tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 24-01-2016

  • Cập nhật : 24/01/2016

Mỹ tuyên bố Trung Quốc đang tự cô lập ở biển Đông

Bộ trưởng Carter cáo buộc Trung Quốc đang gây thêm căng thẳng ở biển Đông và vẫn lặp lại rằng Mỹ không phải là bên gây thêm những căng thẳng này. 

phuong tien nao vet cua trung quoc o bai vanh khan thuoc quan dao truong sa - anh:reuters

Phương tiện nạo vét của Trung Quốc ở bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh:Reuters

Hãng tin Reuters dẫn lời ông chủ Lầu Năm Góc cho biết Washington không muốn xảy ra xung đột với Bắc Kinh nhưng quân đội Mỹ vẫn duy trì hoạt động của mình ở khu vực biển Đông.

Điều này đồng nghĩa với việc hải quân và không quân Mỹ vẫn sẽ tiếp tục bay, chạy tàu cũng như hoạt động ở bất cứ nơi nào ở biển Đông theo luật pháp quốc tế. 

Bộ trưởng Carter cáo buộc Trung Quốc đang gây thêm căng thẳng ở biển Đông và vẫn lặp lại rằng Mỹ không phải là bên gây thêm những căng thẳng này. 

“Chúng tôi không yêu cầu người ta đứng về phía mình. Chúng tôi nhận thấy rằng các nước đang đến với chúng tôi ngày một nhiều. Vì sao như thế ? Đó là vì Trung Quốc đang thực hiện các bước mà tôi quan ngại rằng họ đang tự cô lập mình ”- Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói tại diễn đàn kinh tế Davos.

Trung Quốc gần đây đã xây dựng nhiều đường băng sân bay trên các đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép ở biển Đông. Thậm chí, Bắc Kinh còn đang cho thử nghiệm các cơ sở dân sự và quân sự ngay trên các đảo này, bất chấp phản ứng của các nước trong khu vực.

Bắc Kinh từng nói rằng nước này không quân sự hóa ở biển Đông. Song, ngay sau đó lại nói ngược rằng sẽ sẵn sàng bảo vệ những cơ sở hạ tầng do nước này xây dựng trái phép ở khu vực trên, nếu cần thiết.


Ông Bounnhang Volachith làm Tổng bí thư Lào

Theo TTXVN, ngày 22-1 Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chúc mừng Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào khóa X Bounnhang Volachith.

Trước đó chiều 22-1 tại thủ đô Vientiane, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã bế mạc sau năm ngày làm việc. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào lần thứ X gồm 69 ủy viên chính thức và 8 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành trung ương đã bầu ông Bounnhang Volachith giữ chức Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào khóa X.

Trong bức điện, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gửi tới ông Bounnhang Volachith những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất nhân dịp ông được bầu giữ chức Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào do ông Bounnhang Volachith làm Tổng bí thư, nhân dân Lào anh em sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng; xây dựng thành công nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chúc mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.


Mỹ yêu cầu Trung Quốc cấm vận năng lượng với Triều Tiên

Trong dự thảo đề xuất của Mỹ gửi Trung Quốc về các nội dung trừng phạt Triều Tiên, ngoài việc cấm bán dầu, còn cấm cả các chuyến bay của hãng Air Koryo.

bao nhat dua tin chinh quyen tong thong obama da soan thao de xuat trung phat trieu tien, trong do dua viec trung quoc cung cap nang luong cho binh nhuong thanh van de trung tam trong so cac lenh trung phat moi cua hoi dong bao an lhq se ap len trieu tien - anh: upi

Báo Nhật đưa tin chính quyền tổng thống Obama đã soạn thảo đề xuất trừng phạt Triều Tiên, trong đó đưa việc Trung Quốc cung cấp năng lượng cho Bình Nhưỡng thành vấn đề trung tâm trong số các lệnh trừng phạt mới của Hội đồng bảo an LHQ sẽ áp lên Triều Tiên - Ảnh: UPI

Theo UPI, Mỹ đã có kế hoạch yêu cầu Trung Quốc áp lệnh cấm bán dầu mỏ cho Triều Tiên, cấm nhập khẩu khoáng sản của Triều Tiên, trong đó có quặng thép và than antraxit.

Dẫn nguồn tin ngoại giao giấu tên, hãng thông tấn Kyodo của Nhật cho biết chính quyền tổng thống Barack Obama đã chuẩn bị một dự thảo gồm những nội dung trừng phạt Bình Nhưỡng sau vụ thử bom H vừa qua.

Theo đó, việc cung ứng năng lượng của Trung Quốc với Triều tiên sẽ trở thành tâm điểm trong số các lệnh trừng phạt mới của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc áp lên CHDCND Triều Tiên.

Dự thảo cũng đề xuất cấm các chuyến bay của hãng hàng không Air Koryo của CHDCND Triều Tiên hoạt động tại các nước khác. Bắc Kinh - thủ đô Trung Quốc là khu vực có nhiều du khách di chuyển bằng đường không tới Bình Nhưỡng nhất.

Ngày 221- tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản cho biết, nội dung các đề xuất trừng phạt Bình Nhưỡng của Mỹ còn bao gồm kế hoạch siết chặt việc kiểm soát hàng hóa của Triều Tiên.

Cụ thể hơn, đề xuất này nhắm vào nhóm hàng hóa của Bình Nhưỡng vẫn thường sử dụng cảng biển Đại Liên của Trung Quốc làm điểm trung chuyển trong quá trình giao thương.

Một quan chức giấu tên của Hội đồng bảo an LHQ nói với tờ Asahi: “Nếu việc rà soát hàng hóa được triển khai tại cảng Đại Liên, sẽ có nhiều hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên bị kiểm soát hơn”.

Đầu tuần này thứ trưởng ngoại giao Mỹ Tony Blinken cho biết Trung Quốc là thành viên chủ chốt trong việc ủng hộ nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều tiên.

Tuy nhiên báo Hankyoreh của Hàn Quốc cho rằng có thể Bắc Kinh sẽ không hoan nghênh những biện pháp trừng phạt mạnh tay với Bình Nhưỡng.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên xấu đi thời gian qua và gần đây Bắc Kinh cũng lên tiếng chỉ trích vụ thử bom hạt nhân lần thứ tư của Bình Nhưỡng.

Ngày hôm qua, 22-1, Bình Nhưỡng ra tuyên bố có vẻ như muốn nói đến những căng thẳng này giữa hai nước.

Tờ Rodong Sinmun dẫn thông báo từ chính quyền Triều Tiên: “Việc chúng ta có nhận được sự ủng hộ từ bên ngoài hay không cũng sẽ không ảnh hưởng gì tới Triều Tiên. Không có gì nguy hiểm hơn với một quốc gia độc lập thịnh vượng và mạnh mẽ là sự lệ thuộc vào các nước bên ngoài”.


Trung Quốc gỡ bỏ tọa độ hoạt động giàn khoan Hải Dương 981

Ngày 22-1, Cục hải sự Trung Quốc đã gỡ bỏ thông báo tọa độ hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang shiyou 981) chỉ sau 2 ngày ban bố trên trang web của họ .

tau tuan duyen trung quoc di kem gian khoan haiyang shiyou 981 - anh:tuoitrenews.vn

Tàu tuần duyên Trung Quốc đi kèm giàn khoan Haiyang Shiyou 981 - Ảnh:tuoitrenews.vn

Cơ quan này trước hết đã xóa và sau đó là gỡ bỏ hoàn toàn thông báo đăng trên trang web msa.gov.cn hôm 20 -1.

Thông báo trước đó cho biết Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 tại giếng 25-2-1 Lăng Thủy, cách TP nghỉ dưỡng Tam Á ở tỉnh Hải Nam 140 km về phía nam và cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 150 km về phía Tây.

Hiện Cục hải sự Trung Quốc chưa đưa ra bình luận cụ thể nào liên quan đến việc gỡ bỏ thông báo này. 

Trong khi đó, trang web trên vẫn còn để nguyên thông báo từ ngày 12-12-2015, khi đó Trung Quốc đưa giàn khoan này xuống giếng Lăng Thủy 24-1-1, cách Tam Á khoảng 170 km về phía tây nam và cách quần đảo Hoàng Sa chỉ 70km về phía tây bắc.

Thông báo này ban đầu nói rằng giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động ở vị trí này cho đến ngày 10-2-2016.

Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 20-1 nói rằng Hải Dương 981 không khoan thăm dò trong vùng biển tranh chấp.

Hiện nay, công ty TNHH dịch vụ mỏ dầu Trung Quốc (COSL) vốn là công ty con của tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) quản lý giàn quan này. COSL cũng chưa có bình luận gì về vụ việc.

Tại cuộc họp báo sau khi có thông tin Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào cửa vịnh Bắc Bộ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 19-1 nêu rõ Việt Nam quan ngại và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi khu vực này.

"Đây là khu vực chồng lấn giữa thềm lục địa miền Trung Việt Nam và thềm lục địa đảo Hải Nam Trung Quốc, là khu vực chưa được hai bên phân định. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tiến hành hoạt động khoan và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này;

Đồng thời Việt Nam bảo lưu mọi quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8-2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan này xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp những quan ngại của cộng động quốc tế và phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam.


Ông Putin từng yêu cầu tổng thống Syria từ chức?

 Nhiều tuần trước khi qua đời ngày 3-1, tướng Igor Sergun - giám đốc cơ quan tình báo quân sự Nga GRU đã được điều tới Damascus để gửi thông điệp yêu cầu ông Assad từ chức.

tuong igor sergun (trai) tung duoc tong thong nga cu lam dac phai vien toi syria yeu cau tong thong assad tu chuc - anh: afp

Tướng Igor Sergun (trái) từng được tổng thống Nga cử làm đặc phái viên tới Syria yêu cầu tổng thống Assad từ chức - Ảnh: AFP

Theo Financial Times, tướng Igor Sergun - được cho là người có kinh nghiệm, từng là điệp viên tại Syria từ thời Xô Viết, đã mang thông điệp của tổng thống Vladimir Putin gửi tới ông Bashar al-Assad: Điện Kremline, lực lượng quốc tế hùng mạnh nhất bảo vệ cho nhà lãnh đạo Syria tin rằng đã đến lúc ông Assad nên từ chức.

Tuy nhiên ông Assad kiên quyết từ chối đề nghị này.

Thông tin về sứ mệnh của tướng Igor Sergun do hai quan chức tình báo cao cấp của phương Tây tiết lộ với Financial Times. Cũng theo báo này, Bộ ngoại giao Nga đã chuyển yêu cầu phản hồi về thông tin này tới Bộ quốc phòng Nga, tuy nhiên Bộ quốc phòng Nga trả lời không thể bình luận.

Tuy nhiên ngày hôm qua, 22-1, trả lời câu hỏi của một phóng viên về việc có phải nhà lãnh đạo của Nga đã từng yêu cầu ông Assad từ chức không, một phát ngôn viên của tổng thống Vladimir Putin phủ nhận: “Không, không có chuyện đó”.

Ông Assad mất quyền kiểm soát đất nước năm 2011 và phải đối đầu với một loạt các nhóm vũ trang nổi dậy trong nước, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Chuyến đi của tướng Igor Sergun ngoài việc chuyển thông điệp của tổng thống Nga yêu cầu ông này từ chức còn đề nghị một quá trình chuyển giao quyền lực cho các thành viên khác trong chính phủ Syria và để ngỏ khả năng cho các cuộc đàm phán với những lực lượng nổi dậy ôn hòa trong khu vực.

Tuần qua, các quan chức Liên hợp quốc cũng bày tỏ lo ngại về khả năng vòng đàm phán giữa các bên liên quan về một giải pháp hòa bình cho Syria dự kiến ngày 25-1 khó có thể diễn ra đúng như mong đợi, chưa nói tới việc có thể đạt được một đột phá nào đó hay không.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục