tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 14-07-2018

  • Cập nhật : 14/07/2018

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có đẩy giá USD lên?

Giá USD vừa trải qua đợt tăng kéo dài gần một tháng, đến nay vẫn còn ở mức cao. Vậy trong sáu tháng cuối năm, trước áp lực cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, giá USD có còn đi lên?

du bao gia ban usd cao nhat cuoi nam nay se vao khoang 23.300 dong/usd. trong anh la giao dich usd tai ngan hang - anh: quang dinh.

Dự báo giá bán USD cao nhất cuối năm nay sẽ vào khoảng 23.300 đồng/USD. Trong ảnh là giao dịch USD tại ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH.

Hôm nay, 13-7, giá bán USD tại các ngân hàng có dấu hiệu nhích lên. Tại Sacombank, giá bán USD lên mức 23.101 đồng/USD, cũng là mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Giá bán USD tại Vietcombank và Eximbank cũng tăng nhẹ lên mức 23.080 đồng/USD.

Giá mua USD tiền mặt hiện dao động từ 23.008 đến 23.010 đồng/USD.

Còn tại thị trường tự do, giá bán USD đang dao động ở mức 23.190 -23.200 đồng/USD.

Như vậy, hiện giá bán USD tại thị trường tự do lẫn ngân hàng đều trên ngưỡng 23.000 đồng/USD. 

Câu hỏi đặt ra là liệu những tháng cuối năm, thị trường có còn nổi sóng?

Theo phân tích của Ngân hàng Vietinbank, trong những tháng cuối năm, áp lực lên tỉ giá trong nước sẽ lớn hơn so với nửa đầu năm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất. 

Sự cải thiện tích cực của kinh tế Mỹ do đạo luật cải cách thuế, cũng như căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể mang tới những yếu tố hỗ trợ cho sự lên giá của đồng USD trong nửa cuối năm nay. 

Bên cạnh đó việc Mỹ tăng cường dựng lên các hàng rào bảo hộ mậu dịch sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam, nước đang có mức xuất siêu lớn tới Mỹ. 

Ngoài ra, nhập siêu có khả năng tăng trở lại và biến động của dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là khi những thương vụ IPO "bom tấn" như của Vinhomes, Techcombank không còn cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến tỉ giá.

Tuy nhiên, theo phân tích của Vietinbank, với việc dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử, Ngân hàng Nhà nước có nhiều khả năng hơn trong việc điều tiết, giữ ổn định cho tình hình tỉ giá.

Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trong 6 tháng cuối năm cũng được dự báo tiếp tục có sự cải thiện trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục nỗ lực tháo gỡ các nút thắt về thủ tục đầu tư, nhằm đưa dòng vốn vào nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng.

Bên cạnh đó, thỏa thuận thương mại tự do đa phương CPTPP kỳ vọng chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay sẽ mang đến những động lực mới thúc đẩy giải ngân FDI trong 6 tháng cuối năm 2018.

Dự báo giá USD cao nhất sẽ vào khoảng 23.200 đồng/USD cuối quý 3 và khoảng 23.300 đồng/USD cuối quý 4.(Tuoitre)
---------------------------

Nhân dân tệ mất giá: Đồng VND có nên giảm giá theo?

Khi đồng CNY mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa...

CNY mất giá mạnh gây ảnh hưởng tiêu cực lên cán cân thương mại của Việt Nam 

Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại đặc biệt quan trọng với Việt Nam. Hiện Mỹ đã vượt EU thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 21,5 tỷ USD sau 6 tháng đầu năm, tăng 9,2% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, Trung Quốc lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đạt 31,1 tỷ USD (tăng 15,6%), chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu. 

Kim ngạch nhập khẩu lớn đã giúp Trung Quốc thay thế Hàn Quốc trở lại thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2018.

Theo đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự mất giá của đồng CNY thời gian qua có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Tính tới cuối quý II/2018, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm khoảng 30 tỷ USD so với quý I. Điều này có thể phản ánh thế bị động của Ngân hàng TW Trung Quốc (PBoC) trong sự kiện đồng CNY mất giá mạnh so với USD. Khả năng lớn là khối ngoại đã bắt đầu rút vốn khỏi Trung Quốc khiến PBoC phải giảm dự trữ ngoại hối để giữ giá đồng CNY. 

Hiện nay, đồng VND vẫn đang được neo giá theo đồng USD. Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, thì việc đồng CNY giảm giá so với USD cũng đồng nghĩa với việc giảm giá so với VND, điều này sẽ có lợi cho việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam và ngược lại, bất lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc. Điều này sẽ khiến cho cán cân thương mại của Việt Nam gặp bất lợi.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, khi đồng CNY mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa. 

Theo đó, đại diện VEPR cho rằng, Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, tức là giảm giá đồng VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của đồng CNY so với USD. 

Giải thích rõ hơn, VEPR cho rằng, với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu sang Mỹ. Việc tận dụng hai thị trường lớn này có thể cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.

Cần tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối

Theo dự đoán của giới phân tích, thì trong thời gian tới, tỷ giá trong nước sẽ vẫn chịu nhiều sức ép tăng mạnh trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế bộc lộ những lo ngại khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang. 

Giống như quý I, thặng dư thương mại cùng với lượng vốn FDI giải ngân cao đã cho phép NHNN tiếp tục mua vào ngoại tệ để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối trong quý II. 

Cụ thể, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trong phiên họp trực tuyến của Chính phủ ngày 2/7, NHNN đã mua vào khoảng 11 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018. Điều này dẫn tới dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục 63,5 tỷ USD. 

Tuy nhiên, lượng ngoại hối này cũng chỉ tương đương khoảng 13 tuần nhập khẩu, bằng với mức khuyến nghị của IMF về lượng dự trữ ngoại hối tối thiểu một quốc gia cần nắm giữ. Theo đó, VEPR cho rằng, Việt Nam vẫn cần tiếp tục tích lũy thêm dự trữ ngoại hối để tự tin hơn trong quá trình hội nhập. (Bizlive)
------------------------------

Ngân hàng Trung ương Thái Lan cảnh báo khả năng đồng baht mất giá

Theo BoT, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nền kinh tế lớn cũng như những tranh chấp thương mại đang diễn ra, khiến đồng baht có khả năng mất giá.

Tuy nhiên, BoT nhận định rằng trước biến động về tiền tệ trên phạm vi toàn cầu, Thái Lan sẽ không phải đối mặt với nhiều quan ngại do dự trữ ngoại hối của nước này vẫn ở mức cao, giá trị cán cân tài khoản vãng lai lớn và nợ dưới hình thức ngoại tệ thấp. Đây là những yếu tố căn bản của nền kinh tế giúp hạn chế những ảnh hưởng. Cụ thể, cán cân tài khoản vãng lai ở mức 40 tỷ USD giúp hạn chế ảnh hưởng của dòng vốn chảy ra nước ngoài.

Kiểm tiền baht của Thái Lan tại ngân hàng Krung Thai ở Bangkok. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan trong quý I/2018 đã tăng 4,8%, cao hơn so với con số 4% được ghi nhận được trong quý IV/2017 và là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Hoạt động xuất khẩu và du lịch sôi động đã góp phần giúp kinh tế Thái Lan tăng trưởng cao. Chi tiêu tiêu dùng tư nhân tăng 3,6%, nhích nhẹ so với mức 3,4% trong quý trước đó, trong lúc đầu tư tư nhân tăng 3,1% và cao hơn con số 2,4% của quý IV/2017. Sau khi kết quả tăng trưởng lạc quan trên được đưa ra, Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoT nâng dự báo tăng trưởng kinh tế nước này từ 4,1% lên mức 4,4%.(TTXVN)
----------------------------

VND sẽ chuyển biến thế nào trước tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?

Trong vòng xoáy của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tiền đồng sẽ thay đổi như thế nào so với đồng Nhân dân tệ?

Hơn 8 năm VND mất giá 30% so với CNY

Tính từ đầu năm 2010, khi tỷ giá CNY/VND đang ở mức 2.628 đồng “ăn” 1 Nhân dân tệ, thống kê số liệu từ Ngân hàng Nhà nước từ năm 2010 trở lại đây, trong hơn 8,5 năm qua tiền đồng đã mất giá gần 30% so với đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc.

Như vậy, mỗi năm tiền đồng mất giá bình quân gần 4% so với đồng Nhân dân tệ.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.  

Tại thời điểm đầu năm 2010, khi tỷ giá CNY/VND là 2.628, sau một năm tiền đồng mất giá 9% so với Nhân dân tệ, ở mức 2.868 đồng “ăn” 1 Nhân dân tệ vào đầu năm 2011.

Tiếp đến năm 2012, tiền đồng tiếp tục mất giá mạnh tới 15%, phải mất 3.300 đồng mới “ăn” 1 Nhân dân tệ. Nguyên nhân, đầu năm 2012 là hệ quả của việc tiền đồng bị phá giá 9,3% so với USD vào tháng 2/2011.

Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2016, tỷ giá CNY/VND khá ổn định khi năm 2013, tiền đồng chỉ mất giá 1% và năm 2014 mất giá thêm 4%.

Nhưng tình thế đã đảo ngược khi 3 năm tiếp theo là năm 2015, năm 2016 và năm 2017 tiền đồng lại lên giá tương ứng: 1%, 2% và 6%.

Điều này khiến tiền đồng lấy lại thế cân bằng khi đầu năm 2017 ở mức 3.186 đồng “ăn” 1 Nhân dân tệ. Mức giá này còn thấp hơn cả mức giá 3.300 đồng “ăn” 1 Nhân dân tệ đầu năm 2012.

Điểm chú ý, tháng 8/2015 khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ tới 4,6% khiến thế giới chao đảo thì tiền đồng lại lên giá gần 2% và ở mức 3.377 VND/CNY tại thời điểm cuối năm 2015.

VND ảnh hưởng gì từ tác động chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?

Nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo, tỷ giá CNY/VND sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang.

Với cuộc chiến này, nếu Trung Quốc buộc phải phá đồng Nhân dân tệ nhằm ngăn chặn dòng vốn ngoại rút khỏi nước này dù nó là “con dao hai lưỡi”. Nếu điều này xảy ra, những biến động của đồng CNY cũng có tác động nhất định lên VND, vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. 

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước  

Điều này có thể thấy rõ ràng trong năm 2015, sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ ở mức 4,6% khiến cho thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Để ứng phó với những biến động này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam buộc phải điều chỉnh tỷ giá USD/VND tăng thêm 1%, đồng thời nới biên độ giao dịch tỷ giá từ +/- 1% lên +/- 3%.

Cuối năm 2015, VND mất giá 5,4% so với USD để làm giảm tác động lên giá của VND so với CNY. Kết quả, cuối năm 2015, tỷ giá CNY/VND giảm 2% và ở mức 3.372 CNY/VND, giảm 60 đồng so với mức 3.432 CNY/VND đầu năm 2015.

Khởi động năm 2018, tiền đồng ở mức 3.419 đồng “ăn” 1 Nhân dân tệ. Ở mức này, tiền đồng đã mất giá 7% so với đầu năm 2017.

Diễn biến trong năm 2018, tiền đồng tiếp tục rớt giá tính đến hết quý I/2018, mất giá 4,6% so với đầu năm và ở mức 3.576 đồng “ăn” 1 Nhân dân tệ.

Tính thời điểm ngày 12/7/2018, tỷ giá CNY/VND đang ở mức 3.399 đồng “ăn” 1 Nhân dân tệ, giảm nhẹ so với đầu năm 2018, nghĩa là tiền đồng lại lên giá 1%, tương ứng giảm 20 đồng so với Nhân dân tệ.

Nếu so với thời điểm cuối quý I/2018, tiền đồng đã lên giá 5%, tương đương giảm 177 đồng so với Nhân dân tệ.

Ngày 12/7/2018, tỷ giá CNY/VND tại một số ngân hàng TMCP có sự chênh lệch so với Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, tỷ giá bán ra tại Vietcombank và BIDV là 3.488 CNY/VND, Techcombank là 3.399 CNY/VND...

Điều này cho thấy, tiền đồng sẽ có nhiều biến động so với Nhân dân tệ và đặc biệt khi nó sẽ bị tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đây là 2 quốc gia có thương mại xuất nhập khẩu lớn đối với Việt Nam.

Nếu Trung Quốc càng phá giá đồng Nhân dân tệ so với USD, tiền đồng sẽ càng lên giá so với CNY (nếu tỷ giá USD/VND không biến động nhiều), nếu tỷ giá USD/VND cũng tăng mạnh hơn tỷ giá USD/CNY thì VND sẽ mất giá kép so với cả đồng USD và CNY.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 425 tỷ USD. Trong đó, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc chiếm 22% và đạt 93,6 tỷ USD (xuất khẩu 35 tỷ USD), giá trị kim ngạch với Mỹ chiếm gần 12% và đạt 50,8 tỷ USD (xuất khẩu 41,6 tỷ USD). Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 23 tỷ USD và xuất siêu sang Mỹ 32,4 tỷ USD năm 2017.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam, hiện chúng ta vẫn chưa tính được sự thiệt hại của Việt Nam trong việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu vào hàng hoá Trung Quốc, vì chưa tính được trong số hàng hoá đó có tỷ trọng hàng hoá Việt Nam xuất khẩu trong đó là bao nhiêu?

Do vậy, câu chuyện thương mại và câu chuyện tỷ giá sẽ là một bài toán khó cho Ngân hàng Nhà nước trong vấn đề tỷ giá CNY/VND, và tỷ giá USD/VND sẽ là sự điều chỉnh cho tỷ giá CNY/VND ở thế có lợi cho VND.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục