tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 15-05-2016

  • Cập nhật : 15/05/2016

Ngân hàng lãi lớn từ mua bán ngoại tệ

Báo cáo tài chính quý I/2016 của các ngân hàng cho thấy đã có lãi lớn từ kinh doanh ngoại tệ sau nhiều quý sụt giảm hay chịu lỗ.

Vietcombank lãi thuần quý I từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 564 tỉ đồng, tăng gần 20%; VietinBank đạt hơn 221 tỉ đồng, tăng gấp 6 lần; BIDV đạt 90 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần; ACB tăng 42,5 tỉ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng Techcombank lãi gần 75 tỉ đồng so cùng kỳ năm ngoái bị lỗ 1,85 tỉ đồng và cả năm 2015 lỗ đến 192 tỉ đồng. Ở VIB, năm ngoái ngân hàng này kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 20 tỉ đồng, nay đã lãi gần 26 tỉ đồng. Theo đó, lãi hoạt động kinh doanh ngoại hối đến từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay chiếm phần lớn.

phai chang ty gia on dinh da giup kinh doanh ngoai hoi cua nh khoi sac tro lai, thay vi chiu lo nhu 2 nam truoc?

Phải chăng tỷ giá ổn định đã giúp kinh doanh ngoại hối của NH khởi sắc trở lại, thay vì chịu lỗ như 2 năm trước?

Thông thường lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng đến từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay, thu từ kinh doanh vàng, thu từ các hoạt động tài chính phái sinh sau khi trừ đi chi phí. Trong đó ở hầu hết các ngân hàng lãi từ hoạt động kinh doanh vàng đóng góp không đáng kể trong quý I/2016, kinh doanh vàng đã từng khiến nhiều ngân hàng chịu lỗ các năm 2012-2013.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay lại khá khởi sắc trong quý này. Theo cách hiểu phổ biến, đây là giao dịch mua bán ngoại tệ theo tỷ giá được xác định vào ngày giao dịch, việc thanh toán được thực hiện trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày giao dịch. Một diễn biến khác là tỷ giá trong những tháng đầu năm 2016 khá ổn định. Tỷ giá trung tâm của NHNN có những phiên tăng mạnh nhưng có giảm và nhìn chung không có sự đột biến đáng kể.

Theo TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học ngân hàng TPHCM, một số ngân hàngTMCP như ACB, Vietcombank từng ghi nhận lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối tích cực ở những năm trước, khi hoạt động giao dịch mua bán quốc tế và trong nước (giao dịch 2 chiều) được phép.

Còn thời gian gần đây, kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng chủ yếu đến từ một số mảng: Dịch vụ môi giới mua bán ngoại tệ (mua khách hàng có nhu cầu bán và bán ngay cho người mua để hưởng chênh lệch và giữ nguyên trạng thái ngoại tệ); có thể lấy từ nguồn USD huy động từ khách hàng rồi bán lại cho người mua; giao dịch ngoại tệ phái sinh. Đây thực chất là các hợp đồng forward, tức các hợp đồng kỳ hạn với khách hàng, đặc biệt là với khách hàng xuất nhập khẩu.

Trong trường hợp giao dịch phái sinh, thông thường hiện nay các ngân hàng ký với các doanh nghiệp cần lượng ngoại tệ trong vòng 3-6 tháng tới để nhập hàng đề phòng trường hợp USD lên giá. Khi đó để duy trì trạng thái ngoại tệ, các ngân hàng lập tức đi mua lại ngoại tệ trên thị trường quốc tế hoặc các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam bằng các hợp đồng kỳ hạn để bù đắp lượng ngoại tệ bán ra. Bằng cách này, ngân hàng sẽ được hưởng chênh lệch tỷ giá khi mua bán các sản phẩm phái sinh.

Một yếu tố nữa giúp việc kinh doanh ngoại hối khởi sắc là do chính sách lãi suất 0% và sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá liên ngân hàng góp phần giúp tỷ giá USD ổn định. Trong khi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sợ tỷ giá tăng và có nhu cầu thực ngoại tệ nên buộc phải mua bảo hiểm rủi ro tỷ giá bằng cách mua các hợp đồng kỳ hạn từ ngân hàng.

Như vậy, tỷ giá ổn định trong thời gian qua cũng đã góp phần giúp các ngân hàng thu lợi từ hoạt động ngoại hối. Riêng hoạt động tự doanh sản phẩm phái sinh đóng góp rất lớn vào hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng.


Doanh nghiệp dệt may còn thờ ơ với “tài sản vô hình”

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)- “tài sản vô hình” ngày càng khẳng định là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị và tính cạnh tranh của DN trên thị trường, đặc biệt là các DN trong ngành dệt may. Tuy nhiên, ít có DN “mặn mà” bảo vệ “tài sản vô hình” là thương hiệu, nhãn hiệu của mình để rồi khi “mất bò mới lo làm chuồng”.

hoat dong sx tai cong ty tnhh happytex. anh: h.nu.

Hoạt động SX tại Công ty TNHH Happytex. Ảnh: H.Nụ.

Chưa chủ động

Theo ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục SHTT, SHTT là công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng. Tuy nhiên, việc sử dụng, khai thác cũng như định giá tài sản ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Nhiều DN trong ngành dệt may chưa thực sự nhận thức rõ vai trò của SHTT là một công cụ quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan Nhà nước cũng chậm ban hành những cơ chế hỗ trợ như định giá, thương mại hóa loại sản phẩm này. Do đó, chưa đưa SHTT trở thành một ngành kinh tế, có đóng góp giá trị cao cho DN.

Số liệu đưa ra tại hội thảo “Sử dụng công cụ SHTT để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” diễn ra mới đây tại Hà Nội cho thấy, trong số 49 công ty thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam chỉ có 30 công ty đăng ký nhãn hiệu với tổng số nhãn hiệu được đăng ký là 266 và 19 công ty còn lại chưa đăng ký nhãn hiệu và không có bất cứ đăng ký bảo hộ nào về sáng chế và kiểu dáng công nghiệp. Các đơn vị đăng ký nhãn hiệu tập trung vào logo của DN, sản phẩm may mặc; hầu như không có đơn đăng ký nhãn hiệu của sợi và vải. Trong số các DN đã đăng ký nhãn hiệu, có số ít các DN có đơn đăng ký nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài như Phong Phú, Việt Tiến, May 10…, còn lại các DN chủ yếu tập trung đăng ký nhãn hiệu tại thị trường trong nước.

Nói về thực tế này ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, các DN này thường chỉ chú trọng khâu sản xuất, còn khâu tiêu thụ phó mặc cho các đại lý, đối tác kinh doanh. Tranh chấp xảy ra khi các đại lý này đăng ký nhãn hiệu ở nước sở tại và coi như nhãn hiệu của mình. Trước đây, thông tin đại chúng đã nhiều lần đề cập đến các DN Việt Nam phải đối mặt với vấn đề bị các công ty nước ngoài ăn cắp hoặc nhái nhãn hiệu trên thị trường quốc tế, kéo theo đó là hàng loạt các vụ tranh chấp thương hiệu diễn ra như SABECO ở thị trường Singapore; Vinataba ở thị trường châu Á; Biti’s, kẹo dừa Bến Tre ở Trung Quốc; bánh phồng tôm Sa Giang ở Pháp; Trung Nguyên ở Nhật, Mỹ và đặc biệt là ở thị trường Mỹ với các thương hiệu lớn của Việt Nam như PetroVietNam, Vifon, Saigon Export, Việt Tiến... Mất nhãn hiệu không chỉ là mất đi thị trường, mất bạn hàng, mất thương hiệu mà sẽ thiệt hại, tốn kém rất lớn cho các DN.

Điều đáng báo động với nhiều DN nước ta, kể cả những DN lớn là vẫn còn “thờ ơ” với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài. Theo con số thống kê của Cục SHTT, chỉ có khoảng 1.000 nhãn hiệu của các DN nước ta được đăng ký ở nước ngoài. Đây là con số quá nhỏ so với thực tế tình hình XK của nước ta hiện nay.

Ông Lại Tiến Mạnh, đại diện của Brand Finance tại Việt Nam cho rằng, “tài sản vô hình” tạo giá trị đáng kể cho DN. Tuy nhiên, nó là một khu vực ít được chú ý nhất trong quản lý. Chỉ có 38% DN Việt Nam quan tâm đến “tài sản vô hình”, điều này cho thấy thương hiệu cần phải được chú trọng nhiều hơn trong việc thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh tổng thể.

Cần đầu tư, sáng tạo

“Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), muốn nâng cao năng lực sản xuất, giữ vững và mở rộng thị trường, thì một trong những công cụ quan trọng là SHTT. Dệt may cũng như các sản phẩm hàng hóa khác đều có thể bị làm giả, làm nhái ở trong nước và quốc tế. Vì vậy, SHTT là công cụ hữu dụng để bảo vệ cho DN. DN cần bảo hộ quyền SHTT cả ở trong nước và nước ngoài vì quyền SHTT chỉ có giá trị trong phạm vi lãnh thổ. Khi đăng ký bảo hộ SHTT tại các nước sở tại, nếu sản phẩm của DN bị xâm phạm, lúc đó, DN Việt Nam sẽ được hệ thống luật pháp của nước đó bảo vệ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức và sự hiểu biết của các DN. Khi DN nhận thức được tầm quan trọng của nhãn hiệu thì nhãn hiệu sẽ được đăng ký ở nước ngoài và ở những thị trường XK quan trọng”, ông Lâm nhấn mạnh.

Ông Lâm cũng cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dệt may, các DN trong ngành cần đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để thiết lập, bảo vệ và khai thác quyền SHTT. Cụ thể, các đối tượng SHTT cần tập trung vào ba yếu tố. Thứ nhất là kiểu dáng công nghiệp, DN cần nghiên cứu thị trường nhằm tạo ra các sản phẩm thời trang, mẫu vải mới… Đăng ký sở hữu công nghiệp để ngăn cấm người khác khai thác kiểu dáng công nghiệp. Thứ hai là sáng chế. Giải pháp sáng tạo mang tính kỹ thuật - được bảo hộ bởi Bằng độc quyền sáng chế là biện pháp công nghệ hữu hiệu để DN dệt may vươn lên trong quá trình cạnh tranh. Việc đăng ký và sử dụng sáng chế còn giúp thu hút các đối tác kinh doanh và các nhà đầu tư. Thứ ba, nhãn hiệu - là phương tiện điển hình nhất để phân biệt sản phẩm/ dịch vụ của một nhà sản xuất/ nhà cung cấp dịch vụ với các sản phẩm/ dịch vụ cùng loại của đối thủ cạnh tranh, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, Trưởng ban Kỹ thuật Công nghệ- Tập đoàn Dệt may Việt Nam, để tạo điều kiện tốt nhất cho các DN trong ngành sử dụng công cụ SHTT, cơ quan quản lý cần rút ngắn thời gian chờ để đăng ký nhãn hiệu (hiện đang là 12 tháng), bởi sản phẩm dệt may mang tính thời trang. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ DN trong lĩnh vực SHTT. Đặc biệt, một mặt cần xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái; mặt khác, truyền thông nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong nhận diện hàng giả, hàng nhái…

Chia sẻ kinh nghiệm trong bảo vệ sản phẩm của mình, ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty May 10 cho biết, hiện tại đơn vị đang đào tạo đội ngũ thiết kế nhiều kinh nghiệm, sáng tạo không ngừng và thay đổi liên tục mẫu mã nhằm đưa tốc độ sản phẩm ra thị trường nhanh nhất để các DN khác có nhái lại mẫu mã thì cũng đã cũ, lỗi mốt. Đồng thời, công ty cũng áp dụng công nghệ để truy suất sản phẩm bằng mã vạch, tem chống hàng giả, sợi chống hàng giả dệt vào nhãn sản phẩm để nhận biết hàng do mình sản xuất. Bởi ngoài việc người tiêu dùng cần thông minh hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm thì chính các DN phải tự bảo vệ nhãn hiệu và thị trường của mình trước sự sôi động của nền kinh tế thế giới.


Nhà băng có chịu đánh đổi lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay?

Sau lời “hiệu triệu” các ngân hàng giảm lãi suất cho vay của Thống đốc Lê Minh Hưng, đã có vài động thái đồng thuận ban đầu của các ông lớn trong ngành. Tuy nhiên, mục tiêu giảm lãi suất đang đặt ra không ít hoài nghi, thậm chí lo ngại rằng đây sẽ chỉ là lời hứa suông.
Câu hỏi lãi suất ngân hàng có giảm được hay không đang là băn khoăn lớn của các doanh nghiệp, cá nhân dành cho ngành ngân hàng. Bởi đây sẽ là động lực quan trọng giúp vực dậy các doanh nghiệp trong nước vốn đang gặp khó đủ bề.
Trước vấn đề này, có nhiều ý kiến trái chiều nhau, người cho rằng giảm lãi suất được, kẻ bảo không. Vậy cốt lõi của vấn đề giảm lãi suất ngân hàng là gì? Liệu lãi suất có thể giảm? Và lãi suất giảm có thực sự gây ra nhiều khó khăn cho ngân hàng?
Ở chiều hoài nghi, có nhiều lý do để tin rằng các ngân hàng sẽ khó có thể giảm lãi suất. TS. Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhận định: “Ngân hàng khó có thể giảm lãi suất, vì room để giảm lãi suất là không nhiều. NIM là 2,7% đã là khá thấp”. Do vậy, kỳ vọng ngân hàng giảm lãi suất trong thời gian này là khó khăn.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì cho rằng lãi suất ngân hàng sẽ khó giảm nếu như tình hình xử lý nợ xấu như hiện nay chỉ mang tính chất “lấy thảm che rác”.
Những nhận định này dường như sẽ trở thành tiếng nói bênh vực cho ngành ngân hàng trước việc các ngân hàng đang “chây ỳ”, chậm chạp trong vấn đề đưa ra phương án giảm lãi suất tín dụng. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất ngân hàng có thực sự khó đến thế?
 
“Thế giới làm được thì ta làm được”
Trái với những nhận định trên, TS. Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia nhận định: “Cá nhân tôi cho rằng việc chúng ta hạ lãi suất xuống từ xấp xỉ 1% cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn là hoàn toàn có thể làm được”.
Ông Phước phân tích, chúng ta cần đặt vấn đề lãi suất trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập. Những nền kinh tế đầu tầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đang gặp khó khăn. Chính họ đang phải tiếp tục đưa ra những gói nới lỏng định lượng, cũng như hạ lãi suất, thậm chí Ngân hàng Trung ương châu Âu còn chuyển sang lãi suất bằng 0 hoặc âm.
“Việt Nam không kỳ vọng lãi suất âm. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế vĩ mô đã được ổn định, lạm phát xuống thấp, năm 2014 là 1,8%, năm 2015 là 0,63%. Đó là điều kiện khách quan để hạ lãi suất”, ông Phước phân tích.
Ông Phước cho biết thêm: “Tôi không nghĩ khi chúng ta hạ lãi suất cho vay, kéo theo giảm lãi suất huy động, sẽ tạo ra khó khăn trong việc huy động vốn”. Bởi hệ thống ngân hàng không chỉ sinh lời dựa trên chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động một cách thuần túy. Mà ngân hàng sẽ hưởng lợi dựa trên lãi suất ròng.
Đánh giá về nhận định nợ xấu cản bước lùi của lãi suất, ông Phước cho biết: “Nhận định này đúng nhưng chưa đủ”. Đúng là nợ xấu khiến các tổ chức tín dụng không hạ được lãi suất. Nhưng nếu chúng ta có thể hạ lãi suất mà đảm bảo chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động, như vậy là ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, tăng tổng dư nợ thì có thể đem đến lợi nhuận. Từ đó, ngân hàng vẫn có lợi mà vẫn tạo được sự phát triển chung.
Từ những phân tích trên ông Phước cũng cho rằng việc giảm lãi suất của ngân hàng ở thời điểm này sẽ phải đánh đổi bằng việc hệ thống ngân hàng không được hưởng lợi nhiều từ hoạt động tín dụng. Điều này đương nhiên sẽ gây ra nhiều khó khăn cho ngân hàng. Tuy nhiên đây là cái giá chúng ta phải chấp nhận vì ngân hàng là một hệ thống lớn, sinh lời dựa trên mô hình vĩ mô, không đơn thuần là việc tăng giảm lãi suất trong một khoảng thời gian.
Ông Phước cho biết thêm: Doanh nghiệp tư nhân sẽ là chỗ dựa của nền kinh tế Việt Nam. Vì thế mà những chính sách trong thời gian tới của chính phủ sẽ hướng hỗ trợ hết sức cho doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Làm thế nào để có thể giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển cũng sẽ là một vấn đề mà ngân hàng phải quan tâm trong thời gian sắp tới.

Một ngân hàng thương mại Việt Nam bị tấn công mạng

Các nhà nghiên cứu bảo mật ở Anh cho hay có một ngân hàng thương mại Việt Nam vừa là mục tiêu của phần mềm độc hại từng được sử dụng trong vụ trộm 101 triệu USD từ Ngân hàng Trung ương Bangladesh.

Những kẻ tội phạm từng đánh cắp 101 triệu USD từ Ngân hàng Trung ương Bangladesh có vẻ như vừa hoạt động một lần nữa.

Hôm 13.5, Hội Viễn thông tài chính Liên ngân hàng Thế giới (SWIFT), một tổ chức vận hành mạng thông tin liên kết hệ thống tài chính toàn cầu, cảnh báo khách hàng rằng vừa có ngân hàng thứ hai bị tấn công, và đây là “một phần của chiến dịch lớn và có độ thích nghi cao hơn”.

SWIFT cho hay dịch vụ mạng và tin nhắn cốt lõi của họ không bị ảnh hưởng. Họ cho rằng dưới đây là 4 cách mà hai cuộc tấn công nhà băng vừa rồi diễn ra: 1. Những kẻ tấn công dùng phần mềm độc hại để phá vỡ hệ thống an ninh địa phương của một ngân hàng; 2. Chúng có thông tin cho phép truy cập vào các mạng tin nhắn của SWIFT; 3. Tin nhắn lừa đảo được gửi qua mạng SWIFT để bắt đầu chuyển khoản tiền mặt; 4. Những kẻ tấn công giấu bằng chứng bằng cách loại bỏ một số dấu vết của thông điệp trên.

SWIFT viết trong một lá thư gửi đến khách hàng: “Những kẻ tấn công rõ ràng có kiến thức sâu và tốt để kiểm soát hoạt động cụ thể trong các ngân hàng mục tiêu - kiến thức đó có thể có được từ người trong cuộc, từ các vụ tấn công mạng, hoặc từ cả hai hình thức này”. Tổ chức không nêu tên cụ thể mục tiêu thứ nhì vừa bị tấn công hay đề cập đến khoản tiền mà nhà băng trên bị đánh cắp.

Các nhà nghiên cứu bảo mật từ nhà thầu quốc phòng Anh BAE Systems cho hay một ngân hàng thương mại ở Việt Nam từng là mục tiêu của phần mềm độc hại tương tự loại được sử dụng trong vụ trộm Ngân hàng Trung ương Bangladesh.

BAE Systems cho biết mã độc hại như trên cũng có thể được dùng trong cuộc tấn công vào hãng Sony năm 2014. Sau vụ hack vào Sony Pictures, tài liệu nội bộ từ studio, phim ảnh, các bản ghi nhớ, tiền lương nhân viên và các thông tin y tế bị rò rỉ.

“Những gì ban đầu dường như chỉ là sự cố độc lập tại một ngân hàng châu Á hóa ra là một phần của chiến dịch rộng lớn hơn”, các nhà nghiên cứu BAE Systems viết.

SWIFT thúc giục các khách hàng nhanh chóng tăng cường an ninh cho hệ thống phần mềm riêng của họ. Giới điều tra hiện vẫn chưa xác định bất kỳ nghi phạm nào trong vụ trộm từ Ngân hàng Trung ương Bangladesh.

Hồi đầu tháng 2, bọn tội phạm thực hiện được năm đợt chuyển tiền từ tài khoản Ngân hàng Trung ương Bangladesh tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở New York. Yêu cầu chuyển tiền trông như thật khi xuất phát từ một máy chủ Bangladesh. Những tên trộm cung cấp mã ngân hàng chính xác để thực hiện các đợt chuyển khoản.

Hầu hết số tiền bị đánh cắp đến các tài khoản nằm ở Philippines. Gần 20 triệu USD khác, số tiền nay đã được lấy lại, thì đến Sri Lanka. Nhóm tội phạm trên cố gắng đánh cắp thêm 850 triệu USD nữa nhưng yêu cầu chuyển khoản bị Fed New York từ chối.

Đại diện Fed New York, Ngân hàng Trung ương Bangladesh và SWIFT gặp gỡ hồi đầu tuần này ở Thụy Sĩ để bàn về vụ trộm trên. Các bên đồng ý hợp tác để thu hồi số tiền bị trộm và đưa nhóm tội phạm ra ánh sáng.


Với FED, chỉ có lịch sử và thị trường là quan trọng

Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trước cuộc họp tháng 12 năm nay, sự kiện đó sẽ được ghi dấu vào lịch sử phát triển chính sách của Mỹ.

Hãy quên những cuộc tranh luận của các vị quan chức hàng đầu của FED trong thời gian gần đây đi. Ủy ban Thị trưởng Mở Liên bang (FOMC) và chủ tịch Janet Yellen sẽ chỉ tăng lãi suất khi các thị trường tài chính cho thấy sự sẵn sàng cần thiết.

Theo nghiên cứu mới đây của Goldman Sachs, trong 25 năm qua, có tới 90% số lần FED tăng lãi suất trùng hợp với dự báo của thị trường (tỷ lệ dự báo > 70%).

Nếu lịch sử lập lại, chúng ta sẽ không thể thấy FED tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 và tháng 7 sắp tới. Do đó, những tuyên bố gần đầy của các quan chức FED về nền kinh tế đã sẵn sàng cho sự thay đổi mùa hè này sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới quyết định tăng lãi suất trong thời gian tới.

Nhà kinh tế Daan Struyven của Goldman Sachs cho rằng FED sẽ có một quyết định lịch sử nếu tăng lãi suất trong bối cảnh dự báo thị trường ở mức thấp, các số liệu yếu và hệ thống chính sách tiền tệ bất ổn như hiện nay.

Theo công cụ CME's Fed Watch, tính toán khả năng tăng lãi suất của FED trong tương lai, phải cho tới cuộc họp diễn ra vào tháng 12 năm nay, khả năng FED nâng lãi suất mới cao hơn 50%. Bên cạnh đó, những nhà đầu tư Phố Wall cũng đã không còn hy vọng vào việc FED sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm 2016.

Goldman Sachs mới đây cũng đã liên tiếp thay đổi dự báo về số lần tăng lãi suất của FED trong năm 2016. Ban đầu, ngân hàng này dự báo sẽ tăng 4 lần nhưng sau đó giảm dần còn 3 lần và mới nhất là 2 lần. Nguyên nhân khiến Goldman Sachs thay đổi quan điểm là bởi lạm phát vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp và thị trường lao động có dấu hiệu nguội lại.

Một nhà kinh tế tại Goldman khác – ông Zach Pandl – cho rằng sự bất ổn của chính sách tiền tệ nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong thời điểm này. Do đó, Goldman Sachs đã xem xét lại các dự báo ngắn hạn của mình về vấn đề tăng lãi suất của FED.

Trong tuần trước, gã khổng lồ BlackRock thậm chí đã dự báo rằng sẽ không có đợt tăng lãi suất nào trong năm 2016, trong khi đó ngân hàng Bank of America Merrill Lynch lạc quan hơn một chút với dự báo 1 lần tăng lãi suất vào tháng 12.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-05-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-05-2016

    Đã đến lúc cần nới lỏng chính sách tiền tệ!
    Tập đoàn Sanyo Homes Nhật Bản đầu tư phát triển dự án căn hộ tại TP.HCM
    Xử phạt 15 “đại gia” kinh doanh dược phẩm vi phạm
    Nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi Apple
    Kinh tế Trung Quốc lại “trục trặc“

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-05-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-05-2016

    Ngành dệt may sẽ có thêm 4 - 5 nhà máy sợi lớn
    Đừng ngại khi doanh nghiệp báo lỗ
    Quỹ Harbinger Capital của tỷ phú Philip Falcone sẽ đầu tư xây sân bay tại Bà Rịa-Vũng Tàu
    Nhà đầu tư và giới phân tích bất đồng về giá vàng tuần này
    Dầu ăn lại sắp “sôi”

  • Tin kinh tế đọc nhanh  sáng 16-05-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 16-05-2016

    Nguyên Thống đốc NHNN: Cẩn trọng khi vay 500 tấn vàng của dân!
    Đã có 7 thương hiệu Việt nhượng quyền ra nước ngoài
    Đưa kim ngạch thương mại VIệt Nam - Lào tăng 20% trong năm nay
    Dự án 4,2 tỷ USD Hồ Tràm Strip nhắm tới thị trường phía Bắc
    Dự án của Công ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam không thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư

  • Tin kinh tế đọc nhanh 16-05-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh 16-05-2016

    Alibaba bị nhóm chống hàng giả quốc tế đình chỉ
    IMF cảnh báo hậu quả kinh tế nếu Anh rời châu Âu
    Doanh số rượu giảm lần đầu tiên trong 20 năm
    Bộ NN&PTNT sẽ loại bỏ 37 ‘giấy phép con’ từ 1/7
    "Hồ sơ Panama bổ trợ cho thông tin của ngành thuế"

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-05-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-05-2016

    Ồ ạt nhập hàng từ các nước láng giềng
    Thị trường bất động sản TP.HCM 6 tháng đầu năm – Những điểm sáng
    Xuất khẩu đường Việt sụt giảm, thế giới lo hụt cung 6,8 triệu tấn
    Giá cao su tăng 44% so với đầu năm
    Mua toàn bộ tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-05-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-05-2016

    Vốn Nhật Bản đổ mạnh vào bất động sản Việt Nam
    Vnsteel tiếp tục dẫn đầu thị phần thép xây dựng
    Indonesia phản đối Singapore truy xét doanh nghiệp
    Nhiều doanh nghiệp dệt may kín đơn hàng đến cuối năm
    Nissan chi 2,2 tỷ USD mua cổ phần Mitsubishi

  • Tin kinh tế đọc nhanh 15-05-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh 15-05-2016

    Vàng khó nổi sóng lớn
    Đại gia phần mềm ngoại “ngắm” chứng khoán phái sinh Việt
    Đề xuất giảm thuế NK trứng Artemia xuống 0%
    Từ 1-7, nhiều dịch vụ xuất khẩu có mức thuế GTGT 0%
    Bất động sản: Chờ đợi sự đột phá cho các dự án sau M&A

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 14-05-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 14-05-2016

    Nhật Bản rót vốn đầu tư phát triển cảng biển Việt Nam
    Sẽ có dự án casino 4 tỷ USD tại Thủ Thiêm?
    Đua nhập bò Úc giá bèo 3USD/kg về vỗ béo bán thu siêu lợi nhuận
    Thịt, tôm, cá… hữu cơ Việt hút nhà đầu tư ngoại
    FedEx chính thức được mua lại TNT Express

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 14-05-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 14-05-2016

    Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi các hiệp định đầu tư với nước ngoài
    Brexit sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế Anh
    Bộ Năng lượng Mỹ dự báo giá dầu tăng tới 252 USD/thùng
    Vấn đề nợ công tại Hy Lạp và sự tồn vong của EU
    VinaCapital thoái toàn bộ vốn khỏi dự án Thế kỷ 21

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-05-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-05-2016

    Canh bạc mới của "Warren Buffett Trung Quốc"
    Úc xem xét nhập khẩu thanh long Việt Nam
    Tập đoàn HTC Group (Hàn Quốc) rót 8 triệu USD vào Hà Nam
    Hàng loạt đại gia Trung Quốc bị rò rỉ thông tin trên Twitter
    Apple không còn là công ty giá trị nhất thế giới