tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 26-11-2015

  • Cập nhật : 26/11/2015

Nhật Bản đổ thêm quân đề phòng Trung Quốc

Chính phủ Nhật Bản hôm 24-11 thông báo họ sẽ tăng cường thêm 500 thành viên Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF) tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo tờ Yomiuri Shimbun, 500 binh lính GSDF sẽ được triển khai tới đảo Ishigakijima ở tỉnh Okinawa để gia tăng sức mạnh phòng vệ cho quần đảo Nansei. Trong tuần này, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kenji Wakamiya sẽ tới Ishigakijima để bàn bạc thêm với thị trưởng Yoshitaka Nakayama về chương trình phân bổ quân sự kể trên.

Kế hoạch cũng bao gồm việc triển khai các đơn vị an ninh, tên lửa và giám sát có khả năng xử lý thảm họa và các cuộc tấn công nhằm vào một số hòn đảo hẻo lánh của Nhật Bản. Cụ thể, một đơn vị giám sát 150 người sẽ được gửi đến đảo Yonagunijima, cực Tây Nhật Bản.

Các đơn vị an ninh và tên lửa được triển khai theo tài khóa năm 2018 với 700-800 nhân viên quân sự tới đảo Miyakojima, tỉnh Okinawa và 550 nhân viên tới đảo Amami-Oshima, tỉnh Kagoshima.

bang tom tat ke hoach phan bo nhan vien quan su cua nhat ban toi quan dao nansei. anh: johngaltfla

Bảng tóm tắt kế hoạch phân bổ nhân viên quân sự của Nhật Bản tới quần đảo Nansei. Ảnh: Johngaltfla

Tokyo còn dự định triển khai cả tên lửa đất-đối-không tầm xa và tên lửa đất-đối-hạm tới các đảo Ishigaki, Miyako và Amami-Oshima nhằm tăng sự răn đe đối với máy bay chiến đấu và chiến hạm tìm cách tiếp cận lãnh thổ Nhật Bản.

Trước đó, ngày 11 và 12-11, tàu giám sát của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực tiếp giáp – khoảng 22 km ngoài khơi quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) - ở tỉnh Okinawa.

Quần đảo Nansei có vị thế quan trọng đối với an ninh quốc gia Nhật Bản, mở rộng khoảng 1.200 km nhưng GSDF chỉ đóng quân trên đảo Okinawa. Với hành động thêm quân và khí tài, quân đội Nhật Bản đang muốn khẳng định việc bảo vệ chủ quyền các đảo của mình cho dù có sự hỗ trợ của Mỹ hay không, nhất là khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động trên biển Hoa Đông.

Trong khi đó, giới quân sự Mỹ ngày 24-11 cho biết Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở châu Phi, dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng đang gia tăng của Bắc Kinh vượt ra khỏi cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân đội Mỹ tại châu Phi, Tướng David Rodriguez, cho biết Trung Quốc đã ký bản hợp đồng trong 10 năm với Djibouti và đang xây dựng căn cứ quân sự tại nước này. Tướng Rodriguez cho rằng hiện nay hoạt động của Trung Quốc tại châu Phi không mang tính khiêu khích vì quân đội của họ tham gia sứ mệnh của Liên HIệp Quốc và huấn luyện quân đội châu Phi.

Tuy nhiên, về lâu dài, đây là một tính toàn hoàn hảo bởi căn cứ này còn có một sân bay cho phép Trung Quốc cải thiện khả năng thu thập tình báo về bán đảo Ả Rập, Ai Cập, Đông Libya và Trung Phi.

Sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi là một thách thức đối với vai trò của Mỹ. Nước này chỉ có 1 căn cứ ở châu Phi.


Ông Ban Ki-moon nói nhận được ‘tín hiệu tích cực’ từ Triều Tiên

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết ông đã nhận được "một vài tín hiệu tích cực" từ Triều Tiên về kế hoạch ông đến thăm đất nước này.

"Gần đây đã có một chút tín hiệu tích cực từ phía CHDCND Triều Tiên và hiện chúng tôi đang cân nhắc khi nào là thời điểm tốt nhất để thăm Triều Tiên nhưng cho đến nay chưa đưa ra được quyết định nào" - hãng tin AFP dẫn lời ông Ban nói trước các PV Hàn Quốc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm 23-11.

tong thu ky lien hiep quoc ban ki-moon. anh: afp

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon. Ảnh: AFP

"Chúng tôi sẽ nỗ lực đưa ra quyết định vào một ngày sớm nhất có thể" - ông Ban trả lời khi được hỏi về việc khi nào chuyến thăm của ông đến Triều Tiên có thể diễn ra.

Các phát ngôn này của ông  được công bố bởi văn phòng báo chí của Liên Hiệp Quốc hôm 24-11. Ông Ban Ki-moon nói rằng mặc dù chưa định được thời gian thăm Triều Tiên nhưng ông đã thảo luận về chuyến thăm với Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-young khi ông đến Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.

Nếu chuyến đi diễn ra, ông Ban Ki-moon sẽ trở thành Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đầu tiên đặt chân đến Triều Tiên trong hơn 20 năm và là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un kể từ khi ông Kim lên nắm quyền cách đây gần bốn năm.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) hồi tuần trước đưa tin rằng ông Ban Ki-moon đã có kế hoạch đến thăm Triều Tiên nhưng Liên Hiệp Quốc cho biết không có chuyến thăm nào như vậy trong lịch trình của ông Ban.

Ông Ban Ki-moon nói rằng: "Cần có gian để sắp xếp công việc và vì lúc này có nhiều vấn đề nhạy cảm, tôi yêu cầu mọi người kiên nhẫn theo dõi tình hình".

Trước đó, từng có hai vị tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đến thăm Triều Tiên vào năm 1979 và 1993 là Kurt Waldheim và Boutros Boutros-Ghali. Hai vị này đã gặp lãnh đạo  Kim Il-Sung để thảo luận về tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.


Philippines tin có thể thắng kiện Trung Quốc

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan hôm 24-11 bắt đầu phiên điều trần mới về vụ Philippines kiện những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông.

Báo The Guardian (Anh) cho biết phiên điều trần này dự kiến kéo dài đến ngày 30-11 và không mở cửa cho công chúng tham gia. Tuy nhiên, các đoàn từ Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Nhật Bản được phép tham dự.

Theo đài CNN, dẫn đầu nhóm pháp lý gồm 48 thành viên của Philippines tại phiên điều trần là Tổng Chưởng lý Florin Hilbay và Ngoại trưởng Albert del Rosario. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết Manila đã chuẩn bị kỹ lưỡng và “lạc quan một cách thận trọng” rằng mình sẽ thắng kiện.

Các thành viên phái đoàn Philippines chuẩn bị tham gia một phiên điều trần của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan Ảnh: Rappler
Các thành viên phái đoàn Philippines chuẩn bị tham gia một phiên điều trần của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan Ảnh: Rappler

Phiên điều trần trên diễn ra sau khi PCA hồi 29-10 phán quyết rằng họ có thẩm quyền xem xét 7 trong số 15 điểm được nêu ra trong vụ kiện. Điều này có nghĩa Philippines giờ đây có thể trình bày lập luận để chứng tỏ những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là trái pháp luật, trong đó có cái gọi là “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra nhằm độc chiếm biển Đông.

Trung Quốc cho đến giờ vẫn từ chối công nhận thẩm quyền xem xét vụ kiện của PCA, đồng thời chỉ muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương.

Ngoài việc coi thường luật pháp quốc tế, Trung Quốc còn dùng “chiêu bài” kinh tế để xoa dịu sự phản đối về vấn đề biển Đông. Mới nhất, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 23-11 cho biết Bắc Kinh sẽ mua thêm trái phiếu kho bạc của Malaysia, đồng thời dành hạn ngạch 50 tỉ nhân dân tệ cho Malaysia đầu tư vào thị trường vốn Trung Quốc và giúp xây dựng cơ sở hạ tầng giá rẻ.

Đây là bước đi dễ hiểu bởi Malaysia gần đây bắt đầu công khai chỉ trích hoạt động xây đảo nhân tạo ở biển Đông là “sự khiêu khích phi lý”.


Nhật Bản ủng hộ các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết ông ủng hộ việc Mỹ điều tàu USS Lassen tiến gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông.

Ông Nakatani đã có chuyến thăm đến đảo Hawaii gặp gỡ các quan chức quốc phòng Mỹ, lần đầu tiên kể từ lúc Nhật Bản thông qua luật cho phép quân đội nước này tham chiến ở nước ngoài.

Đây được xem là tín hiệu cho thấy Nhật Bản đang sẵn sàng can dự nhiều hơn vào việc phối hợp với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ. Ông Nakatani đã nhận xét về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và bồi đắp phi pháp, và ủng hộ quan điểm tự do hàng hải của Mỹ.

“Cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép việc đơn phương thay đổi hiện trạng (các đảo, đá) bằng vũ lực, và chúng tôi tin vào điều này. Mỹ cũng có niềm tin tương tự, và chúng tôi đồng ý với nhau về quan điểm ấy”, AP dẫn lời ông Nakatani nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, tại Hawaii ngày 23.11.

Hải quân Mỹ vào tháng 10 đã đưa tàu USS Lassen tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Đá Xu Bi thuộc quẩn đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái này được xem là sự thách thức của Mỹ đối với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Trong bối cảnh ấy, việc Nhật Bản thông qua luật cho phép quân đội chinh chiến ở nước ngoài là tín hiệu tốt cho phía Mỹ, khi nó cho phép Nhật Bản bảo vệ tàu Mỹ một khi nó bị tấn công, theo AP.

“Chúng tôi đã tích cực tham gia vào các hoạt động thúc đẩy sự ổn định trong khu vực, bao gồm cả việc hỗ trợ xây dựng năng lực của các nước trên Biển Đông và tiếp tục tiến hành tập trận với quân đội Mỹ”, ông Nakatani nói.


Nhiều đảng viên Trung Quốc tiếp tay 'khủng bố Tân Cương'?

Một quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc ở vùng Tân Cương nói rằng nhiều đảng viên không còn trung thành với đảng, quay lưng lại với các đồng chí của mình và "ủng hộ khủng bố", theo Reuters ngày 24.11.
Đây được xem là những bình luận hiếm hoi, cho thấy tồn tại những bất đồng trong giới chức ở Tân Cương về chính sách của Bắc Kinh đối với khu tự trị này, khu vực được đặt dưới sự kiểm soát gắt gao của cảnh sát và quân đội Trung Quốc.
Ông Xu Hairong, Bí thư Ủy ban giám sát kỷ luật đảng ở Tân Cương, nói rằng Trung Quốc đang ở thời kỳ "đối mặt với khủng bố và cuộc chiến chống li khai căng thẳng". Theo ông Xu, trong khi hầu hết các đảng viên trung thành với đảng và chính quyền khu tự trị, nhiều đảng viên chỉ trích chính sách của trung ương, công khai chống lại đảng.
"Một số người dao động, chống đoàn kết dân tộc, quốc gia thậm chí còn ủng hộ việc tham gia thực hiện các hành động khủng bố” ông Xu phát biểu trên một tờ báo của Ủy ban, theo Reuters.
Phát biểu của ông Xu được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu sau một loạt vụ tấn công khủng bố ở Pháp, Mali, Ai Cập và Li Băng. Bắc Kinh cũng kêu gọi các nước giúp đỡ tiêu diệt khủng bố ở Tân Cương.
Vùng đất Tân Cương thường xảy ra những cuộc bạo động, đánh bom tự sát từ nhiều năm qua, làm hàng trăm người thiệt mạng. Bắc Kinh cáo buộc những phần tử cực đoan Hồi giáo đòi ly khai thuộc tộc người Duy Ngô Nhĩ phối hợp với lực lượng khủng bố nước ngoài đứng đằng sau những vụ khủng bố này nhằm gây bất ổn cho Tân Cương.
Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở vùng đất này dẫn đến những phản ứng gay gắt từ người dân bản địa Duy Ngô Nhĩ đối với chính sách đồng hóa văn hóa và tôn giáo của Trung Quốc lên họ. Bắc Kinh luôn phản đối những cáo buộc này.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục