tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

World Bank: Đông Á sẽ "già trước khi giàu"

  • Cập nhật : 09/12/2015

(The gioi)

Các nước Đông Á sẽ phải trả giá đắt nếu không có những biện pháp cải cách để giải quyết tình trạng già hóa dân số.

Trung Quốc và các quốc gia có thu nhập trung bình ở Đông Á đang lâm vào tình trạng “già trước khi giàu”, đòi hỏi các nước này phải cải tổ hệ thống y tế và lương hưu. Đây là nhận định vừa được World Bank đưa ra trong báo cáo mới đây.

Theo đó, Đông Á chiếm tới 1/3 số người từ 65 tuổi trở lên và khu vực này đang bị già hóa nhanh hơn so với bất cứ khu vực nào trên thế giới cũng như trong lịch sử. Từ Trung Quốc tới Indonesia hay Việt Nam, các nước đang phát triển không có nhiều của cải (như Nhật Bản) hay dân số trẻ (như Philippines) sẽ gặp khó khăn với tình trạng dân số già hóa quá nhanh.

“Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có thể kiểm soát tình trạng già hóa dân số và tạo nên nền kinh tế năng động bền vững”, Axel van Trotsenburg – Phó Chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương viết trong báo cáo. Tuy nhiên, cũng theo ông, nỗ lực này đòi hỏi những lựa chọn khó khăn về mặt chính trị, trong đó có việc đối mặt với những rủi ro liên quan đến tài khóa.

World Bank dự báo đến năm 2040, Trung Quốc sẽ mất đi khoảng 90 triệu lao động. Tháng 10 vừa qua, nước này đã dỡ bỏ chính sách một con (vốn được áp dụng từ cuối những năm 1970) để tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng. Tuy nhiên, có thể sự thay đổi này là quá muộn và sẽ tỏ ra không hiệu quả vì chi phí để nuôi một đứa trẻ là quá cao.

Cũng theo World Bank, các nước Đông Á sẽ phải trả giá đắt nếu không có những biện pháp cải cách để giải quyết tình trạng già hóa dân số. Đến năm 2070, tỷ trọng tiền chi trả cho lương hưu trên tổng GDP có thể tăng thêm khoảng 12 điểm cơ bản.

Tổ chức này đưa ra một vài khuyến nghị cho các nhóm quốc gia khác nhau trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhóm những nước giàu nhất – bao gồm Hàn Quốc và Singapore – cần khuyến khích phụ nữ và người nhập cư làm việc nhiều hơn. Trong khi đó những nước có dân số trẻ hơn (như Campuchia) phải xây dựng thêm nhiều việc làm hơn cho người lao động cũng như hệ thống lương hưu bền vững hơn.

“Những nền kinh tế có thu nhập trung bình sẽ phải tìm ra giải pháp tăng năng suất một cách bền vững và cải cách hệ thống an sinh xã hội, y tế cũng như chính sách quản lý thị trường lao động. Tuy vậy, vẫn có những lý do để lạc quan (dù thận trọng), vì những công dân trẻ có trình độ cao hơn sẽ được chuẩn bị tốt hơn so với thế hệ trước”, báo cáo viết.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục