố trí 150 điểm giao dịch đi vào hoạt động ổn định. Ngân hàng này còn hướng đến các khu vực ngoại thành, vùng ven, vùng sâu, vùng xa.

Đây chính là những khu vực phù hợp với việc phát triển tiềm năng lâu dài của ngành ngân hàng khi Việt Nam dần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, Sacombank cũng đưa dịch vụ ngân hàng tiện ích đến tận tay người dân ở những khu vực vừa nêu.

Đặc biệt, theo đề án tái cấu trúc, Sacombank mở 14 chi nhánh ở phía Bắc trên cơ sở chuyển đổi giấy phép của các chi nhánh hiện có và thành lập 14 PGD trên cơ sở các chi nhánh đã chuyển giấy phép để tiếp tục phục vụ khách hàng tại địa bàn. Vì thế, theo kế hoạch, Sacombank lần lượt có mặt tại các tỉnh như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Giang, Bắc Kạn… Sau khi đưa vào hoạt động 14 chi nhánh trên, Sacombank phủ kín mạng lưới tại 62/63 tỉnh thành Việt Nam. Đây là một lợi thế để ngân hàng này thiết lập nền tảng phát triển lâu dài ở các khu vực mà hầu hết các nhà băng khác còn chưa hiện diện. Điều này cho thấy tầm nhìn sâu rộng và chiến lược hoạt động bền vững của Sacombank, đặc biệt sẽ phát huy hiệu quả bán lẻ vốn dĩ là thế mạnh của ngân hàng này.

Tất nhiên, đó cũng chính là động lực để ngành ngân hàng tăng cường phát triển mạng lưới. Chính vì thế, nếu ngân hàng nào không đáp ứng đủ khả năng bao phủ thì rất dễ rơi vào tình thế “trâu chậm uống nước đục”.(NDH)
------------------

Sếp Deutsche Bank dự báo nhiều nhân viên ngân hàng thất nghiệp vì robot

Công nghệ đang đe dọa việc làm của con người trong nhiều ngành công nghiệp. Mới đây, CEO Deutsche Bank John Cryan đưa ra nhận định về viễn cảnh việc làm ngành ngân hàng trong 5 - 10 năm tới.

ceo deutsche bank john cryan anh: reuters

CEO Deutsche Bank John Cryan ẢNH: REUTERS

Theo CNBC, ông John Cryan từng gây chú ý khi dự báo rằng công nghệ sẽ khiến nhiều việc làm ngành ngân hàng biến mất. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Mỹ bên lề Hội nghị cấp cao ở Singapore gần đây, ông lại nói sâu hơn về cách thế giới tài chính sẽ chuyển mình trong thời đại tự động hóa.

Sếp Deutsche Bank nói rõ ngành ngân hàng sẽ có nhiều vị trí được tự động hóa. “Thật ra không đúng nếu nói rằng đây là chuyện sẽ chỉ diễn ra ở ngân hàng của chúng tôi, nó là hiện tượng toàn ngành”, ông Cryan nói.

Hiện thời, nhiều công việc ngành tài chính đòi hỏi người lao động phải làm việc như một con robot và vì thế, họ sẽ dễ dàng bị thay thế bởi máy móc. Nhiều nhân viên Deutsche Bank hiểu rõ điều này và hiện đã có dấu hiệu cho thấy một số vị trí đang rơi dần vào tay robot.

“Cơ hội mà chúng ta luôn bàn đến là nâng cao chất lượng công việc trong nội bộ, khiến việc làm trở nên thỏa mãn hơn với con người. Những người chỉ làm việc chuyển giấy tờ và con số không có một công việc thỏa mãn, triển vọng loại nghề nghiệp này cũng không hấp dẫn nếu chúng tôi có khả năng để máy móc làm thay”, ông Cryan nói.

Môt trong những cách để sáng tạo hóa công việc ngành ngân hàng là thúc đẩy nhân viên nhà băng sử dụng nhiều kỹ năng giao tiếp hơn. Đây là yếu tố mà máy móc không thể thành thục trong một sớm một chiều. “Chúng ta cần tăng số lượng nhân viên gặp mặt khách hàng và đối tác, giảm số lượng nhân viên chỉ làm việc nội bộ, tính toán đầu ra, xử lý số liệu”, ông Cryan nói thêm.

Sếp Deutsche Bank kết luận rằng dù thay đổi cụ thể trong tương lai vẫn rất khó dự báo, toàn ngành ngân hàng sẽ có rất nhiều người mất việc trong từ 5 đến 10 năm tới.(Thanhnien)
----------------------------

Liên doanh ô tô Mỹ, Trung triệu hồi 2,5 triệu chiếc xe

General Motors và liên doanh của hãng này tại Trung Quốc, Shanghai GM, sẽ triệu hồi hơn 2,5 triệu chiếc xe vì lỗi túi khí.

Theo CNBC, đây là thông tin từ cơ quan giám sát chất lượng hàng đầu Đại lục. Theo Cục Quản lý Chất lượng, Giám sát và Kiểm định Trung Quốc (GAQSIQ), những chiếc xe được triệu hồi có trang bị túi khí của nhà sản xuất Nhật Bản Takata.

Từ ngày 29.10, hai doanh nghiệp sẽ triệu hồi 13.492 chiếc xe Saab và Opel nhập khẩu và từ ngày 29.12, một đợt triệu hồi khác sẽ bắt đầu với hơn 2,51 triệu chiếc Chevrolet và Buick.

Đợt triệu hồi được chính quyền Trung Quốc thông báo cuối tuần trước, theo sau đợt triệu hồi 4,86 triệu chiếc xe của Volkswagen và liên doanh Trung Quốc của hãng tại nước này cũng vì vấn đề lỗi túi khí Takata.

Tân Hoa xã trích thông báo của cơ quan giám sát chất lượng cho hay túi khí bị lỗi có mặt trên xe của 37 nhà sản xuất ô tô, tức hơn 20 triệu phương tiện. Tính đến cuối tháng 6.2017, 24 nhà sản xuất đã triệu hồi tổng cộng 10,59 triệu chiếc.

Túi khí bị lỗi của Takata khiến ít nhất 16 người chết và 180 người bị thương trên toàn thế giới. Sản phẩm có khả năng bung quá mạnh và làm văng nhiều mảnh vụn vào người sử dụng ô tô. Lỗi túi khí dẫn đến đợt triệu hồi xe lớn nhất lịch sử và khiến nhà sản xuất Nhật Bản phá sản.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục