tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 15-05-2017

  • Cập nhật : 15/05/2017

Zalora chính thức biến mất khỏi thị trường TMĐT Việt Nam sau 1 năm về tay đại gia Thái

Sau 1 năm kể từ khi về tay Central Group, trang Zalora đã chính thức đóng cửa và hợp nhất với thương hiệu thời trang Robins.

Zalora chính thức biến mất khỏi thị trường TMĐT Việt Nam sau 1 năm về tay đại gia Thái

Từ ngày 12/5, khi truy cập website zalora.vn, người dùng sẽ được chuyển về địa chỉ robins.vn. Ngay trên trang chủ, thông báo được hiển thị rất rõ ràng: "Chào đón tên mới Robins. Zalora nay chính là Robins".

Như vậy, cái tên Zalora đã chính thức không còn tồn tại trên thị trường mà được đổi thành Robins. Thương hiệu Robins chính là tên gọi của hãng thời trang thuộc tập đoàn Central Group của Thái Lan.

Robins được Central Group xây dựng từ năm 2014 khi mở tại 2 trung tâm thương mại ở Hà Nội và TP.HCM. Robins tập trung nhiều nhãn hiệu cao cấp từ các nước trên thế giới, trong đó hàng Thái chiếm số lượng lớn.

mot so thuong hieu noi bat cua robins

Một số thương hiệu nổi bật của Robins

Trong lĩnh vực thời trang, ngoài thương hiệu Robins, Central Group còn kinh doanh thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance thông qua hệ thống phân phối của các công ty con thuộc Central Group và nhượng quyền cho các đối tác Việt Nam.

Central Group mua lại Zalora Việt Nam cách đây 1 năm thông qua công ty điện máy Nguyễn Kim, đồng thời cũng mua luôn Zalora Thái Lan. Tuy nhiên, giá trị thương vụ mua Zalora Việt Nam không được tiết lộ.

Trước khi Zalora đóng cửa, nhiều trang thương mại điện tử khác đã rời bỏ thị trường, như Deca, Beyeu, Lingo...

Thị trường thương mại điện tử hiện nay chỉ còn lại vài tên tuổi lớn như Adayroi, Tiki, Lazada. Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup cho biết, các trang thương mại điện tử đang kinh doanh theo hình thức vốn 10 đồng nhưng chỉ bán 7 đồng nhằm lôi kéo khách hàng. Vị tỷ phú đô la nhận định, nếu giữ chiến lược như vậy, các trang thương mại điện tử sẽ chỉ trụ được vài ba năm nữa.(CafeF)
-----------------------------

"Vạch mặt" thủ phạm gây ra cơn sốt đất nền Sài Gòn

Theo Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), có 4 nguyên nhân chính dẫn đến cơn sốt giá đất nền ở các quận ven và huyện ngoại thành.

Thứ nhất là do sự phát triển rất mạnh hệ thống hạ tầng đô thị, trước hết là hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố (các tuyến metro, các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường vành đai, các tuyến đường kết nối, thông tin về các dự án cầu Cát Lái, cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh...) đã có tác động kích thích làm tăng mặt bằng giá bất động sản, đặc biệt là ở khu Đông, khu Nam, khu Tây của thành phố, đã bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.

Thứ hai là do cò đất thổi giá. Do chưa có định hướng dư luận kịp thời để xử lý hiệu quả những tin đồn không chính thống, truyền miệng như tin đồn về khả năng chuyển huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận; hoặc hình thành mô hình thành phố trong thành phố ở phía Đông, phía Tây, phía Nam thành phố Hồ Chí Minh, đã bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.

Nguyên nhân thứ ba nằm ở việc 1 số một số tập đoàn lớn công bố thông tin đề xuất các dự án rất lớn mà nếu được thực hiện sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố Hồ Chí Minh, nhất là khu vực các huyện ngoại thành, ví dụ: Tập đoàn Vingroup đã được giao đầu tư dự án Công viên động vật bán hoang dã Safari quy mô 400 ha tại Củ Chi, dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ quy mô mở rộng đến 2.000 ha.

Đặc biệt, Tập đoàn Tuần Châu đã đề xuất đầu tư dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn dài khoảng 60 km với quy mô 4-6 làn xe nối Bến Súc huyện Củ Chi qua huyện Hóc Môn, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh về quận 1. Và một loạt các dự án lớn khác như Dự án thành phố mới tại huyện Củ Chi với quy mô trên 15.000 ha, dự án thành phố ven biển (Marina City) quy mô khoảng 1.000 ha tại huyện Cần Giờ... đã bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này;

Nguyên nhân thứ tư là do quá trình thực hiện Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất ở tại nông thôn và đô thị trên địa bàn thành phố, nhưng đã bị giới đầu nậu, cò đất lợi dụng để thực hiện tách thửa, phân lô đất nền tràn lan tại một số quận ven và huyện ngoại thành và thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.

Cuối cùng giới đầu nậu và cò đất làm giá, thổi giá đất nền tại các quận ven và huyện ngoại thành, với thủ đoạn tung hỏa mù, thực thực hư hư, lợi dụng các thành quả phát triển hạ tầng giao thông của thành phố, các thông tin chính thống, tung tin thất thiệt, kể cả lợi dụng các tin đồn để kích giá, thổi giá, đẩy giá, tạo sóng lướt sóng để thủ lợi tối đa trong phân khúc thị trường đất nền ở các quận ven và các huyện ngoại thành.Bên cạnh đó, tình trạng, nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lướt sóng "theo tâm lý đám đông" có thể bị sập bẫy, bị thiệt hại nặng khi thị trường hạ nhiệt.

"Hoạt động của giới đầu nậu và cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến "sốt giá ảo" đất nền hiện nay cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời", báo cáo của HoREA nhấn mạnh.(CafeF)
-----------------------------

Quảng bá du lịch VN tại thị trường Trung Quốc

Triển khai Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia 2017, từ ngày 11 - 20.5, Tổng cục Du lịch phối hợp với các bên liên quan tổ chức chuyến biểu diễn lưu động quảng bá du lịch VN tại 4 TP của Trung Quốc là Nam Ninh, Phúc Châu, Nam Kinh và Hợp Phì.

Chương trình quảng bá ngoài biểu diễn nghệ thuật với các nhạc cụ truyền thống dân tộc, giới thiệu vẻ đẹp văn hóa VN, còn giới thiệu tới các doanh nghiệp lữ hành và báo chí Trung Quốc nhiều thông tin mới về sản phẩm du lịch, điểm đến hấp dẫn của VN. Buổi biểu diễn đầu tiên đã được tổ chức ngày 12.5 tại TP.Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc luôn dẫn đầu trong số các thị trường khách du lịch đến VN về số lượng và tốc độ tăng trưởng. Năm 2016, VN đã đón khoảng 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm gần 27% tổng lượng khách quốc tế đến VN. Lượng khách VN sang Trung Quốc cũng đạt gần 2 triệu lượt. (Thanhnien)
-----------------------------------

Khách hàng liên tục mất tiền, hé lộ lỗ hổng bảo mật ngân hàng

Việc thẻ ATM DongA Bank của anh Nguyễn Minh Dương mới đây bị mất 129 triệu đồng trong tài khoản, trong lúc chiếc thẻ vẫn đang được ngân hàng giữ, phải chăng đã hé lộ lỗ hổng trong bảo mật ngân hàng?

Liên tiếp xảy ra mất tiền trong tài khoản

Tháng 8/2016, dư luận dậy sóng khi một khách hàng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chỉ sau một đêm đã "bay mất" 500 triệu đồng trong tài khoản. Các giao dịch này được thực hiện qua Internet banking mà khách hàng không hề nhận được tin nhắn thông báo mã OTP như thường có khi giao dịch. Sau khiếu nại, chị Hương được Vietcombank hoàn trả 300 triệu đồng. Đây là số tiền mà đối tượng lừa đảo chưa kịp chuyển ra khỏi hệ thống mà ngân hàng đã ngăn chặn kịp thời.

Trước đó, tháng 1/2016, tài khoản cá nhân của bà Hạnh ở tại Việt Trì sử dụng thẻ VIB Values của Ngân hàng TMCP quốc tế Việt Nam (VIB Bank) đã bị rút số tiền lớn một cách bất thường. Điều kỳ lạ là đã có 8 giao dịch rút tiền và đều được thực hiện tại Sài Gòn, trong khi đó bà Hạnh đang ở tại Việt Trì. Tuy nhiên, phải mất tới hơn 2 tháng sau, số tiền này mới được hoàn trả lại vào tài khoản cá nhân của bà Hạnh.

khach hang giao dich tai mot diem atm tai ha noi. anh: tran viet/ttxvn

Khách hàng giao dịch tại một điểm ATM tại Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

 

Một trường hợp khách hàng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), anh Khánh ở Long Biên vào tháng 3/2017 cũng đã được một phen hoảng hồn khi tin nhắn điện thoại báo tiền bị chuyển khỏi tài khoản liên tục trong đêm. Điều đáng nói là những giao dịch này diễn ra trong khi thẻ của anh vẫn còn nằm trong ví. Sau 2 tuần khiếu nại, anh Khánh cũng đã lấy lại được tiền của mình.

Mới đây nhất là vụ bị mất 129 triệu đồng trong tài khoản trong lúc chiếc thẻ vẫn đang được ngân hàng giữ. Anh Nguyễn Minh Dương, ở Quảng Ngãi, trong khi thực hiện rút tiền từ thẻ ATM của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) tại một cây ATM của Sacombank thì bị nuốt thẻ. Trong khi anh vẫn chưa ra ngân hàng lấy thẻ thì trong khoảng thời gian đầu tháng 4, tài khoản của anh bị kẻ gian rút mất 17 lần tổng cộng 129 triệu đồng qua hai cây ATM của DongABank và Techcombank.

Để khách hàng yên tâm, DongA Bank đã chủ động liên lạc với khách hàng thông báo tiến độ giải quyết vụ việc của ngân hàng. Đồng thời, cam kết rằng ngay cả khi kết quả xác minh ngân hàng không có lỗi trong việc sử dụng thẻ thì quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn được bảo đảm theo quy định.

Hé lộ lỗ hổng trong bảo mật ngân hàng

Đa số các vụ việc mất tiền trong tài khoản khách hàng đều được nhận lại toàn bộ hay một phần số tiền đã bị mất nhưng đều phải chờ đợi một quá trình tra soát rất mất thời gian.

Để hạn chế những rủi ro này, mới đây, Vietcombank đã có thông báo về việc điều chỉnh điều kiện và điều khoản sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử mới đối với các khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, những quy định này đã vấp phải phản ứng của dư luận và được cho là những điều khoản vô lý, thoái thác trách nhiệm và đẩy rủi ro về phía khách hàng. Ngay lập tức, Vietcombank đã phải tạm hoãn áp dụng những điều khoản này.

Không chỉ có Vietcombank, nhiều ngân hàng còn đưa ra quy định về thời gian giao dịch tại ATM nhằm đề phòng tội phạm thẻ sau nhiều vụ mất tiền trong tài khoản lúc nửa đêm. Theo đó, các ngân hàng này, trong đó có Agribank đã thông báo thời gian hoạt động của ATM từ 6h-21h hoặc 7h-22h hàng ngày thay vì 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần như quy định của Ngân hàng nhà nước.

Nhiều ngân hàng lại lựa chọn cách "an toàn" hơn khi liên tục gửi đến khách hàng những cảnh báo về các trường hợp lừa đảo; khuyến khích khách hàng thường xuyên thay đổi mã pin, đăng ký dịch vụ nhận tin nhắn thông báo biến động số dư tài khoản và cập nhật thông tin cá nhân với ngân hàng khi có thay đổi (địa chỉ liên lạc, số điện thoại, email...)

Thực tế đến nay, các trường hợp mất tiền trong tài khoản đã không ít lần xảy ra. Hầu hết các vụ việc đều chưa có kết luận rõ ràng về nguyên nhân hay nếu có, thường được kết luận do lộ thông tin cá nhân khách hàng.

Điều mà khách hàng quan tâm chính hiện chính là có hay không lỗ hổng trong bảo mật, các thông tin này lộ ra từ đâu, từ thông tin nội bộ ngân hàng bị rò rỉ hay các biện pháp phòng chống tin tặc còn yếu kém.

Theo ý kiến của một chuyên gia về bảo mật ngân hàng, những vụ việc này xảy ra nguyên nhân không chỉ đến từ cả phía người dân mà còn cả do từ phía ngân hàng. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy có nhiều lỗ hổng trong việc quản lý thẻ tín dụng nói riêng và lỗ hổng trong bảo mật của hệ thống ngân hàng nói chung. Từ đó đặt ra yêu cầu cấp bách về vá lỗ hổng bảo mật trong hệ thống của các ngân hàng hiện nay.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục