tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

“Lộ” tham vọng “khủng” trong đề xuất góp vốn vào Vietstar Airlines

  • Cập nhật : 07/04/2016

(Tin kinh te)

145,2ha đất quốc phòng tại các cảng Hàng không: Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng phải chăng mới là “đích” thực sự của việc vội vã xin cấp phép kinh doanh hàng không cho Vietstar Airlines?

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Góp vốn bằng “tài sản vô hình”?

Như đã thông tin, việc liên doanh Công ty (Cty) cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (VSA) có vốn góp của Cty A41 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân cần được làm rõ bởi Cty này được Bộ Quốc phòng giao quản lý, sử dụng 145,2ha đất quốc phòng tại 3 sân bay trọng yếu của đất nước.

Báo cáo tài chính của VSA thể hiện, trong liên doanh này, tỷ lệ góp vốn của Cty A41 chỉ có 25%, tương ứng với 100 tỷ đồng nhưng không phải là vốn góp bằng tiền mặt. Được biết, khi thành lập liên doanh, các cổ đông của VSA đã ký biên bản định giá vốn góp của Cty A41 vào VSA, các bên đã thống nhất: giá trị tài sản góp vốn 100 tỷ đồng của Cty A41 là tài sản vô hình, bao gồm giá trị thương hiệu và thương quyền của A41 gắn liền với việc Bộ Quốc phòng cho phép sử dụng 145,2ha đất quốc phòng tại 3 sân bay: Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài.

Với cách “vận dụng” câu chữ này, liên doanh đã “lập lờ” việc góp vốn của Cty A41 (thực chất là quyền sử dụng 145,2ha đất quốc phòng, thời hạn 49 năm thành “góp vốn bằng tài sản vô hình”). Với “vốn góp bằng tài sản vô hình” này, hiện VSA đang thực quản lý sử dụng khoảng 70/145ha đất (các diện tích đất còn lại tại Đà Nẵng và Nội Bài đang chờ đền bù, giải tỏa). Hàng năm, VSA chỉ phải nộp tiền thuê đất khoảng 4,8 tỷ đồng tại sân bay Tân Sơn Nhất và 1,2 tỷ đồng tại sân bay Đà Nẵng.

“Ông lớn” Vietnam Airlines muốn “thâu tóm” Vietstar Airlines?

Ngoài 145,2ha đã được giao, Quân chủng Phòng không - Không quân còn có Quyết định số 2223/QĐ-BTL thu hồi 31,15ha đất quốc phòng tại sân bay Cần Thơ do Sư đoàn 379 quản lý để giao cho VSA. Ưu thế lớn về đất đai khiến Vietstar Airlines mặc dù thua lỗ triền miên vẫn “lọt” vào “tầm ngắm” của “ông lớn” Vietnam Airlines (VNA).

Báo cáo số 411 của VNA ngày 9/3/2016 cho biết hãng hàng không này đã khảo sát Vietstar Airlines và lên phương án tham gia góp vốn vào VSA trên cơ sở nhận chuyển giao phần vốn của Quân chủng Phòng không - Không quân tại VSA.

“Sau khi trở thành cổ đông của VSA, VNA sẽ phối kết hợp với VSA trong việc đầu tư xây dựng và khai thác quỹ đất hiện có của VSA (khoảng 145,2ha) tại các cảng hàng không quốc tế. Đây là phương án nhanh nhất cho VNA cũng như các đơn vị có vốn góp (JPA, SkyViet, K6) có thể chủ động về cơ sở hạ tầng tại các sân bay căn cứ, phục vụ cho kế hoạch phát triển đội bay, mở rộng mạng bay và nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh”, báo cáo do ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc VNA ký, nêu rõ.

Đáng lưu ý, Báo cáo này còn phân tích: “Với tỷ lệ nắm giữ 25% vốn điều lệ, Cty A41 không có quyền phủ quyết bất cứ nội dung nào tại Đại hội cổ đông của VSA”.

Và ý đồ của “ông lớn” VNA cũng được “bộc lộc” rõ: “Trường hợp VNA tiếp nhận từ A41 việc tham gia góp vốn tại VSA với tỷ lệ 25% vốn điều lệ thì để đảm bảo cho VNA có quyền phủ quyết đối với các vấn đề lớn tại doanh nghiệp, cần phải có sự cam kết, thống nhất của các cổ đông về việc sẽ quy định trong Điều lệ VSA rằng một số vấn đề lớn của doanh nghiệp chỉ được thông qua nếu được số cổ đông đại diện trên 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp tán thành; hoặc quy định trong Điều lệ VSA rằng toàn bộ số cổ phần của VNA là cổ phần ưu đãi biểu quyết với tỷ lệ 2/1”. Với cách tính toán này, VNA sẽ có 50% cổ phần thay vì 25% trên thực tế.

Cũng trong Báo cáo số 411, “anh cả hàng không Việt Nam” đề xuất: “Các cổ đông của VSA thống nhất việc VNA được giữ tối thiểu một trong các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng Giám đốc Cty này” và kiến nghị phương án tiếp nhận đất đai. Theo đó, phương án 1: đất đai vẫn do Bộ Quốc phòng quản lý, VSA tiếp nhận đất đai trên cơ sở chuyển giao quyền hạn và trách nhiệm. Phương án 2: tiếp nhận đất đai giao từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Giao thông Vận tải, sau đó Bộ Giao thông Vận tải giao trực tiếp cho VSA. Phương án 3: sử dụng đất đai dân sự hóa ngay khi bàn giao cho VSA.

Kế hoạch “thâu tóm” vốn tại Vietstar Airlines sẽ đem lại cho VNA lợi thế rất lớn, như nhận định tại Báo cáo số 411: “Đây là cơ sở để hoạch định sản xuất kinh doanh dịch vụ trên không cũng như mặt đất, tăng nguồn thu, lợi thế cạnh tranh”. Và nếu như thương vụ này thành công, Vietnam Airlines sẽ trở thành “siêu hãng” khi cùng lúc góp vốn, điều hành tới 5 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Jetstar, K6 (liên doanh với Campuchia), SkyViet (đang nỗ lực xin cấp phép dù quá trình tái cơ cấu Vasco bằng “đề xuất lạ” đang gây tranh cãi bởi lo thất thoát tài sản nhà nước hàng trăm triệu USD) và Vietstar Airlines.

Một chuyên gia hàng không cho biết việc các hãng lớn trên thế giới cùng lúc góp vốn, điều hành nhiều hãng hàng không tuy hiếm nhưng không phải hy hữu, song VNA có “siêu năng lực” này không còn cần phải xem xét vào thực tế. Mà thực tế thì liên doanh của VNA và Cambodia Angkor Air thua lỗ, Jetstar được “rót vốn” 2.000 tỷ đồng để phát triển thương hiệu cho nước ngoài khai thác thị trường nội địa nhưng tới nay vẫn chưa có lãi. Thị phần hàng không nội địa của VNA cũng đang mất dần, tới đầu năm 2016 chỉ còn nắm giữ 47,1% thị phần nội địa.

Phớt lờ dư luận, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục “hậu thuẫn” cho Techcombank và Vietnam Airlines?

Trước dư luận và ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, hàng không đề nghị làm sáng tỏ thương vụ VNA và Techcombank góp vốn lập hãng hàng không SkyViet trên cơ sở tái cơ cấu Vasco, những tưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ dừng lại để xem xét, công khai kế hoạch tái cơ cấu Vasco, tổ chức định giá, đấu thầu công khai để chọn nhà đầu tư chiến lược có năng lực, đảm bảo tài sản nhà nước tại Vasco không thất thoát song thật lạ lùng, Bộ này vẫn tiếp tục bao biện và cho rằng: việc xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung cho SkyViet là phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Ngày 31/3/2016, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã ký Văn bản số 1166/ CHK-VTHK đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xem xét và thực hiện các thủ tục chấp thuận cấp giấy phép cho SkyViet.

Động thái “hậu thuẫn” này của Cục Hàng không Việt Nam là bất thường, Báo Pháp Luật Việt Nam đề nghị Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải vào cuộc làm rõ và ngăn chặn ngay hiện tượng “ồ ạt” xin cấp phép hàng không đang diễn ra từ đầu năm 2016 tới nay, công khai để dư luận được biết”.

 

 

Theo Báo Pháp Luật Việt Nam

Trở về

Bài cùng chuyên mục