tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-08-2017

  • Cập nhật : 01/08/2017

Hoa Kỳ chưa đưa ra thời hạn việc điều tra thép nhập khẩu

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết Hoa Kỳ chưa đưa ra thời hạn cụ thể để ra quyết định trong vụ điều tra với sản phẩm thép theo mục 232 về vấn đề an ninh quốc gia.

Ngày 24/7/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã từ chối đưa ra lịch trình cụ thể sửa đổi liên quan đến quyết định của cơ quan này về việc liệu có áp đặt những hạn chế thương mại dựa trên lý do an ninh quốc gia đối với thép nhập khẩu, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump phát tín hiệu rằng tốc độ điều tra sẽ chậm lại.

Ngày 23/7, Tổng thống Trump phát biểu với tờ The Wall Street Journal rằng mặc dù đã có những lời hứa trong quá khứ của mình về việc phải hành động nhanh chóng để đưa ra quyết định về mức thuế nhập khẩu hoặc hạn ngạch có thể áp với sản phẩm thép, chính quyền Hoa Kỳ hiện tại đã lựa chọn việc hành động chậm lại.

Tổng thống Trump cho biết “Chúng tôi không muốn làm điều đó vào lúc này” “Bạn không thể chỉ bước vào và nói rằng tôi sẽ làm điều này” “Bạn phải nghiên cứu các quy định pháp luật… Điều này không diễn ra nhanh như vậy”. Sau đó Tổng thống Trump cho biết quyết định đối với vụ việc thép sẽ được xếp sau những vấn đề ưu tiên cấp bách hơn như là chăm sóc sức khỏe, cải cách thuế và chi tiêu cho hạ tầng cơ sở.

Tuyên bố này là một bước lùi so với những tuyên bố trong quá khứ của chính quyền Hoa Kỳ về vụ việc điều tra sản phẩm thép theo Mục 232 của Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962. Gần đây nhất, các viên chức chính quyền Trump đã cho biết rằng quyết định về vụ việc có thể được đưa ra vào trước cuối tháng 6.

Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Hoa Kỳ - cơ quan đang tiến hành cuộc điều tra, đã từ chối cho biết liệu chính quyền có dự kiến về thời điểm sẽ đưa ra quyết định hay không và chỉ nói rằng bình luận của Tổng thống đã là câu trả lời.

Theo mục 232, Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra hàng nhập khẩu nước ngoài để xác định liệu chúng có gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia hay không. Nếu cơ quan này phát hiện ra mối đe họa, họ sẽ đề xuất các biện pháp hạn chế thương mại cho Tổng thống, người sau đó có thể chấp nhận hoặc từ chối các đề xuất đó.

Tháng Tư vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng cuộc điều tra với sản phẩm thép theo Mục 232, đánh dấu lần đầu tiên luật này được sử dụng trở lại kể từ năm 2001. Một tuần sau đó, cơ quan này đã mở một cuộc điều tra tương tự với sản phẩm nhôm. Luật cho phép Bộ Thương mại có 270 ngày để đưa ra khuyến nghị của mình, tức là thời hạn để đưa ra quyết định cuối cùng dự kiến là vào tháng 1/2018.

Tuy nhiên, gần như ngay từ thời điểm cuộc điều tra được khởi xướng, Nhà Trắng đã tạo ấn tượng rằng vụ việc sẽ được tiến hành theo một thời gian biểu nhanh hơn nhiều, một quan điểm mà đã gây rất nhiều bất ngờ trong giới các nhà làm luật và lãnh đạo các doanh nghiệp.

Việc cơ quan điều tra sẽ áp dụng thuế hay các rào cản khác theo Mục 232 còn chưa rõ ràng do quy định về Mục 232 hiếm khi được sử dụng nên khó mà dự đoán được liệu cơ quan điều tra sẽ có cách tiếp cận mạnh mẽ hay không.

Các nhà ủng hộ tự do hóa thương mại lo ngại rằng việc cơ quan điều tra áp thuế cao có thể sẽ khiến các đối tác của Hoa Kỳ sử dụng biện pháp hạn chế thương mại tương tự để trả đũa.(Cục QUản lý cạnh tranh/NDH)
------------------------

Nhiều hứa hẹn khi chuyển đổi từ kinh tế hộ gia đình lên doanh nghiệp

Hiện nay nhiều hộ kinh doanh gia đình không muốn chuyển đổi lên thành doanh nghiệp do ngại thủ tục và chi phí phát sinh. Điều này vừa khiến ngân sách nhà nước thất thu vừa gây mất bình đẳng trong môi trường kinh doanh.

mot cua hang tap hoa quy mo lon o quan 6, tphcm (anh: sggp)

Một cửa hàng tạp hóa quy mô lớn ở quận 6, TPHCM (Ảnh: SGGP)

Mặc dù hiện nay, rất nhiều hộ kinh doanh có doanh thu cao, có đội ngũ nhân công đông đảo, nhưng vẫn chọn mô hình kinh doanh hộ gia đình. Trong khi đó, dù có nhiều thuận lợi, song mô hình hộ kinh doanh cũng đã xuất hiện những điểm hạn chế, khiến mô hình này khó có thể phát triển mạnh, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Trước thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, khi hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ là một bước ngoặt mới, doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn, chất lượng lao động, điều kiện, thu nhập, an toàn, phúc lợi và tính ổn định được nâng lên…

Là chủ một doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh gần 10 năm nay, ông Đỗ Hồng Chiêu, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ An Huy, xã Hà Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết, từ khi chuyển lên thành doanh nghiệp, doanh nghiệp của ông đã phát triển ở quy mô lớn hơn, sản xuất kinh doanh bài bản hơn. Mặc dù chỉ là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng công ty cũng được hưởng ưu đãi vốn, chính sách, thuế suất xuất khẩu 0%.

Ông Đỗ Hồng Chiêu chia sẻ: Hộ kinh doanh mang tính chất nhỏ lẻ và tính tự phát nhiều hơn. Khi trở thành doanh nghiệp thì có quy mô lớn hơn, bài bản hơn. Về tư cách pháp nhân được đại diện trước pháp luật ký kết các hợp đồng với đại diện các công ty trong nước, với các cơ quan Nhà nước, thậm chí ngành hàng của công ty là 70% xuất khẩu, xuất khẩu đi nước ngoài với tư cách pháp nhân thì mới đảm bảo được tính pháp lý.

Có thể thấy những lợi ích mà các hộ kinh tế gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp là khá lớn, tuy nhiên, trước hàng loạt những khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, phí… nhiều hộ kinh tế tư nhân vẫn còn do dự khi quyết định chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để có thể dễ dàng thực hiện và đạt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thì cần phải có động cơ kéo và đẩy. Động cơ đẩy để hộ kinh doanh có động lực và hiểu rõ, khi chuyển thành doanh nghiệp sẽ được hưởng thuận lợi hơn về thủ tục thuế và thấy được cơ hội lớn nhanh, lớn mạnh hơn. Còn động cơ kéo là môi trường kinh doanh lành mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, thực tế có nhiều hộ kinh doanh quy mô lớn không kém gì doanh nghiệp nhưng trách nhiệm với người lao động, nhất là trách nhiệm thuế, nghĩa vụ với Nhà nước lại thấp hơn so với nhiều doanh nghiệp đang hoạt động công khai, minh bạch.

Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định, hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, trước hết họ sẽ được tiếp cận vốn và các nguồn lực khác dễ hơn. Chẳng hạn với mô hình doanh nghiệp như công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần với hình thức huy động vốn hoặc vốn góp, thậm chí những công ty lớn hơn có thể huy động trên thị trường chứng khoán thì đây là một cách thức để lớn lên huy động vốn.

Để hộ kinh doanh thật sự thấy hào hứng khi “lên đời” doanh nghiệp, nhiều chuyên gia khuyến nghị, nên cải cách môi trường kinh doanh, tính đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong quá trình thúc đẩy hộ kinh doanh lên doanh nghiệp nên dùng các đòn bẩy kinh tế hơn là “mệnh lệnh hành chính”.

Từ đầu năm tới, Luật đưa ra chương trình hỗ trợ có mục tiêu hướng vào doanh nghiệp mới thành lập, chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, tiếp cận với hệ thống tín dụng chính thức mà không còn phải chạy vạy vay vốn phi chính thức nhiều rủi ro như trước đây.

Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân cho rằng: Nếu như cứ để hộ gia đình người ta quanh quẩn kinh doanh theo mô hình nhỏ, không đánh giá được như thế nào là hiệu quả nhất. vậy khi chuyển sang thành doanh nghiệp Nhà nước sẽ có chương trình hỗ trợ, hỗ trợ cho các chuyên gia, hỗ trợ lẫn chuyên môn cho việc kê khai sổ sách, hỗ trợ trong việc lập các đề án kinh doanh, phân tích đánh giá chiến lược kinh doanh. Những việc đó nếu hộ gia đình thắc mắc, thậm chí được lời khuyên được thêm hoạt động như thế và tự trình độ của họ sẽ nâng lên, doanh nghiệp làm ăn sẽ phát triển hơn.

Trước những lo ngại và khó khăn mà các hộ kinh tế tư nhân đang phải đối mặt, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, ngành Thuế đang nghiên cứu thêm giải pháp để từng bước quản lý tốt hơn doanh thu của hộ kinh doanh. Đặc biệt, sẽ nghiên cứu giải pháp hỗ trợ để hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ đánh giá những khó khăn thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ thấy được lợi ích về lâu về dài khi thực hiện việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp.(VOV)
--------------------

Người Việt chi hơn 1,2 tỷ USD mua ô tô ngoại trong 7 tháng

Tổng cục Thống kê ước tính trong tháng 7, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 6.000 ô tô nguyên chiếc với tổng giá trị khoảng 170 triệu USD.

So với tháng 6/2017, lượng ô tô nhập khẩu đã giảm 2.000 chiếc và 1 triệu USD về giá trị.

Tính chung 7 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu 57.000 ô tô nguyên chiếc với tổng giá trị là 1,214 tỷ USD, giảm tương ứng là 5,5% và hơn 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình, mỗi tháng người Việt chi 173,73 triệu USD để mua 8.143 ô tô ngoại.

Ngoài ra, trong 7 tháng qua, Việt Nam đã chi khoảng 250 triệu USD nhập khẩu xe máy và linh kiện, phụ tùng các loại; 560 triệu USD nhập khẩu các phương tiện vận tải khác.

Người Việt chi hơn 1,2 tỷ USD mua ô tô ngoại trong 7 tháng

Trước đó, theo báo cáo nửa đầu năm 2017 của Tổng cục Hải quan, lượng xe ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong 6 tháng đạt 51 nghìn chiếc, trị giá 1,04 tỷ USD, tăng 2,9% về lượng, giảm 15% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu trong 6 tháng/2017 đạt 26,6 nghìn chiếc, trị giá 449 triệu USD, tăng 30,1% về lượng và 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi theo thị trường 6 tháng năm 2017. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Indonesia là thị trường cung cấp nhiều ô tô nhập khẩu nhất cho Việt Nam trong nửa đầu năm với 8,9 nghìn chiếc, trị giá 171 triệu USD, tăng 66 lần về lượng và 103 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đơn giá khai báo bình quân đạt 19,3 nghìn USD/chiếc.

Thị trường Thái Lan đứng thứ 2 với 6,6 nghìn chiếc, trị giá 105 triệu USD, tăng 84,1% về lượng và 157,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đơn giá khai báo bình quân đạt 15,8 nghìn USD/chiếc.(NDH)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục