tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 14-07-2018

  • Cập nhật : 14/07/2018

Khó dự đoán giá thép không gỉ tại châu Á trong quý III/2018

Trong quý III/2018, triển vọng thị trường thép không gỉ tại châu Á không thực sự rõ ràng vì những bất ổn liên quan cả cung và cầu.

Khó đoán xu hướng giá

Một số yếu tố đang chi phối thị trường thép không gỉ châu Á trong quý III gồm biến động giá nickel, đà lao dốc của đồng nhân dân tệ và lo ngại về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều người tham gia giao dịch trên thị trường này dự báo giá sẽ chỉ loanh quanh ở mức hiện tại, mà không có đợt tăng mạnh nào.

Một số nguồn tin khác lại cho rằng rất khó để dự đoán về xu hướng giá nhưng thị trường có thể vẫn giao dịch trầm lắng trong quý III/2018. “Đây là một câu hỏi khó, giá thép không gỉ có thể tăng hoặc giảm 10% so với thời điểm hiện tại,” một thương lái ở Đông Nam Á cho biết.

Trước đây, các nhà máy tại Trung Quốc và Đài Loan chào bán giá thép không gỉ luôn ở mức cao vì chi phí sản xuất lớn, đặc biệt là khi giá nickel tăng vọt từ tháng 4. Vì thế, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng không sẵn lòng mua hàng, nhất là từ Trung Quốc.

Tuy nhiên trong vài tuần gần đây, giá nickel bắt đầu “hạ nhiệt”. Giá nhập khẩu (vào Trung Quốc) các nguyên liệu thô khác dùng trong quá trình luyện thép như quặng sắt cũng đang giảm dần. Nếu xu hướng này duy trì trong thời gian dài tới đây, các doanh nghiệp cung cấp thép không gỉ sẽ không thể viện vào lý do chi phí sản xuất cao để tăng giá bán, một thương nhân chuyên tiêu thụ sản phẩm này ở miền Nam Trung Quốc cho hay.

“Tôi cho rằng giá không thể tăng mạnh trong vài tháng tới và cũng sẽ không có nhiều đơn hàng với số lượng lớn nào được ký kết,” người này cho hay.

Tuy nhiên, tồn kho thép không gỉ trên thị trường giao ngay ở Trung Quốc đang ở mức thấp nên giá mặt hàng này có thể tăng nhẹ cho tới cuối tháng 7, theo một số ý kiến lạc quan.

Dự báo, nguồn cung thép cuộn cán nóng không gỉ của Trung Quốc tiếp tục giảm trong vài tháng tới do chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ. Hơn 600 lò cao sẽ bị phá bỏ tại thị trấn Daidan thuộc tỉnh Giang Tô, theo trang China Metallurgical News. Theo đó, công suất sản xuất thép không gỉ của thị trấn này dự báo giảm còn 1,5 triệu tấn/năm, từ mức hiện tại là 4,14 triệu tấn/năm. Ngoài ra, các nhà máy thép ở miền Đông và Nam Trung Quốc, như Tsingshan Steel và Desheng Stainless Steel, cũng được cho là đã giảm sản lượng.

“Lợi nhuận của bên bán được cải thiện đôi chút vì tồn kho đang ở mức khá thấp, trong khi sản lượng sẽ tiếp tục giảm do chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ,” một doanh nghiệp tiêu thụ cho hay.

Tuy nhiên, theo những người tham gia giao dịch trên thị trường thép không gỉ, đà tăng của giá thép không gỉ sẽ không bền vững vì nhu cầu tiêu thụ thực tế dự báo vẫn chậm chạp và không thể đuổi kịp tốc độ tăng trưởng về nguồn cung. Theo đó, giá có thể giảm nhẹ trong tháng 7 và tháng 8 trước khi phục hồi vào tháng 9.

Ngoài ra, việc thép không gỉ giá rẻ từ Indonesia ồ ạt nhập khẩu vào các thị trường châu Á có thể ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại và giá tại khu vực châu Á. Giá thép cuộn cán nguội không gỉ mà Indonesia chào bán sang thị trường Đông Á trong tuần kết thúc vào ngày 4/7 là 2.150 – 2.175 USD/tấn (CIF), giảm 25 – 50 USD so với một tuần trước đó. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc và Đài Loan báo giá vào khoảng 2.250 – 2.330 USD/tấn (CIF).

Doanh nghiệp Indonesia tích cực chào bán với giá thấp hơn những nướcchâu Á khác chủ yếunhằm thu hút người mua, một nguồn tin ở Đông Nam Á cho hay. Tuy nhiên, những người tham gia thị trường không chắc Indonesia sẽ giữ giá thấp được bao lâu nữa.

Chênh lệch giá ngày càng thu hẹp

Nguồn cung giảm đã đẩy giá thép cuộn cán nóng không gỉ lên cao, đồng thời kéo biên lợi nhuận giữa sản phẩm này và thép cuộn cán nguội xuống mức rất thấp. Cụ thể vào ngày 6/6, giá thép cuộn cán nóng không gỉ loại 304 tại thị trường Vô Tích (tỉnh Giang Tô) là 14.900 – 15.000 nhân dân tệ (2.246 – 2.261 USD/tấn), trong khi giá thép cuộn cán nguội là 15.300 – 15.400 nhân dân tệ/tấn. Như vậy, chênh lệch giá chỉ là 400 nhân dân tệ/tấn.

Theo dự báo của thị trường, chênh lệch giá giữa hai sản phẩm sẽ tiếp tục thu hẹp. “Mức chênh lệch hợp lý nên là 600 – 700 nhân dân tệ/tấn,” một thương lái ở miền Đông Trung Quốc nói.(NDH)
--------------------

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tháng 6 cao nhất trong 19 năm

Trong tháng 6/2018, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu mạnh nhất so với bất kỳ tháng nào tính từ năm 1994, mức giảm ghi nhận hơn 3% so với đồng USD.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 6/2018 tăng lên mức cao kỷ lục, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng mạnh. Điều này lý giải tại sao căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một lớn dần, theo tin từ Bloomberg.

Theo số liệu mới nhất được công bố bởi Hải quan Trung Quốc, trong tháng 6/2018, Trung Quốc có thặng dư 28,97 tỷ USD với Mỹ - mức cao nhất tính từ năm 1999. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 6/2018 đạt 42,62 tỷ USD.

Trong vai trò nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi khi nhu cầu toàn cầu tăng trưởng cao, tuy nhiên, khi căng thẳng thương mại và rào cản thương mại tăng cao, triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc đang u ám hơn. 

Cả Trung Quốc và Mỹ đều áp thuế 25% lên giá trị hàng hóa xuất khẩu 34 tỷ USD từ mỗi nước từ ngày 6/7/2018. Trung Quốc đã thề sẽ trả đũa nếu Mỹ tiếp tục tăng thuế với khoảng 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế tại Shenwan Hongyuan, ông Wang Jian, nhận xét: “Thặng dư thương mại hai chiều kỷ lục cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt trong khi kinh tế Trung Quốc ngày một suy yếu. Đầu tư nội địa của Trung Quốc đang yếu đi do khó khăn về tài chính, cùng lúc đó tiêu dùng người dân cũng không cao”.

Trong tháng 6/2018, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu mạnh nhất so với bất kỳ tháng nào tính từ năm 1994, mức giảm ghi nhận hơn 3% so với đồng USD. Dù đồng nhân dân tệ yếu có thể giúp cho các nhà xuất khẩu trong dài hạn nhưng sự đi xuống của đồng nhân dân tệ hiện nay là dấu hiệu cho thấy sự lo lắng tăng dần khi mà chiến tranh thương mại lại diễn ra ở thời điểm kinh tế Trung Quốc vốn đã giảm tốc.

Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, có thể sẽ phải chọn giữa việc nới bớt kiểm soát trong chiến dịch giảm nợ của ông hoặc để cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc rớt xuống dưới mốc 6,5%. 

Xuất khẩu của Trung Quốc ra các nước trên thế giới nói chung tăng 11,3% trong tháng 6/2018 nếu tính theo giá trị đồng USD, trong khi đó nhập khẩu tăng trưởng 14,1%, thấp hơn nhiều so với dự báo 21,3%. Thặng dư thương mại của Trung Quốc tháng 6/2018 đạt 41,61 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) lên cao nhất từ năm 2011 trong khi đó thâm hụt thương mại với Nhật giảm.

Số liệu thương mại Trung Quốc được công bố trước thềm báo cáo GDP Trung Quốc quý 2/2018 được đưa ra. Báo cáo này sẽ cho thấy bức tranh toàn cảnh về kinh tế Trung Quốc trong nửa đầu năm 2018, dự kiến báo cáo được công bố vào ngày thứ Hai.(bizlive)
------------------------------

Trung Quốc kêu gọi Mỹ “cất khẩu súng” thuế quan để đàm phán

Trung Quốc ngày 12/7 cáo buộc Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại giữa hai nước và tuyên bố sẽ tự vệ, nhưng cũng kêu gọi Mỹ "cất khẩu súng" thuế quan để mở đường cho đàm phán - Reuters đưa tin.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Mỹ đang ở trong một trận chiến thương mại căng thẳng với Trung Quốc, nhưng mọi chuyện cuối cùng cùng sẽ được giải quyết.

"Những biện pháp được thực thi nhằm chống lại lợi ích của Trung Quốc cũng là chống lại lợi ích của các doanh nghiệp, người tiêu dùng, công nhân và nông dân Mỹ. Những biện pháp đó gây tổn hại cho tăng trưởng toàn cầu. Đó chẳng qua chỉ là sự bắt nạt thương mại", hãng tin Reuters dẫn lời Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen phát biểu trước báo giới tại Geneva, Thụy Sỹ.

Tuyên bố này được vị quan chức Trung Quốc đưa ra sau một cuộc rà soát định kỳ hai năm một lần của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về chính sách thương mại của Bắc Kinh.

Chính quyền ông Trump đã áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc dựa trên Điều 301 của luật thương mại Mỹ, với cáo buộc cho rằng Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ Mỹ và có những chính sách công nghiệp không công bằng.

Mỹ nói rằng phần lớn những cáo buộc của nước này đối với Trung Quốc nằm ngoài phạm vi nguyên tắc của WTO, nhưng Mỹ cũng đã đâm đơn kiện Trung Quốc lên WTO nhằm chính thức hóa một phần tranh chấp thuộc phạm vi WTO.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có vi phạm quy định của WTO khi áp thuế trả đũa lên hàng Mỹ mà không có đơn kiện trước, ông Wang nói Trung Quốc không thể chờ hàng năm trời để đợi một phán quyết của WTO về hành động của Mỹ và Trung Quốc đã hành động "phù hợp với tinh thần của luật pháp quốc tế".

"Mỹ đã châm ngòi chiến tranh thương mại", ông Wang nói.

Ông Wang nói, ông đã từng tin rằng bốn vòng đàm phán cấp cao trong những tháng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ngăn chiến tranh thương mại nổ ra.

"Những cuộc đàm phán đó đạt tiến bộ, nhiều đến mức mà Chính phủ Mỹ nói họ sẽ dừng xung đột thương mại, nhưng đột nhiên họ tuyên bố áp thuế lên hàng hóa từ Trung Quôc", vị Thứ trưởng phát biểu.

"Để đàm phán thành công, mỗi bên cần cất khẩu súng đang kề vào bên kia đi đã", ông Wang phát biểu. "Nếu một bên cứ thay đổi liên tục, thì đàm phán cũng chẳng ích gì".(Vneconomy)
-------------------------

Chỉ số CPI của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng sáu năm qua

Bộ Lao động Mỹ ngày 12/7 công bố số liệu cho thấy việc giá thực phẩm, xăng, chi phí chăm sóc sức khỏe và y tế tăng lên khiến lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6/2018 của nước này ở mức cao trong sáu năm qua.

Sức ép đi lên đối với giá cả trong nền kinh tế Mỹ là rõ ràng ngay cả khi không tính giá thực phẩm và nhiên liệu hay biến động, giữa bối cảnh Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh các cuộc chiến thương mại với các đối tác thương mại của Mỹ. Xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn trong các tháng tới.

Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng 5/2018.
Không tính giá thực phẩm và nhiên liệu, CPI “lõi” trong tháng 6/2018 của Mỹ tăng 0,2% do chi phí chăm sóc sức khỏe, giá ô tô và giải trí gia tăng.

So với cùng kỳ năm ngoái, CPI “lõi” tăng 2,3%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1/2017.
 


Máy giặt là một mặt hàng chứng kiến mức tăng giá kỷ lục 2,8% - mức tăng giá lớn nhất kể từ khi Bộ Lao động bắt đầu thu thập số liệu từ tháng 12/1977 - sau khi chính quyền Trump áp thuế đối với sản phẩm này.

Trong 12 tháng qua, CPI tăng 2,9% và cao bằng mức đã ghi nhận trong tháng 5/2018, là mức cao nhất kể từ tháng 2/2012.

Fed được cho là sẽ dõi theo sức ép gia tăng đối với giá cả và có thể nâng lãi suất hai lần nữa trong năm nay.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 12/7 cho biết ngân sách liên bang Mỹ đã thâm hụt 74,9 tỷ USD trong tháng 6/2018, do thuế doanh nghiệp giảm mạnh so với năm ngoái. Nguồn thu từ thuế doanh nghiệp Mỹ trong tháng 6/2018 chỉ ở mức 41 tỷ USD, giảm 20 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán ngân sách nước này sẽ thâm hụt 793 tỷ USD trong cả năm ngân sách tài chính, một phần do tác động của việc Washington thông qua dự luật cải cách thuế hồi tháng 12 năm ngoái và tăng chi tiêu đã được thông qua hồi đầu năm nay (Vietnam+)

Trở về

Bài cùng chuyên mục