tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-12-2015

  • Cập nhật : 21/12/2015

Đà Nẵng: Một doanh nghiệp khởi kiện Hải Quan ra toà

da nang: mot doanh nghiep khoi kien hai quan ra toa

Đà Nẵng: Một doanh nghiệp khởi kiện Hải Quan ra toà

Toà án nhân dân TP Đà Nẵng đã có thông báo về việc thụ lý vụ án hành chính do Công ty Cổ phần Điện Trường Giang làm nguyên đơn, kiện Cục Hải Quan (HQ) TP Đà Nẵng “ yêu cầu huỷ quyết định 693/QĐ-HQĐNg ngày 3.12.2015… về việc ấn định thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (XNK) đối với công ty” vì cho rằng “việc áp mã số, thuế suất không đúng”.

Nội dung vụ kiện như sau: Ngày 10.4.2015, Cục Hải Quan TP Đà Nẵng đã có quyết định kiểm tra thông quan lô hàng “Máy cắt chân không/SF6-Điện áp 24KV” của Công ty CP Điện Trường Giang nhập từ nước ngoài về.

Kết quả cuộc kiểm tra, Cục HQ Đà Nẵng đã ra kết luận không thống nhất với khai báo của doanh nghiệp và cho rằng thiết bị trên là “Thiết bị ngắt có điện áp dưới 36KV (áp mã 8535.30)”, với thuế suất 10% (sau giảm còn 7%), đồng thời buộc doanh nghiệp phải nộp thuế hơn 3,3 tỷ đồng.

Cty CP Điện Trường Giang cho rằng việc áp mã như vậy là sai, vì lô hàng này thuộc phạm vi điều chỉnh của mã 8535.21 theo thông lệ chung trong danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu của các nước Ấn Độ, Úc, Trung Quốc… và mức thuế đối với mặt hàng này chỉ là 3%.

Vụ việc được đưa lên cấp cao hơn, và sau cuộc họp trao đổi với doanh nghiệp, Tổng cục HQ đã căn cứ vào mã XNK của Hải Quan Mỹ, áp mặt hàng này vào mã 8535.30 và thuế suất là 7%.

Trong lúc chưa thực hiện nghĩa vụ cung cấp tài liệu để chứng minh cho doanh nghiệp về luận cứ của mình (mã thuế HQ Mỹ đối với mặt hàng này), ngày 18.11.2015 Tổng cục HQ đã có công văn trả lời, đồng thời giữ nguyên quan điểm, áp dụng thuế suất 7% đối với lô hàng của doanh nghiệp.

Trên cơ sở này Cục HQ Đà Nẵng đã ban hành quyết định 693/QĐHQ, buộc doanh nghiệp phải nộp thuế hơn 3,3 tỷ đồng đối với lô hàng nêu trên.

Vì lý do này, ngày 5.12 Công ty CP Điện Trường Giang đã quyết định khởi kiện vụ án hành chính, kiện Cục Hải Quan Đà Nẵng ra Toà án ND thành phố Đà Nẵng, yêu cầu huỷ quyết định 693/QĐHQ của Hải Quan Đà Nẵng áp thuế suất 7% đối với lô hàng nhập khẩu máy ngắt mạch điện chân không của mình.

Ngày 11.12.2015, Toà án đã có thông báo “Thụ lý vụ án” gửi đến Cục HQ Đà Nẵng, yêu cầu trong vòng 15 ngày, phải nộp văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu vụ kiện và các tài liệu liên quan, căn cứ vào đó để ban hành quyết định.

Tháng 9.2007, Cục Hải Quan Đà Nẵng cũng đã từng bị Toà án Đà Nẵng buộc thu hồi một quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 15 triệu đồng, đồng thời trả lại cho doanh nghiệp 30 tấn gỗ sưa, trong vụ án hành chính, do một doanh nghiệp tại Đà Nẵng khởi kiện.


Ngành công nghiệp phục vụ cái chết kiếm hàng tỷ USD tại Nhật

Dân số già và thảm họa xảy ra liên miên khiến người Nhật quan tâm tới việc lo hậu sự, kéo theo ngành công nghiệp phục vụ cái chết phát triển.

Akira Okomoto ngồi dậy và trèo ra khỏi chiếc quan tài. “Rất thoải mái,” ông nhận xét. Theo Bloomberg, cảnh tượng này diễn ra ở một quán cafe ở phía tây Tokyo nơi một nhóm người tụ tập lại để thử “trải nghiệm quan tài”, mà theo lời chủ quán Masumi Murata là sẽ giúp người ta “trân trọng từng ngày được sống và nhận ra thứ gì thực sự quan trọng” khi suy nghĩ về cái chết.

Trận động đất và sóng thần năm 2011 lấy đi mạng sống của hơn 15.000 người. Động đất nhẹ thường xuyên xảy ra ở Nhật Bản và nguy cơ thảm họa vẫn luôn thường trực. Thêm vào đó, Nhật Bản còn là một trong những quốc gia có dân số già nhanh nhất thế giới và ngày càng có nhiều người phải sống đơn độc. Tất cả những điều này khiến cái chết trở thành chủ đề quen thuộc nơi đây, thu hút lượng lớn các công ty bao gồm Aeon và Yahoo Japan lấn sân sang ngành công nghiệp phục vụ cho cái chết, gọi là shukatsu.“Theo truyền thống, người ta thường được gia đình mai táng khi họ qua đời. Giờ đây, rất nhiều người lo lắng về việc sống một mình và bị xã hội cách ly. Thảm họa năm 2011 thêm một lần nữa khiến người ta nhận thấy rõ điều đó,” theo Akio Doteuchi, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu NLI.

nganh cong nghiep phuc vu cai chet phat trien tai nhat ban. anh: bloomberg

Ngành công nghiệp phục vụ cái chết phát triển tại Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Một triển lãm hồi đầu tháng 12 đã thu hút được 220 công ty trong ngành công nghiệp cái chết và hơn 22.000 người tham quan, theo Mayumi Tominaga, phát ngôn viên của triển lãm. Sản phầm gồm có đá xây mộ, xe tang, khinh khí cầu mang tro, và còn có cả một cuộc thi thay quần áo tử thi dành cho người hành nghề khâm liệm.

“Các dịch vụ shukatsu sẽ ngày càng đa dạng do người dân đang tìm kiếm nhiều lựa chọn để thu xếp hậu sự cho mình,” Takuji Mitsuda, Giám đốc tư vấn quản lý của Funia Soken Inc nói. Ông ước tính ngành này đang có quy mô khoảng 2.000 tỷ yên (16,5 tỷ USD).

Yahoo Japan năm ngoái đã cho ra mắt Yahoo Ending, dịch vụ cho phép người dùng xử lý dữ liệu online, tài liệu và ảnh theo ý nguyện, cũng như gửi e-mail lưu trữ trên Yahoo server cho gia đình và bạn bè sau khi mình chết. Có hàng nghìn người trả 180 yen mỗi tháng để duy trì dịch vụ này, chủ yếu trong độ tuổi 30 và 40, theo Shinsuke Takahashi, chủ nhiệm dự án.

Công ty văn phòng phẩm Kokuyo đã bán khoảng nửa triệu sổ “trăng trối” từ cuối năm 2010, theo Hiromi Waki. Người ta dùng nó để ghi lại số tài khoản ngân hàng và những thông tin cần thiết khác và để ở nơi người thân có thể tìm thấy.

Mitsubishi UFJ Trust and Banking Corp. cho biết số người lập tài khoản để nhận tiền sau khi qua đời tăng 26% trong vòng 5 năm qua. Công ty này bắt đầu phát sổ “trăng trối” cho người dùng từ hai năm trước nhằm giúp họ lên kế hoạch chi tiết về việc thừa kế tài sản và cung cấp thông tin gia đình, theo Toshihiko Taniguchi, giám đốc quản lý tài sản ủy thác.

Sổ trăng trối cũng dần trở nên phổ biến với người già. Khu chung cư Tokiwadaira Danchi tại Chiba có 44% dân số trong tổng 5.300 hộ gia đình là trên 65 tuổi. Số người sống một mình không nhỏ nên quản lý chung cư đã yêu cầu người dân viết thông tin cá nhân và yêu cầu chi tiết về tang lễ hay các biện pháp y tế trong trường hợp họ mất khả năng giao tiếp. “Bằng cách này tôi sẽ tránh khỏi trở thành rắc rối cho người khác,” Tatsuo Miyauchi, 87 tuổi, không con cái, sống một mình suốt 18 năm từ khi vợ ông qua đời cho biết. Ông còn chuẩn bị sẵn ảnh thờ cho mình và kẹp nó vào sổ trăng trối.

Dân số già nhanh đồng nghĩa với việc tỷ lệ tử hàng năm được dự đoán sẽ tăng 27% tới con số 1,67 triệu  năm 2040, theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội.

Ngoài dịch vụ rải tro và thử quan tài, quán cafe có tên Blue Ocean còn cung cấp dịch vụ như nén tro vào trang sức kim cương. Sự kiện quan tài được tổ chức hai tháng một lần thu hút hàng chục người tham gia.

Aeon, ngoài 100 sự kiện hội thảo về cái chết mỗi năm, cũng cung cấp dịch vụ thử quan tài và còn bán cả các gói lễ tang với giá vào khoảng 500.000 yên cho những người già muốn tự lo trước hậu sự. CEO Hirohara cho rằng, người ta sẽ cảm thấy yên lòng khi mọi thứ đã được thu xếp xong xuôi và an tâm tận hưởng nốt quãng đời còn lại.

Khoảng 80.000 người đã đăng ký dịch vụ lo hậu sự của Aeon, tăng 10.000 kể từ giữa năm ngoái, theo phát ngôn viên. Cổ phiếu công ty nhờ đó cũng tăng 35% trong vòng 2 năm qua.

Emi Takamura, 59 tuổi, vừa cùng chồng tham dự một buổi thử quan tài gần đây của Aeon, với lý do họ cũng “không còn quá xa” cái chết thực sự nữa. Khi nằm thử vào chiếc quan tài và cảm nhận cái chết rõ hơn bao giờ hết, bà chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến người thân và bạn bè qua đời đột ngột khi còn rất trẻ. Trước đây tôi nghĩ Shukatsu chỉ có mục đích là chuẩn bị cho cái chết, nhưng giờ tôi hiểu được nó còn giúp bạn trân trọng những tháng ngày còn lại của cuộc đời”.


BIDV lo không đủ điều kiện làm cổ đông chiến lược Tổng công ty Cảng hàng không

Nếu các tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không được giữ nguyên thì Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam sẽ không đủ điều kiện để tham gia.

Không lâu sau khi có thư ngỏ lời muốn góp 5% vốn điều lệ của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sau khi cổ phần hóa, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – Trần Bắc Hà đã phải có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị điều chỉnh các tiêu chí về cổ đông chiến lược mà Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành hồi cuối tháng 11.

Cụ thể, quy định đối với các nhà đầu tư là tổ chức tài chính muốn có một ghế trong hội đồng quản trị của ACV phải có vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2014 không thấp hơn 5 tỷ USD hoặc tương đương mà Bộ Giao thông phê duyệt đã “làm khó” BIDV.

Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, Chủ tịch Trần Bắc Hà cho rằng quy định này “vô hình chung đã gạt bỏ cơ hội của các tổ chức tài chính trong nước” và “giúp các tổ chức tài chính nước ngoài không phải cạnh tranh với các ngân hàng có tiềm lực mạnh của Việt Nam trong quá trình lựa chọn cổ đông chiến lược của ACV”.

Đại diện BIDV thừa nhận, hiện nay, chưa có ngân hàng nội nào đáp ứng yêu cầu về mức vốn chủ sở hữu (5 tỷ USD). “Hai ngân hàng thương mại cổ phần có mức vốn chủ sở hữu lớn nhất là Công Thương (Vietinbank) với 2,55 tỷ USD và Đầu tư phát triển (BIDV) là 1,85 tỷ USD”, báo cáo này dẫn chứng.

Vì vậy, BIDV kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh quy định về mức vốn chủ sở hữu của tổ chức tài chính muốn làm đối tác chiến lược của ACV nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng trong nước được cạnh tranh với các tổ chức nước ngoài.

Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng cho rằng trong trường hợp các điều kiện cam kết của tổ chức trong và ngoài nước không có chênh lệch lớn thì Chính phủ nên ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư nội để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đồng hành cùng nhau.

Trước đó, ông Trần Bắc Hà đã gửi thư cho Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định ngân hàng này muốn trở thành cổ đông chiến lược nội địa của ACV bằng việc đầu tư vốn góp với mức sở hữu khoảng 5% vốn điều lệ của ACV sau khi cổ phần hóa.

Theo ông Hà, BIDV hiện có tổng tài sản lên tới 35 tỷ USD và là doanh nghiệp có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không khi là cổ đông lớn của Công ty cho thuê máy bay Việt Nam.

Đến nay, trong danh sách muốn làm cổ đông chiến lược, ngoài BIDV, ACV cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tập đoàn Aeroport de Paris (Pháp).

Trong phương án cổ phần hóa ACV, doanh nghiệp sẽ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là hơn 448 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ. 75% còn lại vẫn sẽ do Nhà nước nắm giữ.

Hơn một tuần trước, trong phiên đấu giá lần đầu ra công chúng, gần 78 triệu cổ phần (tương đương 3,47% vốn điều lệ) của ACV đã được bán hết với giá bình quân thành công là 14.344 đồng mỗi cổ phần, cao hơn mức giá khởi điểm 2.544 đồng, đã giúp ACV thu về trên 1.100 tỷ đồng.


Xuất khẩu gỗ lội ngược dòng

Tính tới hết tháng 11, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 5,8 tỷ USD, riêng tháng 12 phấn đấu xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD.

Hết tháng 11, trong khi xuất khẩu nông sản và thủy sản rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước thì riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lại vẫn thẳng đường tăng trưởng. Dưới đây là cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam về tình hình kinh doanh của nhóm ngành này trong thời gian qua.

- Ông nhìn nhận thế nào về tình hình xuất khẩu gỗ của cả năm?

- Đầu năm mục tiêu xuất khẩu đặt ra là 7 tỷ USD. Tính tới hết tháng 11, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 5,8 tỷ USD, riêng tháng 12 phấn đấu xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu cả năm sẽ đạt 7 tỷ USD, cán đích mục tiêu đặt ra.

- 2015 được nhận định là một năm khó khăn của ngành nông nghiệp. Theo ông, đâu là nguyên nhân nào khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tốt

- Trước hết, đó là do nhu cầu thị trường. Nhu cầu tiêu dùng gỗ trên thế giới vẫn đang đà tăng lên. Hiện nay, cả thế giới nhu cầu tiêu dùng gỗ khoảng 220-230 tỷ USD một năm. Riêng thị trường EU khoảng 85 tỷ USD một năm; thị trường Mỹ khoảng 27 tỷ USD một năm. Như vậy, dung lượng thị trường còn rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam mới xuất khẩu vào Mỹ khoảng 1-2 tỷ USD một năm, xuất khẩu vào EU 700-800 triệu USD một năm thì chưa thấm gì so với nhu cầu tiêu dùng.Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu đồ gỗ uy tín trên thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế rất thích ký hợp đồng với Việt Nam khiến đơn hàng  xuất khẩu thường lúc nào cũng đầy. Trong năm nay, xuất khẩu đạt 7 tỷ USD cũng là trong tình trạng đơn hàng đầy chứ không phải vất vả tìm kiếm đơn hàng. Vấn đề chỉ là doanh nghiệp Việt Nam có đáp ứng được hay không.

xuat khau go se can dich som. 

Xuất khẩu gỗ sẽ cán đích sớm. 

Ở một góc độ khác quan trọng hơn là các doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm xuất khẩu gỗ tới nay đã khoảng 20 năm nên rất quen thuộc về mẫu mã, tiêu chuẩn…  mà thị trường nhập khẩu đặt ra. Từ đó, doanh nghiệp thành thạo trong việc sử dụng các loại nguyên liệu để tạo ra sản phẩm đạt được yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, do xuất khẩu nhiều năm các doanh nghiệp cũng đã tổng kết để tổ chức lại sản xuất cho hợp lý. Trong sử dụng các dây chuyền công nghệ chế biến, cái gì có hại thì doanh nghiệp bỏ đi và ngược lại có lợi thì tăng lên. Ví dụ, trước đây doanh nghiệp chế biến gỗ có tới 30 thao tác nhưng giờ rút ngắn chỉ còn 15-20 thao tác. Điều này khiến năng suất tăng lên.

- Thông thường, một trong những khó khăn điển hình mà doanh nghiệp gặp phải là vấn đề vốn, vậy, doanh nghiệp ngành gỗ thì sao, thưa ông

- Doanh nghiệp ngành gỗ khá nhạy bén và chủ động trong vấn đề này cho nên đây cũng không phải là điều làm khó doanh nghiệp. Trên thực tế nhiều đơn vị chỉ vay vốn từ ngân hàng ở một mức độ nhất định, còn đâu doanh nghiệp chủ động làm việc với đối tác nước ngoài để có thể ứng trước vốn.

Cụ thể, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài và đảm bảo chất lượng, sau đó trình bày thiếu vốn, yêu cầu đối tác ứng trước một phần tiền. Thông thường, đối tác nước ngoài sẽ sẵn sàng ứng khoảng một phần ba tổng số tiền. Ví dụ, 30 triệu USD thì đối tác chấp nhận ứng trước 10 triệu USD. Lãi suất doanh nghiệp chịu cho khoản tiền ứng trước này áp dụng như ở nước ngoài, rẻ hơn nhiều so với mức lãi suất vay của ngân hàng trong nước. Đây là sáng kiến của riêng doanh nghiệp ngành gỗ mà chưa ngành nào làm được.

- Bước sang 2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thực thi. Xin ông cho biết, điều này có tác động nhiều tới xuất khẩu gỗ?

- AEC hình thành khá thuận lợi cho xuất khẩu gỗ. Bởi các đơn vị ngành gỗ đã giao thương với các doanh nghiệp nội khối AEC mấy chục năm, mua bán đều thuận lợi. Khi AEC chính thức thực thi chỉ đơn giản là hợp thức hóa mối quan hệ giao thương, đi lại giữa doanh nghiệp đôi bên dễ dàng hơn. Dự kiến, năm 2016 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tăng khoảng 10% so với năm nay, đạt 7,7 tỷ USD.

Xin cảm ơn ông!

Theo Bộ NN&PTNT, hết tháng 11, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc - 3 thị trường nhập khẩu nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm chiếm  67,29% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Hoa Kỳ (18%), Đức (9,8%) và Ấn Độ (74,59%).


Thịt bò Kobe giá 3 triệu đồng/kg

Ngày 19-12, Công ty CP bò Kobe VN đã giới thiệu loại thịt bò giống Kobe (Nhật Bản) ra thị trường VN sau gần 4 năm triển khai dự án nuôi loại bò này tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. 

Loại thịt bò này có tên thương mại Kuroge, thế hệ bò đầu tiên sinh ra từ giống bò Kobe sau 36 tháng mới cho sản phẩm bán trên thị trường.

Giá bán thịt bò Kuroge loại 1 hiện khoảng 3 triệu đồng/kg, chủ yếu theo đơn đặt hàng của các nhà hàng.

Ông Nguyễn Trí Đức Vũ, giám đốc công ty, cho hay bò tại trang trại được nuôi theo quy chuẩn giống như bò Kobe của Nhật Bản, với sự hướng dẫn cách chọn thực đơn và chăm sóc của các chuyên gia Nhật.

Ngay cả kỹ thuật lóc thịt, cắt thịt cũng được thực hiện với sự chỉ đạo của chuyên gia Nhật.

Cũng theo ông Vũ, dự kiến năm sau công ty sẽ nâng số lượng bò giống Kobe lên 500 con so với 300 con hiện nay, đến năm 2020 sẽ nâng đàn 
lên 1.000 con.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh 23-12-20151

    Tin kinh tế đọc nhanh 23-12-2015

    Đề nghị công bố tiêu chuẩn Việt Nam đối với mặt hàng phôi thép
    Doanh nghiệp dệt may ồ ạt rao bán nhà xưởng
    86% DN kêu khó tìm nhân tài ở Việt Nam
    Không hợp tác, ống thép dẫn dầu VN tiếp tục bị Canada áp thuế
    Dệt may sẽ gặp khó

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 22-12-20152

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 22-12-2015

    Kinh tế Trung Quốc nhìn từ kết quả tìm kiếm Google
    IFC tài trợ 10 triệu USD cho TPBank hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
    Số lượng công ty chứng khoán giảm 23%
    5.805 tỉ đồng đầu tư cho hàng không tại ĐBSCL
    Năm 2015 bồi thường bảo hiểm hơn 21.000 tỉ đồng

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-12-20153

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-12-2015

    Nhiều nhà đầu tư muốn xây cao tốc TPHCM-Mộc Bài
    Ra mắt gạo sạch thương hiệu VinEco
    6/7 biện pháp bảo vệ doanh nghiệp đã quá cũ và lạc hậu
    Trung Quốc, Ấn Độ và Nga có tiếng nói lớn hơn ở IMF
    Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc có thuế suất 0%

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-12-20154

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-12-2015

    Financial Times: Thị trường ô tô Việt Nam sẽ "bùng nổ"
    IEA: Nhu cầu than thế giới giảm, trừ Ấn Độ và Đông Nam Á
    Giá dầu Brent chạm đáy 11 năm
    Nga cấm nhập thực phẩm Ukraine
    Dệt may vào Mỹ đạt gần 10 tỉ USD

  • Tin kinh tế đọc nhanh 22-12-20155

    Tin kinh tế đọc nhanh 22-12-2015

    Toshiba có thể mất tới 4 tỷ USD vì gian lận kế toán
    Mâu thuẫn gia đình không hồi kết tại Lotte, chính phủ Hàn Quốc mạnh tay trừng phạt
    Nội tệ của Indonesia là đồng tiền tệ nhất châu Á
    Vinatex ước lãi hợp nhất 465 tỷ đồng năm 2015
    Thế giới di động: 11 tháng ước đạt 958 tỷ đồng LNST, vượt 8% kế hoạch cả năm

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 21-12-20156

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 21-12-2015

    Đàm phán WTO đạt thỏa thuận đột phá
    Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động xếp hạng thấp
    TP.HCM: Hàng tết dồi dào, khó biến động giá
    Nhiều hợp tác xã TP.HCM thua lỗ chờ giải thể
    TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép lấn biển làm khu đô thị

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-12-20157

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-12-2015

    DN tư nhân bước vào cuộc chơi TPP với thế yếu
    WB thêm chỉ tiêu đánh giá, ngành thuế lo?
    Giao dịch liên ngân hàng tăng mạnh, NHNN bơm ròng hơn 700 tỷ đồng trên OMO
    Thái Lan thế chân Hàn Quốc xuất nhiều ôtô nhất sang Việt Nam
    Dắt bò từ Ấn Độ về Việt Nam bán

  • Tin kinh tế đọc nhanh 21-12-20158

    Tin kinh tế đọc nhanh 21-12-2015

    TPHCM: Đầu tư hơn 4.600 tỉ đồng xây dựng cụm cảng trung chuyển mới
    Khánh thành Thủy điện Đồng Nai 5
    FTA Việt Nam-Hàn Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12
    "Trong 3h đồng hồ có 14 xe lợn béo được xuất sang Trung Quốc"
    Quảng Ninh tiếp tục mời gọi FLC đầu tư

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-12-20159

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-12-2015

    'Thuế ngành dệt may vào Mỹ cao nhất trong các nước TPP'
    Khó tiếp cận đầu tư công trong nông nghiệp
    Thêm DN Hàn Quốc đầu tư vào công nghiệp phụ trợ
    Sau Trung Quốc, hàng Thái Lan đang "đổ bộ" vào Việt Nam
    Tập đoàn Xăng dầu công bố quỹ bình ổn giá còn dư 2.282 tỷ đồng

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-12-201510

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-12-2015

    Lập hai sổ kế toán sẽ bị coi là phạm pháp
    Cảnh báo bò Ấn nhập lậu theo đường bộ
    Tân Hoàng Minh làm đường 746 tỷ đồng, đổi khu đất khoảng 20ha
    CEO Google đến Việt Nam ngày 22/12
    TPP sẽ tiết kiệm cho dệt may, da giày Việt Nam hơn tỷ USD tiền thuế vào Mỹ hàng năm