Tập đoàn Mỹ muốn xây đô thị thông minh tại Củ Chi; Kết nối thương nhân xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc; World Bank tài trợ 155 triệu USD cho giáo dục đại học Việt Nam; Nhiều nhà đầu tư hạ tầng Hồng Kông đến Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh 17-05-2017
- Cập nhật : 17/05/2017
Nhật sẽ gia nhập Ngân hàng AIIB của Trung Quốc?
Đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Nhật Bản vừa phát tín hiệu cho thấy nước này sẵn sàng gia nhập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh khởi xướng.
Ông Toshihiro Nikai, tổng thư ký đảng Dân chủ tự do, tại Diễn đàn hợp tác quốc tế "Vành đai và con đường" ngày 14-5 ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Hãng tin Reuters dẫn báo Nikkei (Nhật Bản) ngày 16-5 cho biết một số quan chức cấp cao của đảng cầm quyền thể hiện quan điểm này. Theo đó họ cho rằng việc sớm đạt được quyết định về chuyện gia nhập AIIB là điều rất thiết yếu.
Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do, ông Toshihiro Nikai, nhận định: “Vấn đề mấu chốt sẽ là Nhật Bản có thể quyết định gia nhập (AIIB) nhanh chóng như thế nào”.
Ông Toshihiro Nikai được biết là người có những quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Ông đã tới Bắc Kinh tham dự hội nghị thượng đỉnh 2 ngày về sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (kết thúc ngày 15-5).
Ông Toshihiro Nikai cho biết sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hôm nay (16-5) để thảo luận về những vấn đề thuộc tầm nhìn trong quan hệ Nhật - Trung và tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực liên quan tới các chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên.
Trả lời phỏng vấn đài CNBC ngày 15-5, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng việc gia nhập AIIB có thể là một lựa chọn của Nhật Bản nếu những băn khoăn về công tác điều hành của ngân hàng này được giải quyết thỏa đáng.
Ông Shinzo Abe nói: “Hiện tại, chúng tôi vẫn đang theo dõi cẩn trọng các hoạt động của AIIB”.
Trước đây, cùng với chính quyền Mỹ dưới thời ông Barack Obama, Nhật Bản không tham gia AIIB, một phần vì nỗi quan ngại cho rằng đó là công cụ thể Trung Quốc gia tăng thanh thế trong khu vực, cũng như trở thành đối thủ của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) do Nhật khởi xướng và cùng Mỹ nắm quyền điều hành chính.(Tuoitre)
-----------------------
Quy mô doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng nhỏ dần
Mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cân nhắc giải pháp tăng sản lượng khai thác dầu - Ảnh: L.K
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15-5 nhận định tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chỉ số tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây.
“Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%” - báo cáo viết.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số ý kiến thành viên ủy ban đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững; cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách...
“Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng” - ông Thanh nói.
Ủy ban Kinh tế cũng đề cập đến tình trạng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đạt mức cao nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn.
Vấn đề nổi lên của doanh nghiệp VN hiện nay là mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần và thiếu các doanh nghiệp lớn làm trụ cột; hoạt động của các doanh nghiệp thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính liên kết và tinh thần đổi mới, sáng tạo không cao.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần duy trì đổi mới tư duy cải cách thể chế, thay đổi chính sách mang tính căn cơ, dài hạn như chính sách thu hút FDI chọn lọc thay vì tận dụng chính sách năng lượng giá rẻ.
Nghiên cứu sớm tạo thể chế hình thành các khu hành chính - kinh tế đặc biệt; xây dựng các chính sách mang tính đột phá cho các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Đồng thời, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, định hướng chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất phù hợp để phát triển doanh nghiệp.(Tuoitre)
---------------------------
HSBC đánh giá tích cực về kinh tế VN
Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (VN) ngày 15.5 phát hành báo cáo đánh giá khá tích cực về nền kinh tế VN sau 4 tháng đầu năm 2017.
Theo HSBC, cơ quan xếp hạng Moody's vừa thay đổi điểm xếp hạng của VN từ “ổn định” sang “tích cực”.
Kết quả khảo sát chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất cho thấy nhu cầu mua hàng ở nước ngoài trong tháng 4 đạt mức cao nhất trong lịch sử, và các nhà sản xuất vẫn tin rằng sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới, nhờ vào kỳ vọng đơn hàng mới nhiều hơn và kế hoạch mở rộng kinh doanh.
--------------------------------------------
Khai thác thủy sản 4 tháng ước đạt hơn 1 triệu tấn
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), sản lượng khai thác thủy sản 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ 2016, trong đó khai thác biển ước đạt 959.700 tấn, tăng 6%, khai thác nội địa ước đạt 46.000 tấn, giảm 0,6% so với cùng kỳ.
Trong quý 1, VN xuất khẩu tôm sang 68 thị trường (cùng kỳ năm 2016 là 64 thị trường). Sau khi tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, xuất khẩu tôm VN 3 tháng đầu năm 2017 có xu hướng chững lại với 618 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.(ThanhNien)