tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 17-05-2016

  • Cập nhật : 17/05/2016

Mỹ: Trung Quốc tăng cường lực lượng đổ bộ đe dọa Đài Loan

Ngoài âm mưu lấn chiếm Biển Đông, Trung Quốc tăng gia khả năng tấn công đổ bộ với mục tiêu quân sự là đảo Đài Loan, RFI đưa tin.
tau luot song cua hai quan trung quoc - nguon: defensenews

Tàu lướt sóng của Hải quân Trung Quốc - Nguồn: DefenseNews

Ngoài âm mưu lấn chiếm Biển Đông, Trung Quốc tăng gia khả năng tấn công đổ bộ với mục tiêu quân sự là đảo Đài Loan. Đây là một phần trong bản báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ về tiềm năng quân sự của quân đội Trung Quốc vừa trình lên Quốc hội, RFI của Pháp đưa tin.
Theo nhận định của bộ quốc phòng Mỹ, hiện giờ Trung Quốc không tin là có đủ khả năng đánh chiếm Đài Loan nhưng họ tiếp tục cải tiến vũ khí và phương tiện quân sự chờ cơ hội.
Hiện nay, quân đội Trung Quốc đã thành lập xong 2 sư đoàn đổ bộ cơ động, một lữ đoàn chiến xa lội nước, ba sư đoàn dù, 11 trung đoàn không vận và 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến.
Trung Quốc sắp hạ thủy chiến hạm đổ bộ thứ tư, có khả năng chở 4 chiếc tàu lướt sóng hoặc 4 trực thăng.
Hải quân Trung Quốc cần thêm 30 tàu chở xe tăng, 22 tàu chở quân và đã đã ký hợp đồng với Ukraine để mua tàu lướt sóng. Theo tạp chí quốc phòng Defense News, Bắc Kinh tính nhiều phương án tấn công Đài Loan nhưng chiến thuật quan trọng nhất là phối hợp đổ bộ, nhảy dù, chiến tranh điện tử và phá hoại hậu cần.
Mục tiêu là đánh thủng hoặc lách né hàng rào hỏa lực phòng thủ của Đài Loan trực diện lục địa, lập đầu cầu đổ bộ ở phía bắc hoặc phía nam và sau đó tung quân đánh chiếm các vị trí chiến lược và cuối cùng là tràn ngập hải đảo.
Tin trên được đưa ra trong bối cảnh vào ngày 20/05/2016 bà Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức vào vị trí đứng đầu Đài Loan.

Giới nghiên cứu Nga cảnh báo những thay đổi nguy hiểm ở Biển Đông

Trong thảo luận về hợp tác giữa Việt Nam và Nga, các chuyên gia lưu ý diễn biến nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông đe dọa đến an ninh của nhiều nước. 
cac dai bieu tham du hoi thao. anh: minh duc

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Minh Đức

Trung tâm Đông Nam Á, Úc và châu Đại Dương thuộc Viện Phương Đông, Học viện hàn lâm khoa học Nga cuối tuần qua đã tổ chức hội thảo "Triển vọng phát triển quan hệ Nga - Việt trong giai đoạn mới", nhân dịp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nga.

Các chuyên gia hàng đầu của Nga về Việt Nam đã thảo luận tình hình chung của quan hệ hai nước, về lịch sử, hiệu quả của những dự án hợp tác lớn và các chủ đề mà lãnh đạo hai nước có thể thảo luận trong thời gian hội đàm tại Moscow.

Đề cập tới tình hình biển Đông, các đại biểu lưu ý đến những thay đổi nguy hiểm ở khu vực này, đó là việc Trung Quốc xây dựng các đảo mới và mở rộng những đảo cũ và đặt trên đó những hệ thống tên lửa, căn cứ hải quân và không quân. Điều này tạo nên những đe dọa mới cho an ninh trong khu vực và vi phạm nguyên tắc, đặc biệt là an ninh bình đẳng cho tất cả.

Các chuyên gia khẳng định con đường duy nhất để giải quyết xung đột tại biển Đông là thông qua đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). 

Theo các học giả, mối hợp tác giữa Hà Nội và Moscow là quan hệ tin cậy, gắn bó từ lâu. Việt Nam luôn dành sự ủng hộ cho chính sách của Nga tại Đông Nam Á, trong đó năm 2010 Nga tham gia vào Cấp cao Đông Á, một trong những diễn đàn chủ chốt của khu vực, sau khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai Nga -ASEAN tại Hà Nội. Chương trình làm việc Nga - ASEAN về hợp tác năng lượng giai đoạn 2010-2015 cũng đã được thông qua tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

Việc Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu ký kết Hiệp định tự do thương mại dự kiến sẽ đem lại xung lực mới cho hợp tác kinh tế giữa hai bên. Trọng tâm của quan hệ kinh tế bao gồm năng lượng nguyên tử, khai thác và chế biến dầu và khí đốt, du lịch và nông nghiệp và hợp tác kỹ thuật- quân sự. Các đại biểu cho rằng vấn đề hợp tác kinh tế Việt - Nga cần được thảo luận sâu hơn trong thời gian hội đàm sắp tới giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Medvedev.


Ả Rập Xê Út thách đố Mỹ công cố tài liệu mật vụ khủng bố 11/09/2001

Riyad tuyên bố sẵn sàng chờ Washington công bố báo cáo vụ khủng bố giết chết 3000 nạn nhân để không còn bị áp lực nữa.
ngoai truong my j.kerry (trai) va quoc vuong a rap xe ut salman tai riyad. anh ngay 15/05/2016.

Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry (trái) và Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman tại Riyad. Ảnh ngày 15/05/2016.

Liệu Hoa Kỳ có dám công bố bản báo cáo mật 28 trang về loạt khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 mà Ả Rập Xê Út chiếm vị trí trung tâm? Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ đã đề cập đến hồ sơ nhạy cảm này với đồng sự Ả Rập Xê Út, RFI đưa tin.
Riyad tuyên bố sẵn sàng chờ Washington công bố báo cáo vụ khủng bố giết chết 3000 nạn nhân để không còn bị áp lực nữa.
Theo RFI, khả năng bản báo cáo tối mật này được công bố vào tháng 6/2016 có thể tác hại như một quả bom, 15 năm sau loạt khủng bố 11 tháng 9 mà 15 thủ phạm là công dân Ả Rập Xê Út đã tiến hành khủng bố trên đất Mỹ.
Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, Adel al Jubeir tuyên bố thẳng thừng với đồng nhiệm Hoa Kỳ John Kerry: Cứ bốn hay năm năm một lần, vấn đề này lại được lôi ra như thanh gươm treo lơ lửng trên đầu chúng tôi. Vậy thì Mỹ cứ công bố bản báo cáo mật đó đi.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út gây ngạc nhiên vì cách nay một tháng, nhân chuyến công du của tổng thống Barack Obama, Riyad còn cảm thấy bất lợi khi hay tin Hoa Kỳ chuẩn bị một dự luật theo quy trách nhiệm cho Ả Rập Xê Út trong vụ công dân của mình gây khủng bố tại Mỹ. Dự luật này cho phép thân nhân của 3.000 nạn nhân vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2001, đòi vương quốc dầu hòa vùng Vịnh bồi thường.
Lúc đó, chính quyền Riyad đã đe dọa Hoa Kỳ là sẽ trả đũa về mặt kinh tế, bán đi các công trái phiếu của Mỹ. Hiện tại xứ dầu hỏa này đang nắm giữ 750 tỷ đô la trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ.
Nếu đúng như lời Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út tuyên bố là không có bằng cớ nào buộc tội Ả Rập Xê Út, thì tại sao bản báo cáo dày 28 trang của Ủy ban điều tra 11 tháng 9, được cất kỹ trong tủ sắt của Quốc hội Mỹ suốt 15 năm nay mà chưa bao giờ được phổ biến?

Trung Quốc lại đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông

Trung Quốc ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá từ 16/5 đến 1/8 ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và một phần vịnh Bắc Bộ.
tau ca trung quoc. anh: xinhua

Tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Tân Hoa Xã dẫn nguồn Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, lệnh cấm trên kéo dài hai tháng rưỡi, phạm vi trải dài từ 12 độ vĩ bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.

Lệnh cấm sẽ được áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc lẫn ngư dân nước khác, trong đó có các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông.

Trong thời gian áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng các tàu chấp pháp để "giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm".

Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực.


Mỹ, Nhật, Hàn sắp diễn tập chung chống tên lửa Triều Tiên

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tổ chức diễn tập chung chống tên lửa vào tháng 6 nhằm đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên.
linh my va han quoc trong mot cuoc tap tran chung o pohang, cach thu do seoul 370 km ve phia dong nam. anh: reuters.

Lính Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung ở Pohang, cách thủ đô Seoul 370 km về phía đông nam. Ảnh: Reuters.

Cuộc diễn tập chung ba bên sẽ diễn ra bên lề cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn dầu mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). RIMPAC dự kiến bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến tháng 8 ở quanh Hawaii, Mỹ.

"Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang vạch ra nội dung chi tiết sau khi thống nhất tổ chức diễn tập cảnh báo tên lửa chung nhằm bảo vệ Hàn Quốc tốt hơn trước những mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên", Yonhapdẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay nói.

Quy mô diễn tập sẽ được giới hạn theo khuôn khổ hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo giữa ba nước về năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên ký tháng 12/2014, quan chức trên cho biết thêm.

Theo người này, cuộc diễn tập sắp tới tập trung vào thông tin tình báo cần thiết để phát hiện và theo dõi những vụ phóng tên lửa có thể của Triều Tiên, không bao gồm giai đoạn đánh chặn.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục