tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chăm sóc người già: "Thị trường xám" đầy hứa hẹn

  • Cập nhật : 02/06/2016

(Tin kinh te)

Chăm sóc người già là lĩnh vực ngày càng hấp dẫn, dự kiến đạt tới 355 tỉ USD vào năm 2020 trên toàn cầu và tăng trưởng trung bình 7,8% mỗi năm.

Các con số dự báo đã quá rõ ràng: đến năm 2050, số người trên 80 tuổi sẽ tăng gấp đôi tại các nước thuộc khối OECD và tỉ lệ người già trên 80 sẽ tăng từ 3,9% lên tới 9,1%. Khoảng phân nửa có lẽ sẽ cần được giúp đỡ các hoạt động hằng ngày, đặc biệt là những ai mắc những căn bệnh kinh niên như chứng mất trí nhớ Alzheimer, bệnh tim và chứng loãng xương. Hệ thống y tế, vốn được lập ra chỉ để cung cấp chăm sóc y tế bệnh viện cho những người mắc các căn bệnh cấp tính, sẽ phải xoay xở để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho những người cao tuổi này.

Để duy trì hệ thống phúc lợi tốt cho dân số đang suy giảm, thay vì nằm viện, người già có thể được chăm sóc ở những cơ sở được xây dựng dành riêng cho họ - nơi họ được chăm sóc, cho ăn uống, theo dõi, điều trị bệnh - với chi phí rẻ hơn. Một báo cáo trên 20 quốc gia của hãng tư vấn KPMG, cho thấy số người già được chăm sóc tại các cơ sở này có thể tăng tới 68% trong vòng 15 năm tới. Tất nhiên, chế độ chăm sóc y tế ở một nước như thế nào còn tùy thuộc vào văn hóa của nước đó, ngân sách quốc gia và các vấn đề về nhân khẩu học. Công nghệ ngày càng phát triển sẽ cho phép người lớn tuổi sống tại ngôi nhà của chính mình lâu hơn và điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về những dịch vụ nói trên.

Tại Mỹ và Nhật, dịch vụ chăm sóc người già đang bùng nổ. Nhưng trong bối cảnh tài chính công bị siết chặt, chính phủ một số nước đang cắt giảm mạnh các khoản chi trả, hoặc trợ cấp cho các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc người già. Tại Tây Âu, chẳng hạn, chính phủ đang khuyến khích người già ở tại ngôi nhà của mình trong thời gian lâu hơn.

Đây là lý do vì sao thời gian ở tại các cơ sở chăm sóc người già đã giảm từ mức trung bình 3-4 năm cách đây 1 thập niên còn 12-18 tháng hiện nay, theo Max Hotopf, ông chủ của công ty xuất bản Healthcare Business International. Kết quả là hàng ngàn chiếc giường tại các cơ sở chăm sóc người già ở Hà Lan và Thụy Điển đã “biến mất”. Khoảng 5.000 cơ sở chăm sóc nặng nợ tại Anh, chiếm 1/4 tổng số cơ sở, có thể phải đóng cửa trong vòng 3 năm.

cham soc nguoi gia dang tro thanh mot thi truong hap dan, du kien dat toi 355 ti usd vao nam 2020 - anh: webthethao.vn

Chăm sóc người già đang trở thành một thị trường hấp dẫn, dự kiến đạt tới 355 tỉ USD vào năm 2020 - Ảnh: webthethao.vn

Điều đó khiến cho các thị trường mới nổi trở thành một triển vọng hấp dẫn hơn, ít nhất là đối với các công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc châu Âu. Senior Assist, một công ty Bỉ chuyên quản lý các cơ sở chăm sóc người già và hỗ trợ gia đình, đang bành trướng hoạt động ở tại Chile và Uruguay. Nhưng Trung Quốc mới là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng. Người Trung Quốc sẽ dựa rất nhiều vào các cơ sở chăm sóc người già, do chính sách 1 con của nước này cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh: cha mẹ và ông bà nội, ngoại thường phụ thuộc vào chỉ 1 người con, mà người này lại sống xa nhà.

Tuy nhiên, gia đình tại các nước đang phát triển khác lại e dè hơn trong việc giao ông bà cho người lạ chăm sóc. Tại Brazil, Ấn Độ và các nước giàu có hơn ở Trung Đông như Ả Rập Saudi, chăm sóc người lớn tuổi thường phó thác cho các bệnh viện. Tại Brazil, đưa người già ra khỏi gia đình sẽ bị nói ra nói vào. Tại Ấn Độ và Trung Đông, các gia đình phải chăm sóc người lớn tuổi khi họ không ở trong bệnh viện.

Helmut Schuehsler, Tổng Giám đốc TVM Capital Healthcare, một công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân trong lĩnh vực này, cho biết để các bệnh viên không rơi vào tình trạng thiếu giường nằm do bị người già “chiếm chỗ”, nên cung cấp “các dịch vụ an dưỡng” có liên kết với bệnh viện, hoặc ít nhất là cung cấp các dịch vụ chăm sóc người già để tránh việc ai cũng đổ xô đến bệnh viện ngay từ đầu.

Nhìn chung, chăm sóc người già là một thị trường ngày càng trở nên hấp dẫn, dự kiến đạt tới 355 tỉ USD vào năm 2020 trên toàn cầu và tăng trưởng trung bình 7,8% mỗi năm, theo Grand View Research. Tại Ấn Độ, theo ông Hotopf, nhiều người đồng tình rằng việc trang bị thiết bị y tế cho các ngôi nhà sẽ là giải pháp cho những ai có khả năng chi trả cho những dịch vụ như vậy.

Nhưng các giải pháp bổ trợ thêm có giá rẻ hơn và đơn giản hơn cũng có thể giúp cho người lớn tuổi ở nhà cảm thấy thoải mái. Công ty Sen.se, có trụ sở tại Paris, có một thiết bị gọi là Mother. Thiết bị này được gắn rất dễ dàng ở bên hông một lọ thuốc, chẳng hạn. Nếu được đặt tại vị trí thích hợp xung quanh ngôi nhà, chúng có thể theo dõi nhiệt độ căn phòng, thời gian một người nằm trên giường, việc mở tủ lạnh và xem người thân đã uống thuốc chưa. Dữ liệu về người lớn tuổi có thể được theo dõi từ xa qua các ứng dụng trên di động.

Việc trông chừng cha mẹ đã lớn tuổi cũng trở nên dễ dàng hơn. Công ty Revolve đã ra mắt con robot Kubi, sử dụng công nghệ giao tiếp từ xa, giúp một người có thể tương tác trực tiếp với người thân lớn tuổi ở nhà qua máy tính bảng. Còn đối với những ai cần có người giám sát thì hàng loạt các công ty khởi nghiệp ra đời, giúp việc tìm kiếm và thuê người chăm sóc dễ dàng hơn rất nhiều. Các ứng dụng như TenderTree và HomeHero sẽ hỗ trợ tốt việc này.

Các công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc người lớn tuổi và các tổ chức chuyên nghiệp khác có thể tiết kiệm tiền thông qua những cải tiến trong việc theo dõi từ xa. Tại Anh, chẳng hạn, bệnh viện Airedale Hospital đưa dịch vụ telemedicine (chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân từ xa thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin) vào các nơi an dưỡng, các cơ sở chăm sóc người già trong một giai đoạn và nhờ đó, trường hợp nằm viện đã giảm tới hơn 1/3. Đó là vì các y tá, nhờ công nghệ, có thể nắm bắt nhanh được sự cố xảy ra ở các cơ sở chăm sóc người già, biết được liệu chúng có nghiêm trọng hay không để có hướng xử lý thích hợp. Vào tháng 2.2016, bệnh viện này cũng đã thành lập một trung tâm kỹ thuật số mới để cung cấp những dịch vụ như vậy trên diện rộng hơn.


Khánh Đoan
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)

Trở về

Bài cùng chuyên mục