tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 04-11-2017

  • Cập nhật : 04/11/2017

EU tài trợ phát triển điện mặt trời ở Đà Nẵng

day nhanh qua trinh pho bien kien thuc ve cong nghe nang luong mat troi tai da nang.

Đẩy nhanh quá trình phổ biến kiến thức về công nghệ năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng.

Liên minh châu Âu và Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Đà Nẵng (DECC) đã cùng tài trợ Dự án “Phát triển Năng lượng Mặt trời tại Đà Nẵng”. Trong dự án trị giá 444.000 euro này, khoản đóng góp của Liên minh Châu Âu chiếm trên 85% tổng ngân sách dành cho dự án.

Dự án nhắm tới các đối tượng là các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ gia đình. Các dự án thí điểm áp dụng tại một số lượng hạn chế các hộ gia đình và 5 cơ sở công cộng cũng sẽ được triển khai. Bước cuối cùng sẽ là việc nâng cấp phòng trưng bày của DECC. Hiện nay phòng trưng bày này mới chỉ trưng bày những thiết bị về Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng không hoạt động.

Dự án cũng cho phép DECC sở hữu nhiều thiết bị hiện đại hơn và tiến hành lắp đặt nhằm trình diễn một cách cụ thể cách thức hoạt động của các tấm pin năng lượng mặt trời và cách tạo ra điện từ việc thu nguồn năng lượng miễn phí từ mặt trời, cũng sự hoạt động của công tơ điện hai chiều giúp kết nối quá trình sản xuất này lên lưới phân phối điện quốc gia. 

Theo ông Alejandro Montalban, Trưởng ban Hợp tác của Phái đoàn Liên minh châu Âu, cho rằng, năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển năng lượng bền vững. Đây là những giải pháp thông minh và phù hợp đặc biệt trong bối cảnh của sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Việt Nam có một tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, ông Alejandro Montalban cho rằng, sự hạn chế về kiến thức và nhận thức đối với những lợi ích và tầm quan trọng của năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng vẫn còn là một rào cản đối với sự phát triển của lĩnh vực này.

“Chúng tôi hy vọng rằng sự hợp tác với DECC sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phổ biến kiến thức về công nghệ năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng”, ông Alejandro Montalban nói.

Trên thực tế, pin năng lượng mặt trời hữu ích cho sự phát triển kinh tế khi nó tạo ra việc làm trong quá trình sản xuất, lắp đặt và bảo trì hệ thống. Công nghệ này cũng tốt cho những người tiêu dùng điện khi nó giúp giảm chi phí tiền điện hằng tháng. Công nghệ mặt trời cũng tốt cho cả vấn đề khí hậu nhờ việc không gây phát thải Khí Nhà kính. Do đó, giải pháp pin năng lượng mặt trời là một mũi tên trúng ba đích.

Trong dự án này, DECC cũng sẽ hợp tác với Cục Điều tiết Điện lực (ERAV), VSQI, Ngân hàng Thế giới và GiZ, là những tối tác cũng đang hoạt động nhằm cải thiện khuôn khổ chung giúp thu hút đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực năng lượng mặt trời.(NCĐT)
----------------------------

Tổng tài sản của các TCTD tăng thêm 74,1 nghìn tỷ đồng trong 2 tháng

Theo thống kê của NHNN Việt Nam, tính đến cuối tháng 8/2017 tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt 9.251.371 tỷ đồng, tăng 747.800 tỷ đồng (tăng 8,79%) so với cuối năm 2016. Còn so với cuối quý 2, tài sản của các TCTD đã tăng 74.095 tỷ đồng.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Tài sản của hầu hết các khối đều tăng

Ngoại trừ Ngân hàng Hợp tác (giảm 1,36%), tài sản của các khối còn lại đều tăng khá mạnh so với cuối năm 2016.

Cụ thể, đến cuối tháng 8, tài sản của khối NHTM Nhà nước tăng thêm 335.421 tỷ đồng (tăng 8,69%) so với cuối năm 2016 lên 4.197.363 tỷ đồng; khối NHTMCP tăng 299.534 tỷ đồng (tăng 9,68%) lên 3.722.363 tỷ đồng; khối ngân hàng liên doanh nước ngoài tăng 68.085 tỷ đồng (tăng 8,22%) lên 896.407 tỷ đồng; khối công ty tài chính cho thuê tăng 19.682 tỷ đồng (tăng 17,21%)… Trong khi tài sản của Ngân hàng Hợp tác giảm 358 tỷ đồng (-1,36%).

Xét về giá trị tuyệt đối, hiện khối NHTM Nhà nước đang dẫn đầu về tổng tài sản; tiếp đó là khối NHTMCP; thứ ba là khối ngân hàng liên doanh nước ngoài.

Vốn tự có tăng 6,92%; vốn điều lệ tăng 3,45%

Tính đến cuối tháng 8, vốn tự có của toàn hệ thống cũng tăng thêm 44.256 tỷ đồng (tăng 6,92%) so với cuối năm 2016. Trong đó, vốn tự có của tất cả các khối đều tăng. Cụ thể, đến cuối tháng 8, vốn tự có của khối NHTM Nhà nước đạt 246.212 tỷ đồng, tăng 7,28%; khối NHTMCP đạt 267.689 tỷ đồng, tăng 5,33%; khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài đạt 144.448 tỷ đồng, tăng 10,30%; khối Công ty tài chính cho thuê đạt 21.871 tỷ đồng, tăng 2,39%; Ngân hàng Hợp tác xã đạt 3,697 tỷ đồng, tăng 0,07%.

Xét về giá trị tuyệt đối, hiện khối NHTMCP vẫn đang dẫn đầu về vốn tự có; đứng thứ hai là khối NHTM Nhà nước; khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài đứng thứ ba.

Trong khi đó, tính đến cuối tháng 8, vốn điều lệ của hệ thống các TCTD cũng tăng lên 505.258 tỷ đồng, tăng 16.834 tỷ đồng (tăng 3,45%) so với cuối năm 2016.

Trong đó, vốn điều lệ của khối NHTM Nhà nước đạt 147.699 tỷ đồng, tăng 0,79%; khối NHTMCP đạt 206.629 tỷ đồng, tăng 2,87%; khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài đạt 120.074 tỷ đồng, tăng 7,66%; khối công ty tài chính – cho thuê đạt 21.336 tỷ đồng, tăng 8,30%; Ngân hàng Hợp tác xã đạt 3.026 tỷ đồng, tăng 0,03%.

Xét về giá trị tuyệt đối, hiện khối NHTMCP cũng đang dẫn đầu về vốn điều lệ; đứng thứ hai là khối NHTM Nhà nước; kế đó là khối Ngân hàng liên doanh – nước ngoài.

Các chỉ tiêu an toàn vẫn được đảm bảo

Tăng trưởng về quy mô, song hoạt động của hệ thống vẫn rất an toàn, thể hiện qua các chỉ số như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn đảm bảo theo yêu cầu của NHNN.

Theo đó, tại thời điểm cuối tháng 8/2017, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống ở mức 12,37%, tuy có giảm nhẹ so với mức 12,55% tại thời điểm cuối quý 2 song vẫn cao hơn nhiều quy định của NHNN.

Trong khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tiếp tục giảm xuống còn 32,01% từ mức 33,70% tại thời điểm cuối quý 2.(TBNH)
----------------------------

Bức tranh DN và nội lực nền kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ chuyển đổi, tình hình tăng trưởng của khối DN trong nước cho thấy nền kinh tế vẫn phát triển dựa chủ yếu vào đầu tư về vốn, tạo doanh thu nhưng giá trị gia tăng thấp, lao động thu hút chậm.

10 tháng đầu năm 2017, số DN thành lập mới tăng cả về số lượng, số vốn đăng ký và tỷ trọng vốn đăng ký bình quân. Kết quả này cho thấy nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước đã mang lại tác động tích cực. Tuy nhiên khi phân tích sâu hơn về lát cắt này, có nhiều băn khoăn đã được nêu lên về khả năng cạnh tranh của DN, từ đó phản ánh nội lực nền kinh tế còn tương đối yếu ớt.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Sản xuất chững lại, dịch vụ lên ngôi

Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận: “ngành kinh doanh bất động sản đã có sự chuyển biến tích cực, thu hút rất lớn lượng vốn DN đổ vào đầu tư so với các ngành còn lại”.

Số vốn đăng kýmới đạt 283.893 tỷ đồng, chiếm 27,8%. Không chỉ số lượng và số vốn tăng cao, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên DN của ngành này cũng xếp đầu bảng với 70,3 tỷ đồng/DN. Trái ngược với “lên ngôi” của ngành kinh doanh bất động sản, các ngành sản xuất quan trọng lại đang chứng kiến sự suy giảm.

Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2017, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng giảm ở số lao động đăng ký; ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm về số vốn đăng ký và số lao động đăng ký; ngành vận tải kho bãi giảm cả về số lượng DN, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký. Đặc biệt, xét về tổng thể, số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 10 tháng qua đã giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.   

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) lưu ý, xu hướng sụt giảm quy mô việc làm tạo mới đã bắt đầu từ quý III và tới nay vẫn tiếp diễn. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới cũng giảm đi 4,5% so với cùng kỳ năm trước và giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Không chỉ suy giảm trong việc làm mới, số lượng lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp cũng có xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng. Tăng trưởng số lượng lao động tại thời điểm 1/9/2017 cao hơn so với cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên thấp hơn đáng kể so với năm 2015. Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động chủ yếu đến từ khu vực FDI, với mức tăng 7,5%, trong khi khu vực nhà nước giảm 3,6% và khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 1,6%.

Chuyên gia của Tổng cục Thống kê cho biết, công nghiệp chế biến chế tạo hiện đang là ngành chiếm tỷ trọng lao động cao nhất trong các ngành kinh tế với 27,3 lao động/DN. Vì vậy, khi tốc độ tăng DN thành lập mới trong ngành này sụt giảm, lập tức quy mô việc làm tạo mới cũng giảm theo.

“Thực tế này cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa thực sự được cải thiện và kinh tế tư nhân chưa phải là động lực của nền kinh tế”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR lo ngại.

Lo cho nội lực dài hạn

Ông Phạm Hoàng Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, DNNVV Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển. Đó là cơ hội tiếp cận thị trường rộng mở; tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam; tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến; nâng cao năng lực quản lý và trình độ lao động; tiếp cận cơ sở dữ liệu và thông tin trực tuyến; tiếp cận các dịch vụ phát triển kinh doanh…

Tuy nhiên nếu so với các cơ hội gia tăng mạnh trong thời gian qua, thì sự phát triển của DN còn quá chậm chạp. Ông Tiến phân tích, tỷ lệ DN báo lãi trong năm vừa qua đã tăng nhẹ lên mức 65% so với con số 60,3% và 63,1% của năm 2014-2015; cùng với đó, tỷ lệ DN báo lỗ cũng giảm nhẹ xuống 23% vào năm 2016 so với 26,4% và 24,1% của năm 2014-2015. Tuy nhiên kết quả này vẫn còn kém giai đoạn 10 năm trước đó. Cụ thể, vào năm 2007-2008, tỷ lệ DN báo lãi lên tới 81,1% và 82,3%; trong khi chỉ có 9,3% và 8,7% DN báo lỗ trong 2 năm tương ứng.

Sự cải thiện chậm chạp của khối DN trong nước cũng đang là cản trở lớn nhất đối với khả năng tăng trưởng thực chất của cả nền kinh tế. Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê nhận định, so sánh với các nền kinh tế lớn và nhiều nước trong khu vực thì tăng trưởng của Việt Nam trong 10 tháng vừa qua là rất ấn tượng. Tuy nhiên vấn đề là nếu khối DN trong nước vẫn duy trì mức cạnh tranh thấp cả về năng suất chất lượng, điều kiện kỹ thuật, năng lực quản trị… như hiện nay thì hiệu quả thực của nền kinh tế sẽ rất thấp.

Ông Thuý cũng phân tích thêm, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ chuyển đổi, tình hình tăng trưởng của khối DN trong nước cho thấy nền kinh tế vẫn phát triển dựa chủ yếu vào đầu tư về vốn, tạo doanh thu nhưng giá trị gia tăng thấp, lao động thu hút chậm. Hiện nay đóng góp của DN vào nền kinh tế vẫn thấp, thể hiện ở các số liệu thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng… đóng góp vào ngân sách nhà nước còn thấp.

Đặc biệt, các chuyên gia lo ngại, khả năng nâng cao nội lực sẽ càng trở nên khó khăn hơn nếu tình trạng đăng ký DN trong 10 tháng đầu năm nay tiếp diễn. Đó là khối DN sản xuất trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; nông nghiệp… đồng loạt sụt giảm về số vốn, số lao động đăng ký. Bởi lẽ một nền kinh tế muốn phát triển bền vững, rất cần có lực lượng DN phát triển mạnh mẽ trong các ngành sản xuất để làm “xương sống” cho cả nền kinh tế.(TBNH)
--------------------

Phát hiện, xử lý trên 43.500 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ

Từ năm 2014 đến nửa đầu năm 2017, các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã phát hiện, xử lý 43.543 vụ việc về hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Đó là thông tin được Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế đưa ra tại buổi làm việc với đại diện Đại sứ quán Anh tại Hà Nội diễn ra chiều ngày 3/11.

cong chuc doi kiem soat hai quan (cuc hai quan quang tri) kiem tra tang vat vi pham. - do quang hung

Công chức Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Quảng Trị) kiểm tra tang vật vi phạm. - Đỗ Quang Hùng

Theo báo cáo của các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình sản xuất kinh doanh hàng giả, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng, hàng hóa vi phạm với nhiều chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các cơ sở sản xuất có uy tín vẫn diễn ra ở một số địa phương. 

Hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ tập trung vào các nhóm hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng,... các mặt hàng này chủ yếu được làm giả từ nước ngoài và vận chuyển trái phép vào Việt Nam. 

Phương thức chủ yếu là các đối tượng tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường; các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, gây nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông Đàm Thanh Thế, công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của các nhà sản xuất, chủ sở hữu quyền; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. 

Trình độ của một bộ phận cán bộ công chức trong việc thực thi nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được triển khai tại các địa phương nhưng chưa  thường xuyên và liên tục.

Tại buổi làm việc, Tiến sỹ Ros Lynch, Giám đốc về bản quyền và thực thi, Văn phòng sở hữu trí tuệ, Vương quốc Anh cho biết, Vương quốc Anh đặc biệt quan tâm đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và có nhiều kinh nghiệm cũng như chuyên gia sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam. Tiến sỹ Ros Lynch tin rằng trong tương lai gần Việt Nam sẽ thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Để tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại, ông Đàm Thanh Thế cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tuyên truyền về chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành quy định của pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và thực hiện kiểm tra sau khi ký cam kết, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. 

Trong đó, tiếp tục rà soát, phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, sửa đổi nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường... 

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ Đại sứ quán Anh trong việc trao đổi kinh nghiệm, tổ chức tập huấn, đào tạo lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 quốc gia như: Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Biên phòng, Cảnh sát biển.... về hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ, hợp tác về công tác phổ biến, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và người dân.(Baohaiquan)

Trở về

Bài cùng chuyên mục