tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

VASEP: Đồng nhân dân tệ mất giá, xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc gặp khó

  • Cập nhật : 21/05/2019

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết Trung Quốc là một trong 4 thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam trên 1 tỷ USD/năm và được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng và có tiềm năng tiêu thụ thủy sản lớn.

vasep: dong nhan dan te mat gia, xuat khau thuy san sang trung quoc gap kho

VASEP: Đồng nhân dân tệ mất giá, xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc gặp khó

Tác động từ nhân dân tệ giảm giá

Sau khi tăng mạnh gần 50% giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam năm 2017 với gần 1,3 tỷ USD, năm 2018, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đảo chiều, giảm 5%, đạt trên 1,2 tỷ USD. Quý I năm nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này vẫn tiếp tục đi xuống, với mức 5% đạt 239 triệu USD.

Bên cạnh những nguyên nhân như Trung Quốc siết chặt thương mại mậu biên, cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador trên thị trường tôm, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu, thì đồng nhân dân tệ (NDT) mất giá cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

Đến giữa tháng 5 đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang bị phá giá thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 12/2018 khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang.

"Trong bối cảnh đồng NDT liên tục bị phá giá và mất giá nhiều hơn so với mức mất giá của đồng Việt Nam đồng trước đồng USD, sẽ tạo ra chênh lệch mất giá giữa đồng so với VND là rất lớn. Vì thế, giá trị của VND so với NDT tăng lên. Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam trong đó có các mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu của Việt Nam", VASEP nhận định.

Theo VASEP, hiện nay có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa, và gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu tôm, và một số doanh nghiệp hải sản.

Một số lượng đáng kể doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ làm giảm doanh số thủy sản xuất khẩu nói chung, và sẽ tác động đến các thị trường khác trong khu vực vì chỉ cần nhu cầu giảm tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế Đông Nam Á.

Xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục giảm

Quý I, xuất khẩu tôm, cá tra Việt Nam sang Trung Quốc đều giảm (tôm giảm 15%, cá tra giảm gần 2%) khiến tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 239 triệu USD. Mặc dù xuất khẩu cá ngừ tăng mạnh 223%, cua ghẹ và cá biển tăng lần lượt 29% và 16% nhưng những sản phẩm này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc, trong khi tôm và cá tra chiếm tới 80% xuất khẩu.

"Mặc dù vẫn đứng thứ 4 trong top các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam nhưng tỷ trọng của thị trường Trung Quốc trong tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm rõ rệt từ 15% năm 2017 xuống còn 14% năm 2018 và tiếp tục xuống 12% trong quý 1/2019", VASEP đánh giá.

Theo Hiệp hội này, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ít nhiều đã và đang gây ảnh hưởng đến thương mại thủy sản của Trung Quốc khiến cung - cầu xáo trộn. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc rõ ràng đang có xu hướng lựa chọn tôm Ấn Độ giá rẻ thay vì tôm Việt Nam trong thời gian gần đây, khiến cho xuất khẩu tôm Việt Nam bị sụt giảm liên tục từ năm ngoái đến nay.

Với các yếu tố không thuận lợi như hiện nay, dự báo xuất thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong năm 2019 khó có thể phục hồi và trong điều kiện lạc quan nhất có thể sẽ tương đương với năm 2018.

Năm 2019, xuất khẩu thuỷ sản đặt mục tiêu chinh phục mốc 10 tỷ USD. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính chung tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả qúy I đạt 1,79 tỷ USD, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I năm nay có 6 thị trường xuất khẩu thủy sản đạt mức cao trên 100 triệu USD, đó là Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và thị trường Đông Nam Á; trong đó xuất sang Trung Quốc đạt 196,59 triệu USD, chiếm 11%, giảm 4,3%.

Nguồn: VnEconomy

Trở về

Bài cùng chuyên mục