tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 02-02-2016

  • Cập nhật : 02/02/2016

Amazon vào 'câu lạc bộ' nhà bán lẻ có doanh thu khủng

Đầu tuần này, Amazon đã công bố báo cáo hàng năm cho biết trong năm 2015 công ty này đã đạt doanh thu 107 tỷ USD, lần đầu tiên cán mức 100 tỷ USD trong lịch sử công ty thương mại điện tử này.
Con số này đã đưa người khổng lồ của thương mại điện tử gia nhập câu lạc bộ những nhà bán lẻ có doanh thu cao nhất, trong khi các đơn vị bán lẻ khác ngày càng quan tâm đến phương thức bán hàng của Amazon.

Trong thông báo của công ty, nhà sáng lập kiêm CEO Jeffrey Bezos cho biết: "Hai mươi năm trước, tôi vẫn còn phải tự lái xe chuyển hàng đến bưu điện và còn mong muốn ngày nào đó sẽ có được một chiếc xe nâng hàng. 

mot kho hang cua amazon 

Một kho hàng của Amazon 

Năm nay, chúng ta đã cán mốc doanh thu hàng năm 100 tỷ USD và phục vụ được 300 triệu khách hàng. Vậy nhưng khi nhìn vào sự năng động khắp nơi trên thị trường, tôi ngỡ cứ như chỉ mới ở ngày đầu tiên."

Tuy vậy, con số này của Amazon vẫn lu mờ so với Walmart, với hơn 473 tỷ USD trong năm 2014. (ông lớn này vẫn chưa hé lộ về doanh số của năm 2015)
Nhưng nhìn cách khác, Amazon thực sự đã vượt mặt Walmart khi đạt 100 tỷ USD chỉ sau 22 năm thành lập. Trong khi đó, Walmart phải mất khoảng 35 năm, tức vào năm 1997, để đạt để đạt mốc này từ khi thành lập năm 1962.

Siết chặt quản lý sữa nhập lậu

Hành động quyết liệt ngăn chặn hàng nhập lậu từ phía cơ quan chức năng thực sự cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Cuối năm 2015, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tết và mùa lễ hội xuân 2016. Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là tăng 10% số cuộc thanh tra, kiểm tra so với cùng kỳ năm 2015 để ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không an toàn lưu thông ngoài thị trường.

Trên tinh thần đó, các cơ quan chức năng quyết liệt ra quân chặn đứng hành vi kinh doanh sữa nhập khẩu không chính thức.

Quản lý chặt sữa lậu

Sữa là một trong những mặt hàng được tiêu thụ khá nhiều trên thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, sữa lậu, sữa xách tay trái phép được nhiều đối tượng tìm cách tuồn vào Việt Nam, trong đó có sữa nước Ensure. Loại sữa này rất dễ nhận diện bởi trên bao bì có dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico” (tạm dịch: Không được bán tại Việt Nam và Mexico).

Trước thực tế trên, nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc để chặn đứng hành vi kinh doanh sữa nước Ensure không rõ nguồn gốc. Cụ thể, song song với việc Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) không cấp phép lưu hành cho sản phẩm sữa Ensure có cụm từ “không được bán tại Việt Nam và Mexico”, cơ quan công an, quản lý thị trường liên tục phát hiện, bắt giữ và tiêu hủy số lượng khá lớn sữa nước Ensure nhập khẩu trái phép, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Không những thế, đầu năm 2016, Cục Hải quan TP.HCM đề xuất đưa mặt hàng sữa nước Ensure trên nhãn có dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico” vào danh mục hàng cấm nhập khẩu.

Những hành động quyết liệt của cơ quan quản lý cùng với đề xuất nêu trên của Cục Hải quan TP.HCM bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Sản phẩm sữa nước Ensure với dòng chữ “không được bán tại Việt Nam và Mexico” đã vắng bóng dần trên thị trường, kể cả trong giai đoạn cao điểm nhất của hàng nhập lậu là cận tết.

mat truoc va sau sua nuoc ensure troi noi, tren nhan co dong chu “not to be sold in vietnam or mexico”. anh: tran ngoc

Mặt trước và sau sữa nước Ensure trôi nổi, trên nhãn có dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico”. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nên sử dụng sản phẩm phân phối chính hãng

Thực tế cho thấy các sản phẩm dinh dưỡng dạng lỏng rất dễ thay đổi giá trị dinh dưỡng, chỉ tiêu chất lượng, thậm chí hư hỏng, biến chất… Do đó quá trình vận chuyển và bảo quản những sản phẩm này cần đảm bảo tuân theo đúng quy chuẩn nghiêm ngặt của nhà sản xuất.

Qua tìm hiểu được biết sữa nước Ensure do Abbott nhập khẩu và phân phối luôn được kiểm tra, đánh giá để đảm bảo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt theo yêu cầu của Abbott. Do vậy nếu các sản phẩm được phân phối bởi một hệ thống bên ngoài thì Abbott không thể đảm bảo sản phẩm đó không bị suy giảm chất lượng trong quá trình phân phối lưu thông.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết theo các thông tin thì hiện nay sữa nước Ensure có dán nhãn “Not to be sold in Vietnam or Mexico” vẫn còn bán trôi nổi trên thị trường. “Chúng được nhập khẩu vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, không chính thức hoặc xách tay. Việc kinh doanh, phân phối, lưu thông, quảng cáo sản phẩm nói trên tại thị trường Việt Nam là vi phạm pháp luật (theo Công văn số 263/ATTP-TTr ngày 30-1-2015 của Cục An toàn thực phẩm). Người tiêu dùng không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được phân phối chính thức, chất lượng không được kiểm soát trên thị trường” - ông Tuấn nói.

Về phía nhà sản xuất, ông Đỗ Thái Vương, Giám đốc đối ngoại Công ty Abbott, nhấn mạnh: “Abbott khuyến nghị khách hàng chỉ nên sử dụng sản phẩm được Abbott chứng nhận là chính hãng, do nhà phân phối chính thức của Abbott tại Việt Nam (Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A) nhập khẩu và cung cấp. Những sản phẩm này có thể dễ dàng được nhận biết bởi tên của Công ty 3A được in hoặc dán trên nhãn”.


Trung Quốc phá vụ lừa đảo trực tuyến gần 7,6 tỉ USD

Tân Hoa Xã ngày 1-2 đưa tin cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 21 người tham gia vào hoạt động gây quỹ lừa đảo trực tuyến để trục lợi 50 tỉ nhân dân tệ (gần 7,6 tỉ USD) từ hơn 900.000 nhà đầu tư.

Đây được xem là vụ lừa đảo qua mạng lớn nhất từ trước đến giờ ở Trung Quốc tính về số tiền thiệt chiếm đoạt và số lượng nhà đầu tư tham gia.

Các nghi phạm làm việc cho Công ty Ezubao – hoạt động bằng phương pháp chia sẻ mạng ngang hàng (P2P). Thực chất đây là cách thức lừa đảokiểu Ponzi (lừa đảo tín dụng đa cấp) vì 95% dự án tài chính mà họ đưa lên mạng internet để thu hút nguồn vốn đều không tồn tại.

Tổng cộng hơn 900.000 nhà đầu tư Trung Quốc đã sập bẫy và số tiền những kẻ lừa đảo bỏ túi tròm trèm 7,6 tỉ USD.

Một trong số các nghi phạm bị bắt là Ding Ning (34 tuổi). Tên này khởi xướng Ezubao – được xem là dự án kinh doanh tài chính trực tuyến lớn nhất Trung Quốc – từ tháng 7-2014 tại tỉnh An Huy và cũng là Chủ tịch điều hành Công ty Yucheng. Họ Ding cùng đồng bọn đưa ra lợi nhuận hàng năm ở mức dao động từ 9-14,6% để làm mờ mắt các nhà đầu tư.

Nhưng trên thực tế, hầu hết dự án liệt kê trên trang web của bọn chúng đều là dự án “ma” và những kẻ lừa đảo sử dụng nguồn vốn từ các nhà đầu tư mới để trả nợ cũ. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Kông) cho biết Ding dùng tiền lừa đảo để phục vụ cuộc sống ăn chơi xa hoa của bản thân.

Hiện tại, tài sản của Ezubao cùng một số công ty liên kết đã bị cảnh sát đóng băng và tịch thu.

tu trai qua: ding ning, zhang min va yong lei. anh: scmp

Từ trái qua: Ding Ning, Zhang Min và Yong Lei. Ảnh: SCMP

Theo hãng tin Reuters, vụ lừa đảo quy mô lớn nói trên đặt ra nguy cơ đối với ngành công nghiệp quản lý tài sản tăng trưởng nhanh của Trung Quốc. Nhiều sản phẩm được bán thông qua các kênh với quy định lỏng lẻo, như nền tảng đầu tư tài chính trực tuyến và sàn giao dịch được tư nhân điều hành.

Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Trung Quốc ngày càng bị thu hút vào các dự án đầu tư trực tuyến để nhanh chóng trở nên giàu có. Ngành công nghiệp quản lý tài sản ở nước này trị giá ước tính 2,6 ngàn tỉ USD.

Những kẻ tiến hành kiểu lừa đảo Ponzi thường đưa ra mức lợi nhuận cao bất thường dành cho các khoản đầu tư ngắn hạn. Sau đó, tiền của các nhà đầu tư mới sẽ được dùng để trả nợ cũ và vòng xoay cứ tiếp nối. Nó được đặt theo tên của ông Charles Ponzi, đến từ TP Boston – Mỹ, người thành công với hình thức lừa đảo này vào những năm 1920.


Ông Nguyễn Duy Hưng: "Nên bỏ tiêu chuẩn cổ đông chiến lược"

ong nguyen duy hung: "nen bo tieu chuan co dong chien luoc"

Ông Nguyễn Duy Hưng: "Nên bỏ tiêu chuẩn cổ đông chiến lược"


Ông Hưng cho rằng, nếu không đưa ra tiêu chuẩn cổ đông chiến lược, việc cổ phần hóa sẽ hiệu quả hơn, bán được giá cao hơn và thu tiền về cho Nhà nước nhiều hơn. Việc lạm dụng cơ chế “đối tác chiến lược” hiện nay đang loại đi đáng kể số nhà đầu tư.

Chia sẻ đầu năm 2016, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Chứng khoán Sài Gòn SSI cho biết điều mà thị trường chứng khoán cần nhất đó là sự minh bạch.

Ông Hưng lấy ví dụ, cổ phần hóa. Ai cũng biết để minh bạch thì sau cổ phần hóa không ai có quyền quyết định toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, có nghĩa là Nhà nước phải bán từ 51% trở lên. Ngoài ra, cơ chế về cổ đông chiến lược, theo cá nhân ông Nguyễn Duy Hưng là không nên có. Khi một nhà đầu tư rót tiền vào 1 doanh nghiệp, không bao giờ có trách nhiệm hay cam kết hỗ trợ bằng văn bản cả. Mọi hỗ trợ, cam kết hợp tác đều có thể tính bằng tiền. Việc đưa ra tiêu chí về cổ đông chiến lược vô hình chung đã loại bỏ những nhà đầu tư tiềm năng – chỉ bằng những mệnh lệnh hành chính.

Ông Hưng cho rằng, nếu không đưa ra tiêu chuẩn cổ đông chiến lược, việc cổ phần hóa sẽ hiệu quả hơn, bán được giá cao hơn và thu tiền về cho Nhà nước nhiều hơn. Việc lạm dụng cơ chế “đối tác chiến lược” hiện nay đang loại đi đáng kể số nhà đầu tư. Phải biết rằng, không có ai bỏ tiền vào một công ty để…phá cả. Vì lúc đó công ty đó cũng là tiền của họ. Lý do để bảo vệ doanh nghiệp – vì vậy là không thỏa đáng.

Cần phân biệt được sự khác nhau cơ  bản giữa việc bảo vệ doanh nghiệp và bảo vệ đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp – ông Hưng nhấn mạnh.

Nhà đầu tư nào cũng đáng quý, đáng trân trọng

Khi được hỏi về hiện tượng thâu tóm các công ty cổ phần hóa nhằm mục đích khai thác đất vàng và các dự án bất động sản, ông Hưng cho biết tất cả các nhà đầu tư đều đáng quý và đáng trân trọng như nhau. Họ luôn biết cách sử dụng đồng tiền sao cho có ích nhất. Đồng tiền lúc này không phải là của cá nhân họ nữa, mà là do huy động từ nguồn này nguồn kia của xã hội… Chính vì vậy, việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia rộng mở vào quá trình cổ phần hóa, là cực kỳ cần thiết.

Không can thiệp vào nhận định của bộ phận phân tích

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, thị trường biến động đa chiều, có mua có bán. Chính vì vậy, nhận định của các Công ty chứng khoán không thể có kiểu đồng lòng “nói theo một kiểu” được.

Ngay bộ phận phân tích của SSI (SSI Research) – ông Hưng cũng không can thiệp vào nhận định thị trường của họ. Mặc dù, cũng có lúc những nhận định SSI Research đưa ra trái với nhận định của Chủ tịch SSI. Nhận định của CTCK là kết quả nghiên cứu đánh giá của bản thân họ, không bị ảnh hưởng hay chỉ đạo của bất kỳ ai. Trên thực tế, cuối mỗi bài phân tích của các CTCK luôn có phần miễn trừ trách nhiệm, nhắc nhở Nhà đầu tư thận trọng khi tham khảo các nhận định được đưa ra và phải tự chịu trách nhiệm về những quyết định đầu tư của mình.

Những nhân định của ông Hưng khiến người ta nhớ đến đánh giá của Chủ tịch UBCKNN – ông Vũ Bằng khi cho rằng phân tích, bình luận của các CTCK là chưa chuẩn, chưa thực sự khách quan.


Tháng đầu tiên năm 2016: Khối ngoại bán ròng hơn 1.256 tỷ đồng

Riêng VIC đã bị khối ngoại bán ròng 1.002 tỷ đồng trong tháng 1/2016.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khởi đầu một năm mới với kết quả không được như mong đợi của các nhà đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1/2016, với mức giảm 33,78 điểm (-5,8%) xuống còn 545,25 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm 3,09 điểm (-3,9%) xuống 76,87 điểm.

Đáng chú ý, bên cạnh khối nhà đầu tư trong nước, trong tháng 1 vừa qua, những diễn biến tiêu cực của khối nhà đầu tư nước ngoài cũng đã góp phần đáng kể vào sự sụt giảm của thị trường.

Tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX, khối ngoại đã thực hiện mua vào hơn 201,2 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 5.228 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 228,28 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 6.484,8 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt hơn 27 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng đạt gần 1.256,7 tỷ đồng.

 

Trên sàn HOSE, khối ngoại có tháng bán ròng thứ 3 liên tiếp, với giá trị bán ròng giảm 34,6% so với tháng 12 và đạt hơn 1.305 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng đạt trên 32,4 triệu cổ phiếu. Trong đó, họ mua vào gần 167 triệu cổ phiếu và bán ra hơn 199,4 triệu cổ phiếu. Giá trị mua vào đạt hơn 4.791,7 tỷ đồng, còn giá trị bán ra đạt 6.097,6 tỷ đồng. Như vậy, trong 3 tháng vừa qua, khối ngoại trên HOSE đã bán ròng lên tới 3.794,7 tỷ đồng.

 

Trái ngược với HOSE, khối ngoại trên HNX trong tháng 1/2016 đã mua ròng trở lại hơn 49 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt hơn 5,4 triệu cổ phiếu. Giao dịch của khối ngoại trên HNX tháng vừa qua diễn ra khá sôi động, họ mua vào gần 34,3 triệu cổ phiếu, trong khi bán ra hơn 28,8 triệu cổ phiếu, với giá trị mua vào đạt hơn 436,4 tỷ đồng, còn giá trị bán ra đạt trên 387 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng hơn 1.002 tỷ đồng cổ phiếu VIC

Khối ngoại trên HOSE trong tháng 1/2016 vừa qua đẩy mạnh bán ròng cổ phiếu VIC, với giá trị lên tới hơn 1.002 tỷ đồng (21 triệu cổ phiếu). Đáng chú ý, đây cũng là tháng thứ 11 liên tiếp, VIC bị khối ngoại bán ròng, với tổng giá trị lên đến 3.657 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, HPG và HAG trong tháng 1 cũng bị bán ròng lần lượt 175,7 tỷ đồng (6,88 triệu cổ phiếu) và 122 tỷ đồng (14 triệu cổ phiếu).

Chiều ngược lại, EIB và CII chia sẻ hai vị trí dẫn đầu về giá trị mua ròng của khối ngoại trên HOSE, đạt lần lượt 147 tỷ đồng và 115 tỷ đồng.

 

Còn trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã DBC, đạt hơn 62,5 tỷ đồng (2,36 triệu cổ phiếu). Đứng thứ hai về giá trị bán ròng là PVS, với hơn 51,3 tỷ đồng (3,68 triệu cổ phiếu). Như vậy, đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp PVS lọt top 10 cổ phiếu bị khối ngoại trên HNX bán ròng mạnh nhất, với giá trị tổng cộng 186 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, PLC được mua ròng mạnh nhất, đạt hơn 25 tỷ đồng. IVS và CEO được mua ròng lần lượt 22,6 tỷ đồng và 18,2 tỷ đồng.

 

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục