tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-12-2015

  • Cập nhật : 07/12/2015

Gần 2 tỉ USD đầu tư vào Chân Mây-Lăng Cô

gan 2 ti usd dau tu vao chan may-lang co - anh minh hoa

Gần 2 tỉ USD đầu tư vào Chân Mây-Lăng Cô - ảnh minh họa


Đến nay, đã có 39 dự án đầu tư được cấp phép còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 39.069 tỉ đồng vào Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Năm 2015, Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 1 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 8.739 tỉ đồng. Như vậy, đến nay, Khu kinh tế nằm giữa hai đô thị lớn của miền Trung là Huế và Đà Nẵng đã có 39 dự án đầu tư được cấp phép còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 39.069 tỉ đồng (tương đương gần 2 tỉ USD).

Một số dự án lớn có thể điểm tên như Dự án Khu Du lịch Laguna Lăng Cô do Công ty TNHH Laguna Việt Nam thuộc Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 875 triệu USD, diện tích 280 ha, Dự án mở rộng kho dầu thêm 15.000 m3 và xây dựng cảng dầu 30.000 DWT của PVOil, vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng…

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế đã tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi, hướng dẫn và giải quyết các thủ tục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để các dự án triển khai đúng tiến độ, sớm đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với những dự án lớn, Ban Quản lý đã thành lập các tổ công tác, phối hợp với chủ đầu tư, UBND huyện Phú Lộc và các sở, ban, ngành liên quan giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các vấn đề phát sinh trong giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, Ban Quản lý đang tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính bằng các biện pháp như công bố trên trang thông tin điện tử, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính như cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không quá 2 ngày; dự án đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư không quá 5 ngày; dự án thẩm định cấp giấy chứng nhận đầu tư không quá 10 ngày và cấp giấy ưu đãi đầu tư không quá 4 ngày làm việc... Đồng thời hỗ trợ, đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp đến triển khai sản xuất kinh doanh tại đây.

Ông Nguyễn Quê, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô được TTXVN dẫn lời cho biết, nằm ở vị trí chiến lược giữa hai thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng, gần sân bay, lại có cảng nước sâu Chân Mây - cửa ra quan trọng của hành lang kinh tế Đông-Tây, trong tương lai, với chiến lược phát triển đúng đắn, cơ chế chính sách ưu đãi thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư, Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô sẽ phát triển thành một trung tâm kinh tế năng động, hiện đại của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời thu hút được các dự án lớn lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, du lịch-dịch vụ, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của địa phương.

Năm 2016, Khu kinh tế này phấn đấu thu hút từ 6-8 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, du lịch, hạ tầng khu đô thị với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500-4.000 tỉ đồng.


Ngân hàng Đầu tư quốc tế hỗ trợ VN phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

Gia nhập IIB năm 1977, tính đến tháng 8.2015, mức vốn điều lệ cam kết của VN tại IIB là 4,7 triệu EUR, trong đó phần vốn thực góp của VN tại IIB là 3,67 triệu EUR, tương đương 1,21% tổng vốn điều lệ thực góp của ngân hàng.
Đến nay IIB đã phê duyệt cấp các khoản vay trị giá 15 triệu EUR cho VietinBank và đang trong quá trình hoàn tất thủ tục cho khoản vay 20 triệu USD cho BIDV để cho vay hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong lĩnh vực tài trợ dự án, IIB đang xúc tiến để tham gia tài trợ các dự án lớn của VN, đặc biệt là trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng (dự kiến IIB sẽ tham gia đồng tài trợ dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 với tổng mức vốn tham gia khoảng 100 triệu USD).
Trong lĩnh vực huy động vốn, IIB đang đề xuất được phát hành trái phiếu tại VN, theo đó nguồn vốn huy động sẽ được sử dụng để tài trợ và đầu tư lại cho các dự án tại VN, qua đó góp phần phát triển kinh tế của VN.

GDP Trung Quốc tổn thương vì chiến dịch chống tham nhũng

CNBC hôm 4.12 cho hay theo ngân hàng BNP Paribas, chiến dịch chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc đã làm hao hụt từ 1% đến 1,5% GDP hằng năm của nước này trong 2 năm qua và sẽ còn tiếp tục gây tổn thương một phần lên nền kinh tế nước này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống hối lộ và lãng phí trong hàng ngũ cán bộ ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2012. Đây là điều được thể hiện rõ ràng với công chúng nước này.
Tuy nhiên, chiến dịch trên ít nhiều ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc, cả về tiêu dùng và đầu tư. Chi Lo - nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng BNP Paribas cho hay đầu tư ở Trung Quốc vẫn đang đi xuống. Việc tặng quà - trước đây là điều được các tập đoàn và quan chức Trung Quốc áp dụng rộng rãi - nay đã không còn và đây có thể được xem như là “lại quả”, ông Lo nói thêm.
Ngoài ra, các dự án đầu tư của chính quyền địa phương cũng chịu ảnh hưởng. Chính quyền các địa phương cảnh giác với các dự án vì “ngay cả khi những đối tác thực hiện dự án hoàn toàn trong sạch, họ cũng bị nghi ngờ vì không thể biết được người làm cùng họ là ai”, ông Lo cho biết.
Tham nhũng thường xuyên là vấn đề đứng đầu trong cuộc thăm dò các mối quan tâm lớn nhất của người dân Trung Quốc. Tháng 9, cuộc khảo sát của Pew Research Center chỉ ra rằng 84% người dân cho hay các quan chức tham nhũng là một vấn đề lớn. 
Hồi tháng 10, đảng Cộng sản Trung Quốc đã cập nhật các quy tắc dành cho thành viên của họ, trong đó quy định chặt chẽ hơn và rõ ràng hơn về một số vấn đề như cấm ăn xa hoa, cấm uống rượu và chơi golf, theo Tân Hoa xã.
Đợt chống tham nhũng cũng tác động đến các công ty nước ngoài tại Trung Quốc như GlaxoSmithKline. Năm ngoái, hãng dược phẩm khổng lồ của Anh bị phạt gần 500 triệu USD ở Trung Quốc sau khi chi nhánh địa phương của doanh nghiệp bị buộc tội hối lộ. Năm trong số các nhà quản lý của công ty này bị phạt tù.
Chuyên gia Chi Lo cho hay tác động lên kinh tế của các hoạt động chống tham nhũng sẽ bị suy yếu dần đến năm 2016 và 2017. “Tôi nghĩ rằng các tác động tiêu cực sẽ mờ dần và chuyện chính sách được nới lỏng sẽ xảy ra để niềm tin của người dân và nhà đầu tư được ổn định. Dù thế, tăng trưởng GDP vẫn sẽ bị kiềm chế bởi cải cách cơ cấu kinh tế đang diễn ra, với tốc độ tăng trưởng kinh tế dao động giữa 6% và 7% mỗi năm trong vài năm tới”, ông nói.
Kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc từ năm 2010 - thời điểm GDP nước này tăng hơn 10%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Đại lục tăng trưởng 6,8% trong năm nay và 6,3% trong năm 2016. Cả hai con số trên đều lớn hơn mức tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế châu Á, nhưng dưới mức tăng trưởng 7,3% của Ấn Độ.

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Slovakia đến đầu tư

Hiện kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Slovakia đạt hơn 1,2 tỷ USD và Slovakia là nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực Trung-Đông Âu vào Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Slovakia của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, sáng 4/12, tại Bratislava, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Bộ Kinh tế, Bộ Ngoại giao Slovakia và Văn phòng Thương mại Việt Nam-Slovakia tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam-Slovakia với sự tham dự của hơn 100 đại diện doanh nghiệp hai nước.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Slovkia Lubomir Vazny đã đến dự và phát biểu tại diễn đàn.

Đánh giá tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Slovakia là rất lớn bởi hai nền kinh tế có nhiều lợi thế và đặc biệt là bổ sung cho nhau, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh diễn đàn là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp cũng như các bộ ngành của hai nước tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm cũng như khả năng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định thực hiện đường lối độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và củng cố, tăng cường quan hệ với Slovakia và các bạn bè truyền thống. Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Slovakia có mong muốn hợp tác kinh doanh ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hoan nghênh và đánh giá cao ý nghĩa tích cực của việc tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam-Slovakia lần này và đề nghị hai bên tiếp tục tổ chức những sự kiện tương tự trong thời gian tới để tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên trực tiếp tiếp xúc và kết nối hợp tác kinh doanh.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Slovkia Lubomir Vazny cũng đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn lần này nhằm giới thiệu những tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của hai nước. Diễn đàn sẽ cung cấp những thông tin cần thiết giúp kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Slovkia, góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống giữa hai nước nói chung và trong lĩnh vực kinh tế-thương mại nói riêng.

Hợp tác kinh tế-thương mại sẽ tiếp tục là một trong những trọng tâm trong quan hệ song phương. Năm 2016, hai nước sẽ phối hợp tổ chức Khóa họp lần thứ II Ủy ban liên Chính phủ giữa Việt Nam và Cộng hòa Slovakia về hợp tác kinh tế tại Bratislava.

Tại diễn đàn, đại diện Bộ Xây dựng, tỉnh Quảng Ninh và Thái Bình đã giới thiệu về tiềm năng, cơ hội và nhu cầu hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp Slovakia.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã giới thiệu tiềm năng và triển vọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực xây dựng; trong đó, đánh giá hợp tác giữa Việt Nam và Slovakia trong lĩnh vực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng cũng như là đô thị phát triển bền vững có tiềm năng để phát triển, cụ thể trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư và xuất khẩu sản phẩm, vật liệu xây dựng.

Về phía Slovakia, đại diện Bộ Kinh tế, Cơ quan Đầu tư và Thương mại (SARIO) cùng một số doanh nghiệp cũng đã giới thiệu cho các đối tác Việt Nam về tình hình kinh tế, thương mại, vai trò và vị thế của Slovakia trong EU cũng như khu vực Eurozone; tập trung nhấn mạnh một số thế mạnh kinh tế của nước này.

Đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Slovakia và doanh nghiệp Slovakia tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm với các đại biểu tham dự về những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, quy định pháp luật… của hai nước.

Trong chương trình diễn đàn, Ban tổ chức cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước tiếp xúc trực tiếp với nhau nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Cũng tại diễn đàn, Đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Giao thông, Xây dựng và Phát triển vùng Slovakia đã ký kết kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực du lịch với sự chứng kiến của lãnh đạo hai bên.

Việc tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam-Slovakia lần này nhận được sự đánh giá cao của giới doanh nghiệp hai nước.

Trả lời phóng viên, ông Phạm Văn Vinh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Slovakia đánh giá: “Chúng tôi thấy rằng diễn đàn hôm nay rất có ý nghĩa. Một trong những ý nghĩa quan trọng là chúng tôi thấy rằng mở ra sự liên kết giữa hai nước.”

Trong khi đó, ông Peter Bencurik, đại diện công ty Slavia Capital cũng khẳng định: “Diễn đàn là cơ hội tốt để trao đổi ý kiến và kinh nghiệm trong việc đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Slovakia vào Việt Nam cũng như của doanh nghiệp Việt Nam sang Slovkia, thông qua diễn đàn để làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác và tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Slovakia là một trong những nước phát triển hàng đầu ở khu vực Trung Âu, vì vậy tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp Slovakia sẽ ngày càng hướng đến thị trường Việt Nam.”

Quan hệ Việt Nam và Slovakia có bước phát triển tích cực từ những lĩnh vực như chính trị, ngoại giao cho tới kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển trong những năm qua. Hiện kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 1,2 tỷ USD và Slovakia là nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực Trung-Đông Âu vào Việt Nam.


Đòi nợ thuế, khó trăm bề

Nợ thuế không vượt quá 5% trên tổng thu ngân sách là yêu cầu mà Bộ Tài chính đặt ra đối với cơ quan Thuế trong năm 2015.

Và để đảm bảo con số nợ thuế ở mức khung này, các Cục Thuế đang thực hiện nhiều biện pháp, từ hình thức “mềm dẻo” như thông báo bằng văn bản, cán bộ Thuế trực tiếp thuyết phục, cho đến các biện pháp “rắn” như cưỡng chế, tạm dừng hóa đơn, công khai doanh nghiệp nợ thuế…

Tuy nhiên, ngành Thuế cũng phải thừa nhận một thực tế thu hồi nợ thuế là không dễ bởi có không ít doanh nghiệp cố tình trây ỳ, để nợ thuế kéo dài. Có trường hợp người nộp thuế lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, Nhà nước có chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế để cố tình nợ thuế nhằm trốn tránh, trì hoãn nghĩa vụ nộp thuế.

Trong khi đó, việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế đang vấp không ít khó khăn. Đơn cử như: Biện pháp để phong toả tài khoản doanh nghiệp không dễ dàng vì hiện nay doanh nghiệp mở nhiều tài khoản ở ngân hàng nên để có thông tin siết nợ thì cơ quan Thuế phải phối hợp với hệ thống ngân hàng ở các tỉnh, thành phố.

Nhưng nếu các tổ chức tín dụng chưa cung cấp thông tin kịp thời, cơ quan Thuế chỉ nắm được tài khoản không có số dư hoặc số dư nhỏ không đủ số thuế nợ để cưỡng chế. Đó là chưa kể nhiều trường hợp nợ thuế nhưng tài khoản không có tiền nên cơ quan Thuế cũng khó cưỡng chế bằng việc trích tài khoản ngân hàng vì doanh nghiệp “không có gì để mất”.

Ngoài ra, cơ quan Thuế cũng gặp thách thức trong việc cưỡng chế về tài sản, kê biên tài sản... do phải chờ thẩm định giá và chi phí thường cao. Các vụ án liên quan đến nghĩa vụ thuế chậm được xét xử cũng gây khó khăn trong công tác thu hồi nợ... Chính sách xoá nợ quá chặt chẽ cũng làm cho công tác xoá các khoản nợ không còn khả năng thu mà không xoá được. Từ đó dẫn đến nợ không thu được nhưng tiền chậm nộp vẫn gia tăng.

Nói như vậy để dư luận chia sẻ với cơ quan hành thu, mặc dù “khó trăm bề” nhưng không vì khó mà nề hà. Lời hứa của người đứng đầu ngành Tài chính là quyết tâm để ngành Thuế vào cuộc, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, góp phần thu đúng, thu đủ vào ngân sách.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-12-20151

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-12-2015

    TP.HCM quá tải cấp giấy chứng nhận nhà đất
    Không để xuất khẩu cá tra vào Mỹ bị gián đoạn
    SHB tài trợ chuỗi liên kết ngành thủy sản
    Hải quan TP.HCM dự kiến thu, nộp ngân sách 97.500 tỉ đồng
    Giá nhà giảm 30% so với năm 2010

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-12-20152

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-12-2015

    Dòng vốn lại tháo chạy khỏi Trung Quốc
    Xuất khẩu giảm sút, Hàn Quốc thúc đẩy tiêu dùng nội địa
    Sẽ có làn sóng ‘ngoại’ đổ vào lĩnh vực logistics
    Bịt ‘lỗ hổng’ cho vay tiêu dùng: Cần sớm có khung pháp lý riêng
    BIDV đón đầu xu hướng đầu tư từ Đài Bắc

  • Tin kinh tế đọc nhanh 09-12-20153

    Tin kinh tế đọc nhanh 09-12-2015

    FED: Thị trường đã sẵn sàng cho lãi suất tăng
    Sẽ thanh tra toàn diện Pepsi, Coca-Cola, Wonderfarm và URC
    FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực năm 2018
    Nhiều DN Nga hợp tác hiệu quả với đối tác Việt Nam
    EU hỗ trợ để Việt Nam được công nhận kinh tế thị trường

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-12-20154

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-12-2015

    Kinh tế Việt Nam đang tụt lại phía sau
    Xây dựng quy trình cấp bảo lãnh bất động sản
    Nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp cơ khí
    Phúc thẩm vụ 8 ngân hàng bị lừa gần 800 tỉ
    Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 258 dự án tại Lào

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-12-20155

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-12-2015

    Đưa vào khai thác giàn khoan 6.000 tấn dầu/ngày
    Giá dầu gần chạm đáy năm 2015, chứng khoán tụt dốc
    Xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo
    Nhiều doanh nghiệp Nhật khảo sát về nông nghiệp
    Sáp nhập Công ty tài chính Sông Đà vào MB

  • Tin kinh tế đọc nhanh 08-12-20156

    Tin kinh tế đọc nhanh 08-12-2015

    Dự trữ ngoại hối Trung Quốc xuống đáy gần 3 năm
    Bộ Tài chính: Cà Mau, Bạc Liêu đổ nợ chỉ là cá biệt
    'Công chúa mía đường' thu gần 160 tỷ đồng từ bán cổ phiếu
    JPMorgan tuyển hơn 200 con quan Trung Quốc
    Dừng thu hồi đất 800 hộ dân dự án công viên Tuổi Trẻ

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-12-20157

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-12-2015

    Ngân hàng Đài Loan tìm cơ hội mở rộng đầu tư tại Việt Nam
    Xuất khẩu cá ngừ sang Ai Cập liên tục tăng
    Chủ tịch ngân hàng Trung Quốc từ chức sau bê bối tham nhũng
    OPEC quyết không giảm sản lượng dầu
    Thị trường smartphone toàn cầu sụt giảm

  • Tin kinh tế đọc nhanh 07-12-20158

    Tin kinh tế đọc nhanh 07-12-2015

    Vốn ngân hàng đang chảy mạnh vào bất động sản
    Buôn lậu nhiều nhưng chưa người đứng đầu nào bị xử lý
    Ngân hàng gửi USD được hưởng lãi suất tới hơn 2%/năm
    Doanh nghiệp vẫn thua thiệt vì lãi suất
    Vốn đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam đang tăng mạnh

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-12-20159

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-12-2015

    70 người Việt đứng tên mua 137 lô đất cho người Trung Quốc
    Chính phủ chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý gian lận, trốn thuế
    Vốn đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam đang tăng chất
    Bộ Công an thông báo kết quả điều tra vụ án Phạm Công Danh
    Nợ xấu trong hệ thống tín dụng vẫn ở mức rủi ro

  • Tin kinh tế đọc nhanh 06-12-201510

    Tin kinh tế đọc nhanh 06-12-2015

    Thu nhập người Việt lên 3.200-3.500 USD sau 5 năm
    Trung Quốc 'rút quân' khỏi bất động sản Mỹ
    Ngân hàng phải sớm có quy trình cấp bảo lãnh bất động sản
    Một loạt lãnh đạo Mía đường Thành Thành Công xin thôi chức
    Doanh thu của Vinatex vượt 11.000 tỷ đồng